Đôi giày hạnh phúc

Truyện cổ Andersen

ĐÔI GIÀY HẠNH PHÚC

Khởi đầu câu chuyện

Câu chuyện xảy ra trong một tòa nhà, cạnh Hoàng trường mới, phố Đông, thành Copenhagen. Chủ nhân tiếp đón rất nhiều khách, vừa vì thích tiếp khách, vừa để rồi khách mời lại. Một nửa khách khứa đã xúm quanh bàn cờ bạc, còn nửa kia đang chờ bà chủ nhà lên tiếng: “Xem nào? Chúng ta còn nghĩ ra cái gì mà chơi nữa không nhỉ?”. Quang cảnh lúc bấy giờ là như thế đấy và họ tiếp tục chuyện gẫu. Xen vào nhiều chuyện khác, họ bàn đến thời trung cổ. Chẳng một ai thấy thời ấy hơn thời nay. Ngài hội thẩm Knapp dốc hết nhiệt tình ra phản đối ý kiến ấy đến nỗi bà chủ nhà cũng phát biểu đồng ý kiến với ngài và cả hai người đều phản đối bài của ông Oersted đăng trong tờ Lịch thư, trong bài đó, bàn về thời cổ và thời kim, ông đánh giá thế kỉ chúng ta là thế kỉ phi thường hơn cả. Ngài hội thẩm chủ trương rằng từ trước tới nay thời vua Hans là thời đại huy hoàng và hạnh phúc nhất.

Cuộc bàn cãi cứ tiếp tục. Chẳng còn gì tiêu khiển ngoài việc đọc lướt tờ báo vừa nhận được và thực ra trong báo cũng chẳng có tin gì thích thú. Lúc này, chúng ta hãy ra ngoài phòng đợi, đầy những áo choàng, gậy chống, ô và giầy. Ngoài ấy có hai người hầu gái, một già, một trẻ, người ta dễ nhầm tưởng họ đến đây để đưa đón các bà chủ góa chồng của họ. Nhưng, nhìn kỹ hơn, người ta thấy ngay đó không phải là những người hầu phòng. Bàn tay họ thanh tú, dáng ngồi và điệu đi của họ lịch sự, không thích hợp với công việc ấy. Ngay quần áo của họ cũng khác thường và đầy vẻ tao nhã. Đó là hai nàng tiên. Nàng trẻ tuổi không phải là thần May rủi, nàng có nhiệm vụ đi phân phát những món quà nho nhỏ của thần May rủi. Bà tiên già xem như nghiêm khắc vô cùng. Đó là thần Trừng Phạt, thường trực tiếp đi làm nhiệm vụ để được yên trí về kết quả công việc.

Hai người kể cho nhau nghe ngày hôm ấy đã ở những đâu. Nàng thị tỳ của người hầu phòng thần May rủi mới chỉ làm được công việc không quan trọng gì mấy. Nàng kể rằng: nàng đã giữ cho một chiếc mũ mới khỏi bị nước mưa, đã chuyển tới một người có tài lời chào mừng của một kẻ vô tài trứ danh, và đã làm được khối việc khác tương tự; nhưng còn phải làm một việc nữa rất dị thường. Nàng nói:

– Tôi phải báo để chị biết hôm nay là ngày sinh nhật của tôi và người ta đã giao cho tôi một đôi giày để làm quà cho người trần. Đôi giày có phép lạ, hễ ai xỏ chân vào thì muốn đi đến đâu hoặc sống lại thời đại nào cũng được ngay lập tức. Khi lời ước đấy đã được thực hiện, con người ấy có thể sướng ít ra là một lần trong đời mình.

– Phải, tốt lắm! Nhưng không khéo người ấy sẽ càng khổ hơn và lại mong sớm được từ bỏ đôi giày của chị.

– Ừ, cũng có thể như thế! Thôi được rồi, tôi cứ đặt đôi giày vào đây, gần cửa ra và, ai nhặt được sẽ sung sướng.

Đến đây, câu chuyện của họ kết thúc.

Ngài hội thẩm đã gặp chuyện gì?

Đã khuya, ngài hội thẩm Knapp đang miên man suy nghĩ về thời đại của vua Hans và muốn về nhà. Tình cờ ngài xỏ nhầm vào đôi giày hạnh phúc. Ngài đi ra lối phố Đông, nhưng phép lạ của đôi giày đã đưa ngài quay trở lại thời vua Hans và chân ngài dẫm bùn lội qua các vũng nước vì thời ấy người ta chưa nghĩ ra cách lát gạch các hè phố.

Ngài lẩm bẩm:

– Bùn khiếp thật! Hè phố chẳng còn, điện cũng tắt ngóm.

Trăng chưa mọc, hơn nữa, sương mù khá nhiều, mọi vật chìm trong đêm tối. Tuy nhiên ở một góc gần đấy có treo một ngọn đèn hắt ánh sáng xuống pho tượng Đức mẹ. Nhưng ánh đèn mờ quá nên ngài đến tận nơi, trông thấy tượng Đức mẹ đang bế Đức chúa Jesus trên tay mới nhận ra là có đèn. Ngài nghĩ thầm:

– Có lẽ đây là một cửa hiệu mỹ phẩm mà người ta quên mất cái biển hàng.

Thấy hai người mặc quần áo thời cổ vượt lên trước, ngài nói:

– Kìa! Những người này ăn mặc có vẻ khác thường nhỉ! Hẳn là họ vừa đi dự hội khiêu vũ trá hình về.

Vừa hay có tiếng trống và tiếng địch nổi lên, ngài đứng lại và thấy một đám rước diễu qua. Đi đầu là trống rồi đến thị vệ cầm cung tên và binh khí. Người chỉ huy đám rước là một nhà tu hành. Ngạc nhiên, ngài hội thẩm hỏi thế là thế nào và người ấy là ai?

Thiên hạ trả lời:

– Đó là đức giám mục Zealand.

– Trời ơi! Đức giám mục làm sao thế kia? – Ngài hội thẩm lắc đầu lẩm bẩm. – Có lẽ không phải người đâu.

Chìm đắm trong những ý nghĩ ấy, chẳng nhìn ngang nhìn ngửa, ngài hội thẩm đi qua phố Đông và quảng trường Cầu Lớn. Không sao mà tìm được cái cầu bắc sang quảng trường Cung Điện. Ngài chỉ loáng thoáng trông thấy một con sông rộng và cuối cùng ngài gặp hai người lúc này đang ngồi cùng trong một chiếc thuyền. Họ hỏi:

– Ngài muốn qua sông Holm không?

– Qua sông Holm à? – Ngài hội thẩm quên mất không biết mình đang sống trở lại thời nào. – Tôi muốn đến ngõ Christian’s Haven, khu phố chợ.

Hai người kia ngạc nhiên nhìn ngài. Ngài tiếp:

– Các ông chỉ giùm cho tôi lối lên cầu. Không có lấy một ngọn đèn, đến là tối, cứ bì bõm như trong đồng lầy ấy. Bùn ơi là bùn!

Ngài càng nói chuyện với hai người thủy thủ lại càng chẳng hiểu họ nói gì.

– Chẳng thế nào mà hiểu được cái tiếng địa phương kỳ dị của bác!

Thế là ngài bực tức quay phắt đi. Ngài không làm thế nào tìm ra được cái cầu, ngay cả đến lan can dọc bờ sông cũng chẳng có. Ngài lẩm bẩm:

– Cơ sự này thì loạn thật!

Chưa bao giờ mà ngài lại cảm thấy thời đại ngài sống thảm hại đến thế. Ngài lại nói tiếp:

– Có lẽ phải gọi một cái xe mà đi mới được.

