Khảo dị truyện cổ tích Thánh Gióng

Truyện cổ tích Thánh Gióng chắc xuất phát từ một thần thoại xa xưa, vì nghệ thuật thần thoại trong đó còn khá rõ nét. Về sau truyện Thánh Gióng còn được nhân dân một số địa phương vùng Bắc-ninh, Bắc-giang phát triển, thêm thắt, ghép vào một số tình tiết hoặc thần kỳ hoặc không, làm cho câu chuyện phong phú hơn. Ví dụ:

Sau khi thắng trận, Thánh Gióng đến một nơi, buộc ngựa sát vào hai cọc đá lớn ngồi nghỉ. Ngày nay một cột đá còn thấy ở làng Cựu-tự cao khoảng ba thước vòng rộng sáu tấc, xâu thẳng xuống một bệ đá tự nhiên hình bầu dục. Ngựa sắt mệt quá sủi bọt mép thành một bãi cát trắng xóa lấp lánh dưới ánh mặt trời. Bãi này nay thuộc xã Ngọc-xá, huyện Quế-võ, đặc biệt ở cách xa bờ sông, người ta gọi là Bạch-nhạn-sa.

Hoặc Thánh Gióng đi qua một làng nọ ven sông Cầu, ở đây có một bà lão bán nước vối. Thánh Gióng dừng lại xin nước uống. Bà lão dâng bầu rượu. Uống xong, Thánh Gióng khen bà lão có lòng tốt, đặt tên là làng Bầu và dặn lúc nào hạn, cho phép cầu mưa sẽ linh nghiệm. Từ đấy, mỗi khi đại hạn, ở đây (nay gồm bảy làng gọi là tổng Bầu) có hội cầu mưa, người ta thường rước thành hoàng làng lên Sóc-sơn để xin nước. v.v…

Cao Huy Đỉnh đã sưu tập rất nhiều những mẩu chuyện này trong quyển Người anh hùng làng Dóng.

Sau đây là một số dị bản truyện Thánh Gióng, những dị bản này đều mang hình thức thần tích.

1 Thạnh tướng quân. Đời Hùng Vương, ở làng Yên-việt có hai vợ chồng hiếm con. Một hôm chồng lên núi, được thần Núi (Sơn thần nhạc phủ) báo mộng cho đá đất làm con (do mẹ đá thụ thai đã ba năm). Một hôm bỗng có tiếng sét nổ vang, phiến đá trong ao nhà họ tự nhiên nứt ra, xuất hiện một em bé. Hai vợ chồng đưa về nuôi. Bảy tuổi chưa biết nói.

Bấy giờ có 50 vạn người Man cầm đầu là Lục Đinh thần tướng sang chiếm nước ta, thế rất dữ dội. Vua Hùng được thần mách, sai “xá nhân” đến Yên-việt cầu tài. Lúc đó em bé đang nằm trên giường. Người bố vỗ vào em nói: – “Nước nhà có giặc vua sai xá nhân đi tìm, sao không dậy giúp nước còn ngủ mãi ư?”. Thạch tướng – đứa bé – nghe nói, bèn đứng dậy mời xá nhân vào, rồi bảo về nói với vua làm cho một voi đá cao mười trượng cùng lá cờ thiên đế, sẽ dẹp xong giặc. Vua cũng sai thợ đá tạc như lời yêu cầu. Được voi và cờ, em bé vươn cao mười trượng, mặt đỏ như mặt trời mọc, nhảy lên voi cầm cờ có quân sĩ theo sau. Quân Man hồn kinh phách tán, xô nhau chạy trốn, tướng của chúng bị chém làm ba đoạn.

Thắng trận, Thạch tướng quân trở về làng rồi cưỡi voi lên trời.

2. Lân Hồ đô thống đại vương. Một người đàn bà không chồng ở làng Đồng-bảng một hôm vào rừng kiếm củi bỗng nghe một tiếng hổ gầm, tâm thần chuyển động, có mang mười bốn tháng sinh một trai, đặt tên là Lân Hổ, cao một trượng, có sức khỏe hơn người.

