Đảng ta đã lãnh đạo nhân dân ta thực hiện những biện pháp gì để bảo vệ chính quyền cách mạng những năm 1945 – 1954?

Sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945, cách mạng Việt Nam đứng trước những khó khăn, thử thách cực kỳ nghiêm trọng trên tất cả các lĩnh vực: về quân sự, về kinh tế – tài chính và về văn hoá. Đứng trước tình hình đó, Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã:

1. Thực hiện tăng cường khối đoàn kết toàn dân, củng cố chế độ mới

– Về chính trị: Đã khẩn trương tổ chức tổng tuyển cử trong cả nước vào ngày 6-1-1946 bầu Quốc hội, bầu hội đồng nhân dân các cấp; xây dựng Hiến pháp nước Việt Nam dân chủ cộng hoà. Mặt trận dân tộc thống nhất đã được tiếp tục mở rộng. Các tổ chức quần chúng được củng cố và mở rộng. Tổng Liên đoàn lao động
Việt Nam, Hội liên hiệp Phụ nữ Việt Nam lần lượt ra đời. Đảng xã hội Việt Nam được thành lập nhằm đoàn kết những trí thức yêu nước phục vụ chính quyền mới.

– Về quân sự: Đảng coi trọng xây dựng và phát triển công cụ bạo lực của cách mạng như công an, bộ đội. Cuối năm 1946 lực lượng quân đội thường trực lên tới 8 vạn. Việc vũ trang cho quần chúng được thực hiện rộng khắp. Hầu hết các thôn xã, khu phố đều đã có đội tự vệ.

– Về kinh tế, tài chính: Đảng và Chính phủ đã quyết định đẩy mạnh tăng gia sản xuất, bãi bỏ thuế thân, tịch thu ruộng đất của đế quốc, Việt gian chia cho dân nghèo, thực hiện giảm tô 25%.
Huy động nhân dân đóng góp cho “quỹ độc lập” hàng chục triệu đồng, cho “tuần lễ vàng” hàng trăm kilôgam vàng, từng bước xây dựng tài chính độc lập.

READ:  Tuệ Tĩnh là ai?

– Về văn hoá giáo dục: Đảng đã vận động toàn dân xây dựng nền văn hoá mới, xoá bỏ tệ nạn văn hoá nô dịch, lạc hậu, phát triển phong trào bình dân học vụ, chống nạn mù chữ. Trong vòng một năm, đã có 2,5 triệu người biết đọc, biết viết.

Những thành tựu nói trên tạo nên sức mạnh để bảo vệ chính quyền cách mạng, bảo vệ quyền lãnh đạo của Đảng, chống thù trong, giặc ngoài.

2. Thực hiện sách lược lợi dụng mâu thuẫn nội bộ kẻ thù để phân hoá chúng, khôn khéo tránh tình thế phải đương đầu với nhiều kẻ thù cùng một lúc.

– Sách lược hoà hoãn với Tưởng ở miền Bắc để tập trung chống thực dân Pháp ở miền Nam (9-1945 – 6-3-1946).

Đảng đã nhân nhượng có nguyên tắc với quân Tưởng trên một số vấn đề:

Về kinh tế, cung cấp lương thực cho quân Tưởng trong khi nhân dân ta đang chịu đói kém.

Về quân sự, chủ trương tránh xung đột, không mắc âm mưu khiêu khích của chúng.

Về chính trị, chủ động mở rộng thành phần Chính phủ, nhân nhượng một số ghế trong Chính phủ cho đại biểu của Việt Quốc, Việt Cách là những đảng phái tay sai của Tưởng. Đảng ta tuyên bố tự giải tán, nhưng thực chất là rút vào hoạt động bí mật để gạt mũi nhọn tiến công của kẻ thù vào Đảng.

Nhờ vậy, Đảng ta đã làm thất bại âm mưu khiêu khích của Tưởng, vô hiệu hoá hoạt động chống phá của bọn tay sai, tập trung chống thực dân Pháp ở miền Nam.

– Sách lược tạm hoà với Pháp để đuổi Tưởng về nước.

READ:  Nêu diễn biến, ý nghĩa lịch sử và những hạn chế cuộc tổng tấn công và nổi dậy Mậu Thân năm 1968

Ngày 26-2-1946, Hiệp ước Hoa – Pháp được ký kết, quân đội Pháp ra thay thế quân Tưởng ở miền Bắc và Pháp phải nhượng cho Tưởng một số quyền lợi, đặt cách mạng nước ta trước hoàn cảnh mới phức tạp.

Đảng đã chọn giải pháp tạm thời hoà hoãn với Pháp để đuổi nhanh quân Tưởng ra khỏi đất nước, tranh thủ thời gian hoà hoãn để chuẩn bị lực lượng kháng chiến chống Pháp về sau.

Ngày 6-3-1946, Chính phủ ta đã ký với Chính phủ Pháp bản “Hiệp định sơ bộ” đặt cơ sở để đi đến cuộc đàm phán ký một hiệp định chính thức.

Nhằm tranh thủ thời gian tiếp tục xây dựng lực lượng cho cuộc kháng chiến, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký với Chính phủ Pháp bản Tạm ước 14-9-1946.

Chủ trương thương lượng ký các hiệp định với Pháp là cần thiết và đúng đắn, đã đưa cách mạng Việt Nam vượt qua những khó khăn nghiêm trọng, bảo vệ thành quả của Cách mạng Tháng Tám và chuẩn bị điều kiện bước vào cuộc kháng chiến lâu dài chống thực dân Pháp.