Cách làm một bài văn nghị luận xã hội
– Dường như khi giáo viên hỏi học sinh về lí thuyết các bước khi làm một bài văn nói chung và một bài nghị luận xã hội nói riêng các em đều định hình được: 4 bước (1/Tìm hiểu đề và tìm ý ; 2/ Lập dàn ý; 3/ Viết bài ; 4/ Đọc lại bài viết và sửa chữa) nhưng thực chất khi tiếp cận một đề tập làm văn đa phần là các em không tuân thủ các bước nói trên mà cố lắm thì tìmmột vài ý cơ bản sau đó nháp phần mở bài rồi cắm cúi viết đến khi trống đánh hết giờ nộp bài. Chính vì vậy cho nên có những bài viết sa đà, lạc đề, diễn đạt lủng củng theo kiểu nghĩ gì viết nấy, không trau chuốt không gọt dũa…Trước thực trạng đó, tôi thường dành nhiều thời gian kiểm tra và rèn cho các em với những nội dung sau:
– Cho đề bài, yêu cầu học sinh phân tích đề bài và tìm ý cho đề bài đó hoặc lập dàn ý cho đề bài trên. Sau phần kiểm tra đó tôi thường cho các em nhận xét, trình bày trước lớp. Phần đa các em trình bày không đầy đủ hoặc phân tích đề rất sơ sài. Thậm chí có em không lập được dàn ý chi tiết. Có em trao đổi với tôi rằng : Em viết một bài viết thấy dễ hơn nhiều khi phải lập một dàn ý, mặc dù chỉ gạch đầu dòng để xác định ý. Điều đó hoàn toàn không sai, bởi các em chưa có thói quen lập dàn ý. Qua việc kiểm tra hs tôi vận dụng tiết chủ đề tự chọn để hướng dẫn học sinh tìm hiểu đề và lập dàn ý và tôi đã thực hiện như sau:
Phân tích đề và tìm ý
1.1 Phân tích cho học sinh thấy tầm quan trọng của khâu phân tích đề:
+ Mỗi đề văn nghị luận thường có những đặc điểm riêng về hình thức và nội dung, không đề nào hoàn toàn giống đề nào cho nên không thể sao chép bài làm thuộc đề này sang bài làm thuộc đề khác. Vì vậy trong quá trình làm bài văn nghị luận việc xác định yêu cầu của đề là công việc cần thiết. Tìm hiểu kĩ đề sẽ tránh được tình trạng lạc đề, thừa ý, thiếu ý…trong bài làm. Đề văn có nhiều dạng thức khác nhau tuy nhiên căn cứ vào nội dung và hình thức cấu tạo ta nhận thấy có những dạng đề sau:
– Đề trực tiếp: Có kết cấu rạch ròi, đầy đủ gồm 2 bộ phận. Bộ phận A chứa đựng dữ kiện (tiền đề). Bộ phận B chứa đựng điều đề bài yêu cầu, bộ phận này thường được diễn đạt dưới dạng một câu cầu khiến (hãy phân tích; hãy chứng minh; Em hiểu thế nào? Cảm nhận của em)
– Đề tự do (đề mở): Là những đề bài không có quy định một cách cụ thể, chặt chẽ các yêu cầu về nội dung và hình thức cũng như phương hướng cách thức, mức độ phạm vi giải quyết. Do đó về mặt kết cấu, những đề này có đặc điểm là trong bộ phận A thường không có trích văn, bộ phận B các yêu cầu nêu lên không đầy đủ . Tất cả tùy thuộc vào vốn hiểu biết và trình độ nhận thức của người làm bài.
CÁC BƯỚC TÌM HIỂU ĐỀ
Bước 1: Đọc đề bài. Đây là bước cần thiết để có được những nhận định chung nhất, những dự cảm đầu tiên về nội dung làm bài và những phương hướng giải quyết vấn đề do đề bài nêu lên.
Bước 2: Phân tích, xác định yêu cầu về nội dung và hình thức nghị luận.