Bỗng có giặc từ phương Bắc tràn xuống tàn phá đến vùng Bạch-hạc. Vua nhà Trần xuống chiếu cầu bậc có tài dẹp giặc. Lân Hổ ứng mệnh bảo sứ tâu vua rèn cho mình một ngựa sắt, một roi sắt để ra trận. Được mọi thứ, Lân Hổ nhảy lên mình ngựa đánh cho giặc tan tành. Vua Trần ban cho tám chữ: “Nam phương chính khí, Bắc khấu hàn tâm” (Chính khí phương Nam làm cho giặc Bắc lạnh vía). Ông không nhận quan tước, chỉ trở về quê nuôi mẹ. Mẹ chết rồi, Lân Hổ cưỡi ngựa đi đến xã Toàn-mỹ mà hóa.

3. Linh Lang đại vương. Đời Lý Thái Tông có cung phi tên là Thị Sung. Một hôm đi tắm ở hồ Dâm-đàm bị một con thuồng luồng quấn vào người. Từ đấy có mang, sinh dược một người con trai trên mình có hai mươi tám vết như vẩy rồng, trên ngực có bảy hàng châm óng ánh như ngọc. Vua dặt tên là Linh Lang, xây nhà cho mẹ con ở tại làng Thị-lệ trên hồ, gọi là hồ Linh Lang. Chợt có giặc Trinh Vĩnh sang xâm lăng, các tướng chống cự không nổi. Vua nghe lời thần, sai sứ đi tìm bậc thần nhân làm tướng. Đến làng Thị-lệ, Linh Lang đang nằm ngửa trên giường, bỗng nói được, bảo mẹ gọi sứ giả tới, rồi nói xin vua cha một lá cờ đỏ lớn, cán dài, và một con voi đực, sẽ dẹp yên giặc. Được mọi thứ Linh Lang cầm cờ thét lớn: “Ta là tướng nhà trời!” rồi cưỡi voi ra trận. Voi chạy như hay, cờ phất một cái thì giặc tan. Tướng giặc ngã lăn ra chết. Lúc trở về bị bệnh đậu. Sắp chết, xin vua cho đem lá cờ đỏ tung lên trời hễ cờ rơi xuống đâu thì cho lập đền thờ ở đấy. Sau đó, biến thành một con rắn bò đến hồ Dâm-đàm rồi mất.

Nói chung những truyện như các thần tích kể trên thì còn nhiều, nội dung đại đồng tiểu dị.

Người Nghệ-an có truyện Con ngựa đất dường như cũng là một dị bản của truyện Thánh Gióng:

Một em bé mười lăm tuổi ăn rồi chơi nghịch đất, thường lấy đất vắt voi ngựa. Bỗng có giặc đến xâm lăng. Không ai đánh nổi. Nhà vua cũng phải cho người đi cầu bậc tài giỏi. Em bé sau khi gặp sứ giả bèn lấy đất vắt một con ngựa. Vắt xong ngựa tự nhiên lớn phổng lên, biết ăn biết chạy. Em bé bèn cưỡi lên ngựa. Ngựa chở em ra trận cuối cùng dẹp tan giặc.

Xem thêm truyện Vũ Thành trong KHẢO DỊ truyện số 131 cũng là một dị bản của truyện Thánh Gióng.

Các dân tộc anh em cũng có những truyện có nhân vật anh hùng tương tự hoặc ít hoặc nhiều với Thánh Gióng

Trước hết là truyện của đồng bào Tày Lệnh Trứ:

