Cuộc đời và sự nghiệp Nhà thơ tác giả nhà thơ Hữu Thỉnh

Hữu Thỉnh (sinh 15/2/1942), tên thật là Nguyễn Hữu Thỉnh, bút danh Vũ Hữu, là một nhà thơ Việt Nam. Là hội viên Hội Nhà văn Việt Nam từ năm 1976, Hữu Thỉnh hiện là chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam (3 nhiệm kỳ liên tiếp) đồng thời kiêm nhiệm Tổng biên tập Báo Văn nghệ. Ông cũng là Đại biểu Quốc hội nước Cộng hoà Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam (khoá X).

Tiểu sử và sự nghiệp

Hữu Thỉnh sinh ngày 15 tháng 2 năm 1942. Sinh ra trong một gia đình nông dân có truyền thống Nho học nhưng ông đã trải qua tuổi thơ ấu không dễ dàng: ở 6 năm với bác ruột, 10 tuổi phải đi phu, làm đủ mọi thứ lao dịch cho các đồn binh Pháp: Vân Tập, chợ Vàng, Thứa, Thanh Vân.

Từ sau hòa bình lập lại, vào năm 1954, Ông mới được đến trường. Năm 1963 ông tốt nghiệp phổ thông và nhập ngũ, trở thành một người lính thuộc Trung đoàn 202. Từ đây Hữu Thỉnh đã tham gia một số hoạt động như chăn bò, học lái xe tăng, làm cán bộ tiểu đội, dạy bổ túc văn hoá, viết báo và làm cán bộ tuyên huấn. Nhiều năm tham gia chiến đấu tại miền Bắc, đã trải qua hầu khắp các chiến trường máu lửa như Đường 9

Sau 1975, Hữu Thỉnh học Sơ cấp Thú y và là một trong số những học sinh khóa đầu tiên của trường.

Từ 1982, ông lần lượt đảm nhiệm các chức vụ cán bộ biên tập, Trưởng ban Chăn nuôi, Phó Tổng Biên tập của Tạp chí Thú y.

Từ 1990 đến nay, Hữu Thỉnh chuyển sang công tác tại Hội Nhà văn Việt Nam, trở thành Tổng Biên tập Tuần báo Văn nghệ, tham gia Ban chấp hành Hội Nhà văn các khoá 3, 4, 5, Ủy viên Ban Thư ký khoá 3.

Hữu Thỉnh đã lần lượt đảm nhiệm chức trách Phó Tổng Thư ký Thường trực Hội Nhà văn Việt Nam (nay là chức Phó Chủ tịch Hội nhà văn Việt Nam), Tổng Thư ký Hội Nhà văn Việt Nam (3 lần)[1], đồng thời kiêm nhiệm Ủy viên Thường vụ Đảng ủy Khối Tư tưởng Văn hoá Trung ương, Bí thư Đảng ủy Đảng bộ Cơ quan Hội Nhà văn Việt Nam, Bí thư Đảng đoàn Hội Nhà văn Việt Nam. Đại biểu Quốc hội nước Cộng hoà Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam (khoá X). Từ năm 2000, Hữu Thỉnh là Tổng Thứ kí Hội Nhà văn Việt Nam.

Tác phẩm

Hữu Thỉnh có những thi tuyển và những bản trường ca sau:

Âm vang chiến hào (in chung);
Đường tới thành phố (trường ca);
Từ chiến hào tới thành phố (trường ca, thơ ngắn);
Khi bé Hoa ra đời (thơ thiếu nhi, in chung);
Thư mùa đông.
Trường ca biển.
Thương lượng với thời gian.

Ðường đời, đường thơ Hữu Thỉnh

Thị xã Thanh Hoá năm 1971, những đêm phòng thủ không đèn điện đã đành, còn rất hiếm thấy ánh đèn dầu. Đêm chiến tranh thật nhiều những ái ngại và lo âu. Bỗng có người gọi chúng tôi và bảo rằng: Có bạn từ ngoài Bắc vào thăm. Người bạn đó là Hữu Thỉnh, thời ấy được coi là nhà thơ trẻ.

