NGƯỜI KỂ CHUYỆN CỔ TÍCH (CHRISTIAN ANDERSEN)
Tôi làm quen với nhà văn Christian Andersen khi tôi mới lên bảy.
Cuộc gặp gỡ xảy ra trong một buổi tối mùa đông, vẻn vẹn vài giờ trước khi bước vào thế kỷ thứ hai mươi. Người kể chuyện cổ tích vui tính nước Đan Mạch đã đón tôi trên ngưỡng cửa thế kỷ mới.
Ông ta nheo mắt lại ngắm nghía tôi hồi lâu, rồi vừa tủm tỉm cười vừa móc trong túi ra một chiếc khăn trắng bong thơm phức. Ông phất khăn một cái và bất thình lình từ trong khăn rơi ra một bông hồng bạch to. Ngay tức khắc, ánh bạc của bông hồng và một tiếng lanh lảnh, chậm chạp và khó hiểu tràn ngập khắp phòng. Hóa ra đó chính là những cánh hồng đã reo lên khe khẽ khi chạm phải sàn gạch của gian hầm, nơi hồi đó gia đình tôi trú ngụ.
Lần gặp Andersen ấy chính là các hiện tượng mà các nhà văn cổ gọi là “mộng trong đời thực”. Chắc hẳn đó chẳng qua là tôi đã tưởng tượng ra như vậy.
Trong cái buổi tối mùa đông mà tôi kể cho các bạn nghe đây, gia đình tôi đang trang hoàng cây thông đầu năm. Nhân dịp ấy cha mẹ tôi bắt tôi ra đường chơi để tôi khỏi vui mừng với cây thông quá sớm.
Tôi không tài nào hiểu nổi vì sao lại không được vui mừng trước một hạn định chặt chẽ nào đó. Theo tôi nghĩ thì niềm vui đâu có phải là người khách thường đến thăm gia đình tôi mà phải bắt trẻ con chúng tôi mỏi mệt đợi chờ. Nhưng dù sao mặc lòng, tôi vẫn bị đẩy ra phố. Lúc đó trời chưa tối hẳn, những cây đèn lồng ngoài đường chưa được thắp sáng, nhưng chúng có thể bừng lên ngay đó chưa biết chừng. Và vì cái “ngay đó” kia, vì sự chờ đợi những cây đèn bất thình lình lóe sáng, tim tôi se lại. Tôi biết chắc chắn rằng trong ánh sáng màu xanh lá mạ của hơi đốt, đủ mọi thứ kỳ diệu ở bên trong những tủ kính của các cửa hàng sẽ hiện ra ngay lập tức, những đế sắt lắp giầy trượt băng “Xnegurka”, những cây nến xoắn với đủ mọi màu sắc cầu vồng, mặt nạ của những chú hề đội mũ trắng hình trụ, những chàng kỵ sĩ trên lưng những con ngựa hùng hổ màu cánh gián, những cây pháo và những dây xích giấy óng vàng. Không hiểu vì sao, nhưng những vật đó bao giờ cũng bốc lên mùi keo dán và mùi nhựa thông.
Cha mẹ tôi nói với tôi rằng suốt buổi tối hôm đó là một buổi tối hoàn toàn đặc biệt. Muốn đợi cho một buổi tối như thế, cần phải sống thêm một trăm năm nữa. Mà điều đó thì hầu như không ai đạt được.
Tôi hỏi cha tôi rằng buổi tối “đặc biệt” nghĩa là thế nào. Cha tôi giải thích cho tôi rằng người ta gọi buổi tối đó như thế là vì nó không giống tất thảy mọi buổi tối khác.
Thực vậy, cái buổi tối mùa đông trong ngày cuối cùng của thế kỷ thứ mười chín không giống hết thảy mọi buổi tối khác. Tuyết rơi chậm rãi và rất bệ vệ, những bông tuyết lớn đến nỗi tưởng chừng từ trên trời đang rơi xuống thành phố những bông hoa trắng xốp và ở phố nghe rõ tiếng ngựa rè rè của các xe chở khách.
Khi tôi trở về nhà thì cây thông đầu năm lập tức được thắp sáng và trong phòng những ngọn nến bắt đầu lép bép một cách vui vẻ như thể chung quanh tôi những vỏ quả keo khô đang nổ liên tiếp.
Bên cạnh cây thông có một cuốn sách dày: quà của mẹ tôi cho tôi. Đó là những truyện cổ tích của Andersen.
Tôi ngồi xuống dưới cây thông đầu năm và giở cuốn sách. Trong cuốn sách có rất nhiều tranh in màu phủ bằng giấy thuốc lá. Để xem kỹ những bức tranh còn ướt mực ấy tôi phải thận trọng thổi tờ giấy mỏng đó cho lật lên.
Trong tranh, tường những lâu đài tuyết lấp lánh ánh pháo hoa, những con thiên nga bay lượn trên biển cả có những ánh mây hồng soi bóng và những chàng lính chì một chân đứng gác giữ chặt cây súng dài.
Tôi bắt đầu đọc và đọc say mê đến nỗi những người lớn phải bực mình vì hầu như tôi chẳng còn chú ý đến cây thông được trang hoàng đẹp đẽ.
Trước tiên, tôi đọc truyện cổ tích về anh lính chì giàu nghị lực và cô vũ nữ bé nhỏ, kiều diễm, rồi đến truyện Nữ chúa tuyết. Lòng tốt kỳ diệu và ngào ngạt hương như cách tôi cảm thấy, của con người, giống như hương thơm của hoa, bay ra từ những trang giấy của cuốn sách mép mạ vàng kia.
Rồi tôi mơ màng ngủ thiếp đi dưới cây thông vì mệt và vì hơi nóng của những cây nến tỏa ra. Và giữa lúc mơ mơ màng màng như thế tôi nhìn thấy Andersen khi ông để rơi bông hồng. Từ đó, bao giờ tôi cũng hình dung ông giống như trong giấc mơ êm ái đó.