Nhưng đào đâu ra xe kia chứ? Trông mòn mắt cũng chẳng có lấy một cái.

– Mình phải quay về Hoàng trường mới mà kiếm xe không khéo thì chẳng bao giờ về tới Christian’s Haven mất!

Thế là ngài lại men quay trở lại phố Đông, đi gần tới đầu phố thì trăng lên. Trông thấy cổng thành phía Đông – thời ấy dựng ngay đầu phố – ngài kêu lên:

– Trời ơi, người ta dựng cái đài này lên đây làm gì thế này?

Cuối cùng, ngài cũng tìm ra được một chiếc xe ngựa và ra đến khoảng đất quảng trường mới hiện nay. Thời xưa đấy chỉ là một bãi cỏ rộng, đây đó có một vài bụi cây. Một con sông đào rộng chảy qua, đổ thẳng ra biển. Bờ bên kia có một vài túp lều gỗ tồi tàn của những người thủy thủ xóm Hà Lan (do đó nơi ấy nay được đặt tên là mũi Hà Lan).

Ngài tự nhủ:

– Nàng tiên Morgan[39] trêu mình hay là mình say rượu chẳng biết được? Thế này là thế nào nhỉ?

Ngài quay lại, yên trí là mình ốm. Vào đến trong phố, ngài nhìn thấy rõ nhà cửa hơn, phần lớn vách dựng bằng thanh gỗ, nhiều nhà lợp bằng rạ. Ngài lẩm bẩm:

– Quái thật! Mình khó ở hay sao ấy! Mình chỉ uống có một cốc rượu pha đường thôi mà chịu không nổi. Lại còn cho mình một cốc rượu pha đường với cá hồi nóng thì điên thật. Cái bà vợ quan nội thần ác thật! Hay là mình quay lại để cho họ biết mình hiện giờ ra sao. Nhưng thế thì cũng hơi lẩn thẩn. Chả biết bây giờ họ còn thức hay không.

Ngài tìm sân nhà, nhưng chịu, tìm không ra.

– Khiếp thật! Mình không nhận ra nổi phố Đông nữa. Chẳng còn lấy một cửa hiệu! Chỉ toàn là những cái lều cũ kỹ tồi tàn như ở Roeskilde hay Ringstedt. Trời! Mình ốm quá mất rồi! Nhưng không phải là lúc nhút nhát được! Quái, nhà quan nội thần đâu mất rồi nhỉ? Họ dậy rồi thì phải. Trời, sao ta lại ốm thế này?

Ngài gõ cửa một nhà có ánh sáng lọt qua khe cửa hé mở. Đấy là một quán trọ thời xưa, một loại quán bán rượu bia. Căn phòng giống như những tiệm rượu Hà Lan. Ở đấy tụ họp một số lính thủy, vài người thành thị với hai nhà bác học nữa. Người nào cũng có một cốc bia trước mặt và đang chuyện trò náo nhiệt. Khi ngài hội thẩm bước vào, họ không để ý đến ngài lắm. Bà chủ quán chạy đến. Ngài bảo:

– Xin lỗi, tôi thấy người rất khó ở! Bà có thể gọi xe đưa tôi về Christian’s Haven được không?

Bà chủ quán nhìn ngài, lắc đầu rồi nói với ngài bằng tiếng Đức. Ngài hội thẩm đoán là bà ta không biết tiếng Đan Mạch, liền hỏi bà ta lần nữa bằng tiếng Đức. Tiếng nói và cách ăn mặc của ngài làm cho bà chủ quán càng tin rằng ngài là người nước ngoài. Bà ta hiểu ngay rằng ngài ốm và mang cho ngài một cốc nước mằn mặn, mặc dầu đó là nước bà vừa tự tay đi hứng ở vòi nước về.

Ngài hội thẩm ôm đầu thở dài, suy nghĩ về tất cả những điều kỳ lạ xung quanh mình.

Thấy bà chủ quán gấp một tờ giấy khổ rộng cất đi, ngài hỏi cho có chuyện:

– Có phải báo “Ban ngày” mới ra tối nay đó không?

Bà ta không hiểu ngài định nói gì, nhưng chìa cho ngài tờ giấy. Đó là tấm tranh khắc gỗ, in lại một hiện tượng thiên văn nhìn thấy ở thành phố Cologne.

– Bức tranh này cổ quá rồi còn gì nữa. (Ngài hội thẩm rất lấy làm cảm động vì được xem một thứ cổ như thế). Bà làm thế nào kiếm được bức tranh hiếm có này? Quý đấy, nhưng câu giải thích ghi trong tranh rất hoang đường. Bây giờ người ta bảo hiện tượng ấy là một bắc cực quang, có thể là do điện gây ra.

Những người ngồi gần đấy nghe ngài nói đều ngạc nhiên nhìn ngài. Một người đứng dậy, cung kính ngả mũ chào và nói với ngài bằng một giọng rất nghiêm trang:

– Thưa quý ngài, hẳn quý ngài phải là một nhà bác học đại tài.

– Ồ! Không đâu. Mỗi thứ tôi đều biết một tí, cũng như mọi người thôi.

– Nhũn nhặn là một đức tính cao quý thay!

– Thưa các ngài, tôi chỉ có thể trả lời các ngài: “Mihi secus videtur”[40] và tạm thời cứ giữ nguyên ý kiến tôi về vấn đề đó. – Ngài hội thẩm hỏi thêm:

– Ông có thể cho tôi biết quý danh chăng?

Người kia đáp:

– Tôi là tú tài thánh thư.

Câu trả lời không làm cho ngài hội thẩm ngạc nhiên, vì tước vị ấy phù hợp với cách ăn mặc của người ấy.

Ngài nghĩ thầm: Đây hẳn là một lão hương sư hơi loạn trí nào đó mà đến nay người ta vẫn còn thấy sót lại trong hang cùng ngõ hẻm xứ Jutland.

Người kia lại nói:

– Đây không phải là một hội trường, nhưng nếu ngài cứ tiếp tục nói chuyện với tôi thì hay quá. Không còn nghi ngờ gì nữa, hẳn là ngài rất am hiểu các tác giả thời xưa.

– Vâng, đúng thế. Sách vở thời xưa bổ ích lắm, tôi rất hay đọc. Tôi cũng biết khá nhiều sách thời nay trừ những “Truyện hàng ngày”.

– “Truyện hàng ngày” là thế nào kia?

– Tôi muốn ám chỉ những quyển tiểu thuyết mới viết ra thường phải đọc hiện nay.

– Nhưng tôi lại thấy những quyển tiểu thuyết ấy cũng khá thú vị. Đức vua vẫn thường đọc đấy. Người thích nhất cuốn “Iffven tiên sinh và Gaudian tiên sinh”, thuật lại truyện vua Arthur và các hiệp sĩ bàn tròn.

– A! Thế thì tôi chưa được đọc. Chắc hẳn đấy là một cuốn mới của nhà xuất bản Heiberg.

– Không, không phải của nhà xuất bản Heiberg đâu, mà là của Godfred von Gehman.

– Có phải ông Gehman là tác giả không? Cái tên ấy có vẻ xưa quá nhỉ! Đúng là tên nhà in đầu tiên của nước Đan Mạch chúng ta.

– Vâng, đúng thế, đúng là nhà in đầu tiên của chúng ta.

Câu chuyện đang vui vẻ, bỗng một người nói đến trận dịch hạch ghê gớm xảy ra hai năm về trước và nhắc luôn đến cả trận xảy ra năm 1484.

