Cơ sở hình thành tư tưởng Hồ Chí Minh về đại đoàn kết dân tộc – TT HCM

a. Tinh thần yêu nước, nhân ái,tinh thần cố kết cộng đồng dân tộc của dân tộc Việt Nam, đại đoàn kết dân tộc đã hình thành và củng cố trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc, tạo thành truyền thống bền vững thấm sâu vào tư tưởng, tình cảm, tâm hồn của mỗi con người Việt Nam. Đối với mỗi người Việt Nam, yêu nước, nhân nghĩa và đoàn kết trở thành một tình cảm tự nhiên, một triết lý sống, thành phép tư duy và ứng xử chính trị.

Nhiễu điều phủ lấy giá gương…
Một cây làm chẳng nên non…

Tất cả đã trở thành dấu ấn trong cấu trúc xã hội truyền thống Việt Nam, tạo thành quan hệ 3 tầng: gia đình, làng xã, quốc gia. (Nhà- làng- nước). Đây cũng chính là sợi dây liên kết các giai tầng, các dân tộc trong xã hội Việt Nam. Truyền thống đoàn kết, nhân ái được phản ánh trong kho tàng văn học dân gian, được các anh hùng trong lịch sử nâng lên thành phép đánh giặc, trị nước.

Tập hợp bốn phương manh lệ,
Trên, dưới đồng lòng, cả nước chung sức,
Tướng, sỹ một lòng phụ tử,
Chở thuyền là dân, lật thuyền cũng là dân…

Đó là tư tưởng tập hợp lực lượng dân tộc của các nhà yêu nước trong lịch sử. Hồ Chí Minh đã sớm kế thừa truyền thống yêu nước-nhân nghĩa-đoàn kết của dân tộc. Người khẳng định “từ xưa đến nay, mỗi khi Tổ quốc bị xâm lăng thì tinh thần ấy lại sôi nổi, nó kết thành một làn sóng vô cùng mạnh mẽ, to lớn, nó lướt qua mọi sự nguy hiểm, khó khăn, nó nhấn chìm tất cả lũ bán nước và lũ cướp nước…”. Hồ chí Minh còn nhấn mạnh phải phát huy truyền thống ấy trong giai đoạn cách mạng mới “phải giải thích, tuyên truyền, tổ chức, lãnh đạo, làm cho tinh thần yêu nước của tất cả mọi người đều được thực hành vào công việc yêu nước, công việc kháng chiến”. Chủ nghĩa yêu nước, truyền thống đoàn kết, cộng đồng của dân tộc Việt Nam là cơ sở đầu tiên, sâu xa cho sự hình thành tư tưởng Hồ Chí Minh về đại đoàn kết dân tộc.

READ:  Đề thi và đáp án thi trắc nghiệm TT HCM

b. Quan điểm của chủ nghĩa Mác-Lênin: coi cách mạng là sự nghiệp của quần chúng, nhân dân là người sáng tạo ra lịch sử, giai cấp vô sản là lực lượng lãnh đạo cách mạng phải trở thành giai cấp dân tộc. Mác nêu khẩu hiệu “Vô sản toàn thế giới liên hiệp lại”. Lênin làm cách mạng vô sản thành công ở nước Nga, lực lượng công – nông là cơ sở để xây dựng lực lượng to lớn của cách mạng, xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc, đại đoàn kết quốc tế. Khẩu hiệu của Mác được mở rộng “Vô sản toàn thế giới và các dân tộc bị áp bức đoàn kết lại”. Chủ nghĩa Mác-Lênin là cơ sở lý luận quan trọng nhất đối với quá trình hình thành tư tưởng Hồ Chí Minh về đại đoàn kết dân tộc. Hồ Chí Minh đến với chủ nghĩa Mác-Lênin vì Người đã tìm thấy con đường giải phóng các dân tộc bị áp bức khỏi ách nô lệ, tìm thấy sự cần thiết và con đường tập hợp lực lượng cách mạng trong phạm vi từng nước và trên phạm vi toàn thế giới.

c. Tổng kết kinh nghiệm thành công và thất bại của các phong trào yêu nước, phong trào cách mạng Việt Nam và thế giới.

Hồ Chí Minh tổng kết, đánh giá các di sản truyền thống về tư tưởng tập hợp lực lượng của các nhà yêu nước Việt Nam tiền bối và các phong trào cách mạng ở nhiều nước trên thế giới, nhất là các phong trào giải phóng dân tộc thuộc địa, từ đó Người rút ra bài học kinh nghiệm để hình thành và hoàn chỉnh tư tưởng về đại đoàn kết của mình. Các phong trào cách mạng Việt Nam thực tế vừa hào hùng, vừa bi tráng đã chứng tỏ nếu chỉ có yêu nước thôi thì không đủ để đánh thắng giặc. “Sử ta đã dạy cho ta rằng, khi nào dân ta biết đoàn kết thì khi đó dân ta giành thắng lợi.”

READ:  Giáo trình môn học Tư tưởng Hồ chí minh cho sinh viên Đại học

Yêu cầu của thời đại mới là phải có lực lượng lãnh đạo đủ sức qui tụ cả dân tộc vào đấu tranh cách mạng, đề ra đường lối cách mạng đúng đắn, xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc bền vững thì mới giành thắng lợi. Hồ Chí Minh đã thấy hạn chế trong phương pháp tập hợp lực lượng của các nhà yêu nước tiền bối, Bác đã tìm cách sang Pháp để tìm hiểu và trở về giúp đồng bào mình.

Khi ở nước ngoài, Hồ Chí Minh khảo sát tình hình các nước tư bản chủ nghĩa và các nước thuộc địa, Bác nhìn thấy tiềm ẩn to lớn của họ và cũng thấy hạn chế là các dân tộc thuộc địa chưa có tổ chức, chưa biết đoàn kết, chưa có sự lãnh đạo đúng đắn. Trong các phong trào cách mạng thuộc địa và phụ thuộc, Hồ Chí Minh đặc biệt chú ý đến cách mạng của Trung quốc và Ấn độ, với tư tưởng là đoàn kết các giai tầng, các đảng phái, các tôn giáo… nhằm thực hiện mục tiêu của từng giai đoạn cách mạng.

Thắng lợi của cách mạng tháng mười Nga, Người đã tìm hiểu thấu đáo con đường cách mạng tháng Mười, bài học kinh nghiệm quý báu, đặc biệt là bài học huy động lực lượng quần chúng công – nông giành và giữ chính quyền xô-viết non trẻ. Người cho rằng đây là cuộc cách mạng đến nơi, đến chốn. Đó là cơ sở thực tiễn cho việc hình thành tư tưởng Hồ Chí Minh về đại đoàn kết dân tộc.