Có hai vợ chồng già hiếm hoi nghe lời đạo sĩ bắc một trăm hai mươi chiếc cầu, cuối cùng người vợ có mang đẻ được một con cóc. Cóc được mười hai tháng chỉ bằng nắm tay, nhưng bố mẹ vẫn nuôi. Một hôm, có sứ giả rao tìm người tài đánh giặc. Cóc bảo bố mẹ gọi vào đòi được giúp nước. Sứ giả đưa về triều. Tuy bé bằng nắm tay nhưng không ngựa nào chịu nổi sức nặng của cóc, đành phải đi bộ. Đến nơi vua hỏi: – “Cần những gì?”. Đáp: – “Xin vua cho rèn một ngựa sắt cốt bằng gang ba nghìn cân, ngoài bằng sắt hai nghìn cân, bờm và đuôi bằng lông tóc của nam nữ mười bốn cân. Lại xin một lá cờ hiệu rộng ba sải tay”. Vua chỉ cho đúc có tám nghìn cân nên khi cóc nhảy lên, ngựa khuỵu lưng. Nhưng rồi ngựa cũng đi dược. Vua phong cóc làm tướng Lệnh Trừ, hứa sẽ gả công chúa nếu thắng. Gặp giặc, ngựa xông vào phun lửa đằng mồm, phun khói đằng mũi. Giặc tối tăm mày mặt, bị lửa thiêu cháy. Thắng trận trở về, vua lần lượt hỏi ý kiến ba nàng công chúa, chỉ có công chúa ba bằng lòng làm vợ cóc để giữ chữ tín cho bố mình.

Đoạn sau phát triển khác với truyện Thánh Gióng. Vua dành gả nhưng sai làm một trăm hai mươi cỗ kiệu, bắt cóc chỉ đúng kiệu nào có công chúa ba ngồi mới được lấy. Cóc ghé vào một cái quán. Trời mưa, cóc nhảy lên dọi mái cho khỏi giột. Chủ quán vốn là tiên, mách cho cóc biết kiệu nào có ong bướm bay lượn là đúng. Công chúa về nhà cóc, cóc cởi lốt hóa làm chàng trai. Sáng dậy lại mang lốt vào. Hai chị hỏi em, công chúa ba thật thà kể lại. Người ta tổ chức bữa tiệc, công chúa ba bảo chồng cởi lốt vào dự. Vua quan vào buồng xem lốt cóc. Vua thử mặc lốt vào, nhưng khi muốn cởi ra thì không cởi được nữa. Thế là vua biến thành cóc. Triều thần tôn cóc làm vua.

Truyện của đồng bào Mơ-nông Dũng sĩ mặt trăng:

Có hai vợ chồng già hiếm hoi, một hôm vợ mộng thấy một con thỏ từ mặt trăng xuống chơi giỡn trước mặt, từ đó có mang rồi đẻ một đứa bé. Cho là con thần linh, sợ mang họa, vợ chồng đem bỏ ở đồng cỏ, chỉ thỉnh thoảng đến thăm. Một hôm chúa làng bắt gặp, quẳng em bé xuống suối nhưng nó không chìm, chỉ trôi đến một nơi được bà Iă Pôm vớt về nuôi. Lên bốn, em biết múa khiên đao. Một hôm em đứng trên một phiến đá, khấn: – “Hỡi thiên thần, hãy giúp ta giết tên chúa làng gian ác”. Dứt lời hòn đá cựa quậy hóa thành một con ngựa trắng cao to. Ngựa cúi đầu vẫy đuôi trước mặt, tỏ ý thuận phục. Cùng lúc ấy một bà già tóc vàng từ trên trời bay xuống bảo em đến dòng thác lấy vật báu. Em nhìn thấy một vật sáng lấp lánh trôi bập bềnh, bèn lội xuống vớt lên thì là một thanh gươm quý. Em rùng mình một cái trở thành một người cao lớn phi thường, cưỡi lên ngựa, ngựa hý phi như bay, cây cối cúi rạp. Đến nơi, tên chúa sợ, đóng cổng lại. Em múa gươm, gươm tỏa ra muôn ngàn hào quang, đốt cháy cổng, rồi cung điện. Bọn tôi tớ xông ra đều bị ngã hàng loạt. Em giết chết tên chủ làng, rồi lấy của chia cho mọi người, ai về nhà nấy. Lại cưỡi ngựa về chốn cũ. Ngựa không bay lên trời mà hóa thành đá, em ném gươm trả cho dòng thác, còn mình thì được bà chúa mặt trăng đưa lên trời, vì em vốn là con bà.

