Trình bày diễn biến cuộc kháng chiến chống Tống ở giai đoạn 2 (1076 – 1077) của quân dân Đại Việt?

Sau khi rút quân về nước, Lý Thường Kiệt cho xây dựng các tuyến phòng thủ ở các vị trí hiểm yếu, chiến lược gần biên giới phía Bắc (nơi ta dự đoán quân giặc nhất định sẽ phải đi qua). Đặc biệt là tuyến phòng thủ chủ yếu trên bờ Nam sông Như Nguyệt.

Sông Như Nguyệt là đoạn sông Cầu chảy qua huyện Yên Phong (bờ Bắc là Bắc Giang, bờ Nam là Bắc Ninh ngày nay). Đây là đoạn sông có vị trí rất quan trọng, vì nó án ngữ mọi con đường từ phía Bắc chạy về Thăng Long. Phòng tuyến dài gần 100 km, được đắp bằng đất, cao, vững chắc; bên ngoài còn có mấy lớp giậu tre dày đặc. Quân chủ lực của ta do Lý Thường Kiệt chỉ huy trực tiếp đóng giữ phòng tuyến quan trọng này.

Cuối năm 1076, nhà Tống cử một đạo quân lớn theo hai đường thủy, bộ tiến hành xâm lược Đại Việt.

Tháng 1 – 1077, 10 vạn quân bộ do Quách Quỳ, Triệu Tiết chỉ huy vượt biên giới qua Lạng Sơn tiến xuống. Quân ta chặn đánh, đến trước bờ Bắc sông Như Nguyệt quân Tống bị quân ta chặn lại. Quân thủy của chúng cũng bị chặn đánh ở vùng ven biển nên không thể tiến sâu vào để hỗ trợ cho cánh quân bộ.

Quân Tống nhiều lần tấn công vào phòng tuyến sông Như Nguyệt để tiến xuống phía Nam, nhưng bị quân ta đẩy lùi. Quân Tống chán nản, tuyệt vọng, chết dần chết mòn. Cuối năm 1077, quân ta phản công, quân Tống thua to.

Quân ta chủ động kết thúc chiến tranh bằng đề nghị “giảng hòa”, quân Tống chấp nhận ngay và rút về nước. Cách kết thúc cuộc kháng chiến của Lý Thường Kiệt rất độc đáo: để đảm bảo mối quan hệ bang giao hòa hiếu giữa hai nước sau chiến tranh, không làm tổn thương danh dự của nước lớn, bảo đảm hòa bình lâu dài. Đó là truyền thống nhân đạo của dân tộc ta.

III. Nhân vật tiêu biểu

Ngoài những ông vua lỗi lạc của nhà Lý như Lý Thái Tổ, Lý Thái Tông, Lý Thánh Tông, Lý Nhân Tông, nước Việt thời Lý còn có những nhân vật nổi tiếng như Lê Phụng Hiểu, Lý Đạo Thành, Lê Văn Thịnh… đặc biệt có Lý Thường Kiệt, một nhà quân sự tài ba và Ỷ Lan Nguyên phi, một người phụ nữ đã phát huy được khả năng trong việc cai trị đất nước.

Ỷ Lan nguyên phi

Ỷ Lan quê ở làng Thổ Lỗi (Thuận Thành, Hà Bắc). Năm 1062, vua Lý Thánh Tông đã 40 tuổi mà không có con nên thường đi các nơi để cầu tự. Một hôm vua qua làng Thổ Lỗi, trong khi mọi người đổ ra đường xem xa giá thì bà đang hái dâu, chỉ đứng dựa cây lan mà nhìn. Vua thấy thế làm lạ, cho gọi đến để hỏi. Thấy bà xinh đẹp, đối đáp dịu dàng lại thông minh sắc sảo, vua đưa về cung và phong làm Ỷ Lan phu nhân. Năm 1066 bà sinh Thái tử Càn Đức và được phong là Nguyên phi.

