Trình bày các chặng đường của nhà thơ Tố Hữu

Hãy trình bày những chặng đường thơ của Tố Hữu (Tố Hữu có những chặng thơ tiêu biểu nào gắn liền với từng chặng đường cách mạng của dân tộc, dưới sự lãnh đạo của Đảng. Trình bày ngắn gọn nội dung chính của các tập thơ đó).

Hướng dẫn làm bài

1 – Mở bài

“Thơ Tố Hữu là thơ của một chiến sĩ cách mạng, thơ của một nhà cách mạng làm thơ” (Xuân Diệu). Thơ ông gắn bó chặt chẽ với cuộc đấu tranh cách mạng nên các chặng đường thơ cũng song hành với các giai đoạn đấu tranh ấy, đồng thời thể hiện sự vận động trong tư tưởng và nghệ thuật của nhà thơ.

2 – Thân bài

– Giai đoạn 1930 – 1945, Tố Hữu viết tập “Từ ấy” (1937 – 1946) gồm ba phần “Máu lửa”, “Xiềng xích” và “Giải phóng” tương ứng với ba chặng đường trong 10 năm hoạt động cách mạng của nhà thơ.

+ “Máu lửa” là tiếng reo náo nức của một tâm hồn được giác ngộ lí tưởng “Từ ấy… rộn tiếng chim”. Nhờ đó, nhà thơ đã nhận ra được ách áp bức giai cấp, những bất công của xã hội và thân phận của con người lao khổ. Ông hướng tâm hồn mình cảm thông với những con người bất hạnh và khơi dậy ở họ lòng căm thù, ý chí chiến đấu và niềm tin ở tương lai.

+ “Xiềng xích” thể hiện lòng yêu đời, khát khao tự do, chiến đấu, hoạt động, quyết không khuất phục uy lực và sự bạo tàn của kẻ thù.

+ “Giải phóng”  – nhà thơ ca ngợi nền độc lập, thể hiện “niềm vui bất tuyệt” trước sự đổi đời vĩ đại của toàn dân tộc.

READ:  Nghị luận xã hội : trò chơi điện tử

– Giai đoạn 1946 – 1954: Tố Hữu có tập thơ “Việt Bắc”. Đây là tập anh hùng ca, ca ngợi cuộc kháng chiến anh hùng và những con người bình dị mà trung dũng của cuộc kháng chiến. Đồng thời tập thơ cũng đã phản ánh những chặng đường gian lao, anh dũng và trưởng thành của cuộc kháng chiến cho đến ngày thắng lợi. Tập thơ cũng ca ngợi những tình cảm điển hình của con người kháng chiến như tình quân dân, tiền tuyến với những hậu phương, miền ngược với miền xuôi, cán bộ với quần chúng, tình yêu thiên nhiên, tình yêu Đảng, Bác Hồ…

– Giai đoạn 1955 – 1975: Ông cho ra đời ba tập thơ:

+ “Gió lộng”: Vừa thể hiện niềm vui, niềm tự hào và tin tưởng ở công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, vừa bày tỏ tình cảm thiết tha của mình với miền Nam và tiếng thét căm thù đòi giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc. Tập thơ còn bày tỏ tình cảm biết ơn đối với cha ông, lòng ân tình cách mạng, tình cảm quốc tế anh em rộng lớn.

+ “Ra trận” (1962 – 1971) là khúc ca ra trận, là mệnh lệnh tiến công và lời kêu gọi, cổ vũ hào hùng cả dân tộc vùng lên quyết đập “tan đầu Mĩ – Ngụy”. “Ra trận” đã dành hẳn một trường ca “Theo chân Bác” để tái hiện hình ảnh Bác trên chặng đường lịch sử trong hơn nửa thế kỉ.

+ “Máu và hoa” tiếp tục ngợi ca, cổ vũ cuộc chiến đấu chống Mĩ, khẳng định ý nghĩa lớn lao, cao cả của cuộc kháng chiến chống Mĩ đối với lịch sử dân tộc và thời đại. Thơ Tố Hữu lúc này cũng thể hiện những suy nghĩ, phát hiện của nhà thơ về dân tộc và con người Việt Nam mà tác giả hết sức ngợi ca, cảm phục.

READ:  Bình giảng 20 dòng đầu của bài thơ “Việt Bắc” của Tố Hữu

Tập thơ còn là khúc khải hoàn, kết thúc cuộc kháng chiến chống Mĩ, cứu nước. Thơ Tố Hữu những năm kháng chiến chống Mĩ cứu nước mang đậm tính chất chính luận và chất sử thi, nhiều chỗ vươn tới âm hưởng hùng ca.

Có thể trình bày thêm: Từ năm 1978 trở lại đây, ông có hai tập thơ “Một tiếng đờn” (1992) và “Ta với ta” (1999): Qua những năm thăng trầm, trải nghiệm trước cuộc đời, Tố Hữu muốn chiêm nghiệm về cuộc sống, về lẽ đời, hướng tới những quy luật phổ biến và kiếm tìm những giá trị bền vững. Giọng thơ vì thế cũng trở nên trầm lắng, thấm đượm chất suy tư.

3 – Kết luận:

Thơ Tố Hữu là một bằng chứng sống cho sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa chính trị và nghệ thuật. Với ngôn ngữ, thể thơ giàu tính đại chúng, cách mạng, thơ Tố Hữu đã truyền được cho hàng triệu độc giả niềm say mê lí tưởng cách mạng.