Hệ thống khoa học pháp lý – PLĐC

Hệ thống khoa học pháp lý là tổng thể các môn khoa học có đối tượng nghiên cứu là vấn đề Nhà nước và pháp luật, trong đó mỗi môn khoa học nghiên cứu một mặt, một khía cạnh hoặc một số mặt, một số khía cạnh của vấn đề, giữa hệ thống khoa học pháp lý và hệ thống pháp luật có mối liên hệ chặt chẽ với nhau, tác động qua lại lẫn nhau. Hệ thống khoa học pháp lý có thể chia thành các nhóm sau:

1. Nhóm các môn khoa học về lý luận và lịch sử

Gồm các môn lý luận chung về Nhà nước và pháp luật, lịch sử Nhà nước và pháp luật. Nhóm các môn khoa học này nghiên cứu nguồn gốc, bản chất, quy luật phát sinh, phát triển của Nhà nước và pháp luật, lịch sử các Nhà nước và pháp luật, đưa ra những khái niệm, phạm trù, nguyên tắc làm cơ sở cho việc nghiên cứu Nhà nước và pháp luật nói chung và là cơ sở lý luận cho việc nghiên cứu các môn khoa học pháp lý khác.

READ:  Hãy nêu sự khác biệt cơ bản giữa hình thức chính thể quân chủ và chính thể cộng hòa?

2. Nhóm các môn khoa học pháp lý chuyên ngành

Gồm các môn khoa học có đối tượng nghiên cứu là các ngành luật trong hệ thống pháp luật như môn luật dân sự, môn luật hình sự, môn luật lao động.…Như vậy, có bao nhiêu ngành luật thì có tương ứng các môn khoa học pháp lý chuyên ngành.

3. Nhóm các môn khoa học pháp lý quốc tế

Gồm các môn khoa học pháp lý nghiên cứu pháp luật quốc tế, môn khoa học pháp lý nghiên cứu pháp luật của một quốc gia.

4. Nhóm các môn khoa học pháp lý thực nghiệm

Gồm các môn khoa học pháp lý nghiên cứu các vấn đề có tính chất “kỹ thuật” như: môn tội phạm học, môn giám định y khoa, môn tâm lý tư pháp. Thành tựu của các môn khoa học này phục vụ cho việc xây dựng, thực hiện và áp dụng pháp luật, đặc biệt là việc giải quyết đúng đắn các vụ án hình sự, dân sự.