READ:  Khảo dị Sự tích cái chổi

Truyện của đồng bào Ba-na (Bahnar) Cha gấu:

Một nhà nghèo đẻ được mười cô gái, hàng ngày các cô phải vào rừng đốn củi sinh nhai. Một hôm họ gặp một con gấu đỏ, kể hoàn cảnh nghèo đói cho gấu nghe. Gấu trèo cây hái quả ngon cho ăn, lại cho mỗi người một gùi quả đem về. Cô út sau khi ăn quả của gấu thì có mang, sáu năm sau đẻ được một con trai bụ bẫm. Trong khi bị làng đuổi, cô được gấu đỏ đến nhận con và hái quả nuôi. Từ đây truyện gần với truyện của ta. Chú bé lớn nhanh nhưng không nói được, không đi được. Mẹ rất buồn. Một hôm con nói với mẹ. – “Mẹ nấu cho con năm bung cơm và dọn bốn ché (hũ) mắm chua”. Mẹ làm theo. Con ăn một loáng hết sạch, ăn xong, con xin mẹ đi làm nương: nhưng mẹ không cho. Nó bèn vươn vai một cái tự nhiên cao lớn vụt lên: áo quần mẹ may cho rách toạc hết. Mẹ kinh ngạc đi gọi làng xóm tới. Lúc trở về thì con đã thành một trang thanh niên khổng lồ, tay cầm thanh gươm nom rất oai vệ. Ai nấy đang ngơ ngác thì nó đã cưỡi lên khiên bay vụt lên không. Đến đây truyện kết thúc có khác. Lúc này gấu đỏ xuất hiện biến thành người, đến khuyên dỗ vợ rồi cùng ngồi lên khiên bay đi tìm con. Gặp con, hai người rủ nhau đi trị tội một tên chúa làng gian ác nhưng có nhiều phép thuật tên là Ria. Thoạt đầu Ria làm lửa cháy khắp bốn bề. Cha con gấu hóa phép làm cho nước đổ xuống như mưa. Ria lại dâng nước cho ngập lụt, cha con lập tức gọi rồng hút. Ria hoảng hốt chưa kịp chạy trốn, đã bị cha con bắt trói. Nhưng họ không giết Ria, chỉ buộc nó bỏ thói gian ác và chia của cải của nó cho mọi người. Xong, gấu đỏ lại đưa con trở về với vợ.

Truyện của đồng bào Xơ-đăng Đăm Tay:

Đăm Tay là một chú bé không cha không mẹ, đi ở với một tên chủ làng giàu có nhưng độc ác. Vì khổ quá em bỏ đi; đi mãi, gặp một vườn mía vào bẻ ăn. Chủ vườn mía là hai ông bà già, thương em khổ, nuôi làm con nuôi. Một buổi sáng, em leo núi thấy trên đỉnh toàn là chiêng ché, trâu bò, voi ngựa, về nhà lại thấy một thanh gươm bằng vàng hào quang lóng lánh. Khi bố mẹ nuôi về em hỏi: – “Của cải trên núi để cho ai?” – “Cho con” – “Thanh gươm đó cho ai?” – “Cho con”. Thích quá, em vùng dậy ăn một loáng hết cả một nồi lớn cơm và uống hết một bầu nước. Đi qua suối vàng em xuống tắm, người bỗng vàng ra và cao lớn lên. Em cưỡi voi đi đến một bờ suối thấy trong một cái chòi có tiếng khóc. Từ đây trở xuống giống với truyện Tiêu diệt mãng xà (số 148): Em vào xem thấy một cô gái xinh đẹp. Hỏi thì mới biết dân ở vùng đó bảy năm một lần phải nộp một cô gái đẹp cho yêu tinh, nếu không nó sẽ dâng nước chết hết. Đăm Tay chém chết yêu tinh, từ biệt cô gái, bỏ lại vỏ gươm và một mảnh đuôi khố bị yêu tinh chém đứt. Người bố cô gái gọi các chàng trai đến so đuôi khố và so gươm, hứa sẽ gả con gái cho ai so vừa. Dĩ nhiên chẳng có ai vừa trừ Đăm Tay, nhưng em lại bị bọn nhà giàu ghen ghét bẫy chiếc cầu làm cho voi ngã, Đăm Tay rơi xuống nước chết. Xác em được cô gái chôn cất, nhưng sau đó lại được con chó của bố mẹ nuôi đến bới lên, rồi liếm làm cho sống lại. Em lại mang gươm đi các nơi trị tội bọn tham lam độc ác.