Lúc bấy giờ giữa Đại Việt và Cham-pa đang xảy ra chiến tranh biên giới. Vua Lý Thánh Tông phải thân chinh đi đánh (1069). Vua giao cho bà quyền giám quốc. Sau nhiều trận không thành công, Lý Thánh Tông rút quân về nước. Trên đường về kinh đô, nghe báo là bà Ỷ Lan thay vua trị nước được yên vui, Thánh Tông nghĩ: “Người đàn bà trị nước còn được như thế, ta đi đánh Chiêm Thành không thành công, thế ra đàn ông hèn lắm à!” Vua đem quân trở lại và lần này chiến thắng.

READ:  Lý Thường Kiệt

Năm 1072, Lý Thánh Tông mất, Thái tử Càn Đức mới bảy tuổi lên nối ngôi. Bà được phong làm Thái phi. Có tài liệu ghi rằng lúc bấy giờ Thái hậu họ Dương buông rèm lo việc triều chính. Ỷ Lan lên làm Hoàng Thái Hậu (tức Linh Nhân Thái Hậu) giúp vua trị nước. Trước họa nhà Tống lăm le xâm lăng Đại Việt, bà đã nghe theo lời Lý Thường Kiệt cho gọi Lý Đạo Thành trở lại giữ chức Thái phó Bình Chương quân quốc trọng sự để lo việc triều chính. Đây là lúc triều đình nhà Lý tổ chức thắng lợi cuộc kháng chiến chống quân Tống. Lý Thường Kiệt đã đem quân đánh sang tận Ung Châu, Liêm Châu, năm sau chặn đứng quân xâm lăng ở sông Như Nguyệt buộc chúng phải rút về nước. Trong việc trị nước, Thái hậu coi trọng việc phát triển nông nghiệp, bảo vệ trâu bò dùng làm sức kéo. Thương những phụ nữ nghèo khổ phải đem thân thế nợ, không thể lập gia đình, bà cho xuất tiền chuộc họ và tìm người gả chồng cho. Thái hậu cũng chú ý mở mang đạo Phật. Tương truyền bà đã cho xây dựng đến 100 ngôi chùa để mong chuộc lại lỗi đã bức tử Dương Thái Hậu cùng các cung nữ trước kia.

Lý Thường Kiệt

Lý Thường Kiệt vốn tên là Ngô Tuấn, tự là Thường Kiệt, quê ở làng An Xá, huyện Quảng Đức (Cơ Xá, Gia Lâm, Hà Nội). Từ nhỏ ông đã ham chuộng cả văn lẫn võ, thích đọc sách và tập luyện võ nghệ. Năm 20 tuổi, ông được bổ làm một chức quan nhỏ trong đội kị binh. Sau theo lời khuyên của vua Lý Thái Tông, ông tự hoạn để vào làm quan trong cung. Ông được thăng dần lên đến chức Đô tri nội thị sảnh, trông coi mọi việc trong cung vua. Đến năm 1069, ông được cử làm Đại tướng theo vua Lý Thánh Tông tiến công Cham-pa. Lý Thường Kiệt bắt được Chế Củ trong dịp này khi tiến quân đến tận biên giới Chân Lạp (vùng Phan Rang, Phan Thiết ngày nay). Chiến thắng trở về, ông được phong làm Phụ quốc Thái phó, tước Khai quốc công và được vua Lý nhận làm con nuôi, vì thế ông đổi sang họ Lý và có tên là Lý Thường Kiệt.

Năm 1072, Lý Thánh Tông mất, Thái tử Càn Đức (7 tuổi, con của Ỷ Lan Nguyên phi) lên nối ngôi, tức là Lý Nhân Tông, Thái hậu Thượng Dương cùng Thái sư Lý Đạo Thành là phụ chính nhưng Lý Thường Kiệt giúp Ỷ Lan (đã trở thành Linh Nhân Thái hậu) truất quyền phụ chính của Thái hậu Thượng Dương, giáng Lý Đạo Thành xuống làm Tả gián nghị Đại phu và đổi đi trấn nhậm ở Nghệ An. Ỷ Lan lên làm Phụ chính còn Lý Thường Kiệt làm Tể tướng.

