Câu 24: Trình bày khái niệm và đặc điểm của các loại chủ thể luật quốc tế

1. Khái niệm.

Chủ thể của luật quốc tế hiện đại là bộ phận cấu thành cơ bản của quan hệ pháp luật quốc tế, là thực thể tham gia vào quan hệ quốc tế một cách độc lập, có đầy đủ quyền và nghĩa vụ pháp lý quốc tế, đồng thời có khả năng chịu trách nhiệm pháp lý quốc tế do hành vi mà chính nó gây ra.

Dấu hiệu đặc trưng của chủ thể luật quốc tế:

  • Trực tiếp tham gia vào các quan hệ quốc tế do luật quốc tế điều chỉnh.
  • Có ý chí độc lập, không lệ thuộc vào các chủ thể khác trong quan hệ quốc tế.
  • Có quyền và nghĩa vụ một cách riêng biệt đối với các chủ thể khác.
  • Có khả năng độc lập chịu trách nhiệm về mặt pháp lý quốc tế đối với hành vi chính nó gây ra.

2. Các loại chủ thể luật quốc tế:

– Quốc gia – Chủ thể cơ bản và chủ yếu của luật quốc tế (vì đa số các quan hệ quốc tế có sự tham gia của quốc gia và quốc gia là một thực thể có chủ quyền)

Theo quy định tại Điều 1 của Công ước Montendevio 1933 về quyền và nghĩa vụ của quốc gia thì quốc gia bao gồm các yếu tố cơ bản sau: Dân cư ổn định; lãnh thổ được xác định; chính phủ; khả năng tham gia vào các quan hệ với các chủ thể quốc tế khác.

  • Về phương diện pháp lý quốc tế, lãnh thổ xác định được hiểu là quốc gia phải có đường biên giới để phân định lãnh thổ, biên giới với các quốc gia khác. Hay nói cách khác, quốc gia phải có lãnh thổ được xác định và được thể hiện trên bản đồ địa lý hành chính thế giới.
  • Một quốc gia có dân cư ổn định có nghĩa là đại bộ phận dân cư sinh sống, cư trú ổn định lâu dài trên lãnh thổ quốc gia là công dân mang quốc tịch của quốc gia, đồng thời họ có đầy các quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân của quốc gia đó.
  • Ngoài các yếu tố cấu thành quốc gia về lãnh thổ, dân cư và Chính phủ, một quốc gia chỉ có tư cách chủ thể của luật quốc tế khi quốc gia đó là một quốc gia có chủ quyền. Trong các quan hệ quốc tế thời hiện đại, chủ quyền quốc gia được coi là quyền tối cao của các quốc gia. Chủ quyền được thể hiện trong các vấn đề đối nội và đối ngoại. Đối nội: quốc gia các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp và quyền quyết định mọi vấn đề chính trị và các quốc gia khác không có quyền can thiệp. Trong đối ngoại hoàn toàn độc lập không lệ thuộc vào quốc gia nào.
READ:  Câu 21. Tại sao nói những nguyên tắc cơ bản của luật quốc tế là những nguyên tắc mang tính jus cogens? Vai trò của nguyên tắc bắt buộc trong hệ thống pháp luật quốc tế.

– Các dân tộc đang đấu tranh giành quyền tự quyết – Chủ thể đắc biệt của luật quốc tế (đặc biệt ở chỗ nó là một chủ thể đang trong thời kì quá độ tiến lên thành lập một quốc gia độc lập có chủ quyền)

Dân tộc là một cộng đồng nhiều người, khối ổn định chung, được hình thành trong một quá trình lịch sử lâu dài, sinh ra trên cơ sở một ngôn ngữ chung, một lãnh thổ chung, và được biểu hiện trong một nền văn hóa chung.

Đặc trưng:

  • Bị nô dịch từ một quốc gia hay một dân tộc khác
  • Tồn tại trên thực tế một cuộc đấu tranh với mục đích thành lập một quốc gia độc lập
  • Có cơ quan lãnh đạo phong trào đại diện cho dân tộc đó trong quan hệ quốc tế.

– Các tổ chức quốc tế liên chính phủ – Chủ thể hạn chế của luật quốc tế (Bởi nó được hình thành do các quốc gia thỏa thuận, xây dựng lên. Thêm vào đó, quyền và nghĩa vụ quốc tế của tổ chức liên chính phục là do quốc gia trao cho nó thông qua việc kí kết các ĐƯQT)

  • Thành viên của tổ chức quốc tế chủ yếu là các quốc gia.
  • Thành lập và hoạt động trên cơ sở Điều ước quốc tế.
  • Có cơ cấu tổ chức chặt chẽ, phù hợp để thực hiện quyền và nghĩa vụ pháp lý quốc tế nhằm thực hiện mục đích đã đề ra.
  • Có quyền năng chủ thể riêng biệt.