Ngài hội thẩm lại tưởng ông ta nói đến năm có dịch tả. Trận đánh bọn giặc biển năm 1490 xảy ra gần năm ấy nên họ cũng không thể không nhắc đến quân cướp người Anh xông vào tận hải cảng cướp thuyền bè. Nghe thấy thế ngài hội thẩm lại cứ tưởng họ nói về cuộc mưu sát năm 1801, nên những lời ngài nguyền rủa bọn Anh trong vụ mưu sát ấy cũng vẫn khớp với câu chuyện như thường.

Nhưng về sau câu chuyện đâm ra chuệch choạc, chẳng bên nào hiểu bên nào nói gì nữa. Đối với vị tú tài trung hậu quá dốt thì những điều khẳng định đơn giản nhất của ngài hội thẩm cũng làm choáng tai ông như những lý thuyết quái dị vậy. Họ ngẩn người ra nhìn nhau, và khi bí quá, vị tú tài lại phát biểu bằng tiếng Latin, cho rằng có thế người ta mới hiểu được mình. Nhưng cũng chẳng hơn gì.

Bà chủ quán kéo tay áo ngài hội thẩm hỏi:

– Ngài thấy trong người thế nào rồi?

Câu hỏi làm ngài sực tỉnh. Vì mải mê nói chuyện ngài đã hoàn toàn quên những sự việc xảy ra hồi nãy. Vừa nhớ lại chuyện cũ, ngài choáng người kêu lên:

– Trời đất ơi, đây là đâu thế này?

Một vị khách hô lớn:

– Cùng nhau cạn chén nào! Rượu mật ong pha với bia xứ Bremen. Xin mời ngài chạm cốc với chúng tôi.

Hai chị hậu bàn bưng khay ra cúi chào quan khách rồi rót rượu.

– Rượu gì thế này nhỉ?

Ngài hội thẩm tự hỏi, không dám uống. Người ta mời chào ghê quá nên buộc lòng ngài đánh phải uống vậy. Có người bảo ngài say rượu, ngài bèn tin ngay lập tức và nhờ thuê hộ một cái xe ngựa. Nghe thấy ngài nói thế, họ lại cứ tưởng ngài nói tiếng Nga. Ngài chưa hề tiếp xúc với hạng người thô lỗ đến thế bao giờ. Tưởng như đất nước lùi lại thời tà giáo, ngài nghĩ thầm:

– Đây đúng là giờ phút rùng rợn nhất đời mình.

Lúc đó, ngài nảy ra ý định chui xuống gầm bàn và bò ra cửa. Ngài bò ra gần đến nơi thì họ trông thấy, tóm cẳng ngài lại, thế là đôi giày tụt ra khỏi chân và phép lạ biến mất.

Ngài hội thẩm nhìn thấy rất rõ một cái cột đèn đang chiếu sáng trước mặt và phía sau là một tòa nhà lớn. Ngài nhận ra nó và cả những ngôi nhà bên cạnh nữa. Như trên đã nói, ngài đang ở phố Đông. Quỳ trước một cái cửa, ngài trông thấy một người tuần canh đang ngủ ngay trước mặt ngài. Ngài kêu lên:

– Trời ơi, sao mình lại nằm ở giữa đường thế này mà ngủ nhỉ? Giữa ngay phố Đông. Đèn ơi, cám ơn mày nhé! Gớm thật! Uống có một cốc rượu pha đường mà khiếp thế đấy.

Hai phút sau ngài đã lên xe ngựa trở về Christian’s Haven. Ngài nhớ lại những mối lo âu, khổ ải vừa trải qua và thầm khen cuộc sống thực tại đầy hạnh phúc đã chứng minh cho ngài thấy rõ: Thời đại chúng ta chưa hoàn hảo lắm, nhưng cũng còn hơn cái thời đại ngài đang sống lúc nãy nhiều.

*

* *

Bác tuần canh gặp chuyện lạ

Bác tuần canh reo lên:

– Ơ này! Đôi giày của ai thế này? Chắc là của quan trung úy trên gác nhà này. Ai lại để giày ngay trước cửa thế này.

Bác tuần canh phúc hậu muốn bấm chuông gọi cửa đem trả giày vì buồng ngài trung úy vẫn còn ánh đèn, nhưng bác không muốn làm mất giấc ngủ của những chủ bác trong nhà nên lại thôi và nghĩ thầm:

– Xỏ đôi giày này hẳn là khoái lắm đây. Da mềm tợn!

Bác xỏ thử, vừa khít.

– Đời cũng lắm chuyện nực cười thật. Ngài trung úy có thể chui vào giường nằm cho sướng, nhưng cứ thử lên mà xem, ngài có nghĩ đến chuyện ấy đâu. Ngài đang đi đi lại lại trong phòng. Ông ấy may thật đấy! Chẳng vợ chẳng con gì cả! Chiều chiều ngài đi tiêu khiển trong giới giàu sang! Mình mà được như ông ấy thì sướng phải biết.

Do phép lạ của đôi giày, bác tuần canh vừa ước thế liền được nhập ngay cả hồn lẫn xác vào quan trung úy. Bác thấy mình đang sống trong căn phòng trên gác, tay đang cầm một mảnh giấy nhỏ màu hồng, trên có viết một bài thơ do chính ngài trung úy làm ra. Quả thật, có ai suốt đời lại chưa từng cảm thấy hồn thơ lai láng ít nhất là một lần? Lúc ấy, người ta viết ý nghĩ của mình ra, thế là thành thơ, nhưng bác tuần canh không thích thơ, và lấy làm tiếc cái nghề vất vả bạc bẽo của mình.

READ:  Hai anh em và ba con yêu tinh

Do phép lạ của đôi giày, bác tuần canh của chúng ta lại từ trung úy trở lại thành người tuần canh, vì bác không thích số phận mới bằng cuộc sống cũ, thích cái nghề trước của mình hơn. Thế là thân tuần canh lại trở về với phận tuần canh.

– Mình vừa mơ một giấc mơ rõ lạ, chán mớ đời. Tự dưng thành quan trung úy trên gác kia, cũng chả thấy hơn được cái gì lại đâm ra nhớ mẹ cu và đàn con thân yêu.

Bác ngồi xuống cúi đầu triền miên mơ mộng vì chân vẫn còn đang xỏ đôi giày. Bỗng trên trời có một vì sao đổi ngôi. Bác lẩm bẩm:

– Sao đổi ngôi! Chắc là đổi sang một cõi thế sướng hơn chăng? Ước gì mình được đến gần một vì tinh tú ấy mà xem, nhất là mặt trăng… vì mặt trăng thì mới không lọt qua kẽ tay mình được. Hôm nọ, một anh sinh viên đã bảo mình rằng: chết tức là chuyển từ ngôi sao này sang ngôi sao khác, làm cho vợ mình rất phật ý. Tất nhiên là không đúng, nhưng dẫu sao nghĩ cũng hay hay! Giá mà được đi chơi một vòng trên ấy thì nếu phải bỏ xác trên bậc cửa này cũng cam lòng!