READ:  Lịch sử 7 - Bài 26: QUANG TRUNG XÂY DỰNG ĐẤT NƯỚC

Lúc bấy giờ ở Trung Quốc, nhà Tống đang gặp khó khăn về mọi mặt. Tể tướng của nhà Tống là Vương An Thạch đưa ra Tân pháp để giải quyết những bế tắc của Trung Quốc. Một trong những biện pháp của Tân pháp Vương An Thạch là phải tạo nên uy danh cho nhà Tống bằng cách bành trướng xuống phía Nam, xâm lăng Đại Việt. Do vậy nhà Tống cho tích trữ lương thảo, quân dụng tại các thành Ung Châu (Quảng Tây), Khâm Châu và Liêm Châu (Quảng Đông) để chuẩn bị cho cuộc xâm lăng. Trước tình thế đó Lý Thường Kiệt chủ trương như sau: “Ngồi yên đợi giặc không bằng đem quân ra đánh trước để chặn mũi nhọn của giặc“. Trước hết để củng cố nội bộ, ông đề nghị cùng Ỷ Lan mời Lý Đạo Thành về lại triều đình giữ chức Thái phó trông coi việc triều chính. Trước họa nước, Lý Đạo Thành hợp lực cùng Lý Thường Kiệt tích cực chuẩn bị việc đối phó.

Cuối năm 1075, Lý Thường Kiệt đem 10 vạn quân tiến sang đất Tống đánh vào Khâm Châu, Liêm Châu và Ung Châu. Sau 42 ngày vây hãm, quân Việt chiếm được thành Ung Châu. Sau khi phá hủy phần lớn căn cứ hậu cần của quân Tống, tháng 4.1076, Lý Thường Kiệt cho rút quân về. Cuối năm ấy, nhà Tống cử tướng Quách Quỳ đem 30 vạn quân theo hai đường thủy bộ sang xâm lược Đại Việt. Lý Thường Kiệt cho lập phòng tuyến kiên cố dọc theo sông Như Nguyệt để chặn địch. Đồng thời ông cũng cho quân đón đánh thủy binh địch và đã ngăn được hai cánh quân thủy bộ của địch phối hợp với nhau. Trên phòng tuyến Như Nguyệt, chiến trận diễn ra ác liệt. Để cổ vũ quân sĩ, ông làm nên bài thơ và cho người đêm khuya vào đền thờ Trương Hát ở bờ Nam sông Như Nguyệt giả thần nhân đọc vang lên:

Nam quốc sơn hà Nam đế cư
Tiệt nhiên định phận tại thiên thư
Như hà nghịch lỗ lai xâm phạm
Nhữ đẳng hành khan thủ bại hư.
(Sông núi nước Nam vua Nam ở
Rành rành định phận ở sách trời
Cớ sao lũ giặc sang xâm phạm
Chúng bay sẽ bị đánh tơi bời)

Nhờ thế tinh thần quân sĩ thêm hăng hái. Sau hơn ba tháng đánh không thắng, lực lượng bộ binh không thể sang sông vì thiếu thủy binh hỗ trợ, quân Tống bị chết mất quá nửa lại thêm bệnh tật đe dọa, Quách Quỳ lâm vào thế quẫn bách. Lý Thường Kiệt chủ động đề nghị hòa để mở lối thoát cho quân địch nhằm sớm chấm dứt chiến tranh. Đến tháng ba năm 1077 Quách Quỳ rút quân về nước. Từ đấy quân Tống từ bỏ ý định xâm lược Đại Việt.