Tất nhiên, lúc đó tôi còn chưa biết cả nghĩa đen và nghĩa bóng những truyện cổ tích của Andersen. Tôi không biết rằng trong mỗi truyện cổ tích cho trẻ con còn có một truyện cổ tích khác mà chỉ người lớn mới có thể hiểu hết ý nghĩa của nó.
Điều đó mãi về sau này tôi mới hiểu. Tôi hiểu rằng quả thực tôi đã may mắn vì khi sắp bước vào thế kỷ thứ hai mươi vĩ đại và gian lao đã được gặp Andersen – con người kỳ quặc đáng yêu, đồng thời là nhà thơ – và ông đã dạy tôi tin tưởng vào thắng lợi của ánh sáng trước bóng tối và của trái tim người trên cái Ác. Lúc đó tôi đã biết câu thơ của Puskin “muôn năm ánh nắng, bóng tối cút đi!”, và không hiểu sao tôi cứ tin rằng Puskin và Andersen là đôi bạn chí thiết và khi gặp nhau, hai ông thường vỗ vào vai nhau hồi lâu mà cười ha hả.
Mãi về sau này tôi mới được biết tiểu sử của Andersen. Và từ đó, bao giờ tôi cũng hình dung đời ông như những bức tranh thú vị, giống những hình vẽ minh họa truyện của ông.
Suốt đời ông, Andersen đã biết vui sướng, mặc dầu thời thơ ấu của ông đã không tạo cho ông cơ sở nào để vui sướng. Ông sinh ra năm 1805 khoảng thời gian những cuộc chiến tranh của Napoleon, tại thành phố Đan Mạch cổ kính – Odense – trong gia đình một người thợ giầy.
Thành phố Odense nằm ở một trong những thung lũng giữa những quả đồi thấp trên đảo Fiun. Trong những thung lũng trên đảo hầu như lúc nào cũng có sương mù lẩn quẩn, còn trên đỉnh những quả đồi thì lại nở hoa thạch thảo[1].
Nếu ta nghĩ kỹ một chút xem Odense giống cái gì thì ta có thể nói rằng nó gợi cho ta nghĩ đến nhiều hơn hết một thành phố đồ chơi của trẻ con bằng gỗ sồi đen.
Không phải vô cớ mà Odense nổi tiếng vì thợ chạm gỗ. Một người trong bọn họ, Claus Berg – tay thợ cả nổi tiếng một thời trung cổ – đã dùng gỗ mun chạm một bàn thờ đồ sộ cho thánh đường Odense. Bàn thờ nguy nga và dữ tợn đó không những đã làm cho trẻ con mà cả người lớn nữa phải kinh hãi.
Nhưng những người thợ chạm Đan Mạch không phải chỉ làm bàn thờ và tượng thánh.
Đối với họ, làm những pho tượng bằng những khúc gỗ lớn dùng để trang hoàng mũi của những con tàu buồm theo tục lệ hàng hải vẫn thú hơn. Đó là những pho tượng Đức Mẹ mộc mạc nhưng có sức biểu hiện, tượng thần biển Neptune, tượng thủy thần Nereid, những con cá heo, những con cá ngựa đầu cúi gập. Người ta thếp vàng, sơn màu côban và vàng lên những tượng ấy và đặc biệt họ quét sơn dầy đến nỗi sóng biển nhiều năm ròng rã cũng không thể làm bong hết hoặc làm hư sơn.
Thực ra, những người thợ chạm các pho tượng cho tàu thủy kia chính là những nhà thơ của biển cả và là những nhà thơ của nghề nghiệp bản thân họ. Không phải ngẫu nhiên mà trong gia đình một người thợ chạm như vậy đã xuất hiện một trong những nhà điêu khắc vĩ đại nhất của thế kỷ mười chín, bạn của Andersen là Albert Thorvaldsen[2], người Đan Mạch.
Chú bé Andersen đã trông thấy những tác phẩm điêu luyện của những tay thợ chạm không phải chỉ trên những con tàu mà cả trên những ngôi nhà ở Odense. Chắc hẳn ở Odense, ông đã biết ngôi nhà cổ lỗ, nơi người ta khắc niên hiệu xây nhà trên một tấm gỗ dày trong tấm khung bằng những bông hồng và những bông tulip. Cũng ở đó, người ta đã khắc vào gỗ cả một bài thơ và trẻ con đã học thuộc bài thơ đó. Còn những người thợ giày bao giờ cũng đóng giày từng đôi.
Cha Andersen làm nghề đóng giày, nhưng trên cửa nhà ông không treo hình con đại bài hai đầu. Chỉ có những người thợ có chân trong phương bạn mới có quyền treo những tấm biểu như vậy, mà cha Andersen thì quá nghèo, không có tiền góp với phường.
Andersen lớn lên trong cảnh bần hàn. Niềm tự hào duy nhất của gia đình Andersen là sự sạch sẽ đặc biệt trong nhà họ, chiếc thùng đất hành mọc um tùm và vài chậu cảnh trên các cửa sổ.
Trong các chậu cây, hoa tulip nở. Hương của hoa lẫn vào trong chiếc chuông đổ hồi, tiếng búa thợ giày của người cha, tiếng trống dồn dập của những người lính đánh trống bên đồn binh, tiếng sáo của anh nhạc công lang thang và những bài hát khàn khàn của những tay phù thủy đang đang dẫn những chiếc xà lan thô kệch vào trong vịnh biển lân cận.
Trong tất cả cái muôn màu muôn vẻ của những con người, những sự kiện tủn mủn, màu sắc và âm thanh vây quanh một chú bé tính tình lặng lẽ, Andersen đã tìm được cớ để nghĩ ra đủ mọi thứ chuyện.
Trong nhà Andersen, chú bé chỉ có một người nghe biết ơn người kể – đó là lão mèo già Carl. Nhưng Carl mắc một tật lớn – lão thường ngủ thiếp đi, không nghe hết câu chuyện cổ tích thú vị. Cái tuổi già của loài mèo đã thắng lão, như người ta thường nói.