- Nhận diện xem đề thuộc loại hình nào? ( Đề ttrực tiếp hay đề tự do). Phân tích đâu là dự kiện cho trước (những tiền đề của tình huống có vấn đề – bộ phận A). Sau đó tìm hiểu những yêu cầu về nội dung và hình thức, phương hướng, cách thức, giới hạn giải quyết vấn đề (bộ phận B)
- Phải tìm hiểu cặn kẽ ý nghĩa của những từ ngữ quan trọng, vai trò của các vế, các câu, phân tích quan hệ ngữ pháp và quan hệ lôgíc – ngữ nghĩa của chúng. Bắt đầu từ sự phân tích ý nghĩa trực tiếp của câu, chú trọng lời văn trích (nếu có), tập trung chú ý vào những từ ngữ đầu mối then chốt và ngăn tách các vế trong câu văn để dễ phân biệt. Phải nghiền ngẫm, cố phát hiện cho hết ý nghĩa của các từ, (nghĩa đen và nghĩa bóng)
Ví dụ minh hoạ:
Đề 1 – Tục ngữ có câu: Đi một ngày đàng, học một sàng khôn. Nhưng có bạn nói: Nếu không có ý thức học tập thì chắc gì đã có sàng khôn nào. Hãy chứng minh rằng câu tục ngữ và ý kiến của bạn em đều có khía cạnh đúng.
- Nhận diện đề: Đề trực tiếp.
- Kiểu bài: Nghị luận xã hội
- Gạch chân các dữ kiện. Đi một ngày đàng, học một sàng khôn không có ý thức học tập thì chắc gì đã có sàng khôn nào
- Đề đặt ra những vấn đề gì cần giải quyết? (đi – học) nghĩa đen, nghĩa bóng
- Thao tác nghị luận : Chứng minh (Câu tục ngữ và ý kiến của bạn em đều có khía cạnh đúng), và sử dụng lập luận giải thích để làm sáng tỏ vấn đề.
- Nguồn tư liệu để dẫn chứng: Thực tế cuộc sống, tấm gương sáng qua sách vở.
Đề 2 – Nhà triết học người Anh Phơrăngxit Bêcơn có nói: Tri thức là sức mạnh . Em hiểu câu nói đó như thế nào?
- Nhận diện đề: Đề trực tiếp.
- Kiểu bài: Nghị luận xã hội
- Gạch chân các dữ kiện. Tri thức sức mạnh . Đề đặt ra những vấn đề gì cần giải quyết? (có tri thức, có sức mạnh)
- Thao tác nghị luận : Giải thích, chứng minh
- Dẫn chứng: Thực tế cuộc sống.
Đề 3: “Sách mở ra trước mắt tôi những chân trời mới” (M. Gorki)
- Nhận diện đề: Đề tự do
- Gạch chân các dữ kiện.
- Thao tác nghị luận : Giải thích, Chứng minh
- Nguồn tư liệu để dẫn chứng: Thực tế cuộc sống, việc thực, người thực được lưu lại qua sách vở
1.2 – Tìm ý
Để lập ý cho bài văn nghị luận ta có thể dựa vào các căn cứ sau:
- Về nội dung, đề bài bao giờ cũng chỉ rõ vấn đề cần nghị luận là gì, từ đó giúp ta xác định được phương hướng lập ý. Chú ý giải thích nghĩa đen và nghĩa bóng.
- Xác định luận điểm. Luận điểm chính là linh hồn của bài văn nghị luận. Luận điểm thể hiện rõ quan điểm, chủ trương đánh giá của người viết. Luận điểm của bài văn được thể hiện dưới hình thức những câu văn ngắn gọn, là những phán đoán có tính chất khẳng định hoặc phủ định.
- Mở rộng vấn đề. (Bàn luận dựa trên cơ sở lập trường đạo đức cách mạng)
Ví dụ minh họa:
Đề 1: Lập ý cho đề bài văn nghị luận sau: Nhà triết học người Anh Phơrăngxit Bêcơn có nói: Tri thức là sức mạnh. Em hiểu câu nói đó như thế nào?
