Phân xử tài tình

Truyện cố tích Việt Nam: PHÂN XỬ TÀI TÌNH

Ngày xưa, có một ông quan huyện có tài xét xử. Trong dân gian có vụ nào rắc rối gay go nhất, ông đều có cách tìm ra manh mối và phân xử công bằng.

Một hôm, có hai người đàn bà dắt nhau đến công đường với một tấm vải. Trước mặt quan một người mếu máo thưa:

– Bẩm quan, sáng nay con mang một tấm vải đi chợ bán, bà này hỏi mua, con đưa ra cho bà ấy xem. Thế rồi tự dưng nó cướp không tấm vải bảo là của nó, nhất định không chịu trả lại cho con nữa. Thật là chuyện ngược đời! Xin quan đèn trời soi xét.

Quan nhìn người đàn bà thứ hai thì thấy bà này cũng rưng rưng nước mắt kể:

– Bẩm quan, chính nó mới là đồ ăn cắp. Tấm vải này là của con vừa dệt xong mang đi chợ. Con để nó trong cái thúng khảo thế mà vừa ngoảnh đi một lát nó dám thò tay vào lấy, chính con bắt được quả tang. Thế mà nó còn dám đặt điều để vu oan giá họa…

Quan ngắt lời hai người, mỗi bên phải cử ra một người ít nhất cũng đã chứng kiến vải của mình bị lấy mất. Nhưng cả hai đều không tìm ra được người làm chứng chỉ vì sự việc xảy ra ở một nơi vắng vẻ, lúc đó chưa có người qua lại. Quan lại gọi hai người lính lệ, bảo chúng đi về tận nhà mỗi bên thử xem có phải đúng vải của họ dệt ra như lời khai hay không. Nhưng khi hai người lính trở về thuật lại thì quan rất lấy làm ngạc nhiên, vì cả hai đều có khung cửi như nhau, khổ vải bằng nhau và chính sáng sớm ngày xảy ra câu chuyện bên nào cũng mang một tấm vải đi chợ bán. Thật rắc rối làm sao! Quan cố nhìn vào thần sắc từng người để dò ý tứ. Nhưng quan chỉ thấy vẻ đau đớn vì mất của hiện trên nét mặt của cả hai người, không có gì khác hơn. Suy nghĩ một chốc, quan ôn tồn bảo họ:

– Cả hai mụ đều có lý do cả. Biết làm sao bây giờ. Thôi ta phân xử cho thế này: giờ đem cắt tấm vải ra làm đôi, chia cho mỗi người một nửa. Thế là ổn. Hãy đi về nhà mà làm ăn!

READ:  Sự tích quả roi

Nói xong, quan sai lính đo vải xé ngay giao cho mỗi người một nửa. Thấy thế, một người đàn bà bỗng ôm mặt khóc thút thít. Lập tức quan sai trả cả tấm cho người đàn bà ấy rồi thét lính trói người kia lại vì chỉ có chủ nhân thực sự của tấm vải mới đau xót bật ra tiếng khóc kia. Quả nhiên, sau một hồi tra khảo, người đàn bà kia đành cúi đầu nhận tội.

Một hôm khác, quan đi hành hạt qua một cái chợ. Bỗng nghe tiếng chửi rủa huyên náo, vội tiến lại xem có việc gì. Đến nơi, thấy một người đàn bà đang gân cổ lớn tiếng chửi kẻ bắt trộm con gà của mình. Hỏi người xung quanh thì họ cho biết là mụ ta chửi như thế đã được hai ngày, ai cũng lấy làm khó chịu. Quan vội sai người hầu bước tới dùng lời khuyên can:

– Này mụ kia, sao lắm lời thế?

– Của tôi, tôi xót – người đàn bà đáp – can gì đến chú.

Nói xong lại tiếp tục chửi. Quan bèn cho chức dịch đòi người đàn bà lại hỏi:

– Sao mụ ác khẩu thế! Một con gà phỏng có bao nhiêu mà mụ chửi rủa nặng lời?

Người đàn bà nói:

– Bẩm quan, con chăm chút bấy lâu mới được một ổ gà. Nay nó lấy mất cả gà lẫn trứng, không căm tức sao được! Quan hất hàm bảo bọn chức dịch:

– Ta ghét con mụ này ngoa ngoắt, độc mồm độc miệng làm cho xóm giềng điếc tai nhức óc đã hai ngày, không thể không trị tội được. Vậy cho đi rao trong xóm đòi tất cả mọi người lại đây. Cho mỗi người tát cho mụ một cái vào má, cho rõ đau để trả nợ việc mụ xúc phạm đến sự yên tĩnh của hàng xóm.

Lệnh quan ban ra, mọi người không thể không tuân theo. Mặc dầu ai cũng ghét mụ ngoa ngoắt, người ta vẫn thấy thương con người đã mất gà lại bị đánh, cho nên ai cũng sẽ tay và nhẹ mỗi người một cái vào má cho xong. Chỉ có tên trộm căm mụ đã gào đến tam đại nhà mình nên hắn cứ theo đúng lệnh quan, vả mụ một cái thật đau cho bõ tức.

READ:  Tam và Tứ

Nhưng khi hắn vừa bước ra khỏi đám đông thì quan đã gọi giật lại, vạch đúng tội trạng và tâm lý của hắn. Hắn không thể chối cãi được, đành thú nhận.

Một hôm khác, quan đi qua một ngôi chùa lớn, ghé vào vãn cảnh. Sư cụ trong chùa thấy quan, liền ra đón tiếp kính cẩn, mời vào phương trượng ngồi uống trà. Sư than thở với quan rằng mình có giữ cho chùa một số tiền lớn không may bị kẻ trộm trộm mất cả. Nhưng sư không biết ngờ cho một ai. Lại cũng không muốn trình quan, sợ làm khổ lây đồ đệ. Nay sư có ý nhờ quan kín đáo xét hộ mình một tý.

Quan hỏi rõ sự tình vụ trộm trước sau rồi chỉ lên tượng phật bảo với sư cụ:

– Đức Phật ngài thiêng lắm, sao hòa thượng không cầu người tìm giúp, chả hơn nhờ tôi ư? Đức Phật có phép làm cho kẻ gian cầm hạt thóc nảy mầm. Nếu hòa thượng muốn, tôi sẽ xin vì nhà chùa thử một phen.

Nói rồi bảo sư cụ biện lễ cúng Phật. Trong khi hòa thượng làm lễ, quan cho gọi tất cả sư vãi và những kẻ ăn người ở trong chùa ra để chay đàn. Quan bảo mỗi người một tay cầm cành phan và tay kia cầm một nắm thóc, đã ngấm nước, rồi nói:

– Sư cụ có cho biết chùa ta trước đây có mất một số tiền mà không biết rõ ai là người lấy trộm. Ta chắc chỉ có người trong chùa lấy mà thôi. Ta nghe đức Phật ngài rất thiêng. Bây giờ, mỗi người cầm một nắm thóc đã ngâm nước rồi vừa chạy vừa niệm Phật. Nếu đúng là kẻ gian, đức Phật sẽ làm cho thóc trong tay nảy mầm. Như vậy gian ngay tỏ rõ, khỏi phải tra khảo phiền phức.

Cả đoàn người mới chạy được vài vòng thì quan đã thấy có một chú tiểu thỉnh thoảng lại hé tay cầm thóc ra xem. Liền đấy, quan sai mọi người dừng lại, bắt lấy chú tiểu, vì chỉ kẻ có tật mới giật mình, nên thỉnh thoảng lại nhìn trộm như thế.

Chú tiểu thấy vạch đúng lý, nhận tội.