Nhưng chú bé không giận lão mèo già. Chú tha mọi tội cho lão và Carl không bao giờ cho phép mình nghi ngờ sự tồn tại của những mụ phù thủy, của anh chàng ranh ma Humpty Dumpty, những tay thông ống khói tinh đời, những bông hoa biết nói và những con ếch đội vòng kim cương trên đầu.
Những câu chuyện cổ tích đầu tiên mà chú bé được nghe là những câu chuyện do cha chú và các bà lão trong viện làm phúc cho người tàn tật gần đó kể lại. Những bà lão nọ suốt ngày ngồi gò lưng đan những sợi len xám và lầu bầu kể những câu chuyện thực thà của họ. Chú bé xoay chuyển lại những câu chuyện ấy theo ý mình, tô điểm thêm cho chúng, giống như chú quét lên chúng những lớp sơn mới và trong một hình thức khác hẳn, chú lại kể những câu chuyện ấy, nhưng lần này người nghe lại là các bà lão nọ. Còn các bà lão thì chỉ biết ngạc nhiên và thì thầm với nhau rằng bé Christian quá thông minh và vì thế nó sẽ chết yểu.
Trước khi kể tiếp cho các bạn nghe, tôi cần phải dừng lại ở một đặc điểm của Andersen mà tôi đã nói qua – ở chỗ ông biết cách vui sướng với tất cả những gì thú vị và tốt đẹp mà ta luôn gặp ở mỗi con đường nhỏ, ở mỗi bước đi.
Của đáng tội, gọi các đặc điểm ấy là sự biết cách thì không đúng. Đúng hơn, nên gọi nó là tài năng, là cái khả năng hiếm có nó cho ta nhận thấy những điều lọt qua con mắt lười biếng của mọi người.
Chúng ta đi trên mặt đất nhưng chúng ta đâu có luôn nghĩ đến chuyện cúi xuống và thận trọng xem xét một cách tỉ mỉ cái mặt đất ấy, xem xét một cách tỉ mỉ tất cả những gì ở dưới chân ta. Nhưng nếu chúng ta cúi xuống, hoặc hơn nữa, nằm xuống mà quan sát nó thì mỗi tấc đất ta có thể tìm thấy biết bao điều thú vị.
Chẳng lẽ lại không thú gì sao một mảnh rêu không đang để rơi lả tả những bông hoa hình chén nhỏ bé của nó những phấn hoa màu ngọc bích, hoặc một bông mã đề giống như chiếc ngù màu tím ngát của anh lính? Hoặc một mảnh xà cừ tí xíu, nhỏ đến nỗi không thể làm nổi một chiếc gương bỏ túi cho con búp-bê, nhưng lại đủ lớn để tràn đầy sắc màu dịu dàng như ánh sáng cua buổi bình minh trên bầu trời Baltic.
Chẳng lẽ mỗi ngọn cỏ đầy ứ nhựa thơm ngào ngạt và mỗi hạt đoạn nhỏ bé đang bay kia lại không phải là tuyệt đẹp sao? Từ hạt đó nhất định sẽ mọc lên một cây đoạn cường tráng.
Có biết bao nhiêu cái ta nhìn thấy dưới chân ta? Về tất cả những cái đó có thể viết một câu chuyện ngắn và những cổ tích. Nghe xong những cổ tích ấy thì người ta chỉ còn biết lắc đầu và bảo nhau:
– Chao ơi, cái thằng bé dài ngoằng con lão thợ giày Odense kiếm đâu ra được cái tài năng quý hóa đến thế? Rõ là một thằng phù thủy.
Không chỉ có thơ ca của nhân dân đưa con trẻ vào thế giới cổ tích, mà cả kịch. Trẻ con hầu như bao giờ cũng coi kịch như một câu chuyện thần tiên.
Cảnh trí huy hoàng, ánh sáng của đèn dầu, tiếng giáp trụ của những chàng hiệp sĩ kêu lách cách, âm nhạc âm vang giống như tiếng sấm của một trận đánh, những giọt lệ của các nàng công chúa với những hàng lông mi xanh, những tên ác ôn râu lửa tay nắm chặt đốc những lưỡi gươm sứt mẻ, điệu nhảy của đoàn thiếu nữ áo quần mỏng tang. Tất cả những cái đó hoàn toàn chẳng có gì giống thực tại và tất nhiên chỉ có thể xảy ra trong một chuyện thần tiên.
Ở Odense có một rạp hát của tỉnh. Ở đó chú bé Christian lần đầu tiên được xem một vở kịch mang cái tên bay bướm “Người con gái miền sông Danube”, vở kịch làm chú bé sửng sốt và từ đó chú trở thành một tác giả nhiệt tình cho đến trọn đời.
Andersen không có tiền đi xem hát. Chú liền thay các vở kịch thực sự bằng các vở kịch tưởng tượng. Chú đánh bạn với anh Peter, một người dán ápphích trong thành phố, giúp đỡ anh, và anh Peter, để trả công cho chú bé, mỗi lần có vở mới lại cho chú một tờ ápphích.
Christian mang ápphích về nhà, lủi vào một góc và sau khi đọc xong tên vở kịch và tên các nhân vật, chú liền nghĩ ra một vở kịch sôi nổi của mình dưới cái tên kịch in trên ápphích.
Chú tưởng tượng như vậy mấy ngày liền. Cứ như thế, một chương trình biểu diễn bí mật của cái nhà hát tưởng tượng trẻ em đã hình thành, trong đó chú là tất cả: là tác giả kịch bản và là diễn viên, là nhạc công và là họa sĩ, là người phụ trách ánh sáng và là ca sĩ.