Tìm ý:
- Giải thích câu nói nổi tiếng và làm sáng tỏ nội dung câu nói đó. Câu nói có 2 vế: Tri thức và sức mạnh.
- Luận điểm 1: Tìm hiểu tri thức là gì, tại sao tại sao tri thức là sức mạnh.
- Luận điểm 2: Con người ta khi chưa có tri thức và không có tri thức thì tình trạng như thế nào? Khi có tri thức rồi thì trở thành con người như thế nào?
- Luận điểm 3: Câu nói đặt ra nhiệm vụ gì?
Đối với bài văn nghị luận, khi tìm ý chúng ta phải biết cách đặt câu hỏi và biết cách trả lời câu hỏi. Mỗi kiểu bài đòi hỏi cách đặt câu hỏi thích hợp để tìm ý đúng với yêu cầu của thể loại. Việc vận dụng câu hỏi phải hết sức linh hoạt và đúng với từng kiểu bài.
Lập dàn ý
Mục đích của việc lập dàn ý
Gơt-tơ, nhà văn nổi tiếng của Đức quả quyết: Tất cả đều lệ thuộc vào bố cục. Còn Đôt-tôi-ep-xki, nhà văn Nga của thế kỉ XX ước ao: Nếu tìm được một bản bố cục đạt thì công việc sẽ nhanh như trượt trên băng. Ix-pen, một nhà văn của Thuỵ Điển đã để hẳn một năm lao động xây dựng bố cục cho bản trường ca và ông đã hoàn thành bản trường ca đó trong ba tháng. Thật vậy, để làm một dàn ý tốt không phải dễ. Muốn có một dàn ý tốt thì ngoài việc nghiên cứu kĩ đề để lĩnh hội yêu cầu của đề còn phải có thói quen bố trí cho khoa học. Có nhiều học sinh cho rằng: Thời gian làm bài rất hạn chế, chỉ 90 phút nếu còn phải lập dàn ý thì lãng phí mất khoảng thời gian quý báu! Sự thật không phải như vậy. Dàn ý là nội dung sơ lược của bài văn. Nói cách khác, đó là những hệ thống suy nghĩ, tìm tòi, nhận xét, đánh giá của học sinh dựa trên yêu cầu cụ thể của đề bài. Lập dàn ý trước khi viết bài có những cái lợi sau:
- Nhìn được một cách bao quát toàn cục nội dung chủ yếu mà bài làm cần đạt được, đồng thời thấy được mức độ giải quyết vấn đề sẽ nghị luận và đáp ứng những yêu cầu đề bài đặt ra, tránh bài làm xa lệch trọng tâm.
- Thông qua việc làm dàn ý có điều kiện suy nghĩ sâu xa và toàn diện hơn để điều chỉnh hệ thống luận điểm. Lập dàn ý sẽ tránh tình trạng bỏ sót những ý quan trọng hoặc tránh những ý thừa.
- Khi có dàn ý cụ thể người viết chủ động phân chia thời gian cho hợp lí.
Tránh tình trạng bài làm mất cân đối “đầu voi đuôi chuột”.
Cấu trúc của một dàn ý bài nghị luận xã hội
a/ Mở bài:
- Dẫn dắt vấn đề: Có nhiều cách, có thể nêu trực tiếp vấn đề, hoặc nêu hoàn cảnh (xã hội, lịch sử…) của vấn đề xuất hiện. Cũng có lúc sử dụng cách so sánh, nghi vấn hoặc tương phản.
- Nêu vấn đề: Trích dẫn câu văn, câu thơ, câu tục ngữ, câu danh ngôn…được trích dẫn trong đề bài.
b/ Thân bài
Đối với kiểu bài nghị luận về một sự việc, hiện tượng đời sống. thông thường có 4 ý cơ bản
- Thực trạng của vấn đề cần nghị luận.
- Nguyên nhân dẫn đến thực trạng xã hội ấy.
