Soạn bài Kể chuyện tưởng tượng

KỂ CHUYỆN TƯỞNG TƯỢNG

I. KIẾN THỨC CƠ BẢN

1. Kể chuyện tưởng tượng là gì?

a) Kể tóm tắt truyện ngụ ngôn Chân, Tay, Tai, Mắt, Miệng và cho biết những gì được tưởng tượng trong câu chuyện này?

Gợi ý:

  • Tóm tắt câu chuyện: Cô Mắt, cậu Chân, cậu Tay, bác Tai tị với lão Miệng rằng lão chẳng làm gì mà lại được ăn ngon. Họ quyết định không làm gì nữa, để lão Miệng không có gì ăn cả. Qua ba ngày, cả bọn thấy mệt mỏi, rã rời. Đến ngày thứ bảy, không thể chịu được nữa, Chân, Tay, Tai, Mắt mới vỡ lẽ ra là lão Miệng có ăn thì chúng mới khoẻ khoắn được. Cuối cùng, chúng cho lão Miệng ăn và cả bọn lại sống với nhau gắn bó, hoà thuận như xưa.
  • Từ các bộ phận của cơ thể, người ta tưởng tượng thành những nhân vật có tên riêng, biết đi lại, nói năng như những con người hoàn chỉnh, có nhà ở. Câu chuyện tị nạnh giữa Chân, Tay, Tai, Mắt với Miệng cũng không thể có thật.

b) Hư cấu, tưởng tượng chỉ có giá trị khi nó nhằm thể hiện điều gì đó có ý nghĩa đối với cuộc sống thực, làm rõ sự thật nào đó của cuộc sống con người. Em hãy chỉ ra điều này trong truyện Chân, Tay, Tai, Mắt, Miệng.

Gợi ý: Từ câu chuyện bịa đặt, tưởng tượng dựa trên sự thực các bộ phận trong cơ thể là một thể thống nhất, tất cả các bộ phận đều liên quan, phụ thuộc lẫn nhau, người ta muốn khẳng định rằng: trong cuộc sống, con người phải nương tựa lẫn nhau, không thể sống mà tách rời với những người khác.

c) Như vậy, kể chuyện tưởng tượng là dựa trên một phần sự việc có thật, có ý nghĩa nào đó người kể dùng trí tưởng tượng của mình sáng tạo ra câu chuyện mới mẻ, không có thực nhưng hợp lí, thú vị, có ý nghĩa đối với cuộc sống.

READ:  Bài văn hay lớp 3 - Viết đoạn văn ngắn kể về mẹ kính yêu của em

Nhìn chung, kể chuyện bao giờ cũng cần đến trí tưởng tượng. Tuy nhiên, tuỳ theo từng chủ đề cụ thể, với dụng ý cụ thể mà tưởng tượng, hư cấu được sử dụng với mức độ khác nhau.

2. Cách kể một câu chuyện tưởng tượng

a) Đọc truyện Sáu con gia súc so bì công lao và cho biết:

  • Người ta đã tưởng tượng những gì trong truyện này?
  • Dựa trên cơ sở sự thật nào để tưởng tượng?
  • Tưởng tượng như vậy để làm gì?

Gợi ý:

  • Yếu tố tưởng tượng: sáu con gia súc nói được tiếng người, chúng kể công và kể khổ.
  • Câu chuyện tưởng tượng dựa trên sự thực: đặc điểm riêng về cuộc sống, hoạt động của mỗi giống gia súc.
  • Câu chuyện tưởng tượng về sự so bì của các giống gia súc nhằm: khẳng định về ích lợi riêng của mỗi giống gia súc đối với cuộc sống con người; ngầm khuyên răn con người không nên cho mình là quan trọng hơn người khác, trong cuộc sống mỗi người mỗi việc, không nên so bì.

b) Các truyện Chân, Tay, Tai, Mắt, Miệng, Sáu con gia súc so bì công lao, Giấc mơ trò chuyện với Lang Liêu có bố cục như thế nào, có giống với một bài tự sự thông thường không?

c) Như vậy, kể chuyện tưởng tượng, người kể một mặt vẫn phải đảm bảo bố cục ba phần của một bài văn tự sự; mặt khác, dựa trên một phần sự thực nhất định nào đó, phát huy trí tưởng tượng để sáng tạo ra nhân vật, sự việc, câu chuyện không có thực nhằm hấp dẫn người đọc (người nghe), thể hiện ý nghĩa nào đó đối với con người trong đời sống thực.

READ:  Luyện nói kể truyện

II. RÈN LUYỆN KĨ NĂNG

1. Đọc bài Giấc mơ trò chuyện với Lang Liêu và thực hiện yêu cầu sau:

a) Tóm tắt những sự việc chính của bài văn;

b) Tác giả đã tưởng tượng ra những gì trong bài văn này?

c) Tưởng tượng như vậy nhằm mục đích gì?

2. Tham khảo một số đề văn, lập dàn ý cho một đề tuỳ chọn.

Lưu ý:

  • Bố cục của bài văn: bố cục ba phần (Mở bài, Thân bài, Kết bài)
  • Tưởng tượng ra các nhân vật.
  • Tưởng tượng ra câu chuyện: các sự việc, diễn biến các sự việc, kết quả.
  • Chủ đề của câu chuyện mà mình tưởng tượng: nhằm khẳng định điều gì, phê phán điều gì, ca ngợi ai, cái gì?
  • Yêu cầu chung: mặc dù có thể phát huy tối đa khả năng tưởng tượng nhưng vẫn phải đảm bảo sự hợp lí, chẳng hạn: trâu, chó, ngựa, dê, gà, lợn thì không thể biết nói tiếng người (người kể đã tưởng tượng ra) nhưng rõ ràng mỗi con vật đã thể hiện đúng đặc điểm thực của chúng như chúng ta vẫn thấy hàng ngày (ví dụ đặc điểm cuộc sống của trâu: Sớm tinh mơ đã bị gọi dậy đi cày, đi bừa, ách khoác lên vai, dây chão sâu đằng mũi,…)