Đương thời, trong đời sống văn chương, người ta hay nói thơ chống Mỹ, là để gọi một trào lưu thơ mới khởi phát mạnh mẽ, cũng là để nói tới một thế hệ các nhà thơ đang dồi dào sức viết, mới trỗi dậy, tạo nên một sức sống mới cho thơ ca. Năm 1971, nhà thơ trẻ Hữu Thỉnh đang là một người lính binh chủng Thiết giáp, trên đường hành binh vào tham gia chiến dịch Đường 9 – Nam Lào. Anh ghé thăm tôi chừng hai tiếng đồng hồ, khoảng thời gian đoàn binh thiết giáp nghỉ để lấy lại sức.

Đêm tuyến lửa, chúng tôi uống trà ba hào, loại trà vụn 0,3 đồng một gói, và nói toàn chuyện thơ ca, thơ chống Mỹ. Nào chuyện Bằng Việt nói những điều to tát qua những câu thơ nặng về suy tưởng. Lưu Quang Vũ thì thật tinh tế và đa cảm, ngọt ngào. Và Phạm Tiến Duật đang nổi danh bởi thơ viết về bộ đội Trường Sơn… Đêm ấy, tiễn Hữu Thỉnh đi, dáng anh gầy, đi cặm cụi, dấn thân. Và khi ấy, chúng tôi cảm nhận rằng, rồi anh sẽ tạo nên được một thứ thơ của riêng anh, chắc sẽ không giống thơ của những nhà thơ trẻ mà chúng tôi vừa nhắc tới. Chúng tôi còn chạy theo, tặng Hữu Thỉnh cây bút Hồng Hà mà mình đã dùng viết những bài thơ đầu tiên…

Thế rồi, vài năm tiếp sau đó, Hữu Thỉnh cho in những bài thơ về chiến tranh, xúc cảm trần đời hơn. Hành binh trên xe tăng, nghĩ tới người mình yêu, anh viết: Chúng đang nhằm bắn anh và đồng đội/ Em biết không? (Ý nghĩ không vần). Trong bài Giấc ngủ trên đường ra trận, có những câu thơ vừa quyết liệt vừa vững lòng: Bom Mỹ cắn vào đêm mơ mộng/ Con suối dài cứ hát để đi xa… Là thứ thơ viết được trên đường đánh trận, đói và rét, và đổ máu thật nhiều, nên nó mang cái thực của tình đời. Có được cái tình ấy, thơ mới nhiều thương cảm, như bài Chuyến đò đêm giáp ranh, những câu mô tả mà khiến người ta xao xuyến lòng: Bìm bịp chùm đôi kêu dính vào nhau/ Tiếng nước vỗ tan ra rồi chập lại/ Đêm chỉ thực bằng âm thanh chừng ấy/ Tất cả là ru, tất cả là mơ…

Với bài thơ Chuyến đò đêm giáp ranh và bài thơ dài Sức bền của đất, Hữu Thỉnh được tặng giải Nhất cuộc thi thơ của báo Văn nghệ 1975-1976. Đó là sự ghi nhận của đời sống văn chương đối với một giọng thơ về trận mạc không mấy tô hồng, biểu dương, mà gần với tình đời thực. Người hiểu Hữu Thỉnh thì biết, đó là thơ anh viết về bản thân mình, về những người thân yêu cùng đói no, ấm lạnh, cùng đổ máu, mồ hôi và nước mắt.

Sinh năm 1942 ở quê hương Vĩnh Phúc, được học tập ở trường quê, vào tuổi hai mươi thì vào bộ đội Tăng thiết giáp, đi vào cuộc chiến tranh bằng việc cụ thể là chiến đấu trực tiếp ở các chiến trường. Trải qua các trận chiến, với một tâm hồn đa cảm, mỗi ngày sống là lại thêm bao thương nhớ ngổn ngang, và, nó trở thành thơ anh. Nhìn nhận về Hữu Thỉnh trong cuộc đời như thế, mới hiểu rằng, chính con đường số phận anh đã làm cái việc đưa anh dấn bước trên con đường thơ của mình.