- Hậu quả hoặc kết quả của vấn đề xã hội đó.
- Biện pháp khắc phục hoặc giải pháp cho sự phát triển xã hội.
* Đối với kiểu bài nghị luận về một vấn đề tư tưởng, đạo lí:
- Giải thích ngắn gọn luận đề
- Chứng minh (giải thích, bình luận) từng luận điểm theo mô hình sau:
(I) Luận điểm 1.
(1) Luận cứ 1: Lập luận, dẫn dắt đưa ra các dẫn chứng
+Dẫn chứng 1, dẫn chứng 2..
+ Phân tích dẫn chứng, tóm tắt và chuyển ý.
(2) Luận cứ 2: Lập luận, dẫn dắt đưa ra các dẫn chứng
+Dẫn chứng 1, dẫn chứng 2..
+ Phân tích dẫn chứng, tóm tắt và chuyển ý…
(II) Luận điểm 2.
(1) Luận cứ 1: Lập luận, dẫn dắt đưa ra các dẫn chứng
+Dẫn chứng 1, dẫn chứng 2..
+ Phân tích dẫn chứng, tóm tắt và chuyển ý.
(2) Luận cứ 2: Lập luận, dẫn dắt đưa ra các dẫn chứng
+Dẫn chứng 1, dẫn chứng 2…
(…) + Phân tích dẫn chứng, tóm tắt và chuyển ý…
(III) Mở rộng vấn đề: Tổng hợp vấn đề đã chứng minh (giải thích,
bình luận), nhấn mạnh tính chặt chẽ không thể bác bỏ được.
c/ Kết bài: Nêu lên suy nghĩ, quan điểm khái quát của mình về vấn đề cần nghị luận, rút ra bài học cho bản thân.
Ví dụ minh họa
Đề 3: Lập dàn ý cho đề bài sau: “Sách mở ra trước mắt tôi những chân trời mới” (M. Gorki)
a/ Mở bài:
– Giới thiệu khái quát vai trò và tác dụng của sách trong đời sống.
– Trích dẫn câu nói của M. Gorki
b/ Thân bài:
+ Luận điểm 1: Giải thích ý nghĩa của câu nói; Về kinh nghiệm sản xuất
* Sách là gì?
- Là kho tàng trí thức (Về đời sống con người, Về thế giới tự nhiên, Sản phẩm của văn minh nhân loại)
- Là sản phẩm tinh thần (Kết quả của lao động trí tuệ, Giúp ta hiểu biết lẽ phải)
- Là người bạn tâm tình gần gũi(Làm cho cuộc sống tinh thần phong phú.)
+ Luận điểm 2:
- Sách mở rộng những chân trời mới
- Sách giúp ta hiểu biết những kiến thức (Về khoa học xã hội, Về khoa học tự nhiên)
+ Luận điểm 3: Vì sao ta cần phải đọc sách?
- Đọc sách có nội dung tốt: Góp phần nâng cao hiểu biết, khám phá chính bản thân, chắp cánh cánh ước mơ khát vọng và sáng tạo. Sách chia sẻ với chúng ta mọi kiến thức. Sách dạy ta cảm nhận cuộc đời.
- Đọc sách có nội dung không lành mạnh: Hiểu sai sự thật, nhìn nhận vấn đề lệch lạc, tự hạ thấp nhân cách.
+ Luận điểm 4: Phải làm gì để thông qua sách có thể mở được chân trời mới?
- Tạo thói quen và duy trì hứng thú đọc sách.
- Cần chọn sách tốt có giá trị khoa học và nhân văn.
- Phê phán và lên án những sách có nôi dung không lành mạnh.
c/ Kết bài: Khẳng định ý nghĩa của việc đọc sách.
3/Viết bài:
Sau khi lập dàn ý xong các em đựa vào dàn ý để viết bài. Khi viết bài văn nghị luận cần lưu ý:
- Sử dụng hệ thống luận cứ và luận chứng sát hợp và thực tế.