Trong gia đình, Andersen là con một và mặc dù bố mẹ nghèo, chú vẫn được sống một cách phóng khoáng không lo, không nghĩ. Cha mẹ không bao giờ phạt chú. Chú chỉ làm độc có một việc là mơ mộng liên miên. Hoàn cảnh ấy đã làm chú thậm chí học hành không được đúng lúc. Chú bắt đầu đi học chậm hơn những đứa trẻ cùng năm sinh và cho đến khi đứng tuổi, nhà văn Andersen khi viết văn còn không tin chắc mình viết đúng và vẫn mắc nhiều lỗi chính tả.
Phần lớn thời gian, Andersen tiêu khiển bên cái cối xay cũ bên bờ sông Odense. Chiếc cối xay bị những dòng nước và những tia nước bắn tung tóe bao bọc, toàn thân run rẩy vì già yếu.
Những chòm râu xanh của đất bùn từ trong những mảng cối xay thủng lỗ chỗ quyện lấy nhau. Nơi bờ đập, những con cá lười biếng lội trong bèo tấm.
Một người nào đó đã kể lại cho chú bé nghe rằng ngay dưới cái cối xay này, ở đầu bên kia trái đất là nước Trung Hoa và người Trung Hoa có thể dễ dàng đào một đường hầm đến Odense và họ sẽ bất thần xuất hiện trong những chiếc áo thụng đỏ bằng lụa bóng thêu rồng vàng với những chiếc quạt kiều diễm trong tay trên phố phường của cái thành phố Đan Mạch mốc thếch của chú.
Chú bé đợi mãi sự màu nhiệm đó nhưng không hiểu sao không thấy nó xảy ra.
Ngoài cái cối xay, ở Odense còn có một chỗ nữa lôi cuốn chú bé Andersen. Trên bờ con sông đào có trại của một ông già thủy thủ đã về hưu. Trong vườn nhà ông, ông già thủy thủ đặt mấy khẩu đại bác nhỏ bằng gỗ và bên cạnh những khẩu đại bác là một chú lính cao lớn, cũng bằng gỗ.
Khi tàu qua sông đào, những khẩu đại bác bắn đạn giả và chàng lính cũng bắn loạn xạ lên trời bằng khẩu súng gỗ của chàng. Bằng cách đó người thủy thủ già chào mừng những người bạn có phước của ông – những thuyền trưởng chưa về hưu.
Vài năm sau, Andersen đến trại của ông già, lúc đó chàng đã là một sinh viên. Ông lão thủy thủ đã mất nhưng một đoàn thiếu nữ xinh đẹp và đầy nhiệt tình, cháu nội của ông già, đã ồn ào ra đón nhà thơ trẻ giữa những vòng hoa.
Chính vào thời gian ấy, lần đầu tiên trong đời, Andersen cảm thấy mình yêu một trong số những cô gái nọ. Tình yêu ấy, tiếc thay, lại mờ nhạt và không được đáp lại. Trong cuộc sống không phẳng lặng của ông, những lần say mê đàn bà đã xảy ra đều tương tự như vậy.
Andersen đã mơ ước về tất cả những gì chàng có thể nghĩ tới. Cha mẹ chàng thì lại mong mỏi cho chàng có thể trở thành một người thợ may cừ. Mẹ chàng dạy chàng cắt và khâu. Nhưng nếu chú bé Andersen có khâu gì thì đó là những bộ quần áo sặc sỡ cho những con búp-bê nhà hát của chú (lúc đó chú đã có một nhà hát riêng của chú trong nhà.) Thay vào công việc cắt quần áo, chú bé đã học được lối cắt giấy điêu luyện thành những hình phức tạp và những cô vũ nữ tí hon đang quay mình trên một chân. Với nghệ thuật ấy Andersen đã làm mọi người phải kinh ngạc, ngay cả trong tuổi già của ông.
Tài may vá về sau này đã giúp ích nhà văn Andersen. Ông sửa chữa bản thảo nhằng nhịt đến nỗi không còn chỗ chữa thêm nữa. Lúc đó Andersen bèn viết những đoạn chữa lên những tờ giấy rời và cẩn thận lấy chỉ khâu vào bản thảo.
Khi Andersen vừa mười bốn tuổi thì cha ông mất. Nhớ lại chuyện đó, Andersen kể rằng một con dế đã suốt đêm than vãn cho người đã khuất, trong khi đó suốt đêm chú bé khóc ròng.
Người thợ giày tính tình nhút nhát, không có gì đáng được người đời để ý đến ngoài việc ông đã tặng cho thế giới con trai của mình – người kể chuyện cổ tích và nhà thơ – đã lìa bỏ cuộc đời trong tiếng nỉ non của con dế sau lò sưởi.
Sau khi cha mất ít lâu, Andersen xin phép mẹ ra đi và dùng số tiền ít ỏi dành dụm được, chàng rời Odense đi tới thủ đô Copenhagen để tìm kiếm hạnh phúc, mặc dầu chàng cũng chẳng biết hạnh phúc nó ở chỗ nào.
Trong tiểu sử phức tạp của Andersen, khó mà định được đâu là khoảng thời gian ông bắt đầu viết những chuyện thần tiên đầu tay của ông.
Từ thuở còn thơ, trong trí nhớ của Andersen đã tràn ngập đủ mọi chuyện thần tiên. Nhưng những chuyện đó còn nấp ở một chỗ kín đáo. Chàng thanh niên Andersen trong một thời gian dài tự coi mình là ca sĩ, là diễn viên múa, là người ngâm thơ, là nhà trào phúng, nhà thơ mà nhà biên kịch, là gì cũng được nhưng không phải là người kể chuyện cổ tích. Mặc dầu vậy, giọng nói văng vẳng của những câu chuyện thần tiên vẫn cứ vang lên, lúc thì ở tác phẩm này, lúc thì ở tác phẩm khác của ông, như là tiếng một sợi dây đàn ta vừa động tới rồi lại buông ngay.