Ngay sau Giải thưởng thơ Báo Văn nghệ, Hữu Thỉnh được về dự một trại sáng tác tại Hà Nội, và anh bắt đầu khởi thảo trường ca Đường tới thành phố, một tác phẩm quan trọng bậc nhất của đời thơ anh, cũng là một tác phẩm hay của nền thơ Việt Nam hiện đại. Mở đầu trường ca này là chương Ngọn lửa chiến trường, những câu thơ đầu, anh viết về các chiến binh xòe bàn tay lạnh cóng hơ trên đống lửa, sưởi một chặng đường dài tất bật. Những câu thơ đưa người đọc đến với một không gian ngoài đống lửa, thật rộng lớn: Trước mặt là bao nhiêu miền quê/ Sau lưng là bao nhiêu miền quê/ Ngọn lửa ta đốt lên ở giữa.

Rồi câu thơ lại đưa độc giả vào chiều sâu thời gian của đời người: Nếu mẹ biết ta còn đông đủ/ Đang bập bùng thương nhớ suốt hành lang/ Giọt đèn ấy bớt đi nhiều khuya khoắt…

Giọt đèn ấy là giọt đèn đêm đêm mẹ thương những đứa con trận mạc. Những câu thơ như rọi cho người đọc thấy từng gương mặt chiến binh, chủ những căn hầm, đã đốt ngọn lửa để tìm vào tri kỷ. Mẹ lại hiện lên trong tâm trí: Mẹ đang đi gánh rạ giữa đồng/ Rạ chẳng nặng mà nặng nhiều vì gió. Và, mẹ đã nhập vào hình tượng lớn hơn, như quê hương, lại như người có sứ mệnh lớn lao nhất, dẫn dắt đoàn chiến binh: Những cánh đồng in dấu chân của mẹ/ Cứ ngày ngày ra khẩu lệnh cho tôi…

Khi viết Đường tới thành phố, bút lực của Hữu Thỉnh thật sung mãn. Cấu trúc từng chương, từng khúc nhỏ trong chương đó, vừa có hình tượng thơ độc lập, lại có những liên kết với nhau, tạo thành chỉnh thể lớn của trường ca. Ngôn ngữ thơ giàu xúc cảm và cũng phong phú chi tiết sống: Gạo chỉ mang đủ mười ngày/ Còn dành mang súng/ Còn mang thuốc/ Còn mang bao nhiêu tai biến dọc đường… Nhiều khi, qua một chi tiết sống có phần đau thương, xúc cảm thơ trào dâng một vẻ đẹp cao cả, như chi tiết những người lính thêu họ, tên, đơn vị mình lên ngực áo, để có thể: Người ta tìm áo báo tin cho mẹ/ Nếu chẳng may anh ngã xuống nơi đâu/ Đến cái chết đã chẳng cần giấu giếm/ Trái tim anh càng đập ngang tàng…

Chúng tôi nhìn lại một chút tiến trình thơ ca Việt Nam hiện đại, thấy dường như suốt mấy chục năm trời chỉ thật nhiều thơ viết về chiến tranh. Sau một thời đại thơ ca (chữ của Hoài Thanh gọi giai đoạn Thơ mới 1932-1942), từ năm 1946 lại bắt đầu một thời đại thơ ca mới nữa, và nó được khởi lên từ máu lửa, trận mạc, với Đèo cả của Hữu Loan và Nhớ máu của Trần Mai Ninh. Họ đã viết trước khi chính quyền nước Việt Nam dân chủ và độc lập phát lệnh toàn quốc kháng chiến chống xâm lược Pháp.

READ:  Nghị luận xã hội: Lòng khoan dung

Hai nhà thơ đặc sắc đó đã tạo cho thơ ca Việt Nam những hình tượng hùng tráng, xúc cảm thật to lớn, giọng điệu ngùn ngụt máu lửa, chưa từng có trong thơ ca dân tộc. Đó lại là hai phong cách thơ khác nhau, và cho đến nay, đầu thế kỷ XXI, bút pháp của Hữu Loan và Trần Mai Ninh vẫn khiến người ta kính phục! Đó là lịch sử tạo nên nhà thơ, làm nên thơ ca của mình… Nêu nhận xét trên, chúng tôi không có ý so sánh thơ Hữu Thỉnh với thơ của hai nhà thơ ấy; bởi, mọi sự so sánh đều khập khiễng.