- Sử dụng các phương tiện liên kết lập luận.
- Kĩ năng trình bày luận chứng, nêu luận chứng phải kèm dẫn giải, bình luận, phân tích.
a/ Viết phần mở bài:
Vị trí và vai trò của phần mở bài: M. Gorki đã từng nói: Khó hơnn cả là phần mở bài, cụ thể là câu đầu. Cũng như âm nhạc, nó chi phối giọng điệu của cả tác phẩm, và người ta thường tìm nó rất lâu. Phần mở bài có vị trí quan trọng vì:
- Nó là phần đầu tiên, phần trước nhất đến với người đọc, gây cho người đọc cảm giác, ấn tượng ban đầu về bài viết, tạo ra âm hưởng chung cho toàn văn bản.
- Mở bài rõ ràng, hấp dẫn tạo được sự hứng thú người đọc và thường báo hiệu một nội dung tốt.
- Chức năng của phần mở bài: Nó phản ánh được yêu cầu cơ bản của đề bài. Nó giới thiệu nêu vấn đề trung tâm mà bài nghị luận đề cập và giải quyết, nó xác định phương hướng, phạm vi, mức độ giải quyết vấn đề.
+ Yêu cầu về nội dung của phần mở bài:
- Đưa ra được tiền đề, dữ kiện đòi hỏi phải có lời giải đáp (trong phần thân bài). Đối với đề bài có yêu cầu phê phán, không nên để lộ thiên hướng của người viết (tức là không để lộ điều khẳng định) bài viết sẽ kém sức thuyết phục.
- Cấu tạo của phần mở bài ở dạng đầy đủ
- Dẫn vào đề: Nêu xuất xứ của đề, của một ý kiến, một nhận định… có thể bắt đầu bằng một sự kiện đặc sắc, một hình tượng hấp dẫn, một thôn báo thú vị để kích thích trí tưởng tượng của người đọc. Có thể vào thẳng vấn đề mà không cần lời dẫn.
- Đề xuất vấn đề: Đây là bộ phận có nhiệm vụ tạo nên tình huống có vấn đề mà mình sẽ giaỉ quyết trong phần sau (có thể nêu một câu hỏi bất ngờ, một mẫu chuyện để gây cấn hấp dẫn…)
- Giới hạn vấn đề: Xác định phương hướng, phương pháp, phạm vi mức độ, giới hạn của vấn đề
- Về hình thức: Phần mở bài phải cân xứng với khuôn khổ bài viết, những câu dẫn đề nên viết ngắn gọn, khéo léo, tránh viết dài dòng, cầu kì, tránh viết lan man không ăn khớp với những phần sau.
* Một số cách thức mở bài:
– Mở bài trực tiếp: Giới thiệu ngay vấn đề cần trình bày. Đó là phép mở bài mà người xưa nói: mở cửa sổ thấy núi. Cách mở bài này tiết kiệm thời gian, nhanh,gọn, tự nhiên, dễ tiếp nhận, thích hợp với những bài viết ngắn gọn, nhưng nếu không khéo sẽ bị khô khan, ít hấp dẫn.
Ví dụ: Suy nghĩ của em về câu tục ngữ: Tốt gỗ hơn tốt nước sơn
Mở bài : Bàn về mối quan hệ giữa bản chất và hình thức bề ngoài của sự vật, hiện tượng, tục ngữ Việt Nam có câu: Tốt gỗ hơn tốt nước sơn. Nhận định của câu tục ngữ có đúng hoàn toàn?
Mở bài gián tiếp: Không đi ngay vào vấn đề mà thông qua một loạt sự dẫn dắt, sau đó mới nêu vấn đề trình bày. Cách này thường dài, tốn thời gian nhưng lại lôi cuốn, hấp dẫn người đọc
- Mở bài 1: Trong đời sống hiện nay, không mấy ai không bị hấp dẫn bởi vẻ đẹp bên ngoài, bởi danh vọng, địa vị. Vì thế nhiều người thường bị những hình thức bên ngoài ấy che lấp khiến mất khả năng đánh giá chính xác sự vật, hiện tượng, thậm chí còn đem cả cuộc sống theo đuổi những vinh quang vô bổ. Để răn đời, đồng thời nêu lên một nhận xét chung về vai trò quan trọng của nội dung so với hình thức, tục ngữ có câu: Tốt gỗ hơn tốt nước sơn.