Trên đời này có nhiều điều phải dè dặt trong lời nói, nhưng khi xỏ đôi giày hạnh phúc thì càng phải thận trọng hơn nữa. Chuyện xảy ra với bác tuần canh như sau:

Vừa dứt lời ước được vài giây, bác tuần canh đã vượt qua sáu vạn dặm, lên tới cung trăng. Chúng ta đã biết rằng mặt trăng cấu tạo bằng một chất nhẹ hơn trái đất chúng ta có thể nói là tựa như tuyết vừa mới rơi xuống. Bác tuần canh sa vào một trong những ngọn núi lửa mà ta thấy vẽ trên tấm bản đồ mặt trăng của nhà bác học Madler. Bác tạt xuống sâu chừng nửa dặm Đan Mạch. Phía dưới có một làng toàn một màu như lòng trắng trứng hòa với nước, nhưng nom rõ cả cái tháp tròn, cửa cuốn bàn thờ đong đưa trên không. Trái đất của chúng ta tựa như một ngọn đèn khổng lồ treo trên đầu. Trên mặt trăng có nhiều sinh vật, trái đất ta thì gọi họ là người đấy, nhưng họ chẳng giống chúng ta chút nào. Họ cũng có tiếng nói riêng, và kỳ lạ thay! Linh hồn bác tuần canh rất hiểu thứ tiếng ấy.

Trên ấy, họ tranh luận với nhau về trái đất chúng ta và họ cũng ngờ rằng trái đất có người.

Họ cho rằng không khí trái đất dày đặc quá không thể sống được, chỉ có mặt trăng là có sinh vật mà thôi, mặt trăng là vì tinh tú hoàn hảo nhất, nơi trú ngụ của người nhà trời thời cổ xưa.

Nhưng chúng ta hãy xuống phố Đông xem xác bác tuần canh ra sao.

Bác nằm chết gí ở bậc cửa, mắt ngước lên trăng, nơi hồn bác đang du ngoạn, chẳng khác gì một xác chết. Người qua đường thấy thế đâm hoảng. Ai cũng cho bác tuần canh rõ ràng đã chết rồi, chẳng thể nào cứu chữa được nữa và cuối cùng, lúc tảng sáng, người ta chở bác vào nhà thương.

Các bác thử tưởng tượng rằng hồn bác tuần canh khi trở về trái đất đi tìm xác bác mà không thấy thì bối rối biết chừng nào! Đại để là hồn bác sẽ phải chạy đến sở cảnh sát, rồi đến phòng giữ đồ đạc đánh mất, nhờ điều tra manh mối và cuối cùng là đến nhà thương. Các bạn cứ yên trí! Hồn con người được thả lỏng thì tinh khôn lắm. Khi nhập vào xác, hồn mới đần độn ra.

Thế là người ta chở bác tuần canh vào bệnh viện và đặt bác vào nhà xác. Tất nhiên việc đầu tiên là người ta tháo giày bác ra. Thế là hồn bác trở về ngay lập tức, nhập vào bác và bác sống lại.

Bác kể rằng đêm qua là đêm khủng khiếp nhất đời bác. Có ai cho hai đồng tiền vàng mà bảo bác sống lại một đêm như vậy cũng xin chịu. Nhưng thôi, thế là xong.

Ngay ngày hôm đó, bác được ra viện, nhưng đôi giày thì ở lại trong nhà thương.

*

* *

Giây phút nguy cấp. Tiết mục ngâm thơ. Một cuộc du lịch kỳ lạ.

Không có người Copenhagen nào không biết cách bố trí lối cửa vào nhà thương Frederick, nhưng tất cả các bạn đọc sách của tôi không phải ai cũng là người Copenhagen, nên tôi muốn tả vắn tắt trong vài dòng.

Từ ngoài phố vào, nhà thương có một hàng rào sắt khá cao, chấn song to khá thưa, đủ cho trẻ con chui qua thăm viếng phía bên trong tí chút. Thông thường có cái đầu là khó chui nhất. Trường hợp này cũng như các trường hợp thường gặp trên đời, chính những cái đâu óc chật hẹp lại thường chiếm ưu thế. Điều này coi như mào đầu câu chuyện.

Một trong những phụ tá trẻ tuổi của nhà thương – thân hình chẳng có gì đặc biệt ngoài cái đầu to – tối hôm đó đến phiên gác. Mưa rào, nhưng cậu vẫn muốn chuồn đi chơi mười lăm phút. Hai lý do trên không cản nổi cậu ta. Cậu cho rằng chui qua hàng rào dễ như thế thì chẳng tội gì mà qua cổng chính.

Vừa hay cậu chợt trông thấy đôi giày của bác tuần canh để quên, không mảy may biết đấy là đôi giày hạnh phúc. Giày ấy đi mưa thật là tiện nên cậu liền vớ lấy. Bây giờ chỉ còn việc chui qua khe chấn song hàng rào. Cậu chưa từng chui bao giờ. Cậu ước:

– Lạy giời, làm thế nào cho đầu tôi lọt qua được.

Nhờ phép lạ của đôi giày, cái đầu lọt qua một cách dễ dàng, giờ đến lượt cái mình. Cậu kêu lên:

– Hè! Mình to béo quá. Thế mà mình cứ tưởng khó chui nhất là cái đầu. Khéo chẳng bao giờ mình chui qua nổi mất.

Cậu muốn rụt đầu lại, nhưng không được, chỉ ngọ nguậy được cái cổ thôi. Kết quả đầu tiên là cậu nổi cáu. Kết quả thứ hai là tính tình vui vẻ của cậu tụt dưới số không. Đôi giày hạnh phúc đã dồn cậu vào tình thế hết sức quái gở, và cậu lại không ước chui ra khỏi, mới khổ chứ! Giẫy giụa, xoay sở mãi cũng chẳng ăn thua gì.

Trời vẫn mưa như trút, phố xá vắng tanh. Hơn thế, cậu cũng chẳng thể với cái chuông ngoài cổng. Làm sao mà thoát ra khỏi bước nguy khốn này được. Cậu đoán chừng phải đứng đấy đến tận sáng, không chừng phải nhờ gọi một ông thợ khóa đến cưa chấn song đi. Nhưng thế thì mất nhiều thì giờ lắm. Rồi thì tất cả đội quân mặc tạp dề xanh, tất cả lũ nhóc con sẽ đến rục chân ra ngắm nghía và bêu xấu cậu.

– Ồ! Máu nóng bốc cả đầu! Mình cảm thấy mình đang phát điên đây, ước gì thoát khỏi nơi này!

Nhẽ ra cậu phải ước sớm hơn mới phải. Cậu vẫn còn bàng hoàng vì vừa bị đôi giày hạnh phúc hành tội thất điên bát đảo.

Bạn đọc sẽ hỏi: “Thế là hết chuyện ư?” Than ôi! Chưa đâu. Bạn còn chưa biết phần bí mật nhất của câu chuyện.

Đến tới nhà hát nhỏ gần đấy biểu diễn. Chật ních người xem. Trong chương trình có tiết mục ngâm bài thơ “Đôi kính lão của bà tôi”.

Bài thơ ấy kể rằng: Bà tôi có đôi kính nhìn thấu suốt tâm can mọi người, nhìn ai là đọc được những ý nghĩ thầm kín nhất của người ấy. Trong số khán giả có cậu phụ tá của nhà thương nọ. Chừng cậu ta đã quên tai ương đêm trước. Không ai đến đòi đôi giày, vả lại khí trời vẫn ẩm ướt nên cậu cứ đi đôi giày hạnh phúc ở chân.

Cậu suy nghĩ về chủ đề của bài thơ. Nếu có được đôi kính ấy và biết đem dùng, cậu có thể thấu suốt tâm can mọi người, điều đó cậu thấy thú vị hơn là biết được cả chuyện sang năm, vì chuyện sang năm sớm muộn cũng sẽ biết thôi.