Trí tưởng tượng khoáng đạt thâu tóm trong cuộc sống quanh ta hàng trăm tiểu tiết và tập hợp chúng lại trong một câu chuyện chững chạc và thông minh. Người kể chuyện cổ tích không coi thường bất cứ việc gì, dù đó chỉ là cổ một chai bia, một hạt suơng trên chiếc lông mà con vàng anh đã để rơi, hay cái cột đèn rỉ ngoài phố. Bất cứ ý nghĩ mạnh mẽ nhất và đẹp đẽ nhất nào cũng có thể hiện trong sự giúp đỡ bè bạn của những vật giản dị kia.
Cái gì đẩy Andersen vào lãnh vực của những chuyện thần tiên?
Chính ông đã thường nói rằng, ông viết những chuyện thần tiên đạt hơn hết trong lúc chỉ có một mình một bóng với thiên nhiên, “nghe giọng nói của thiên nhiên” nhất là trong thời gian ông nghỉ trong những khu rừng Zelandia, những khu rừng dường như bao giờ cũng bị trùm lấp trong một màn sương mỏng và thiêm thiếp dưới ánh lấp lánh yếu ớt của những vì sao. Tiếng biển rì rào xa xa vẳng vào trong những khu rừng rậm rạp nọ tạo cho chúng một vẻ huyền bí.
Nhưng chúng ta cũng biết rằng Andersen đã viết nhiều truyện cổ tích trong mùa đông, lúc đang độ tưng bừng những cây thông hội hè của con trẻ và ông đã khoác cho chúng một hình thức tao nhã chỉ có ở những đồ trang hoàng cho những cây thông đầu năm.
Tất nhiên, mùa đông ở ven biển, những tấm thảm tuyết, tiếng củi nổ tí tách trong lò sưởi và ánh sáng chan hòa của đêm đông – tất cả những cái đó đều dành cho những truyện thần tiên. Mà rất có thể câu chuyện xảy ra ở một phố Copenhagen đã thúc đẩy Andersen trở thành người kể chuyện cổ tích.
Một đứa bé đang chơi trên bậu cửa sổ của một ngôi nhà cũ ở Copenhagen.
Đồ chơi cũ của nó không có nhiều, vài cái hộp, một con ngựa bằng giấy bồi cũ kĩ đã mất cả đuôi và bị tắm nhiều lần nên đã bạc hết lông, và một chú lính chì gãy.
Mẹ chú bé – một thiếu phụ trẻ – ngồi thêu bên cửa sổ.
Trong lúc đó, ở cuối phố, về phía hải cảng cũ, nơi những cột buồm tàu bè nghiêng ngả trên nền trời làm ta buồn ngủ, xuất hiện một người đàn ông rất gầy, cao, mặc bộ quần áo đen. Ông ta đi nhanh, dáng đi nhún nhảy, không vững, vung vẩy hai cánh tay dài và nói lẩm bẩm một mình.
Ông ta cầm mũ ở tay và vì thế trông rõ vầng trán rộng thoai thoải, cái mũi khoằm và đôi mắt xám hơi nheo.
Ông không đẹp nhưng duyên dáng và làm người ta có cảm giác ông là người nước ngoài. Một nhánh bạc hà thơm được gài vào khuyết áo đuôi tôm.
Nếu như ta có thể nghe trộm những tiếng lầm bầm của con người không quen biết kia, ta sẽ thấy ông đang ngâm nga những vần thơ:
Ôi hoa hồng dịu êm kí ức ngày xa,
Ta ôm ấp ngươi trong lồng ngực của ta.
Thiếu phụ sau khung thêu ngẩng đầu lên và nói với chú bé: Kìa, ông Andersen, nhà thơ của chúng ta đang đi kia. Nghe bài hát ru em của ông, con dễ ngủ lắm đấy.
Chú bé ngước mắt lên nhìn người lạ mặt trong bộ đồ đen, vớ lấy chú lính cụt chân duy nhất của chú chạy ra ngoài phố và nhét chú lính vào tay Andersen rồi chạy đi ngay.
Đó là một món quà vô cùng hào phóng. Andersen hiểu điều đó. Ông gài chú lính chì vào trong khuyết áo đuôi tôm bên cạnh nhánh bạc hà như thể gài một tấm huân chương rồi rút khăn tay, ông khẽ thấm lên mắt. Các bạn ông đã không vô lí khi lên án ông giàu xúc cảm.
Còn thiếu phụ, sau khi ngừng thêu và ngẩng đầu lên, nàng nghĩ rằng nàng sẽ hạnh phúc biết bao, đồng thời cũng sẽ khổ biết bao, nếu như nàng chung sống với nhà thơ kia, giả thử nàng có thể yêu ông. Người ta nói rằng, đến cả nữ danh ca trẻ tuổi Jenny Lind mà ông yêu say đắm – mọi người đều gọi nàng là “Jenny chói lọi” – cũng không thể làm Andersen từ bỏ bất cứ thói quen nhà thơ nào của ông, bất cứ chuyện bịa nào của ông.
Mà những chuyện bịa đó rất nhiều. Một lần ông đã nghĩ cả đến chuyện gắn vào cột buồm chiếc thuyền đánh cá một chiếc đàn dây để nghe tiếng hát rền rĩ của nó vào mùa gió sầu Tây Bắc thường xuyên thổi vào Đan Mạch.
Andersen cho rằng cuộc đời ông là tuyệt đẹp, và gần như không vẩn mây mù, nhưng tất nhiên, đó chẳng qua là nhờ ở tình yêu con trẻ là dấu hiệu xác thực của một nội tâm phong phú. Những người như Andersen chẳng thích thú gì việc tiêu phí thời gian và sức lực trong cuộc đấu tranh với những thất bại trong cuộc sống, trong khi xung quanh mình rõ ràng thơ ca đang lấp lánh và cần phải sống trong thơ ca, chỉ bằng thơ ca và không bỏ lỡ cái khoảnh khắc ngắn ngủi khi mùa xuân lướt nhẹ đôi môi trên cây cối. Hạnh phúc biết bao nếu ta không bao giờ nghĩ đến những điều rủi ro trong cuộc sống! Chúng ta đáng gì so với mùa xuân tốt lành và ngát hương kia.