Chúng tôi chỉ muốn lưu ý rằng, năm 1975, lịch sử dân tộc ta lại ghi thêm một dấu mốc thật huy hoàng với Chiến dịch Hồ Chí Minh, giải phóng Sài Gòn, thống nhất đất nước. Con đường số phận riêng của Hữu Thỉnh đã đưa anh vào cuộc hành tiến của Binh đoàn thiết giáp, một đơn vị chủ công, có vai trò lớn trong việc mở đường tiến vào Sài Gòn.

Qua suốt cuộc hành tiến, may sao Hữu Thỉnh không chết, vậy nên đời sống thơ ca có thêm trường ca Đường tới thành phố! Thơ ấy, tất có được những xúc cảm lớn về Tổ quốc, về nhân dân, về biết bao người con đi suốt qua lửa máu và hi sinh. Thơ ấy, tất có được những suy tư về quê hương, đất nước, về tình yêu và lẽ sống. Thơ ấy viết về những giá trị lớn hơn cả thơ ca: Anh quên thơ để nhớ gốc sim cằn/ Dăm bảy lá lèo tèo như mực rớt… Nhưng thứ sim cằn ấy ở cái ranh giới giữa ta với kẻ thù, người chiến binh vệ quốc phải thấy sim ấy là đất đai Tổ quốc mình.

Và người lính ấy phải bò về phía gốc sim…/ Một nửa người anh dâm dấp máu/ Anh đang đau cho đất đá anh yêu/ Gốc sim cằn và xơ xác làm sao/ Không che nổi anh đâu, bò cách chi cũng lộ. Sau những mô tả, là trữ tình, khiến rơi nước mắt: Em có thể mất anh bất cứ lúc nào/ Em có thể bơ vơ khi em còn rất trẻ…

Đường tới thành phố dằng dặc, đau đớn, mất mát. Chiếc máy bay cán gáo của kẻ thù ròng một xác đồng chí của anh đã bị chúng chặt đầu, câu thơ như tạc: Máu anh nhỏ xuống núi ngàn/ Đời anh treo một dấu than giữa trời. Đan xen giữa những khúc thơ khốc liệt, máu lửa, là nhiều đoạn trữ tình. Có khi trữ tình về cái đói: Bứt lấy lá rau như bíu lấy lá buồm/ Qua sóng gió hiểm nghèo trăm trận đói. Có khi trữ tình về sự tướp da, nhỏ máu: Em có nghe thấy không?…/ Sỏi buốt quá/ Bò thì đau mà không bò thì chết…

Dằng dặc mấy thì hành trình tới thành phố cũng đến hồi thần tốc, những câu thơ như thét lên: Xuân Lộc/ Tôi gọi những cánh rừng cao su/ Rừng cao su bật gốc/ Chân nhang la liệt đất… Những đoạn cuối trường ca, nhiều khúc trữ tình hơn, trữ tình về mẹ: Nếu mẹ biết/ Đêm nay nữa là con vào thành phố/ Mẹ sẽ khóc/ Tưởng sáng là con đã có nhà. Cũng đã có cái hào sảng, tưng bừng, thứ hào sảng tưng bừng mà trước đó chưa từng có và sau này không có trong thơ Hữu Thỉnh. Anh đã nhận được ân huệ của thời điểm lịch sử, vào thành phố, tưng bừng nụ cười, tưng bừng nước mắt!

Đọc Đường tới thành phố, chúng tôi tự dưng nhớ câu thơ của Hàn Mặc Tử: Xin dâng này máu đang tươi/ Này đây nước mắt nụ cười chen nhau. Có liên quan gì đâu, câu thơ của người bốn mươi năm trước với bản trường ca của người bốn mơi năm sau?! Có đấy chứ, cùng là dâng hiến cả thôi.

Người xưa, với cái tôi trữ tình cao vợi, muốn hiến dâng cho đời cái giá trị lớn nhất mình có. Người sau, đi trên đường số phận mình trong cuộc đi cùng bao người chung lòng, chung sức, với rất nhiều buồn vui, sướng khổ, rồi cũng muốn dâng cho đời phần giá trị nhất mình có được trong cuộc hành trình… Và, quà hiến dâng cũng giống nhau đấy chứ. Là máu tươi, nước mắt và nụ cười!… Xin người đọc coi suy ngẫm này của chúng tôi là một suy ngẫm về thành công của thơ ca!