– Thử tưởng tượng là nếu mình đột nhập được đến đáy lòng các ông các bà ngồi trên ghế hàng đầu kia thì mình sẽ lục lọi như lục lọi một cửa hiệu vậy. Trong con người bà kia có lẽ mình sẽ tìm thấy cả một cửa hiệu bày các kiểu quần áo mới. Trong người bà nọ, cửa hiệu rỗng tuếch, nhưng có lẽ cần phải quét dọn. Chắc cũng có thể có những cửa hiệu đầy những thứ quý.

Cậu thở dài:

– Ừ, phải, ta biết có một bà rất tốt, nhưng hiềm nỗi cửa hiệu lại có chủ nhân rồi. Bên này, bên kia, chắc các con tim sẽ gọi mình: “Xin mời cậu vào đây!” Giá mà mình có thể lọt được vào mọi con tim nhỉ?

Cầu được ước thấy.

Thoạt tiên, cậu chui vào tim một bà sang trọng. Ngay lúc ấy, cậu tưởng mình lạc vào mỹ viện, nơi người ta nắn lại thân hình những người có tật. Cậu vào một căn phòng trên tường có treo nhiều chân tay dị dạng. Nhưng có cái khác là người chữa tật đến thì mỹ viện mới làm khuôn, còn trong tim của bà nọ thì trái lại, những con người tội nghiệp không cần trình diện, họ cũng được làm khuôn và khuôn được giữ gìn cẩn thận. Bà chủ có toàn bộ chân dung các bạn của bà rất phong phú, làm nổi bật những nhược điểm về thể chất và tinh thần từng người.

Từ trái tim của bà ấy ra, cậu lại lọt vào trái tim của bà khác. Vào trái tim này tựa như vào một ngôi nhà thờ rộng lớn và thần bí. Chim bồ câu trắng tượng trưng cho sự trong sạch xòe cánh trên bàn thờ. Nếu không phải đi sang quả tim khác thì nhà thăm dò của chúng ta đã quỳ gối xuống rồi. Sang đến bên này cậu vẫn còn vẳng nghe thấy tiếng đại phong cầm và tưởng như con người mình đổi mới hẳn trước.

Bước vào trái tim sau, anh bạn trẻ của chúng ta thấy bí rì rì, luôn luôn xoay xở giữa cái đám nịt ấy mới gỡ được lối ra. Đó là trái tim của một người giàu sang và có danh vọng, tìm trong sổ danh bạ của các vị tai to mặt lớn, ắt hẳn phải có tên.

Bước sang trái tim khác là một phòng khách dát toàn bằng gương như trong lâu đài Rosenberg vậy, có điều là những gương này phóng đại mọi vật lên một cách ghê gớm. Chính giữa, thằng tôi vô nghĩa lý của một con người chỉ thích đề cao bản thân mình đang ngồi dưới đất như một vị Đạt-lai Lạt-ma.

Tiếp đó, anh chàng tưởng mình như rơi vào một gian nhà tua tủa những mũi kim nhọn. Cu cậu nghĩ thầm: “Đây hẳn là một trái tim của một bà cô ế chồng”. Nhưng không phải, đó chính là trái tim của một sĩ quan trẻ tuổi, trí dũng có thừa như người ta vẫn thường nói.

Thăm thú xong tim những người ngồi hàng ghế đầu, cậu phụ tá nhà thương bàng hoàng cả người, không ổn định nổi tâm thần nữa, nhưng cậu cho lối chơi quá ngông của mình đã gây nên nông nỗi ấy. Cậu kêu lên:

– Trời ơi! Chắc mình sắp điên! Thân thể bất an, đầu óc quay cuồng mất rồi.

Lúc ấy, cậu nhớ lại tai nạn kỳ quái tối hôm trước, khi đầu bị kẹt vào khe chấn song hàng rào sắt nhà thương.

– Đấy là căn nguyên bệnh trạng. Phải chữa trị kịp thời đi mới được! Tắm kiểu Nga một cái có nhẽ tốt đấy. Ước gì mình được ở trên bậc cao nhất của phòng tắm bằng hơi nước nóng.

Cầu sao được vậy. Hơi nước nóng tụ thành giọt bỏng nhỏ xuống mặt cậu.

– Ái! – Cậu thét lên và nhảy bổ sang phòng tắm nước lạnh. Chú hầu phòng kêu lên khi thấy cậu ta mặc cả quần áo vào buồng tắm. Nhưng, nhanh trí, cậu biện bạch:

– Tôi chơi đánh cuộc đấy mà.

Về đến nhà, việc đầu tiên là cậu dán ngay một lá cao Tây Ban Nha rõ to lên gáy và lưng để khỏi phát điên.

Sáng hôm sau, lưng cậu rộp đỏ cả lên. Đi đôi giày hạnh phúc vào, cậu được lợi như thế đấy.

*

* *

Ông tham sở cảnh sát biến chất và đổi dạng

Tôi chắc rằng các bạn vẫn chưa quên bác tuần canh. Trong khi xảy ra chuyện trên đây, nhớ đến đôi giày bác đã bắt được xỏ vào chân cho đến khi vào nhà thương, bác bèn đi tìm. Cả quan trung úy lẫn những người qua đường chẳng ai nhận, đôi giày được đem đến sở cảnh sát. Một ông tham làm việc tại đó ngắm nghía đôi giày đó rồi đặt cạnh giày của mình mà bảo:

– Nom giống giày của tôi như đúc ấy! Đến thợ giày cũng chẳng phân biệt được đôi nào vào với đôi nào.

Một cậu bé cầm lá đơn vào thưa:

– Bẩm quan tham!

Ông ta quay lại nói vài câu, rồi lại đến chỗ để giày. Nhưng lúc ông chẳng nhớ giày mình xếp bên phải hay bên trái nữa, ông nghĩ thầm:

– Có lẽ đôi nào ướt là của mình.

Ông ta nhầm, vì chính đôi giày ướt là đôi giày hạnh phúc! Sở cảnh sát cũng có thể nhầm lắm chứ, các bạn nhỉ?

Ông ta xỏ giày, soạn công văn, nhét một ít vào ví, cắp một ít ở tay, đem về nhà xem, sáng hôm ấy là sáng chủ nhật, đẹp trời nên ông nghĩ có dạo một vòng ra quảng trường Frederick cũng chẳng hại gì.

Thoạt đầu ông vừa đi vừa chẳng nghĩ gì cả, nên phép lạ của đôi giày chưa có tác dụng.

Đang đi ông gặp một người bạn, một thi sĩ trẻ, kể với ông rằng ngày mai sẽ đi nghỉ mát.

Ông bảo:

– Lại lên đường ư? Bạn thật là một người tự do và hạnh phúc, muốn bay bổng đến đâu cũng được. Còn bọn tôi thì cứ như bị cùm chân ấy.

Thi sĩ đáp:

– Đúng, nhưng cùm đây lại cùm đúng vào cơm áo gạo tiền. Bác có lo gì đến ngày mai đâu! Lúc về già đã có lương hưu trí!

– Thế mà chính bạn mới là người sung sướng nhất đấy! Làm thơ chẳng thích lắm ru? Lại còn được thiên hạ ca tụng nữa. Bạn hoàn toàn được làm chủ cuộc sống của mình. Nếu suốt ngày phải làm những công việc sự vụ tầm thường như cánh này thì bạn sẽ thấy chán lắm.