Andersen muốn được nghỉ ngơi, và được sống như thế, nhưng thực tại chẳng hề tử tế với ông, mặc dầu ông xứng đáng được như vậy.
Trong đời Andersen đã có nhiều, rất nhiều nỗi đau khổ và bực dọc, nhất là trong những năm đầu tiên ở Copenhagen, trong những năm nghèo khổ, sống dưới sự bảo trợ khinh thị của các nhà thơ, các nhà văn và các nhạc sĩ đã được người đời công nhận.
Đã quá nhiều lần, ngay cả trong tuổi già của ông, người ta đã cho Andersen biết rằng ông chỉ là một người “bà con nghèo” trong nền văn học Đan Mạch, rằng ông – con trai một tên thợ giày và là một kẻ nghèo khó – cần phải biết chỗ đứng của mình giữa các quý ngài cố vấn và các quý ngài giáo sư.
Nói về đời mình, Andersen kể lại rằng trong suốt đời ông, ông đã nhiều lần nếm mùi cay đắng. Người ta bịt miệng ông, vu khống ông. Người ta chế giễu ông. Vì lẽ gì?
Vì trong người ông có “máu dân đen”, vì ông không giống những tên tiểu nhân hãnh tiến, vì ông không biết sống.
Người ta coi sự không biết cách sống trong cái xã hội trưởng giả ở Đan Mạch, là một khuyết tật nặng nề nhất. Andersen chỉ là một cái gai trong xã hội đó. Cái gã kì quặc ấy, cái gã nhân vật đáng buồn cười của thơ ca ấy đã sống dậy và bất thần xuất hiện từ trong một tập thơ ca ấy – theo lời triết gia Kierkegaard – đã quên mất câu thần chú để trở về giá sách bụi bặm của thư viện.
Andersen nói về mình như thế này: “Tất cả những gì đó tốt đẹp trong tôi đều bị người ta nhận xuống bùn nhơ”. Ông còn nói đến những chuyện cay đắng hơn nữa, tự ví mình với một con chó bị chết đuối mà lũ trẻ còn ném đá, nhưng không phải vì căm ghét mà chỉ là để đùa nghịch cho vui.
Phải, đường đời không trải hoa đối với con người có tài nhìn thấy trong đêm tối bông hoa tường vi lấp lánh trong ánh trăng, con người có tai nghe thấy tiếng càu nhàu của một gốc cây bị đẵn lưu cữu trong rừng.
Andersen đau khổ ghê gớm và ta chỉ còn biết nghiêng mình trước tinh thần dũng cảm của con người, trên đường đời của mình, đã không để mất đi tấm lòng mong mỏi điều thiện cho đồng loại, cả niềm khát khao chính nghĩa lẫn khả năng nhìn thấy thi ca ở bất cứ nơi nào có nó.
Ông đau khổ nhưng không khuất phục. Ông công phẫn. Ông tự hào vì sự gần gũi máu mủ của mình đối với những người nghèo khổ, những người dân cày và những người thợ. Ông gia nhập “Liên đoàn thợ thuyền” và là những người đầu tiên trong các nhà văn Đan Mạch, ông đọc cho thợ thuyền nghe những chuyện thần tiên của ông.
Ông thẳng tay và mai mỉa đối với những gì mai mỉa đối với những gì khinh thị con người bình dị, đối với bất công và lừa dối. Trong ông, bên cạnh lòng chân thành của con trẻ, còn có tính châm biếm sâu cay. Ông đã biểu thị tính đó một cách hết sức mạnh mẽ trong câu chuyện cổ tích của ông về ông vua cởi truồng.
Khi nhà điêu khắc Thorvaldsen qua đời, Andersen không thể nào chịu nổi khi nghĩ đến chuyện những kẻ quyền quý Đan Mạch kia sẽ đi diễu một cách khoa trương sau linh cữu Thorvaldsen đằng trước tất cả mọi người.
Andersen sáng tác một bản Cantata khi Thorvaldsen qua đời. Ông triệu tập con cái những người nghèo khổ trong toàn thành Amsterdam khi đưa đám Thorvaldsen, bắt đầu bằng những lời như sau:
Hãy nhường đường cho những kẻ nghèo khó đến với linh cữu.
Kẻ đã xuất thân từ bọn họ.
Andersen đã viết về nhà thơ Ingemann, bạn của ông, rằng Ingemann đi tìm những hạt giống thơ trên đất đai của dân cày. Những lời nói đó nói về bản thân Andersen còn xứng đáng hơn. Ông đã lượm lặt những hạt thơ từ những cánh đồng dân cày, ấp ủ nó trong tim ông, gieo chúng trong những hoa thơ tuyệt đẹp, chưa từng thấy, chúng đem lại niềm vui cho trái tim những người cùng khổ.
Đã có những năm học tập khó khăn và nhục nhằn khi Andersen buộc phải ngồi cùng bàn trong trường cùng với những đứa trẻ ít tuổi hơn ông rất nhiều.
Đã có những năm tâm hồn rối loạn và đó là những vô cùng gian khổ tìm tòi đường đi chân chính cho mình. Bản thân Andersen trong một thời gian dài vẫn không biết những lĩnh vực nào của nghệ thuật là thật xứng với tài năng của ông.
Khi đã về già Andersen nói về mình: “Giống như người dân miền núi đục vào vách đá những bậc thang, tôi đã chậm chạp và khó nhọc kiếm lấy một chỗ cho mình trong văn học”.
Ông không biết gì về sức mạnh của mình, mãi cho tới khi nhà thơ Ingemann đùa cợt nói với ông: “Anh có một khả năng quý báu là trong bất cứ cống rãnh nào anh cũng tìm ra được ngọc trai”.
Câu nói đó đã làm cho Andersen phát hiện được bản thân ông.