Một truyện khác của người Mơ-nông Hai anh em Pờ-rang và Dang là một dị bản của truyện vừa kể:

Xưa, có hai anh em Pờ-rang và Dang ở chung nhau một nhà, anh thương em, nhưng vợ anh thì trái lại. Một hôm Dang đi săn nhờ chó sủa, nhặt được một hòn đá lạ ném trâu, đá xuyên bụng trâu. Chị dâu ghét em, xui chồng giết. Chồng gửi em ở nhà một người bạn, nói dối là đã giết. Nhưng sau vợ biết là chồng lừa, bèn buộc chồng phải giết cho kỳ được. Cuối cùng chồng phải làm một cái trống bỏ em vào cùng với thức ăn, thả cho trôi theo dòng nước. Trống trôi đến một nơi có hai vợ chồng một ông già không con, họ nuôi Dang làm con. Một hôm hai vợ chồng đi xa, dặn Dang đừng đụng tới chum nước để ở góc nhà, nhưng do tò mò, anh thò tay vào, cánh tay tự nhiên vàng rực, càng chùi càng vàng khắp người. Làng ông lão thờ thần rồng cứ bảy năm một lần phải nộp một mạng người, lại phải nộp năm trăm trâu, năm trăm bò và năm trăm lồng gà vịt. Năm ấy đến lượt Nê-ang Pu, con gái vua nộp mạng. Dang đến thần Jê-ác nhớ thần rèn gươm bằng hòn đá của mình. Rèn xong anh chặt thử, gươm bị gãy. Rèn lại cũng thế, mãi sau mới thành công, chỉ chặt một nhát vào cây là gãy, chặt một nhát vào nước, cá chết đầy sông. Khi có gươm, sức khỏe của Dang tự nhiên tăng lên gấp bội. Một mình ăn hết một nong cơm tám sải, một nong thịt tám sải, một nong ớt tám sải và một nong cà tám sải. Chỉ một quật, anh lật nhà, mái lộn xuống đất. Trở về, Dang giết chết rồng cứu Nê-ang Pu. Nhưng lập công xong anh trở về nhà nằm bên bếp vùi tro lại giấu mình không cho ai biết (tình tiết này giống với các dị bản phương Tây). Nhưng do anh bỏ quên vỏ gươm, nên về sau nhà vua cũng tìm ra. Đoạn sau này xem KHẢO DỊ truyện số 26, tập I.

Truyện của đồng bào Ja-rai (Djarai) Chàng Y Ban:

Có hai vợ chồng bị chủ làng đuổi nhưng lại gặp tiên, được tiên làm cho trở nên giàu có, lại đẻ dược một đứa con trai đặt tên là Y Ban, nuôi một con nuôi tên là Y Rít. Chủ làng lại tìm đến nơi giết chồng rồi bán vợ lại cho người khác. Y Ban được Y Rít bồng chạy trốn đến một nơi, làm con nuôi một gia đình khác. Em ăn một lúc sáu mâm cơm, ngủ sáu ngày sáu đêm liền. Lúc dậy vươn vai, người em tự nhiên cao bằng cây kơ-nia trước sân. Em đánh con quay làm vỡ tan quay, lại đánh nữa cũng vỡ. Phải mua quay bằng sắt giá bằng ba chòi lúa với hai con trâu, phải dùng voi cho con quay về. Em tập múa khiên và dao: khiên vỡ dao gãy. Em chặt một cây cổ thụ bẩy người ôm để làm khiên (không thấy nói đến việc rèn búa). Đi đánh nhau, mọi người đều thua em. Sau đó tìm được mẹ, em quyết trả thù cho cha. Sai Y Rít đi dò đường đến nhà tên chủ làng, phải đi bảy ngày bảy đêm mới tới, bị chủ làng đuổi, Y Rít chạy về dẫn dường cho Y Ban đi. Lúc đến nơi Y Ban chỉ giáng một búa, cổng thành vỡ tan, đoạn giết chết chủ làng và sáu đứa em của nó. Sau đó anh lấy cô gái làng ấy.