Nhà thi sĩ lắc đầu, ông tham cũng lắc đầu, ai giữ ý kiến người nấy, rồi họ chia tay nhau. Ông tham nghĩ thầm:

– Thi sĩ thật là những người phi phàm. Mình cũng thích có tâm hồn như họ và trở thành thi sĩ. Mình biết chắc rằng mình chẳng bao giờ viết nổi những bài thơ bi ai như khối thi sĩ khác! Hôm nay thật là một ngày đẹp đối với nhà thơ! Không khí ít khi trong sạch như thế này. Trông những đám mây kia mới nhẹ nhàng làm sao! Hàng bao năm nay, đến lúc này, ta mới thấy nhạy cảm trước những cái đẹp ấy!

Các bạn đã thấy ông ta thực sự trở thành thi sĩ rồi đấy. Tuy vậy bề ngoài ông ta chẳng thay đổi gì cả, vì tưởng tượng là các nhà thơ khác người thường là một quan niệm sai lầm. Vả chăng trong số những người không phải là thi sĩ có thể có nhiều người có tâm hồn mơ mộng hơn khối nhà thơ lớn, chỉ khác cái là thi sĩ có trí nhớ tốt hơn, có thể giữ được hình tượng ấy cho đến lúc tìm được lời văn trong sáng và chải chuốt để diễn tả ra. Một người khác thì không làm được như thế. Nhưng chuyển từ tâm hồn ngày thường của mình thành một tâm hồn giàu cảm xúc vẫn là một sự chuyển tiếp, và đó là trường hợp của ông tham. Bất giác ông thốt lên:

– Mùi gì thơm nhỉ? Tựa như mùi hoa violet của bà Lora, cô mình ấy. Ừ, cái hồi ấy mình hãy còn bé tí. Lâu nay quên khuấy mất bà cô phúc hậu! Bà ấy bây giờ ở sau núi Bourse kia kìa! Rét đến mấy thì rét mà vẫn cứ có hoa.

Ông tham thở dài não nuột:

– Trời ơi, làm sao thế này? Chưa bao giờ mình có cảm giác nửa buồn nửa vui như bây giờ. Có lẽ tại gió xuân chăng?

Ông lục tìm đám giấy tờ trong cặp:

– Quái thật! Gì nữa thế này? Ông kêu lên và cầm tờ giấy trên cùng lên đọc: “Sigbirth phu nhân”, bi kịch năm hồi. Lạ nhỉ? Lại đúng là chữ mình viết. Có đúng mình viết thiên bi kịch này không nhỉ? Đây nữa: Thiên hài kịch “Du ngoạn tình sự” tức “Ngài đại lễ”. Đâu ra cái của này thế? Có lẽ người ta nhét vào cặp mình lúc nào ấy? Đây lại cái thư này nữa, thư của một ông chủ rạp hát. Họ trả lại bản thảo của mình, và thư viết bằng giọng văn không đáng yêu chút nào.

READ:  Con lợn ống tiền

Ông ngồi phịch xuống một tấm ghế dài, tim đập thình thịch, bất giác ông hái một bông hoa gần đấy, một bông cúc trắng nhỏ. Chỉ một phút, bông hoa kể cho ông nghe tất cả những điều mà các nhà thơ thuyết trình, giảng giải cho chúng ta. Nó kể cho ông ta nghe nó đã sinh ra làm sao, ánh nắng đã làm thế nào cho cành hoa mảnh dẻ này nở và bông hoa có hương thơm, làm cho ông chạnh lòng nghĩ đến cuộc sống vật lộn của chúng ta. Không khí và ánh sáng đã nuôi sống hoa, nhưng hoa thích ánh sáng hơn, luôn luôn hướng về phía mặt trời, và khi vầng dương lặn xuống, hoa khép cánh đi ngủ dưới làn gió nhẹ. Hoa nói:

– Ánh sáng đã cho tôi màu sắc.

– Nhưng không khí đã nuôi sống hoa.

Ngay lúc ấy, một chú bé con đi qua, đập gậy vào hố bùn làm tốc nước lên thảm cỏ xanh. Ông tham nghĩ ngay đến việc hàng triệu sinh vật vô hình bị bắt tung lên cùng với những giọt nước, chắc đang vô cùng kinh hãi, cũng như chúng ta bỗng nhiên bị vứt lên trên mây vậy.

Ông tham đã cảm xúc như thế đấy. Nghĩ đến sự biến chất của mình vừa trải qua, ông lẩm bẩm: “Ta ngủ mê hay sao thế này? Ta nhận xét mọi vật rất rõ ràng. Ta cảm thấy hoàn toàn minh mẫn, nhưng chắc chắn là sáng mai khi ngủ dậy ta sẽ vỡ mộng. Ta đã từng nhận thấy là có nhiều điều lý thú mắt thấy tai nghe trong giấc mơ đều giống như những kho tàng chôn dưới đất: Ban đêm thì mỹ lệ nhưng ban ngày chỉ toàn đất và lá khô.

Ông nhìn chim chóc nhảy nhót ca hát vui vẻ trên cành mà buồn rầu:

– Chúng thật là sung sướng hơn ta! Bay là một nghệ thuật mê ly, sinh ra đã biết bay thật là sung sướng thay! Hừ, nếu muốn mà được thì mình ước gì mình thành chim sơn ca.

Ngay lúc ấy, cánh tay và vạt áo của ông biến thành cánh chim, vải biến thành lông và ông tham cười thầm:

– Bây giờ thì đúng là mình mơ rồi. Nhưng từ thuở bé mình chưa mơ lạ lùng và điên rồ như thế này bao giờ!

Ông bay lên đám cành lá xanh tươi và cất tiếng hót, nhưng tiếng hót chẳng còn là chất thơ nữa vì tâm hồn thi sĩ của ông đã biến mất rồi.

Đôi giày hạnh phúc không thể nào thực hiện được hai lời ước cùng một lúc. Ông đã ước trở thành thi sĩ và đã được toại nguyện. Giờ đây ông muốn trở thành con chim bé nhỏ. Dễ lắm, được ngay, nhưng hiềm một nỗi thân chim, ông liền mất luôn tâm hồn thi sĩ. Ông tự nhủ: Ước gì được như thế này mới thú: Ban ngày mình ngồi ở sở cảnh sát với đống giấy tờ khó tiêu, ban đêm mơ thành chim sơn ca bay trong vườn. Như thế sẽ là đề tài cho một vở kịch rất lý thú.

Ông sà xuống bãi cỏ, nghiêng ngó cái đầu tứ phía, quẹt mỏ vào nhánh cỏ, giờ đây so với thân hình chim của ông, cao chẳng kém gì những cây cọ Bắc Phi.

Được một lát, ông bỗng cảm thấy trời tối như bưng. Hình như người ta vừa chụp vật gì to lớn lên người ông. Chả là có một chú bé vừa lấy mũ chụp lấy con chim. Một bàn tay luồn vào, túm lấy lưng và cánh chim, bóp khá chặt.

Thoạt đầu, ông hoảng quá, hét to:

– Quân vô lại khốn kiếp! Tao là ông tham sở cảnh sát đây mà!

Nhưng thằng vô lại chỉ nghe thấy tiếng chiêm chiếp mà thôi. Nó bèn búng vào mỏ chim một cái rồi ra về.

Dọc đường, nó gặp hai cậu học trò. Các cậu mua con chim với giá tám shilling, thế là ông tham được đưa về ở phố Gothers, kinh thành Copenhagen.

Ông tham gật gù:

– Cũng may là mình nằm mơ, chứ không thì cũng đáng giận lắm! Thoạt đầu là thi sĩ, đến giờ là chim sơn ca. Phải, đúng là cái tâm hồn thi sĩ của mình đã làm cho mình mơ rằng mình là một con chim bé nhỏ. Nhưng rơi vào tay mấy thằng ôn con mất dạy này thì cũng khá lôi thôi đấy. Chẳng biết rồi ra sao?

