Khái niệm và dấu hiệu tội phạm – PLĐC

Các ngành luật trong hệ thống pháp luật của nước cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam quy định nhiều hành vi nguy hiểm cho xã hội cũng như các biện pháp xử lý đối với các chủ thể thực hiện hành vi đó, nhưng chỉ có luật hình sự mới quy định hành vi nguy hiểm nào cho xã hội là tội phạm và quy định hình phạt cho từng loại tội phạm.

Do vậy, luật hình sự là một ngành luật trong hệ thống pháp luật của nước cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam, bao gồm hệ thống những quy phạm pháp luật do Nhà nước ban hành, xác định những hành vi nguy hiểm nào cho xã hội là tội phạm, đồng thời quy định hình phạt đối với những tội phạm ấy.

Khái niệm, dấu hiệu của tội phạm

Theo quy định tại khoản 1 điều 8 của Bộ luật hình hình sự của nước cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã nêu rõ: “Tội phạm là hành vi nguy hiểm cho xã hội được quy định trong bộ luật hình sự, do người có năng lực trách nhiệm hình sự thực hiện một cách cố ý hoặc vô ý, xâm phạm độc lập chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, xâm phạm chế độ chính trị, chế độ kinh tế, nền văn hoá, quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội, quyền lợi ích hợp pháp của tổ chức, xâm phạm tính mạng, sức khoẻ, danh dự, nhân phẩm, tự do, tài sản, các quyền lợi ích hợp pháp khác của công dân, xâm phạm các lĩnh vực khác của trật tự pháp luật xã hội chủ nghĩa”.

Khái niệm này không những là cơ sở khoa học thống nhất cho việc xác định những loại tội phạm cụ thể trong các tội phạm của Bộ luật hình sự mà còn là cơ sở cho việc nhận thức và áp dụng đúng đắn những điều luật quy định về từng tội phạm cụ thể.

Từ khái niệm tội phạm nêu trên cho thấy tội phạm là hành vi vi phạm pháp luật có những dấu hiện cơ bản sau:

READ:  Nguồn gốc, khái niệm của pháp luật - Pháp luật đại cương

– Tội phạm là hành vi nguy hiểm cho xã hội (tính nguy hiểm cho xã hội của tội phạm). Tính nguy hiểm cho xã hội là dấu hiệu cơ bản, quan trọng nhất của tội phạm. Tính nguy hiểm cho xã hội của tội phạm không những là căn cứ quan trọng để phân biệt tội phạm với các vi phạm pháp luật khác mà còn là cơ sở để đánh giá mức độ nghiêm trọng của tội phạm và giúp cho việc cụ thể hoá trách nhiệm hình sự đối với người phạm tội một cách chính xác.

– Tội phạm là hành vi trái pháp luật hình sự (tính trái pháp luật hình sự của tội phạm). Dấu hiệu này được quy định tại Điều 2 của Bộ luật hình sự nước Việt Nam, tính trái pháp luật hình sự là dấu hiệu biểu hiện hình thức pháp lý của hành vi, nó đòi hỏi phải có ở hành vi bị coi là tội phạm. Trong thực tế, nếu có hành vi gây thiệt hại cho xã hội nhưng chưa được quy định trong Bộ luật hình sự thì hành vi đó chưa được coi là tội phạm và cần xem xét để giải quyết tuỳ từng mức độ khác nhau.

– Tội phạm là hành vi được thực hiện một cách có lỗi (tính chất lỗi của tội phạm). Lỗi là thái độ chủ quan của người phạm tội đối với hành vi mà mình thực hiện và đối với hậu quả của hành vi đó, thể hiện dưới dạng cố ý hoặc vô ý. Người bị coi là có lỗi khi ở trong điều kiện hoàn cảnh có thể lựa chọn cách xử sự phù hợp với yêu cầu của pháp luật nhưng người đó lại lựa chọn cách xử sự mà pháp luật hình sự cấm.

Theo luật hình sự Việt Nam, người thực hiện hành vi nguy hiểm phải có lỗi thì hành vi đó mới bị coi là tội phạm. Lỗi trong hình sự được chia thành lỗi cố ý phạm tội và lỗi vô ý phạm tội.

READ:  Khởi tố vụ án hình sự - PLĐC

Lỗi cố ý bao gồm: cố ý trực tiếp và cố ý gián tiếp. Cố ý trực tiếp là trường hợp phạm tội nhận thức rõ hành vi của mình là nguy hiểm cho xã hội, thấy trước được hậu quả của hành vi đó mà mong muốn hậu quả đó xảy ra. Lỗi cố ý gián tiếp là trường hợp người phạm tội nhận thức rõ hành vi đó có thể xảy ra, tuy không mong muốn nhưng có ý thức để mặt cho hậu quả xảy ra.

Lỗi vô ý gồm vô ý vì quá tự tin và vô ý do cẩu thả. Vô ý vì quá tự tin là trường hợp người phạm tội tuy thấy trước hành vi của mình có thể gây nguy hiểm cho xã hội, nhưng cho rằng hậu quả đó sẽ không xảy ra hoặc có thể ngăn ngừa được. Lỗi vô ý do cẩu thả là trường hợp người phạm tội không thấy trước hành vi của mình có thể gây nguy hiểm cho xã hội, mặc dù thấy trước và có thể thấy trước hậu quả đó.

– Tội phạm là hành vi do người có năng lực trách nhiệm hình sự thực hiện. Người có năng lực trách nhiệm hình sự là người mà tại thời điểm thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội hoàn toàn có khả năng nhận thức được ý nghĩa xã hội của hành vi và khả năng điều khiển được hành vi của mình.

Đây là dấu hiệu quan trọng để xác định một hành vi nào đó có phải là tội phạm hay không và người thực hiện hành vi đó có phải chịu trách nhiệm hình sự hay không. Như vậy, để xác định một người có năng lực trách nhiệm hình sự tại thời điểm thực hiện hành vi cầnd phải dựa vào hai tiêu chí về y học và tâm lý.