Cô-xcanh (Cosquin) trong Những truyện Ấn-độ và phương Tây khi kể truyện Tro bếp hay Lọ lem (nữ) có nói đến một loạt truyện mà ông gọi là Tro bếp nam (Cendrillon masculin) trong đó nhân vật chính là nam, lúc còn bé thường ngủ trong tro nhưng có sức khỏe, ăn khỏe (có khi cả ngủ khỏe) với cái gậy (hay chùy, hay giáo) bằng sắt nặng ghê gớm; lập nên nhiều kỳ tích. Dưới đây kể một số:

Truyện của Pháp:

Lu-i đã lên hai mà vẫn nằm, không dậy. Bố mẹ thường bảo: – “Dậy đi con!”. Con đòi: – “Khi nào cho con một cái áo bờ-lu và một quần cộc thì con sẽ dậy”. Vì không có áo quần nên lên tám, rồi lên mười hai, Lu-i vẫn nằm ở giường. Bố mẹ bảo thì em vẫn trả lời như thế. Đến năm mười lăm tuổi, bố mẹ khâu ba mươi sáu miếng vải nhặt được thành áo quần. Em bèn dậy làm việc với một chủ trại với điều kiện là mỗi ngày phải cho em ăn một đống bánh ngọt và một thùng rượu. Em làm việc khỏe gấp mấy chục lần những người đầy tớ khác.

Một truyện khác ở Thượng Brơ-ta-nhơ (Haute-Bretagne), kể một em bé thường xuyên không nằm trên giường, nhưng bà mẹ cho chơi cho đến mười bốn tuổi, mới bảo làm việc. Em đi rèn một “chiếc đũa nhỏ” nặng bảy trăm bảng rồi cầm lên như cầm chiếc lông đi chu du thiên hạ. Đoạn cuối giống truyện Chàng Gấu (xem KHẢO DỊ truyện Thạch Sanh, số 68, tập II).

READ:  Khảo dị Sự tích sông Nhà Bè hay là truyện Thủ Huồn

Truyện Iếc-lăng (Irlande):

Một người đàn bà góa nghèo không có áo quần cho con mặc, bèn bỏ con vào bồ tro gần bếp đắp tro nóng vào. Con càng lớn càng đắp thêm tro. Khi con mười chín tuổi, mẹ kiếm cho một mảnh da dê cuốn quanh lưng và bảo đi làm việc kiếm ăn. Em có sức mạnh tuyệt vời, làm nhiều cuộc thám hiểm và lấy được công chúa.

Truyện Đức:

Jăng, chàng Sắt – tên em bé – vì ăn tợn quá nên bố mẹ không cung cấp nổi. Bố mẹ bảo em đi ở với một thầy cả và rèn cho một roi sắt. Em đã ăn bữa ăn chiều bằng bữa ăn của mười hai người đầy tớ, ăn bữa ăn trưa bằng bữa ăn của các nữ tỳ và các đầy tớ, nhưng làm việc mấy chục lần hơn họ. Cuối cùng để đuổi em, chủ sai em đi tìm đứa con gái của mình bị quỷ bắt, hứa sẽ thưởng một túi tiền mà em vác nặng. Em cầm roi đi đến cửa âm phủ, gõ cửa ầm ầm. Quỷ trốn biệt. Em phá cửa vào đưa cô gái về, và đòi tiền công. Em bỏ tất cả của nả của chủ vào một cái túi mà vác vẫn chưa nặng. Sau khi mang về cho bố mẹ, em đi chu du thiên hạ.

Truyện Thổ-nhĩ-kỳ (Turquie):

Một em bé thường nằm trong đống tro bếp. Một hôm một chị và hai anh của em bị một con quỷ ba đầu nuốt mất. Em đứng dậy rũ mình cho rơi tro, bỗng xảy ra một trận bão lớn làm cho nhiều nông phu đang cày ruộng phải bỏ cày chạy về nhà ẩn nấp. Em lấy tất cả các cày của họ mang đến cho một người thợ rèn, bảo rèn cho mình một cái giáo. Nhưng khi ném giáo lên trên không rơi xuống, đụng phải ngón tay út, giáo gãy. Rồi em lại lắc mình mạnh hơn trước, lại nổi lên một trận bão lớn hơn. Người ta lại bỏ cày đi trốn, em lại lấy số cày nhiều hơn để rèn giáo lần thứ hai, nhưng giáo vẫn bị gãy. Lần thứ ba em cũng làm như vậy, lần này giáo làm bằng tất cả những chiếc cày còn lại tung lên rơi xuống không bị gãy. Em liền cầm lấy đi cứu chị và hai anh. Đoạn cuối cũng giống như truyện Chàng Gấu của Pháp.