- Mở bài 2: L. Tôn-xtôi từng nói: Người ta đáng yêu không phải vì đẹp mà đẹp vì đáng yêu. Ý của nhà văn muốn đề cao phẩm chất của con người. Cùng quan điểm như vậy, nhưng cách diễn đạt giàu hình ảnh, và có thể hiểu một cách rộng hơn phạm vi đánh giá con người, tục ngữ có câu: Tốt gỗ hơn tốt nước sơn.
b/ Viết phần thân bài: Phần thân bài là phần giải quyết vấn đề. Phần này thường gồm một số đoạn văn được liên kết với nhau thành một hệ thống nhằm giải đáp một số yêu cầu của đề bài. Nếu đề bài cho sẵn trình tự yêu cầu thì ta giải quyết từng yêu cầu theo một trình tự ấy. Nếu đề bài không cho sẵn thì ta phải định ra một trình tự để giải quyết sao cho hợp lôgíc. Khi viết phần thân bài cần chú ý các điểm sau:
- Viết đoạn văn nghị luận: Đoạn văn thường được xây dựng theo câu chủ đề, nó có tác dụng định hướng, triển khai tránh được tình trạng lạc ý. Câu chủ đề tức là câu luận điểm đặt ở đầu đoạn ứng với mô hình diễn dịch, đặt ở cuối đoạn ứng với mô hình quy nạp. Có khi đoạn văn không có câu chủ đề. Trong trường hợp này, chủ đề của đoạn văn được ngầm hiểu qua việc khái quát ý của tất cả các câu. Sau mỗi đoạn văn phải giải quyết trọn vẹn một đề mục. Những chỗ xuống dòng thích hợp rrất cần cho một bài làm. Giúp cho bài văn sáng sủa, mạch lạc.
- Trong quá trình làm bài cần lưu ý vận dụng phép liên kết câu, liên kết đoạn.
- Các ý chính (ý trọng tâm) được viết thành các đoạn chiếm tỉ lệ thích đáng so với toàn bài. Các ý phụ chỉ nên viết thành những đoạn văn ngắn.
c/ Viết phần kết bài:
- Phần kết bài không chỉ là tổng kết, tóm lược những luận điểm cơ bản đã trình bày trong phần thân bài mà còn nhấn mạnh, khẳng định ở tầm nhìn cao hơn. Thông thường thì người ta nêu mối tương quan biện chứng giữa các luận điểm hoặc cũng có thể nêu ý nghĩa, tác dụng chủ yếu về mặt giáo dục và nhận thức vấn đề đối với bản thân người viết. Trong phần kết bài nếu có những ý sắc sảo độc đáo sẽ gây được ấn tượng mạnh mẽ về sự hoàn tất trọn vẹn, gợi cho những ý nghĩ, cảm xúc sâu sắc, tạo được dư âm cuối cùng ở người đọc.
- Phần kết bài có quan hệ hữu cơ với phần mở bài và phần thân bài. Đặc biệt là phần mở bài và phần kết bài thể hiện được mối quan hệ chặt chẽ và thống nhất về mặt nội dung cũng như phong cách diễn đạt.
* Yêu cầu và phương pháp viết kết bài:
- Phần kết bài kết tụ được những tinh tuý, cơ bản nhất của vấn đề nghị luận bằng những nét ngắn gọn khái quát nhất có tính nâng cao giúp người đọc nhứ cái cốt lõi và cái nhìn tổng quát lại toàn bộ vấn đề.
- Nếu rút ra bài học thì những bài học liên hệ phải chân thành xuất phát từ nhận thức, từ kinh nghiệm sống của bản thân. Tránh lối liên hệ gò ép, cứng nhắc, giả tạo, lên gân ồn ào hoặc sáo mòn công thức.