Mấy đứa trẻ mang ông vào một tòa nhà rất đẹp. Một bà to béo tươi cười ra đón chúng, nhưng tỏ ý không thích con chim sẻ tầm thường (bà ta gọi chim sơn ca của chúng ta là chim sẻ). Bà ta phải nhốt vào lồng, treo ở cửa sổ.

– Có lẽ con Polly sẽ thích lắm đây. Bà vừa nói vừa mỉm cười với một con vẹt xanh to tướng làm ra vẻ quan trọng và lắc lư trên cái vành trong chiếc lồng bằng đồng thau. Hôm nay là ngày sinh nhật của Polly đấy. Con chim sẻ chúc mừng nó.

Polly vẫn lắc lư một cách bệ vệ, không thèm trả lời. Nhưng một con hoàng yến xinh xắn, được mang từ Tổ quốc tươi đẹp và nóng nực của nó đến đây từ mùa hè năm ngoái, cất giọng hót vang:

– Khiếp! Đồ kêu đường! – Bà to béo mắng rồi vứt một miếng giẻ trắng trùm lên lồng chim. Con hoàng yến kêu lên:

– Chiếp! Chiếp! Tuyết lại rơi rồi! – Rồi nó im bặt.

Ông tham – tức là con chim sẻ, gọi theo kiểu bà chủ nhà – được cho vào lồng cạnh lồng hoàng yến, đặt gần lồng con vẹt. Cái tràng tiếng người độc nhất và nực cười mà con Polly biết nói là: “Thôi, thôi, để yên cho chúng tao sống làm người với chứ!” Đối với chúng ta những tiếng kêu khác của con vẹt cũng khó hiểu chẳng kém gì bài hót của con hoàng yến quần đảo Canari kia, nhưng nhà cạo giấy của chúng ta giờ đây đã biến thành chim lại rất hiểu tiếng hót của bạn mình. Hoàng yến hót rằng:

– Mới đây, tôi còn bay lượn dưới bóng dừa xanh và dưới bóng cây hạnh đang nở hoa! Tôi bay cùng với các anh các chị tôi trên rừng hoa thơm ngát, trên mặt biển trong vắt như pha lê, trên bờ rợp bóng cây. Tôi cũng đã từng được nghe nhiều con vẹt rất đẹp kể nhiều chuyện hay, vừa dài vừa lạ.

Vẹt ngắt lời:

– Đấy là vẹt rừng, không được dạy dỗ gì cả! Thôi, để yên cho chúng ta sống làm người với chứ! Sao mày không cười lên? Không thấy bà chủ và khách đang cười kia à? Chúng mày thật không biết thưởng thức trò hay ở đời. Thôi thôi, để yên cho chúng yao sống làm người với chứ!

– Mày có còn nhớ bóng dáng các cô xinh đẹp nhảy múa dưới rặng chuối đang trổ hoa hay không? Mày còn nhớ những khu rừng già rợp bóng mát và đầy quả thơm ngon hay không?

Vẹt đáp:

– Ồ! Có chứ! Nhưng bây giờ tao lại thấy sung sướng hơn. Tao được nuôi nấng chăm sóc cẩn thận, được đối xử xứng đáng như thế này tao lấy làm thỏa mãn lắm rồi, không còn đòi hỏi gì hơn nữa. Từ nay trở đi chúng ta hãy sống như người thật! Mày có một tâm hồn thi sĩ, như người ta thường nói, còn tao, tao hiểu rộng biết nhiều và biết suy xét sự đời. Mày có tài nhưng không khôn ngoan, mày hay bốc theo những cảm xúc tự nhiên, do đó mày thường bị bạc đãi. Người ta có sỉ nhục tao như mày bao giờ đâu? Thôi, hãy bỏ cái giọng hót bi ai của mày đi! Hãy nói câu gì làm cho người ta phải bật cười lên. Tiếng cười chứng tỏ sự thông minh đã lên tới tuyệt đỉnh. Mày xem chó hay ngựa có cười được đâu? Chúng nó kêu thì được, chứ không biết cười. Chỉ có loài người mới biết cười thôi. Hô hô hô! Từ nay trở đi, chúng ta hãy sống như người thật.

Chim hoàng yến bảo:

– Chú chim sẻ xám xứ Đan Mạch ơi! Thế là chú bị cầm tù rồi! Trong cánh rừng của chú chắc rét lắm, nhưng được tự do, quay về đó đi thôi! Người ta đã quên đóng cửa lồng chú, ống kính trên cùng của cái cửa sổ kia lại để ngỏ. Trốn đi! Trốn đi!

Chim sẻ không đợi phải giục đến lần thứ hai, trong nháy mắt đã ra khỏi lồng. Vừa lúc đó, có một cái cửa ở buồng bên rít lên và con mèo mắt xanh lè sáng quắc, lẻn vào săn chim. Hoàng yến vùng vẫy trong lồng, vụt vỗ cánh kêu: “Từ nay trở đi chúng ta hãy sống như người thật”. Ông tham sợ gần chết, trốn qua cửa sổ, bay qua nhà cửa, phố phường, cuối cùng dừng lại nghỉ một tí. Nhà bên cạnh nom quen quen, có cái cửa sổ để ngỏ, ông bay vào.

Đúng là nhà ông! Ông ngồi vào bàn, chẳng suy nghĩ gì, chỉ nhắc lại lời con vẹt: “Từ nay trở đi, chúng ta hãy sống như người thật”.

Nhưng ồ! Lạ thay! Ngay lúc ấy ông tham lại biến thành ông tham ngồi bàn. Ông kêu lên:

– Lạy trời phù hộ độ trì! Thế là mơ xong, mình lại ngồi đây. Lúc nãy mới lo làm sao chứ! Thật là chuyện dại dột.

Món quà quý nhất của đôi giày hạnh phúc

Sáng sớm tinh mơ hôm sau, ông tham còn đang nằm trong giường bỗng có tiếng gõ cửa. Đó là anh sinh viên khoa thần học ở phòng bên cạnh, cùng căn gác. Anh bước vào và bảo:

– Cho tôi mượn bác đôi giày. Ngoài vườn ướt quá, nhưng nắng rất đẹp, tôi muốn hút một tẩu thuốc.

Anh xỏ đôi giày và xuống ngay vườn. Trong vườn chỉ có một cây mận và một cây táo, nhưng giữa thủ đô Copenhagen này có được một mảnh vườn dù nhỏ đến đâu cũng vẫn cứ thú.

Chàng sinh viên đi bách bộ. Chưa đầy sáu giờ sáng, ngoài phố bỗng có tiếng tù và của người đánh xe ngựa. Anh kêu lên:

– Ôi! Du lịch! Du lịch thật là điều hạnh phúc nhất trên đời này. Ta không mong gì hơn. Đó là liều thuốc hay cho nỗi buồn đang cắn rứt tâm can ta! Nhưng ta phải đi xa, rõ xa mới được. Ước gì ta được đi thăm đất nước Thụy Sỹ tráng lệ, rong ruổi qua nước Ý.

Cũng may mà đôi giày hóa phép lạ ngay lập tức, không thì anh ta đi quá xa, xa với cả anh ta lẫn chúng ta.

