Bản chất và vai trò của pháp luật – Pháp luật đại cương

3.1 Bản chất của pháp luật.

Nhà nước và pháp luật là sản phẩm của sự phát triển đến một trình độ nhất định của xã hội. Nhà nước và pháp luật là hai hiện tượng xã hội gắn bó hết sức chặt chẽ với nhau. Vì vậy bản chất của pháp luật tương đồng với bản chất của Nhà nước.

bản chất của pháp luật trước hết thể hiện ở tính giai cấp của nó. Tính giai cấp của pháp luật được thể hiện ở chỗ: Pháp luật phản ánh ý chí của giai cấp thống trị trong xã hội, mà nội dung ý chí đó được quy định của điều kiện sinh hoạt vật chất của giai cấp thống trị, do nằm trong tay quyền lực của Nhà nước, giai cấp thống trị đã thông qua Nhà nước để thực hiện ý chí của giai cấp mình một cách tập trung, thống nhất thành ý chí của Nhà nước. Ý chí đó được cụ thể hoá trong các văn bản pháp luật do các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền ban hành.

Tính giai cấp của pháp luật còn được thể hiện ở mục đích điều chỉnh các quan hệ xã hội, trong xã hội có giai cấp, sự điều chỉnh của pháp luật trước hết nhằm mục đích điều chỉnh mối quan hệ giữa các giai cấp, các tầng lớp trong xã hội. Mặt khác nhằm hướng các mối quan hệ xã hội phát triển theo một mục tiêu nhất định, theo một trật tự xã hội phù hợp với ý chí của giai cấp thống trị. Suy cho cùng pháp luật chính là công cụ thể hiện sự thống trị của giai cấp.

Tuy nhiên, pháp luật là một hiện tượng luôn mang tính giai cấp nhưng bên cạnh đó pháp luật còn mang tính xã hội. Bởi vì pháp luật chính là bản thân của đời sống xã hội được nâng lên thành luật. Hay nói cách khác pháp luật xuất hiện từ xã hội, từ nhu cầu của xã hội và pháp luật lại quay lại phục vụ xã hội- pháp luật là công cụ để tổ chức giao lưu mối quan hệ giữa con người với con người. Và với tính cách là những quy tắc xử sự trong xã hội, pháp luật và thực trạng của hệ thống pháp luật còn là kết quả của quá trình  “chọn lọc tự nhiên”, là biểu hiện của nền văn hoá và văn minh của xã hội. Pháp luật khi ghi nhận những khuôn mẫu hành vi mang tính phổ biến, khách quan thì đồng thời cũng có nghĩa là pháp luật mang tính quy luật và phản ánh chân lý khách quan. Với ý nghĩa đó, pháp luật là công cụ để nhận thức xã hội và điều chỉnh các quá trình xã hội đưa đến cho con người những lượng thông tin nhất định về các giá trị và yêu cầu của xã hội.

READ:  Khái niệm, đặc điểm của bộ máy Nhà nước Việt Nam - Pháp luật đại cương

Cùng với tính giai cấp và tính xã hội, pháp luật còn chứa đựng trong mình tính dân tộc. Bất kỳ pháp luật của Nhà nước nào cũng được xây dựng trên nền tảng dân tộc thấm nhuần bản sắc dân tộc, phản ánh những phong tục tập quán, đặc điểm lịch sử, trình độ văn minh và văn hoá của dân tộc. Chính vì vậy mỗi một quốc gia đều có một hệ thống pháp luật riêng của mình, thể hiện những bản sắc dân tộc mình, và đó cũng là một trong các yếu tố, điều kiện đảm bảo tính gần gũi của pháp luật, khiến cho mọi người dễ dàng chấp nhận và tuân thủ.