2. Sau Đường tới thành phố, Hữu Thỉnh còn viết ngay Trường ca biển, xong lần thứ nhất từ năm 1981, và hơn mười năm sau, anh mới sửa chữa lại, rồi xuất bản năm 1994. Cũng xin nói thêm, bài thơ dài Sức bền của đất mà báo Văn Nghệ trao tặng giải Nhất cuộc thi thơ 1975-1976 (cùng bài thơ Chuyến đò đêm giáp ranh), là một trường ca, Hữu Thỉnh viết trước cả trường ca Đường tới thành phố.

Và rồi, gần 20 năm sau anh mới sửa chữa và xuất bản năm 2004. Hai trường ca này, dù xuất bản muộn, nó cũng nằm trong chặng thứ nhất cuộc đời thơ Hữu Thỉnh, chặng thơ viết về chiến tranh. Trong Trường ca biển, Hữu Thỉnh vẫn sáng tạo được những câu thơ rất giàu mỹ cảm, như những câu thơ mô tả những người lính đảo trên bãi cát mép đảo: Ngồi ghép nhau bao nỗi nhớ nhà/ Chiều áo rộng vài vạt mây hờ hững/ Họ cứ ngồi như chum vại hứng mưa…

Hoặc những câu trữ tình về cuộc đời người mẹ trong quá khứ buồn khổ: Mẹ đành gọi bán lúa non/ Liềm hái buồn quang gánh cũng buồn… / Rơm rạ sang khói bếp nhà người.

Những năm khởi viết Trường ca biển, sửa chữa trường ca này, và sửa chữa trường ca Sức bền của đất, là những năm sau chiến tranh, đời sống đứng trước những thử thách mới, những thử thách rất lớn. Cuộc sống người dân hàng ngày có nhiều va đập, nhiều khổ nhọc trong mưu sinh, nên tâm tính con người có nhiều xao xác. Giới trí thức phải dằn vặt, nghĩ ngợi nhiều về các vấn đề lớn, như đạo đức, hạnh phúc… Và, có lẽ những tác gia, nhà nghiên cứu, thi sĩ là day dứt nhiều nhất. Những day dứt đó cùng bản lĩnh và lòng yêu cuộc sống, họ đem bày tỏ trong tác phẩm. Nhà thơ Hữu Thỉnh cũng vậy, anh viết những bài thơ của mình, rồi đến năm 1994 đem in trong tập Thư mùa đông.

Năm 1995, nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo có viết một bài bình giá về tập thơ mới này của Hữu Thỉnh. Nguyễn Trọng Tạo nhận định: “… Những câu thơ hay thời đầu của anh thường thiên về cảm. Bây giờ câu thơ Hữu Thỉnh đậm màu triết học hơn, nó có sức nặng của ngẫm ngợi và chiêm nghiệm…”. Cũng như Nguyễn Trọng Tạo và nhiều người mừng cho thành công mới của Hữu Thỉnh, chúng tôi lại có cách nhìn nhận khác hơn một chút (bởi nói triết học ở nước ta, là nói đến một điều quá xa vời).

Chúng tôi thấy, trong những năm tám mươi, chín mươi của thế kỷ XX, tâm hồn con người, mộng ước tươi tốt về hạnh phúc con người đã vập vào nhiều trở lực thật lớn. Mỗi nghệ sĩ lớn, mỗi nhà khoa học đều thấy kiếm sống là việc rất khó, và giữ được phẩm hạnh còn khó hơn. Vậy mà, Hữu Thỉnh vẫn là một thi sĩ thật giàu mơ mộng, cũng như thời anh ở chiến trường bom đạn bời bời vẫn cứ mơ mộng. Ví dụ: Ngồi trong xe tăng nóng nung như trong một quả bom hơi, cũng mơ mộng được: Năm anh em trong chiếc xe tăng/ Như năm bông hoa nở cùng một cội. Khi sát kề cái chết, xúc cảm rất to lớn, vẫn nhuốm mơ mộng: Trời ơi nếu kẻ thù chiếm được/ Chỉ một gốc sim thôi dù chỉ gốc sim cằn/ Tổ quốc sẽ ra sao, Tổ quốc?/ Thơ ơi hãy ghì lấy gốc sim… (Trường ca Đường tới thành phố).

