Chức năng của Nhà nước cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam – PLĐC

Cũng như các Nhà nước khác, Nhà nước cộng hoà XHCN Việt Nam có hai chức năng cơ bản: chức năng đối nội và chức năng đối ngoại.

* Các chức năng đối nội:

– Chức năng kính tế:

Trong mỗi thời kỳ lịch sử khác nhau, chức năng kinh tế của Nhà nước có sự khác nhau nhất định nhưng bao giờ nó cũng là chức năng cơ bản, quan trọng nhất của nước ta. Chức năng kinh tế của Nhà nước Việt Nam có những nội dung chủ yếu sau đây:

– Phát triển kinh tế nhanh, có hiệu quả và bền vững, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động theo hướng công nghiệp hoá, hiện đại hoá.

– Thực hiện nhất quán chính sách phát triển kinh tế nhiều thành phần, trong đó kinh tế Nhà nước giữ vai trò chủ đạo; kinh tế tập thể phát triển với nhiều hình thức hợp tác đa dạng, trong đó hợp tác xã là nòng cốt; tạo môi trường kinh doanh cho cá thể, tiểu chủ, kinh tế tư bản tư nhân phát triển; phát triển đa dạng kinh tế tư bản Nhà nước; tạo điều kiện để kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài phát triển.

+ Thúc đẩy sự hình thành, phát triển và từng bước hoàn thiện các loại thị trường theo định hướng XHCN, hình thành đồng bộ cơ chế quản lý kinh tế thị trường định hướng XHCN.

– Tiếp tục đổi mới các công cụ quản lý vĩ mô của Nhà nước đối với nền kinh tế.

– Chức năng xã hội:

Là toàn bộ các mặt hoạt động của Nhà nước nhằm tác động vào các lĩnh vực cụ thể của xã hội. Trong điều kiện đất nước đang chuyển sang cơ chế thị trường chức năng xã hội của Nhà nước ta hướng vào những mục tiêu cơ bản sau đây:

READ:  Quy phạm pháp luật là gì? Phân tích cấu trúc của quy phạm pháp luật. (lấy ví dụ minh họa)

– Xác định giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ là quốc sách hàng đầu, là nền tảng và động lực đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước. Coi trọng việc phát triển giáo dục nhằm nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài.

– Giải quyết việc làm, chăm lo cải thiện điều kiện làm việc cho người lao động.

– Thực hiện chương trình xoá đói, giảm nghèo, thực hiện các chính sách xã hội để bảo đảm an toàn cuộc sống mọi thành viên cộng đồng. Chăm sóc sức khoẻ của nhân dân, chăm sóc và bảo vệ trẻ em.

– Chức năng đảm bảo sự ổn định an ninh – chính trị, bảo vệ các quyền tự do, dân chủ của nhân dân, bảo vệ trật tự an toàn xã hội.

– Giữ vững an ninh quốc gia, bảo đảm sự ổn định chính trị của đất nước, giữ vững trật tự an toàn xã hội, bảo vệ vững chắc những thành quả của cách mạng, phục vụ sự nghiệp xây dựng tổ quốc luôn là một chức năng quan trọng của Nhà nước ta.

– Nhà nước quy định các quyền tự do, dân chủ của công dân, xác lập cơ chế bảo vệ và bảo đảm các quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, tạo ra các điều kiện về chính trị, kinh tế, văn hoá – xã hội để công dân thực hiện đầy đủ và có hiệu quả các quyền tự do, dân chủ của mình, kiên quyết đấu tranh, xử lý nghiêm minh mọi hành vi xâm phạm đến các quyền tự do, dân chủ của công dân.

READ:  Những đặc điểm chung của pháp luật - Pháp luật đại cương

– Bảo vệ trật tự, an toàn xã hội là một trong những đòi hỏi bức thiết của sự nghiệp đổi mới, Nhà nước đổi mới và hoàn thiện hệ thống pháp luật, cải cách tổ chức, nâng cao chất lượng hoạt động của các cơ quan bảo vệ pháp luật, tiến hành các biện pháp cần thiết để ngăn ngừa tội phạm, xử lý nghiêm minh các hành vi vi phạm pháp luật.

* Các chức năng đối ngoại

Hoạt động đối ngoại của Nhà nước ta là một lĩnh vực đặc biệt quan trọng và có ý nghĩa vô cùng to lớn trong việc tạo ra các điều kiện quốc tế thuận lợi . Hoạt động đối ngoại của Nhà nước ta trong điều kiện hiện nay bao gồm:

– Bảo vệ vững chắc Nhà nước xã hội chủ nghĩa, ngăn ngừa mọi nguy cơ xâm lăng từ các quốc gia bên ngoài.

– Thiết lập, củng cố và phát triển các mối quan hệ và sự hợp tác với tất cả các nước có chế độ chính trị – xã hội khác nhau trên nguyên tắc cùng tồn tại hoà bình, tôn trọng độc lập, chủ quyền của nhau, bình đẳng cùng có lợi.

– Thiết lập và tăng cường các nỗ lực chung trong cuộc đấu tranh vì một trật tự thế giới mới, vì sự hợp tác bình đẳng và dân chủ, vì hoà bình và tiến bộ xã hội trên toàn thế giới.