Bản chất của Nhà nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam – PLĐC

Nhà nước cộng hòa XHCN Việt Nam thuộc kiểu Nhà nước XHCN. Nhà nước XHCN là Nhà nước kiểu mới, có bản chất khác với bản chất của các Nhà nước bóc lột. Bản nất của Nhà nước XHCN do cơ sở kinh tế xã hội chủ nghĩa và đặc điểm của quyền lực chính trị của Chủ nghĩa xẫ hội quy định: “ Nhà nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là Nhà nước của dân, do dân và vì dân. Tất cả quyền lực của Nhà nước thuộc về nhân dân mà nền tảng là liên minh giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và tầng lớp trí thức”.

Bản chất Nhà nước của dân, do dân và vì dân được cụ thể bằng những đặc trưng sau:

– Nhân dân là chủ thể tối cao của Nhà nước:

Nhà nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ngày nay là Nhà nước do dân mà nòng cốt là do liên minh công-nông-trí thức tự tổ chức thành, tự mình định đoạt quyền lực Nhà nước. Quyền lực Nhà nước Việt Nam không phụ thuộc vào một cá nhân, một nhóm người nào mà thuộc về toàn thể nhân dân. Nhân dân với tư cách là chủ thể tối cao của quyền lực Nhà nước dưới nhiều hình thức khác nhau. Hình thức cơ bản nhất là nhân dân thông qua bầu cử lập ra các cơ quan đại diện quyền lực của mình. Điều 6 Hiến pháp Việt Nam năm 1992 quy định: “Nhân dân sử dụng quyền lực Nhà nước thông qua Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp là những cơ quan đại diện cho ý chí và nguyện vọng của nhân dân”. Ngoài ra, nhan dân còn thực hiện quyền lực Nhà nước của mình thông qua các hình thức kiểm tra, giám sát hoạt động của các cơ quan Nhà nước, hoặc trực tiếp trình bày các yêu cầu kiến nghị của mình đối với các cơ quan Nhà nước.

– Nhà nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là Nhà nước của tất cả các dân tộc trên lãnh thổ Việt Nam là biểu hiện tập trung của khối đoàn kết các dân tộc anh em:

Tính dân tộc của Nhà nước Việt Nam là vấn đề có tính lịch sử, truyền thống lâu dài, chính là nguồn gốc sức mạnh của Nhà nước. Ngày nay đặc tính dân tộc ấy lại được tăng cường và nâng cao nhờ khả năng kết hợp thống nhất giữa tính giai cấp, tính nhân dân, tính dân tộc và tính thời đại. Điều 5 của Hiến pháp Việt Nam năm 1992 khẳng định: “ Nhà nước cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam là Nhà nước thống nhất của các dân tộc cùng sinh sống trên đất nước Việt Nam.

READ:  Quyền sở hữu tài sản - Pháp luật đại cương

Nhà nước thực hiện chính sách bình đẳng, đoàn kết tương trợ lẫn nhau giữa các dân tộc, nghiêm cấm mọi hành vi kỳ thị, chia rẽ dân tộc.

Các dân tộc có quyền dùng tiếng nói, chữ viết, gìn giữ bản sắc dân tộc và phát huy những phong tục, tập quán, truyền thống và văn hoá tốt đẹp của mình…”

– Nhà nước cộng hoà XHCN Việt Nam được tổ chức và hoạt động trên cơ sở nguyên tắc bình đẳng trong các mối quan hệ giữa Nhà nước và công dân:

Trước đây, mối quan hệ giữa Nhà nước với công dân là mối quan hệ lệ thuộc, người dân bị lệ thuộc vào Nhà nước, các quyền tự do dân chủ bị hạn chế, người dân chỉ thấy nghĩa vụ và bổn phận mà không được quyền đòi hỏi.

Ngày nay, khi quyền lực thuộc về nhân dân, mối quan hệ giữabộ máy Nhà nước và công dân đã thay đổi. Đồng thời công dân cũng tự giác thực hiện mọi nghĩa vụ trước Nhà nước. Về phần mình, Nhà nước XHCN cũng tôn trọng các quyền tự do dân chủ của công dân, ghi nhận đảm bảo cho các quyền đó được thực hiện đầy đủ.

Mối quan hệ giữa Nhà nước và công dân được xác lập trên cơ sở tôn trọng các lợi ích giữa các bên. Luật pháp không chỉ quy định địa vị pháp lý của công dân mà còn buộc các cơ quan Nhà nước phải tôn trọng và đưa ra các đảm bảo thực tế cho các quyền ấy, tránh mọi nguy cơ bị xâm hại từ phía các cơ quan Nhà nước, các nhà chức trách.

– Tính chất dân chủ rộng rãi của Nhà nước cộng hoà XHCN Việt Nam, đặc biệt là trong lĩnh vực kinh tế – xã hội:

Dân chủ hoá đời sống văn hoá – xã hội không chỉ là nhu cầu bức thiết của thời đại mà còn là một đòi hỏi có tính nguyên tắc, nảy sinh từ bản chất dân chủ của Nhà nước cộng hoà XHCN Việt Nam trong các điều kiện hiện nay.

Tại điều 5 của Hiến pháp năm 1992 của Nhà nước ta đã nêu rõ: “ Nhà nước phát triển kinh tế hàng hoá nhiều thành phần theo cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước, theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Cơ cấu kinh tế nhiều thành phần với các hình thức tổ chức sản xuất, kinh doanh đa dạng dựa trên chế độ sở hữu toàn dân, sở hữu tập thể, sở hữu tư nhân, trong đó sở hữu toàn dân và sở hữu tập thể là nền tảng”.

READ:  Tổng hợp Tài liệu và Đề thi Pháp luật đại cương

Bản chất Nhà nước xã hội chủ nghĩa Việt Nam không chỉ phản ánh trong các chính sách, đường lối đối nội, mà còn thể hiện trong chính sách đối ngoại. Chính sách và hoạt động đối ngoại của Nhà nước ta thể hiện khát vọng hoà bình của nhân dân ta, thể hiện mong muốn hợp tác trên tinh thần hoà bình, hữu nghị, cùng có lợi với tất cả các quốc gia với phương châm: “ Việt Nam muốn làm bạn với tất cả các nước trên thế giới ”. Điều này đã được khẳng định tại điều 14 của Hiến pháp nước ta năm 1992: “ Nước cộng hoà XHCN Việt Nam thực hiện chính sách hoà bình, hữu nghị, mở rộng giao lưu và hợp tác với tất cả các nước trên toàn thế giới, không phân biệt chế độ chính trị và xã hội khác nhau, trên cơ sở tôn trọng độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của nhau, không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau, bình đẳng và các bên cùng có lợi, tăng cường đoàn kết hữu nghị, và quan hệ hợp tác với các nước XHCN và các nước láng giềng, tích cực ủng hộ và góp phần vào công cuộc đấu tranh chung của nhân dân thế giới vì hoà bình, độc lập dân tộc, dân chủ tiến bộ xã hội…”.

Để có thể đáp ứng đầy đủ các nhu cầu, đòi hỏi thuộc về bản chất của Nhà nước “ của dân, do dân và vì dân ” Nhà nước Việt Nam cần đổi mới nhiều mặt, cải tổ sâu sắc từ cơ cấu tổ chức đến hình thức và phương pháp hoạt động, phù hợp với các quy định của pháp luật để từng bước xây dựng và phát triển thành Nhà nước pháp quyền – một loại hình thức Nhà nước với bản chất nhân đạo, dân chủ và vận hành có trật tự, kỷ cương dưới tính tối cao của luật pháp.