Hữu Thỉnh còn viết thẳng về việc mơ: Tôi thức dậy với giấc mơ đầy cát/ Cát đầy dấu chân chim/ Chim đầy mùi trời/ Trời đầy mùi thiên hạ (Trường ca biển).

Khi nhìn nhận phẩm chất mơ mộng của Hữu Thỉnh, chúng tôi hay nhớ đến một luận điểm đặc sắc của Valéry. Nhà thơ lớn của Pháp này cho rằng: Mơ mộng là nhận thức. Thơ Hữu Thỉnh in trong tập Thư mùa đông, thể hiện những nhìn nhận về lẽ sống, về tình đời những năm đầy xáo động: Ta đâu đề phòng ở phía người yêu/ Cây đổ về nơi không có vết rìu, là mơ mộng đấy, và cũng là nhận thức đấy chứ! Hai câu thơ trên ở trong bài Tự thú. Với bài Hạnh phúc, mơ mộng mà đau thót ngực: Ra sông vớt đám củi rều/ Cha tôi mang về những khúc ca trôi nổi/ Cây khế có thêm vị buồn…

Là mơ mộng khi đau về nhân tình đấy, mà vẫn nhận ra một thế thái, buồn nhưng đẹp sáng trong: Mẹ tôi hát nghìn câu có một câu chưa hát…/ Cây rơm vẫn mơ một giấc mơ vàng… Trong tập thơ Thư mùa đông, có một bài thơ chất chứa nhiều tâm tư nhất của Hữu Thỉnh, theo chúng tôi, khá tiêu biểu trong chặng thơ sau chiến tranh, cuộc sống có những đổi mới lớn, đó là bài Nghe tiếng cuốc kêu.

READ:  Cảm nhận được điều gì về đất nước Việt Nam qua bài Việt Nam thân yêu

Những câu đầu trong bài thơ dài này cho thấy cái tôi trữ tình của nhà thơ đang đối mặt với những thử thách ghê gớm: Cuốc kêu vì bẫy hiểm/ Bèo leo theo nước lên… Và rồi, những khúc thơ tiếp theo, cho thấy, tâm hồn mơ mộng đến mức gần như không chịu nổi những khó khăn mới như bẫy hiểm, lại phải tìm về nương tựa vào những giá trị truyền thống của người Việt xửa xưa: Cuốc kêu từ ngày cây tre chưa đủ lá đan sàng/ Trên đất ướt có người đến ở… Đến mức, với phẩm chất giàu mơ mộng, phải vùi hồn nay vào nỗi buồn xưa. Cuốc kêu từ ngày em lạy mẹ lạy cha/ Đi theo một sợi tơ hồng…/ Tình yêu nhiều đứt nối…

Xúc cảm thì nhiều khắc khoải, ngôn ngữ thì cố đưa cái tôi trữ tình vươn lên, víu vào cái đẹp như mơ mộng của chính nhà thơ. Và cuối cùng, chúng tôi càng thấy Valéry thật sâu sắc: Mơ mộng là nhận thức! Quả vậy, sau tất cả mộng mơ, nhà thơ nhận biết một bài học cuộc sống: Chúng ta bị cái chết gạt về một phía/ Bị hư danh gạt về một phía/ Phải vượt mấy trùng khơi mới bắt gặp nụ cười…