Và thế là năm thứ hai mươi ba của đời ông, một cuốn sách thực sự Andersen đã ra đời: “Chuyến đi chơi trên đảo Amager”.
Trong cuốn sách đó nhà thơ Andersen trước đó không người biết đến đã lướt qua trên nước Đan Mạch. Tương lai dần trở nên sáng sủa.
Dùng ngay số tiền nhuận bút đầu tiên mà người ta trả cho những cuốn sách đầu tiên của mình, Andersen hướng về chuyến đi du lịch các nước châu u.
Ta hoàn toàn có quyền gọi những chuyến đi liên tiếp của Andersen là những chuyến du lịch, không phải chỉ du lịch trên mặt đất mà còn là du lịch qua các người đương thời vĩ đại của ông. Bởi vì bất cứ nơi nào Andersen đặt chân tới, bao giờ ông cũng làm quen với những nhà văn, nhà thơ, nhạc sĩ và họa sĩ mà ông yêu mến.
Những sự quen biết như thế, Andersen không chỉ coi là dĩ nhiên và còn là cần thiết. Khối óc thông thái và tài năng rực rỡ của những con người đương thời vĩ đại làm tràn ngập con người ông cảm giác về sức lực của chính ông.
Tất cả đời ông đã qua đi trong sự xúc động kéo dài, trong sự thay đổi thường xuyên những đất nước, những thành phố, những dân tộc và những người bạn đường, trong những đợt sóng của “thơ trên đường”, trong những cuộc gặp gỡ lạ kì và những suy tưởng cũng không kém phần kì lạ.
Ông viết ở bất cứ nơi nào ông thèm viết. Ai là người có thể đếm được có bao nhiêu vết xước do ngòi bút nhọn và hấp tấp của ông để lại trên những bình mực bằng thiếc trong các khách sạn Rome, Paris, Avignon và Constantinople, London và Amsterdam.
Tôi đã nhắc đến ngòi bút hấp tấp của Andersen. Đành phải gác lại câu chuyện về những chuyến du lịch của ông trong đôi phút để giải thích các nói đó.
Andersen viết rất nhanh, mặc dầu sau đó ông sửa lại bản thảo rất lâu và khắc nghiệt.
Ông viết nhanh như vậy vì ông có tài ứng tác.
Andersen là một kiểu mẫu trong sáng nhất về một người có tài ứng tác.
Tài ứng tác là sự đáp ứng nhạy bén của nhà thơ đối với bất cứ ý nghĩ nào của người khác, bất cứ một kích thích nào từ bên ngoài, là sự biến hóa ngay tức khắc ý nghĩ đó thành những dòng hình tượng và những bức tranh nhịp nhàng, cân đối. Tài đó chỉ có trên cơ sở một trí nhớ tuyệt diệu.
Andersen viết cuốn truyện vừa của mình về nước Ý như một người có tài ứng tác. Chính vì thế mà ông đặt tên cho cuốn đó là “Người ứng tác” và rất có thể Andersen mang một tình yêu sâu sắc và kính trọng đối với Heine, phần nào vì ông tìm thấy ở nhà thơ Đức một người bạn đồng nghiệp cũng có tài ứng tác.
Nhưng chúng ta hãy trở lại những chuyến du lịch của Christian Andersen.
Trong chuyến du lịch đầu tiên của ông đi trên bờ biển Kattegat dày đặc hàng trăm tàu buồm. Đó là chuyến đi rất vui vẻ. Vào khoảng thời gian đó, Kattegat xuất hiện những chuyến tàu thủy đầu tiên, tàu Đan Mạch và tàu “Caledonia”. Chúng gây một trận phong ba công phẫn trong đám skipper của những con tàu chạy buồm.
Khi những chiếc tàu thủy chạy, máy hơi nước nhả khói đầy kênh và bối rối đi qua hàng thuyền buồm, chúng bị người ta nhạo báng hết sức tàn tệ. Những tay skipper bắc loa về phía những chiếc tàu thủy và gửi sang những lời nguyền rủa chọn lọc nhất. Họ gọi những con tàu biển kia là “bọn nạo ống khói”, “bọn chở khói”, “những cái đuôi sấy” và “những cái chậu gỗ thối khắm”. Cuộc cãi lộn tàn nhẫn theo kiểu hàng hải ấy làm cho Andersen buồn cười.
Những chuyến đi Kattegat không được tính vào các chuyến đi của Andersen. Sau chuyến đi đó bắt đầu những “chuyến du lịch thực sự” của Andersen. Ông đã đi vòng quanh châu u nhiều lần, đã đến miền tiểu Á và cả châu Phi.
Ở Paris ông làm quen với Victor Hugo và nữ nghệ sĩ vĩ đại Rasen, trò chuyện với Balzac, đến chơi nhà Heine. Ông bắt gặp nhà thơ Đức đang ngồi với bà vợ Paris kiều diễm của ông, chung quanh bà là một đám trẻ ồn ào. Nhận thấy vẻ lôi cuốn của Andersen (trong thâm tâm ông thường vẫn sợ con trẻ). Heine nói:
– Ông đừng sợ. Đây không phải các cháu đâu. Chúng tôi mượn của bà con hàng xóm đấy.
Dumas dẫn Andersen đi xem hát ở các rạp rẻ tiền ở Paris, còn Andersen thì một hôm bắt gặp Dumas đang viết cuốn tiểu thuyết thường kì của ông, Dumas lúc thì ầm ầm chửi nhau với những nhân vật của mình, lúc thì nghiêng ngả vì cười sặc sụa.
Wagner, Schumann, Mendelssohn, Rossini và Liszt biểu diễn các tác phẩm của họ cho Andersen nghe. Andersen gọi Liszt là “linh hồn của giông tố trên những dây đàn”.
Ở London, Andersen gặp Dickens. Hai người nhìn thẳng vào mắt nhau. Andersen không chịu nổi, quay mặt đi và khóc. Đó là những giọt nước mắt của lòng khâm phục trước trái tim vĩ đại của Dickens.