Truyện của người Nga:

I-văng là một em bé ngốc. Mười hai năm ròng em nằm ngủ trong tro của lò sưởi nên người ta gọi em là cậu bé Tro (Pô-pi-a-lốp). Sau đó em dậy, lắc lắc người, làm rơi đến sáu pút tro. Bấy giờ có một con rắn ngăn trở không cho mặt trời mọc làm cho đêm tối ngự trị. I-văng xin cha rèn cho mình một cái chùy sắt năm pút. Chùy rèn xong, em tung lên không, rơi xuống trán, chùy bị gãy vụn. Lại xin rèn một chùy khác mười pút nhưng khi rơi xuống đầu gối em, cũng gãy tan. Đến cái thứ ba mười lăm pút, rơi xuống trán làm móp trán. I-văng bèn cầm lấy để đi đánh rắn.

Ở truyện của người Xla-vơ ở Bô-xni (Bosnie) thì một em bé tên là Hạt tiêu. Sau khi chết mất hai đứa con trai, bố mẹ em cầu xin một đứa con khác, sau đó đẻ ra em chỉ lớn bằng hạt tiêu. Nhưng em có sức khỏe tuyệt vời, thường cầm một chùy sắt vĩ đại như cầm một chiếc lông.

Truyện của người Béc-be-rơ (Berbères) Ở An-jê-ri (Algérie):

Một chàng trai có sức khỏe kỳ diệu nhưng hung dữ. Dân trong xứ xin vua trừ đi. Vua tìm được một cách là lừa anh đến nhà một bà chằng ăn thịt người để mượn tay bà chằng trừ hộ, mới bảo: – “Chị mày ở trong tay bà chằng ấy”. Anh chàng bèn đến thợ rèn bảo rèn cho một cái gậy sắt. Thợ rèn rèn cho một gậy nặng mười tạ. Cũng như truyện trên, anh cầm gậy tung lên không, rơi xuống cánh tay, gậy gãy. Anh cầm khúc gậy còn lại đánh người thợ rèn gãy lưng. Lại nhờ một người thợ khác rèn một cái gậy hai mươi tạ. Lần này thử không gãy. Anh cầm gậy nhẹ như một cái lông, đi đánh bà chằng giải phóng cho chị mình.

Truyện Brê-din (Brésil):

Một ông vua có một đứa con trai, khi mới đẻ đã to lớn và khỏe dị thường. Được mười ngày nó ăn hết một con bò. Vua hoảng quá, gọi cố vấn đến hỏi kế. Cố vấn bảo vua phải cho con đi nơi khác kiếm ăn. Hoàng tử bằng lòng đi, nhưng xin rèn cho một gậy sắt thật nặng, một cái búa tạ, một lưỡi hái to. Được mọi thứ, nó ra di. Kết cục giống như truyện Chàng Gấu của Pháp (đã dẫn).

Người Ba-tư (Iran) cũng có một truyện như truyện Chàng Gấu của người A-ra-vơ, nhưng ở đây bố của em là một hoàng tử bị gấu cái bắt về làm chồng. Lên ba tuổi khi nghe bố kể chuyện, em lật hòn đá nặng đưa bố ra khỏi chỗ giam lại giết mẹ khi bị đuổi bắt. Vua – ông nội của em – sợ quá cho em ở một nơi hẻo lánh. Lên sáu: em xin đi đánh trận, nếu không sẽ phá hết nhà cửa nơi đó. Vua sai em đến hồ Si-na-dơ nhặt củi với ý định để cho thú dữ ăn thịt, không ngờ em gọi được mọi thú rừng chim chóc bảo chúng đi nhặt củi hộ, đưa về. Vua cho ở kinh đô năm năm, sau đó em lại xin đi đánh trận, nếu không sẽ phá nát cả kinh đô. Vua sai em đi giành lại thành Sim-ken trước đấy bị chiếm đoạt. Hỏi cần bao nhiêu quân, nó chỉ xin một thanh gươm nặng bảy vạn bát-man và một cái búa một vạn sáu nghìn bát-man. Vua sai gộp tất cả sắt trong nước lại để rèn, đến bốn mươi ngày mới xong. Gươm rèn xong, cả một đội quân không nhấc nổi. Em chỉ cầm có một tay rồi giắt vào lưng. Đến nơi, em hét lên một tiếng: có bốn vạn người chết, hét tiếng thứ hai: ba vạn, tiếng thứ ba; một vạn. Thế là giành xong. Em đi gọi dân nghèo lân cận tới ở. Đoạn sau xem KHẢO DỊ số 88, tập II.