Cũng như bao trí thức và văn nghệ sĩ khác, khi cuộc sống bước sang thời kỳ đổi mới, Hữu Thỉnh đã nhận thức thêm, đôi khi phải nhận thức lại những giá trị đời sống. Những bài thơ anh viết từ cuối những năm 80 thế kỷ XX cho đến mấy năm đầu thế kỷ XXI, in trong tập Thương lượng với thời gian, phản ánh khá rõ điều đó. Đầu tập thơ này có bài Sang thế kỷ, hai câu thơ mở đầu là một nhận thức thật sâu về đời sống hiện tại: Sang thế kỷ với con tàu quá rộng/ Hoa hồng sang, gai nhọn cũng sang. Một nhận thức nữa, về đạo lý, và cũng là về nhân tình thế thái: Một lời như thể lưỡi cưa/ Khi nghĩ lại bao thân cây đã đổ (bài Một lời). Và, Hữu Thỉnh càng tỏ rõ cái cá tính nhận thức bằng mơ mộng với tầm khái quát hiện đại: Vừa trong mơ cùng tôi/ Cây ra đường đã bụi/ Vừa dào dạt cùng tôi/ Biển đã thành sương khói.

Một số nhà thơ giàu kinh nghiệm sáng tác và nhiều nhà nghiên cứu, phê bình văn học đã viết về thơ Hữu Thỉnh. Trong số đó, nhiều tác giả đã đánh giá cao nghệ thuật tạo hình ảnh, sử dụng ngôn ngữ và tài cấu trúc bài thơ của Hữu Thỉnh. Nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo nhận xét: “Hữu Thỉnh là thi sĩ của nhiều câu thơ đầy ma lực, như chứa dược tố moóc-phin gây mê nghiện…”. Còn nhà phê bình văn học Trần Mạnh Hảo thì ghi nhận: “Hữu Thỉnh còn đưa thơ về phía chiều sâu của tạo vật, của lòng người, những câu thơ đụng tới đáy hư vô của thi ca…”. Chúng tôi muốn nhìn nhận thơ Hữu Thỉnh trong đời sống cụ thể của xã hội, của đất nước.

Những năm cuối thế kỷ XX, cuộc sống mưu sinh của hầu hết mọi người trên mọi miền quê, và nhất là ở các đô thị, mở ra rất nhiều tầng, nhiều vẻ, nên cuộc sống tâm hồn con người cũng bộc lộ nhiều biến thái mới, nhiều chiều sâu mới. Trong một đời sáng tác, các nhà văn xuôi có thể mô tả rất nhiều nhân vật, qua cá tính và số phận các nhân vật ấy, phản ánh đời sống xã hội. Còn nhà thơ, hầu như cả đời viết, chỉ mô tả tâm hồn mình, những biến động trong tâm tư mình để người đọc thấy được cuộc sống tinh thần của xã hội. Bởi thế, thi sĩ thường hay đau đớn, dằn vặt!

Nhà thơ vĩ đại Pablo Néruda thật chân thành, khi viết: “Tôi không thể khiến lòng mình lánh xa những nỗi đau thương…”. Có thể nói, đó là một thuộc tính của các thi sĩ. Và bởi vậy, dễ hiểu hơn khi ta thấy các nhà thơ hay viết về những buồn đau, ngay cả khi cuộc sống xã hội không nhiều đau thương mất mát và đói rét lắm như trong chiến tranh. Bản chất của tâm tính nhà thơ là, luôn vươn tới một hạnh phúc trọn vẹn hơn.

Nhà thơ Hữu Thỉnh đi trên đường đời những năm này, qua thơ anh, chúng tôi nhận biết, đó là những bước đi với nhiều day dứt trong tâm can. Và, anh thực sự dấn bước tới cái đích là, nhận thức cho được về phẩm giá con người, về một hạnh phúc không tô vẽ, một hạnh phúc thật. Đó là tiến trình anh vươn tới thơ thực chất, nói đúng bản chất cuộc sống và có ích cho đời sống. Chẳng hạn, anh nhận ra một căn quả của cuộc đời nhà thơ Chính Hữu, người suốt đời là quân nhân: Anh mang theo những tiếng chuông xưa/ Gõ trai tịnh dưới những vòm lá cổ (Gửi người bộ hành lặng lẽ).

Chẳng hạn, anh thấy được một vẻ đẹp cổ điển trong tình quê giữa tháng ngày cuộc đời trăm mối bề bộn: Gió nảy đàn tranh cung tháng chạp/ Trăm câu không đỡ nổi câu tình/ Em mang thiên lý về thăm mẹ/ Sông vẫn bao đào trúc vẫn xinh (Cung tháng Chạp). Và nữa, đây là vị thế rất cổ điển còn có trong nhà thơ thời nay: Giữa hai vùng tối sáng/ Thi nhân bước lên cầu/ Gió với bao đáng tiếc/ Sấp ngửa dạt về đâu (Thi nhân).