- Phần kết bài không nên viết dài, dễ lan man trùng lặp với phần trên. Nên viết cô đúc, súc tích
* Một số kết bài thường gặp:
* Một số dạng kết bài:
- Dạng tổng hợp, tóm lược những ý chính đã trình bày ở phần thân bài. Đây là cách kết bài dễ làm nhất thường gặp trong bài tập làm văn. Viết phần kết bài của đề bài sau: Em hiểu thế nào về câu tục ngữ:
Trăm hay không bằng tay quen
Kết bài: Tóm lại, quan điểm đề cao kinh nghiệm, đề cao thực hành, chống lí thuyết suông trong câu tục ngữ là rất đúng đắn. Nhưng nếu hiểu lệch câu tục ngữ mà coi nhẹ lí thuyết thì thật cực đoan, phiến diện. Trình độ lao động của mỗi người nói riêng và của toàn xã hội nói chung chỉ có thể phát triển vững chắc và nhanh chóng nếu biết kết hợp lí thuyết với thực hành.
- Dạng mở rộng và nâng cao. Là cách kết mở rộng vấn đề đặt ra trong đề bài.
Kết bài: Qua tìm hiểu câu tục ngữ Trăm hay không bằng tay quen, chúng ta thấy kinh nghiệm của ông cha ta để lại thật quý báu, nhưng không hẳn kinh nghiệm nào cũng xác đáng hoàn toàn. Bởi vậy, trong khi tiếp thu kinh nghiệm xưa một cách trân trọng , chúng ta cần vận dụng hiểu biết khoa học, thực tiễn đời sống hiện nay bổ khuyết cho những thiếu sót, những điểm chưa hoàn chỉnh của kinh nghiệm ấy, góp phần làm giàu vốn tri thức của dân tộc.
- Dạng vận dụng: Là cách kết bài nêu ra phương hướng áp dụng cái tốt, cái hay hoặc khắc phục cái xấu, cái dở của hiện tượng hay ý kiến đề cập trong bài văn vào cuộc sống.
Kết bài: Tiếp thu kinh nghiệm quý báu của người xưa trong câu tục ngữ: Trăm hay không bằng tay quen, chúng ta phải coi trọng kinh nghiệm thực tế và những người có kinh nghiệm thực tế, phải luôn luôn có ý thức vận dụng các hiểu biết lí thuyết vào cuộc sống, không ngừng rrèn luyện kĩ năng lao động. Mặt khác, cũng cần khắc phục lề lối làm việc, ra sức học hỏi lí luận khoa học và làm việc theo phương pháp khoa học để nâng cao năng xuất lao động, phát triển kĩ năng thực hành có ý thức, có kế hoạch.
Kết bài: Tóm lại câu tục ngữ Trăm hay không bằng tay quen có mặt đúng nhưng cũng có mặt hạn chế trong quan niệm, trong nhận định, đánh giá lại một vấn đề. Câu tục ngữ này đã gợi cho người đọc, người nghe những suy nghĩ về mối quan hệ gắn bó giữa lí thuyết và thực hành. Qua câu tục ngữ chúng ta càng thấm thia lời dạy của Bác Học phải đi đôi với hành, lí thuyết phải gắn liền thực tiễn. Từ đó chúng ta có quyết tâm học tập tốt, thực hành tốt những kiến thức khoa học kĩ thuật để góp phần vào công cuộc xây dựng đất nước.
- Dạng liên tưởng: Là cách kết bài mượn ý kiến tương tự của dân gian, của danh nhân… để thay lời tóm tắt của người viết.
Kết bài: Chủ tịch Hồ Chí Minh từng căn dặn chúng ta : Học phải đi đôi với hành, lí thuyết phải gắn liền thực tiễn. Đó cũng chính là bài học chúng ta cần rút ra từ câu tục ngữ: Trăm hay không bằng tay quen.