Ở truyện Xéc-bi (Serbie) thì em bé được mẹ cho bú trong ba thời kỳ liên tiếp là bảy năm. Sau đó em vươn vai đứng dậy thành người to lớn, nhổ một cây “sên” cổ thụ. Không những thế, em còn lật ngửa cây cho gốc lên trời. Ở truyện Nhật-bản cũng có một em bé khỏe tuyệt trần tên là Kin-ta-rô cưỡi ngựa cầm gươm đi dẹp giặc.

Ở truyện Jê-or-gi (Géorgie) thì em bé tên là Nát-xác-khơ-ki-ia (người gãi vung tro như kiểu chó gãi) không những có sức khỏe mà còn có mưu. Em thường ngồi ở bếp đào một lỗ trong tro bếp mà nằm. Bố mẹ em chịu đựng một thời gian lâu, sau đó đuổi em ra khỏi nhà. Đi chu du thiên hạ, em gặp một tên Khổng lồ. Thấy nó bóp đá ra nước, em nói: “Tốt lắm, ta có thể làm tan ra bột bất kỳ hòn đá nào”. Đoạn lấy một quả bầu đựng tro giắt sẵn ở thắt lưng ra, vung cho tro bay khắp nơi. Khổng lồ chưa hết kinh ngạc thì đã bị tro làm cho mù mắt.

Người Mô-rơ (Maures) có hai truyện có hình tượng lạ hơn, là một em bé anh hùng được sinh ra cùng với cây gươm thần:

1) Một ông vua có hai người con nhút nhát, bèn cầu thần A-ra cho mình một đứa can đảm không ai thắng nổi, trừ bậc tối cao. Một vị tiên hiện ra bảo trước cho vua sẽ có con can đảm và cho một cây gươm. Hoàng hậu quả đẻ một đứa bé có một cây gươm giắt ở lưng, đặt tên là Bu-xíp (người có gươm). Đứa bé lớn nhanh. Vua thử rút gươm xem thì cây gươm bay ra múa tít rồi lại trở về chỗ lưng đứa bé. Lớn lên, vua cha chết, em đi săn được con thịt nhiều bằng của mười người thợ săn góp lại. Rồi em cưỡi lừa đi chu du, gặp các anh hùng khác trổ tài, làm nên nhiều kỳ tích.

2) Một ông vua lấy một nữ nô lệ da đen đẻ dược một đứa bé mang một lưỡi gươm cả vỏ. Vua bắt bà mụ giấu kín nhốt em trong buồng không cho đi đâu cũng không cho giao tiếp với người ngoài. Em lớn lên, vua cho một ông thầy tới dạy chữ. Một hôm vua cho phép em lên gác của hậu phòng. Bắt đầu thấy người và cảnh vật, em đòi đi ra. Vua không cho. Em đấm thủng tường ra đi. Cùng đi với em có một con ngựa thần không ai dám đến gần, và cũng chưa ra khỏi chuồng bao giờ. Vua sai đóng móng bằng vàng và bạc. Em dắt ngựa ra cưỡi. Một bà già bảo em đi tìm mặt trời của mặt trời. Em bảo mẹ chuẩn bị thức ăn rồi ra đi và cũng lập nhiều kỳ tích.

Theo Đét-xpac-mê (Desparmet). Truyện cổ tích Mô-rơ trong Tạp chí dân tộc học và truyền thống dân gian (1921).