Trong bài Lọc, anh nói về chính cuộc sống nội tâm mình: Lọc hết bùn đi/ Còn chút gì sót lại/ Đấy là anh sau những vui buồn… Có khi anh mô tả bản thân mình trong một tâm thế thật cô đơn: Chỉ còn một mình anh/ Với chiều ngoài cửa sổ. Hơn cả buồn, là nỗi đau nhói, cái đau nhói của người trên cuộc hành trình tìm tới hạnh phúc trọn vẹn: Mùa thu cũng bỏ trời/ Đi về miền tiếc nuối/ Có con tàu mệt mỏi/ Thét còi trong tim anh… (Ước).

Hữu Thỉnh là nhà thơ viết nhiều thơ tình, và trong các bài thơ yêu đương lại chất chứa chuyện nhân tình thế thái: Biển vẫn cậy mình dài rộng thế/ Vắng cánh buồm một chút đã cô đơn (bài Thơ viết ở biển); và bài Hoa tặng với những câu: Bông hoa này tới em/ Sau bao người mặc cả/ Con đường này tới em/ Sau bao nhiêu lầm lỡ… Có lúc, thơ tình Hữu Thỉnh, với lối tư duy hiện đại, mà thấm thía nỗi đau nhân thế cổ điển: Trái đất chẳng rộng đâu/ Ta hoang dại dới mặt trời/ Lấy tình yêu làm mái nhà che chở… (Bài Trái đất chẳng rộng đâu)…

Chúng tôi cho rằng, hành trình cuộc sống và hành trình thơ của một thi sĩ, là một cuộc đi trên con đường lớn lao vô cùng, con đường tình yêu cuộc sống, nó lớn hơn bản thân nhà thơ rất nhiều lần. Nó là đất nước, là sự tiến triển của tâm hồn dân tộc…

Kể từ năm 1971, có cuộc gặp gỡ của Hữu Thỉnh và chúng tôi trong một buổi đêm ở thị xã Thanh Hoá, đến nay, đã dặm dài thời gian, dặm dài đường đất. Chúng tôi biết, đường đời Hữu Thỉnh, cũng là đường thơ của anh, là cuộc hành trình dằng dặc, trải biết mấy đau thương, và cũng thật nhiều mộng ước… Sau chiến tranh, đã một phần ba thế kỷ, chúng tôi và Hữu Thỉnh đều sống ở Hà Nội, có điều kiện gặp nhau nhiều hơn, hiểu nhau nhiều hơn.

Có thể nói, Hữu Thỉnh bắt đầu sự nghiệp thơ ca của mình đâu đó bằng tài hoa, đâu có được chuẩn bị đầy đủ về học thức. Sau chiến tranh, nhà thơ Hữu Thỉnh ngoài việc được về học Đại học Văn hoá, quan trọng hơn, anh có điều kiện đọc rất nhiều, và đó là cách học của anh suốt mấy chục năm trời. Những gì anh có được, đều do bản thân anh thu hái được trên đường đời. Thơ là người, là số phận đấy chứ! Máu lửa, hi sinh, mồ hôi, nước mắt, may sao có cả những nụ cười… và, cùng với mộng ước tốt tươi về một cuộc sống đẹp đẽ vốn luôn có trong tâm tính anh, tất cả, đã làm nên những giá trị thơ anh…

Hữu Thỉnh vẫn tiếp tục cuộc đi trên con đường của số phận mình. Và chắc anh sẽ còn có nhiều thơ nữa, khi đã có một bản lĩnh sống, một bản lĩnh sáng tạo. Chỉ cần trái tim đêm đêm còn thổn thức, và nó đòi hỏi nhà thơ ngồi vào bàn viết. Đôi khi, chỉ một câu thôi cũng chất chứa giá trị nhân bản, như chính Hữu Thỉnh đã từng viết được: Sống một ngày lội qua cả kiếp người!