3.2. Vai trò của pháp luật.

Với tư cách là yếu tố điều chỉnh mối quan hệ xã hội, pháp luật có vai trò đặc biệt quan trọng trong việc đảm bảo sự ổn định và phát triển của xã hội. Để thấy được vai trò đặc biệt quan trọng của pháp luật đó ta có thể xem xét mối quan hệ giữa pháp luật với các lĩnh vực của đời sống xã hội:

  • Pháp luật đối với kinh tế: Pháp luật đóng vai trò là phương tiện hàng đầu của quản lý Nhà nước đối với nền kinh tế, pháp luật xác định vị trí bình đẳng của các cá nhân, tổ chức sản xuất kinh doanh, tạo lập các hành lang pháp lý để cho các cá nhân, tổ chức đó hoạt động. Đồng thời, với tư cách là chủ thể quản lý, Nhà nước dựa vào các chuẩn mực đó mà điều khiển các hoạt động sản xuất, kinh doanh. Thông qua pháp luật, Nhà nước tạo ra môi trường thuận lợi, tin cậy và chính thức cho các hoạt động sản xuất kinh doanh tiến hành đạt hiệu quả.

Pháp luật củng cố và bảo vệ những nguyên tắc vốn có của nền kinh tế thị trường như: Tính quy định của lợi ích, nhu cầu của người tiêu dùng đối với sản xuất, đảm bảo tôn trọng sự cạnh tranh, tính trách nhiệm cao của người sản xuất kinh doanh.

  • Pháp luật đối với xã hội: Là phương tiện điều chỉnh các quan hệ xã hội, pháp luật trước hết là một trong những yếu tố đảm bảo và bảo vệ sự ổn định của xã hội. Một mặt pháp luật ghi nhận và thể chế hoá các quyền con người, quyền công dân và đảm bảo về mặt pháp lý cho các quyền đó được thực hiện. Mặt khác do ghi nhận một cách chính thức các giá trị mà con người có, con người cần và con người ủng hộ mà pháp luật trở thành phương tiện để các thành viên của xã hội có điều kiện để bảo vệ lợi ích hợp pháp của mình.
READ:  Phần 25 bộ câu hỏi thi trắc nghiệm pháp luật đại cương từ câu 701 đến 740

Các vấn đề như phúc lợi xã hội, an toàn tính mạng, tài sản, danh dự và nhân phẩm, tự do, bình đẳng và công bằng đều gắn liền với sự điều chỉnh của pháp luật. Chính vì vậy pháp luật là phương tiện không thể thiếu cho sự tồn tại và ổn định của xã hội.

  • Pháp luật đối với hệ thống chính trị:

Trong quan hệ Đảng lãnh đạo, pháp luật là phương tiện thể chế hoá đường lối lãnh đạo của Đảng, làm cho đường lối đó có hiệu lực thực thi và bắt buộc chung trên quy mô toàn xã hội. Đồng thời pháp luật là phương tiện để Đảng kiểm tra đường lối của mình trong thực tiễn, Vì vai trò quan trọng như vậy, một mặt đòi hỏi chất lượng cao của các đường lối và mặt khác, đòi hỏi chất lượng cao của việc thể chế hoá để đảm bảo có hiệu quả.

Đối với Nhà nước pháp luật là phương tiện tổ chức và hoạt động của chính mình, là sự ghi nhận về mặt pháp lý, trách nhiệm của Nhà nước đối với xã hội và cá nhân công dân, là phương tiện quản lý có hiệu lực đối với mọi mặt của đời sống xã hội. Hơn bất kỳ phương tiện nào, pháp luật là phương tiện chứa đựng trong mình nó sự kết hợp giữa thuyết phục và cưỡng chế, giữa tập trung và dân chủ, giữa năng động sáng tạo với kỷ cương và kỷ luật. Do đó, khi thực hiện các chức năng của mình, Nhà nước không thể không sử dụng phương tiện là pháp luật.

Đối với tổ chức chính trị – xã hội, pháp luật là phương tiện đảm bảo cho quần cúng nhân dân lao động tham gia vào quản lý Nhà nước, quản lý xã hội thông quan các tổ chức chính trị – xã hội của mình. Pháp luật là yếu tố thể chế và phát triển nền dân chủ đảm bảo cho tất cả các quyền lực Nhà nước về nhân dân. Nhân dân dựa vào pháp luật làm phương tiện chống lại những hành vi lộng quyền, bạo lực trực tiếp không có tổ chức.

Như vậy, từ sự phân tích ở trên cho thấy: Pháp luật là công cụ thực hiện đường lối chính sách của Đảng, thực hiện quyền làm chủ của nhân dân lao động và công cụ quản lý chủ yếu của Nhà nước.