Đô thị hóa là gì? Thế nào gọi là thúc đẩy quá trình đô thị hóa trên cơ sở phù hợp với nhu cầu phát triển kinh tế – xã hội và sự diễn biến của môi trường?

Đô thị hóa theo nghĩa rộng, là quá trình lịch sử nâng cao vai trò của các thành phố trong việc phát triển xã hội. Quá trình này bao gồm sự thay đổi trong phân bố lực lượng sản xuất, trước hết là trong việc phân bố dân cư, trong kết cấu nghề nghiệp – xã hội, kết cấu dân số, trong lối sống, văn hóa… Theo nghĩa hẹp, đô thị hóa là sự phát triển của thành phố, nhất là các thành phố lớn và việc nâng cao tỉ trọng của số dân thành thị trong các vùng, các quốc gia nói riêng và trên toàn thế giới nói chung.

Quá trình đô thị hóa ngày nay là bạn đồng hành của quá trình công nghiệp hóa và mang tính xã hội, kinh tế đặc biệt. Nét tiêu biểu của nó không phải là sự phát triển các thành phố nói chung, mà là việc tập trung dân cư tại các thành phố lớn và cực lớn với các cụm thành phố, các siêu đô thị.

READ:  Vấn đề gia tăng dân số và tăng trưởng kinh tế

Việc thúc đẩy đúng hướng quá trình đô thị hóa là vấn đề hết sức quan trọng nhằm vừa bảo đảmphát triển kinh tế – xã hội mạnh mẽ, vừa đảm bảo bảo vệ môi trường. ở nước ta, việc cải tạo các thành phố cũ hay xây dựng thành phố mới phải đặc biệt chú ý tới môi trường đô thị nhiệt đới bao gồm các vườn cây xanh, mặt nước hồ, hệ thống nguồn nước sạch và cả vành đai thực phẩm và du lịch ngoại thành. Cần xác định đúng chức năng và loại hình thành phố để có quy hoạch đúng hướng. Vấn đề quy mô dân số cũng phải được đặt ra ngay từ đầu. Ngoài ra, ở nước ta quá trình đô thị hóa không đối lập mà phải có tác động tích cực tới nông thôn bằng quá trình công nghiệp hóa nông nghiệp (bao gồm cả tiểu thủ công nghiệp) và phát triển các công trình phục vụ công cộng, đảm bảo năng lượng và cải tiến kĩ thuật để chế biến nông sản thành hàng hóa cung cấp cho thành thị, tạo điều kiện đẩy mạnh liên kết kinh tế giữa nông thôn và thành thị trong quá trình phát triển.