Kiểu Nhà nước và hình thức Nhà nước – Pháp luật đại cương

2. Kiểu Nhà nước và hình thức Nhà nước

2.1 Kiểu Nhà nước:

* Khái niệm:

Bản chất Nhà nước trong những thời kỳ lịch sử khác nhau là rất khác nhau. Để phân biệt chúng, xác định đặc điểm của Nhà nước trong những thời kỳ lịch sử khác nhau, lý luận Mác – LêNin về Nhà nước và pháp luật đưa ra khái niệm kiểu Nhà nước như sau: Kiểu Nhà nước là tổng thể những dấu hiệu (đặc điểm) cơ bản của Nhà nước thể hiện bản chất giai cấp, vai trò xã hội và những điều kiện phát sinh, tồn tại và phát triển của Nhà nước trong một hình thái kinh tế xã hội nhất định.

* Các kiểu Nhà nước trong lịch sử:

Trong lịch sử nhân loại từ khi xuất hiện Nhà nước có giai cấp đã tồn tại bốn kiểu quan hệ sản xuất (cơ sở hạ tầng kinh tế): Chiếm hữu nô lệ, Phong kiến, Tư bản chủ nghĩa và Xã hội chủ nghĩa. Tương ứng với bốn kiểu cơ sở hạ tầng ấy là bốn kiểu Nhà nước: Nhà nước chủ nô, Nhà nước phong kiến, Nhà nước tư sản và Nhà nước xã hội chủ nghĩa.

Các Nhà nước chủ nô, phong kiến, tư sản tuy có đặc điểm chung về bản chất, chức năng vai trò xã hội, nhưng xét đến cùng vẫn là Nhà nước bóc lột, được xây dựng trên cơ sở chế độ tư hữu về tư liệu sản xuất, duy trì và bảo vệ sự thống trị về chính trị và kinh tế của các giai cấp chủ nô, địa chủ phong kiến và tư sản. Còn Nhà nước xã hội chủ nghĩa là một kiểu Nhà nước mới là kiểu Nhà nước cuối cùng trong lịch sử xã hội loài người, có sứ mệnh lịch sử là xóa bỏ chế độ người bóc lột người, xây dựng xã hội Xã hội chủ nghĩa, tiến tới xã hội không còn giai cấp và Nhà nước đó là xã hội cộng sản.

READ:  Khái niệm và cấu trúc quan hệ pháp luật

Sự thay thế kiểu Nhà nước này bằng kiểu Nhà nước khác cũng giống như sự thay thế các hình thức kinh tế xã hội, đó là một quá trình lịch sử phát triển lịch sử tự nhiên. Quá trình đó có những đặc điểm sau:

– Tính tất yếu khách quan của sự thay thế kiểu Nhà nước khác.
– Kiểu Nhà nước cũ thay thế bằng kiểu Nhà nước mới được thực hiện bằng một cuộc cách mạng xã hội.
– Kiểu Nhà nước sau bao giờ cũng hoàn thiện và tiến bộ hơn kiểu Nhà nước trước.
– Giữa kiểu Nhà nước sau với kiểu Nhà nước trước luôn có tính kế thừa.

2.2 Hình thức của Nhà nước:

Hình thức Nhà nước là cách thức tổ chức quyền lực của Nhà nước, tức là phương thức chuyển ý chí của giai cấp thống trị thành ý chí Nhà nước. Hình thức Nhà nước do bản chất và nội dung của Nhà nước quy định.

READ:  Trách nhiệm dân sự - Pháp luật đại cương

Hình thức Nhà nước gồm hai yếu tố: Hình thức chính thể và hình thức cấu trúc:

– Hình thức chính thể là hình thức tổ chức của các cơ quan quyền lực tối cao, cơ cấu, trình tự thành lập và mối liên hệ của chúng với nhau, cũng như mức độ tham gia của nhân dân vào việc thiết lập cơ quan này.

– Hình thức cấu trúc Nhà nước: Là sự tổ chức Nhà nước theo các đơn vị hành chính – lãnh thổ và tính chất quan hệ giữa các bộ phận cấu thành Nhà nước, giữa các cơ quan Nhà nước ở Trung ương với các cơ quan Nhà nước ở địa phương.