Sau đó, Andersen đến thăm Dickens ở ngôi nhà nhỏ của ông trên bờ biển. Ngoài sân, một người Ý đang buồn bã quay phong cầm Bacbari, bên ngoài cửa sổ, trong tranh tối tranh sáng, ánh lên lửa hải đăng, những con tàu lộc ngộc từ trong sông Thames bơi ra biển, đi qua nhà, còn bờ bên kia sông thì rực sáng như than bùn cháy – đó là những nhà máy và những xưởng sửa chữa tàu biển nhả khói.
Nhà tôi đầy trẻ – Dickens nói với Andersen và vỗ tay một cái. Lập tức mấy đứa trẻ con trai và gái Dickens chạy vào phòng, vây lấy Andersen và hôn ông để cám ơn ông vì những câu chuyện cổ tích của ông.
Nhưng nơi Andersen thường đến nhiều hơn hết và ở lâu hơn hết là ở Ý.
Rome đối với ông, cũng như đối với rất nhiều nhà văn, họa sĩ nước ngoài, đã trở thành tổ quốc thứ hai. Một lần Andersen đi xe ngựa trên đất Ý. Đó là một đêm xuân đầy những ngôi sao lớn. Mấy cô gái quê ngồi vào xe. Trời tối đến nỗi hành khách không thể nhìn thấy rõ nhau. Nhưng mặc dầu họ không nhìn rõ nhau, một câu chuyện đùa vui vẻ đã bắt đầu trong đám hành khách. Phải đêm đó trời tối đến nỗi Andersen chỉ nhận thấy những đôi môi ướt của các cô gái bóng lên.
Ông bắt đầu kể cho các cô gái nghe những câu chuyện về chính họ. Ông nói về họ như những nàng công chúa trong chuyện thần tiên. Ông nói say mê. Ông ca ngợi những cặp mắt xanh màu lá cây đầy bí ẩn, những bím tóc thơm ngát, những đôi môi hồng và những hàng lông mi nặng của các cô.
Mỗi cô gái đều đẹp theo cách riêng trong sự mô tả của Andersen. Mỗi cô đều thấy hạnh phúc theo cách riêng của mình. Các cô gái cười bối rối và mặc dầu trời tối, Andersen vẫn nhận thấy những giọt lệ long lanh trong mắt mấy cô trong bọn họ. Đó là những giọt lệ biết ơn đối với người bạn đồng hành lạ lùng và tốt bụng. Một cô trong bọn họ yêu cầu Andersen tả ông cho họ biết.
Andersen không đẹp trai. Ông biết điều đó. Nhưng lúc này ông đây ông mô tả ông như một chàng trai thân hình cân đối có duyên, với nước da mai mái. Chàng trai đó có một tâm hồn đang run rẩy chờ đợi tình yêu.
Cuối cùng chiếc xe dừng lại ở một thị trấn heo hút, nơi các cô gái đi đến. Đêm trở nên tối hơn. Các cô gái chia tay cùng Andersen, hơn nữa, mỗi cô khi từ biệt còn tặng người lạ mặt kì quặc kia một cái hôn nồng nhiệt và dịu dàng.
Chiếc xe chuyển bánh. Khu rừng ồn ào bên ngoài cửa xe, những con ngựa thở phì phì và những chùm sao thấp của nước Ý tỏa sáng trên đầu. Và Andersen cảm thấy mình hạnh phúc như vậy. Ông cảm ơn những điều bất ngờ xảy đến trên đường, cảm ơn những cuộc gặp gỡ thoảng qua và đáng yêu.
Nước Ý đã chiếm được lòng Andersen. Ông đã yêu tất cả mọi vật ở đó: những cái cầu đá chằng chịt dây leo, những mặt nhà bằng đá cẩm thạch đã đổ nát, những đứa trẻ da nâu rách rưới, những cánh rừng cam dại Venise – “bông sen úa”, những pho tượng thánh Laterano, khí trời mùa thu ngây ngất và ớn lạnh, những mái vòm lấp lánh trên thành Rome, những bức tranh cổ, nắng dịu dàng và nhiều ý nghĩ sáng tạo mà nước Ý đã sinh ra trong trái tim ông.
Andersen qua đời năm 1875.
Mặc dầu những rủi ro thường gặp, ông đã được hưởng hạnh phúc chân chính, làm người mà nhân dân nước ông yêu mến.
Tôi không dẫn ra đây tất cả những gì Andersen đã viết. Cái đó có lẽ cũng chẳng cần thiết. Tôi chỉ muốn phác qua một hình ảnh vội vàng của nhà thơ và người kể chuyện cổ tích ấy, con người kì quặc đáng yêu ấy, người mà đến lúc chết vẫn là một đữa trẻ chân thành, con người có tài ứng tác, đầy hào hứng và người có tài chiếm lĩnh tâm hồn người – cả trẻ con lẫn người lớn.
Ông là nhà thơ của người nghèo mặc dầu những đức vua coi việc được bắt bàn tay gầy guộc của ông là một vinh dự.
Ông là ca sĩ bình dân. Cả cuộc đời ông chứng tỏ kho báu của nghệ thuật chân chính chỉ có ở trong tri thức của nhân dân và không ở nơi nào khác.
Thơ ca làm cho trái tim của nhân dân được no nê chẳng khác gì triệu triệu hạt bụi nước tí xíu làm bão hòa không khí trên đất đai Đan Mạch. Người ta nói vì thế mà không đâu có những cầu vồng rộng lớn và rực rỡ như ở đây.
Chúc cho những cầu vồng đó sẽ lấp lánh thường xuyên hơn nhưng khải hoàn môn nhiều màu lắm sắc trên nấm mồ của người kể chuyện cổ tích Andersen và trên những khóm hồng bạch mà ông yêu mến.
1955
K. PAUSTOVSKY
(Bản dịch: Kim n)