Những vấn đề còn tồn tại trong công tác cứu trợ xã hội ở VN hiện nay

Cứu trợ xã hội:

Trong những năm qua đi cùng với quá trình đổi mới đất nước, xây dựng kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa… chúng ta đã thu được những thành quả lớn về kinh tế, văn hoá, xã hội. Tuy nhiên, nước ta là nước nghèo, chịu hậu quả nặng nề của chiến tranh, thiên tai (bão lụt, hạn hán…) thường xuyên xảy ra gây thiệt hại không nhỏ về người và tài sản, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống nhân dân và điều kiện phát triển kinh tế-văn hoá-xã hội. Mặt trái của kinh tế thị trường: phân hoá giàu nghèo, chạy theo lối sống thực dụng suy giảm đạo đức, lối sống, thất nghiệp… đang là những nguyên nhân làm tăng đối tượng xã hội: Người già cô đơn, người lang thang, người tàn tật, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, tệ nạn xã hội… Đây là nhóm đối tượng cần có sự hỗ trợ về vật chất và tinh thần của Nhà nước và xã hội. Theo số liệu của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, số tiền ngân sách chi ra cho những hoạt động này (chỉ tính riêng năm 2000) là 648,8 tỷ đồng và những năm sau đó vẫn tiếp tục tăng. Riêng hai năm 2000 – 2001 đã đào tạo và đào tạo lại tay nghề cho gần 800 nghìn người lao động, khoảng 16% số người mắc phải tệ nạn xã hội được tập trung cải tạo và dạy nghề giúp họ trở lại con đường làm ăn lương thiện.

READ:  Câu hỏi và Đề thi Chiến lược phát triển kinh tế xã hội

Hạn chế: các qui định về cứu trợ xã hội cũng còn có những hạn chế nhất định như:

Số đối tượng được hưởng chính sách cứu trợ còn quá ít, cá biệt vẫn còn có tỉnh chưa thực hiện trợ cấp cứu trợ xã hội xã, phường hoặc chưa nâng mức trợ cấp theo qui định tại Nghị định số 07/2000/NĐ-CP. Công tác xây dựng và bảo vệ kế hoạch ngân sách địa phương cho công tác cứu trợ xã hội còn yếu, nhiều Sở Lao động – Thương binh và Xã hội không quan tâm đến mục chi ngân sách này. Trình độ chuyên môn, kỹ năng quản lý của cán bộ còn hạn chế, nhất là đối với số cán bộ cơ sở (cấp huyện, xã). Công tác quản lý, điều tra thống kê đối tượng đã được quan tâm chỉ đạo, nhưng do thiếu cán bộ, phương tiện và kinh phí nên làm chưa thường xuyên và đầy đủ. Hệ thống văn bản hướng dẫn đôi khi còn chậm, nội dung còn có điểm chồng chéo. Công tác thanh tra, kiểm tra đã được tiến hành nhưng chưa triệt để…

READ:  Chính sách thương mại quốc tế của Trung Quốc từ 1978 đến nay

Kiến nghị:

*Cần phải mở rộng hình thức giúp đỡ đối tượng hưởng trợ cấp cứu trợ thường xuyên như có chính sách khuyến khích động viên các cá nhân, tổ chức tham gia thực hiện xã hội hóa công tác cứu trợ xã hội

* Mức cứu trợ hàng tháng cho các đối tượng còn thấp trong khi trượt giá năm sau cao hơn năm trước, do vậy cần phải có cách tính để ổn định cuộc sống cho họ.

* Tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra.

* Cần phải rà soát, giảm bớt những thủ tục hành chính đối với đối tượng khi được nhận trợ cấp xã hội.

* Cần phải đẩy mạnh công tác quản lý nắm chắc đối tượng tại cơ sở: lập sổ quản lý đối tượng tại xã, phường, định kỳ 6 tháng, 1 năm, rà soát danh sách và tổng hợp báo cáo.