Thế là anh ta đi du lịch, sang giữa đất nước Thụy Sỹ, ngồi trong một cái xe giữa mấy kiện hàng. Anh thấy rức óc, đầu nặng như chì, máu dồn xuống đôi chân nhét trong đôi ủng lớn. Anh chìm đắm trong tình trạng nửa tỉnh nửa mê, túi bên phải có phiếu tín dụng, túi bên trái có giấy thông hành, và trong một cái túi con bằng da trên ngực, có mấy đồng tiền vàng khâu kỹ bên trong. Mỗi giấc mơ là một lần anh mộng thấy một trong những vật báu ấy, thế là anh vội hốt hoảng nhỏm dậy và cử chỉ đầu tiên là anh lấy hai tay lần hai bên ngực xem các của quý ấy còn hay mất. Mũ, ô đi mưa, gậy chống, đung đưa trong lưới, trên đầu anh. Ở cái vị trí oai nghiêm ấy, chúng vướng mắt anh quá khiến anh phải dừng tầm mắt để nhìn chúng.

Cảnh vật xung quanh vĩ đại, trang nghiêm và âm u. Những cánh rừng tùng nhô ra trên vách núi dựng đứng, đỉnh núi ẩn trong sương mù. Tuyết bắt đầu rơi và gió lạnh bỗng nổi lên.

– Ước gì mình được sang phía bên kia dãy núi Alps! Sang bên ấy ít nhất mình cũng được sống khí hậu mùa hè và được lĩnh tiền bằng phiếu tín dụng. Giá lạnh như vậy, mình chẳng muốn ở cái đất Thụy Sỹ này nữa. Ước gì mình được sang phía bên kia núi nhỉ?

Ước sao được vậy: Anh đã thấy mình ở trên đất Ý, giữa Florence và Rome. Nước hồ Thrasymene lấp lánh dưới ánh chiều tà nom như vàng đun lỏng giữa màu xanh thẳm của núi non. Nơi xưa kia Hannibal đã đánh bại Flaminius, ngày nay những gốc nho đang leo lên những cây cổ thụ xanh. Trẻ em đang chăn đàn lợn đen trong cánh rừng nguyệt quế màu hồng tỏa hương thơm ngát hai bên đường. Nếu tôi tả nổi khung cảnh ấy, chắc các bạn phải thốt lên: “Đất nước Ý đẹp quá!”. Nhưng anh sinh viên thần học cũng như các bạn đồng hành của anh ngồi trong chiếc xe ngựa của người Ý không hề thốt lên câu nào giọng như thế.

Muôn ngàn côn trùng và ruồi muỗi bay quanh chiếc xe. Người ta lấy cành sim xua chúng đi, nhưng vô hiệu. Không có người nào trong xe không bị chúng đốt sưng mặt. Những con ngựa đáng thương bị chúng xông vào đốt, người đánh xe có xuống đuổi những con vật quái ác ấy, chúng cũng chẳng chịu bay đi.

Mặt trời lặn. Một làn gió nhẹ nhưng lạnh giá làm rung chuyển cảnh vật. Khắp xung quanh, một màu xanh ngắt trải ra trên núi non. Trong sáng, mỹ lệ biết chừng nào! Đến tận nơi ngắm, mới thấy thật là hùng vĩ, các du khách cũng thấy thế… Nhưng họ đang đói bụng và rã rời chân tay. Họ nghĩ đến chuyện nghỉ đêm. Tìm đâu ra chỗ trú nhỉ? Lúc này không phải là lúc nghĩ đến cảnh đẹp của thiên nhiên.

Họ qua một cánh rừng ô-liu. Anh sinh viên thích những gốc liễu xù xì đầy mấu, mắt của Tổ quốc mình hơn thứ cây ô-liu ấy. Đi chút nữa thì họ thấy một quán trọ quạnh hiu. Dăm bảy người ăn mày chắn lối vào. Người thì thọt, người thì chìa chìa cánh tay khủng khiếp ra.

Một người nom giống con giai cả của Thần Đói, van xin:

– Xin các ông các bà cứu khổ cứu nạn cho kẻ khốn cùng!

Họ đồng thanh kêu lên bằng một giọng rền rĩ, xé ruột xé gan. Họ tưởng lầm anh sinh viên là một người ngoại quốc. Do đó, anh thoát được vòng vây của họ – một sự khó khăn ghê gớm. Chủ quán, một mụ già quần áo bẩn thỉu, gớm ghiếc, đi đất, tóc xõa, miệng mỉm cười, trông như con quỷ cái, ra chào đón các du khách. Cửa buộc bằng dây thừng, trần nhà đầy dơi đậu. Một mùi hôi kinh khủng tràn ngập căn nhà. Một du khách nói:

– Dọn bàn ăn xuống chuồng ngựa đi! Xuống dưới ấy thì ít nhất mũi cũng còn phân biệt được thế nào là mùi phân ngựa, chứ ở trên này thì chẳng biết mùi gì với mùi gì cả.

Để chiều lòng các vị khách đài các ấy, người ta mở cửa sổ hé ra một tí. Thế là đoàn ăn mày lại kéo nhau đến kể lể:

– Xin các ông các bà cứu nạn cho kẻ khốn cùng!

Trên tường đầy những câu nguyền rủa đất nước Ý tươi đẹp bằng đủ các thứ tiếng châu u viết bằng than.

Nhà hàng bưng xúp ra, chỉ ngửi thấy toàn mùi hạt tiêu và dầu hôi, trứng thì ung. Món ngon nhất là món gà có mùi khét. Rượu vang bị pha, khó uống như thuốc vậy.

Đêm đến, du khách phải lấy xích sắt chằng cửa và cắt phiên nhau canh gác. Đến lượt anh sinh viên. Trong nhà không khí ngẹt thở. Bên ngoài, lũ ăn mày vẫn tiếp tục: “Xin các ông các bà cứu nạn cho kẻ khốn cùng!” Trong cơn mê ngủ, anh nghĩ thầm:

– Thật là phiền toái! Giá đi du lịch mà không phải lê xác đi thì khoái biết mấy! Ước gì mình chỉ có linh hồn không thôi nhỉ! Vì cứ như thế này thì chả thấy khoái tí nào.

Vừa nói xong anh sinh viên đã được đưa ngay về tỉnh nhà. Rèm trắng dài buông rủ trên các cửa sổ. Giữa phòng là một chiếc quan tài đen trong đó xác anh đang an giấc ngàn thu, còn linh hồn thì đang chu du thiên hạ.

“Đừng có nhận định ai sung sướng trước khi người ấy chết”. Thật đúng câu của Solon[41] đã nói. Hai cái bóng bước vào phòng. Chúng ta đã biết đó là thần Trừng phạt và sứ giả của thần Hạnh phúc. Hai thần nhòm xác chết. Thần Trừng phạt hỏi:

– Thế nào? Đôi giày của cô đã đem lại hạnh phúc gì cho loài người rồi?

– Ít ra cũng đem được cái chết dịu dàng, cái chết giữa tuổi thanh xuân cho anh này trước khi anh ta phải nếm trải mùi vị khổ hạnh của cuộc sống.

– Cô nhầm rồi, anh ta chết quá sớm. Sống chưa hết số kiếp. Vì thế, tuy có quyền được hưởng hạnh phúc sau nhiều thử thách gian lao, nhưng anh ta đã không được hưởng. Ta sẽ thực sự cứu giúp anh ta.

Nói rồi, thần Trừng phạt tháo đôi giày hạnh phúc ra khỏi chân anh sinh viên. Giấc ngủ ngàn thu chấm dứt, anh sinh viên hồi tỉnh và nhỏm dậy. Cả thần Trừng phạt lẫn đôi giày hạnh phúc đều đã biến mất. Chắc hẳn thần đã đem đôi giày đi để dùng vào việc của mình rồi.