Soạn bài Miêu tả và biểu cảm trong văn bản tự sự

MIÊU TẢ VÀ BIỂU CẢM TRONG VĂN BẢN TỰ SỰ

I. KIẾN THỨC CƠ BẢN

1. Sự kết hợp giữa kể, tả và biểu cảm trong văn bản tự sự

a) Đọc đoạn văn sau và nhận xét về những phần chữ in nghiêng:

Xe chạy chầm chậm… Mẹ tôi cầm nón vẫy tôi, vài giây sau, tôi đuổi kịp. Tôi thở hồng hộc, trán đẫm mồ hôi và khi trèo lên xe, tôi ríu cả chân lại. Mẹ tôi vừa kéo tay tôi, xoa đầu tôi hỏi, thì tôi oà lên khóc rồi cứ thế nức nở. Mẹ tôi cũng sụt sùi theo:

– Con nín đi! Mợ đã về với các con rồi mà.

Mẹ tôi lấy vạt áo nâu thấm nước mắt cho tôi rồi xốc nách tôi lên xe. Đến bấy giờ tôi mới kịp nhận ra mẹ tôi không còm cõi xơ xác quá như cô tôi nhắc lại lời người họ nội của tôi. Gương mặt mẹ tôi vẫn tươi sáng với đôi mắt trong và nước da mịn, làm nổi bật màu hồng của hai gò má. Hay tại sự sung sướng bỗng được trông nhìn và ôm ấp cái hình hài máu mủ của mình mà mẹ tôi lại tươi đẹp như thuở còn sung túc? Tôi ngồi trên đệm xe, đùi áp đùi mẹ tôi, đầu ngả vào cánh tay mẹ tôi, tôi thấy những cảm giác ấm áp đã bao lâu mất đi bỗng lại mơn man khắp da thịt. Hơi
quần áo mẹ tôi và những hơi thở ở khuôn miệng xinh xắn nhai trầu phả ra lúc đó thơm tho lạ thường.

Phải bé lại và lăn vào lòng một người mẹáp mặt vào bầu sữa nóng của người mẹ, để bàn tay người mẹ vuốt ve từ trán xuống cằm, và gãi rôm ở sống lưng cho, mới thấy người mẹ có một êm dịu vô cùng. Từ ngã tư đầu trường học về đến nhà, tôi không còn nhớ mẹ tôi đã hỏi tôi và tôi đã trả lời mẹ tôi những câu gì.

(Nguyên Hồng, Những ngày thơ ấu)

Gợi ý: Phần chữ in nghiêng là phần miêu tả và biểu cảm. Như vậy, câu chuyện về cuộc gặp gỡ giữa con – “tôi” và người mẹ đã được kết hợp, đan xen với rất nhiều yếu tố miêu tả và biểu cảm.

READ:  Hóa thân vào những que diêm kể lại câu chuyện theo diễn biến và kết thúc của truyện Cô bé bán diêm

b) Hãy liệt kê ra những hình ảnh miêu tả và những từ ngữ bộc lộ tình cảm trong đoạn văn trên và cho biết nếu lược đi các yếu tố này thì câu chuyện sẽ thế nào?

Gợi ý: Phần lớn các hình ảnh miêu tả đều thấm đẫm cảm xúc của nhân vật “tôi” – người con, là tả lại những trạng thái cảm xúc, tả lại tình cảm yêu thương trìu mến, xúc động của con và mẹ, cảm giác sung sướng của người con khi được ấp iu trong lòng mẹ. Có những phần chỉ thuần tuý bộc lộ tình cảm như: Hay tại sự sung sướng bỗng được trông nhìn và ôm ấp cái hình hài máu mủ của mình mà mẹ tôi lại tươi đẹp như thuở còn sung túc?.

Nếu lược đi các yếu tố miêu tả và biểu cảm thì đoạn trích chỉ còn lại những sự việc rất giản đơn:


Xe chạy chầm chậm… Mẹ tôi vẫy tôi, tôi đuổi kịp mẹ tôi. Cả hai mẹ con đều khóc. Mẹ lau nước mắt cho tôi rồi xốc nách tôi lên xe, ôm tôi vào lòng. Từ ngã tư đầu trường học về đến nhà, tôi không còn nhớ mẹ tôi đã hỏi tôi và tôi đã trả lời mẹ tôi những câu gì.

Như thế, sẽ không gây được trong lòng người đọc ấn tượng đậm nét về hình ảnh “trong lòng mẹ”, tình cảm mẹ con sâu sắc, khao khát tột bậc của người con.

c) Nếu lược đi những sự việc trong phần kể thì đoạn trích sẽ như thế nào?

Gợi ý: Người đọc sẽ không tưởng tượng ra một cách cụ thể cảnh hai mẹ con gặp nhau (bắt đầu thế nào, diễn biến rồi kết thúc ra sao) và làm mờ nhạt đi diễn biến của mạch cảm xúc.

READ:  Dựa vào hiểu biết về Lão Hạc, và Cô bé bán diêm hãy làm sáng tỏ nỗi niềm...

d) Từ những điều đã phân tích ở trên, hãy tự rút ra nhận định về vai trò của yếu tố miêu tả và biểu cảm trong văn bản tự sự.

II. RÈN LUYỆN KĨ NĂNG

1. Đọc lại các văn bản Tôi đi học (Thanh Tịnh), Tức nước vỡ bờ (Ngô Tất Tố), Lão Hạc (Nam Cao) và cho biết trong các văn bản này yếu tố tự sự, miêu tả và biểu cảm kết hợp với nhau như thế nào? Sự kết hợp giữa các yếu tố tự sự, miêu tả và biểu cảm có tác dụng ra sao trong việc thể hiện chủ đề tác phẩm?

Gợi ý:

– Đọc kĩ lại văn bản;

– Tóm tắt những sự việc chính của câu chuyện;

– Nhận xét về tác dụng của miêu tả và biểu cảm trong việc khắc hoạ chân dung nhân vật, khung cảnh, bộc lộ thái độ tình cảm của tác giả, của nhân vật,…

2. Em rất xúc động khi được gặp lại một người thân sau nhiều ngày xa cách (ông, bà, bố, mẹ, anh, chị, em,…). Hãy viết một đoạn văn ngắn kể về cuộc gặp gỡ ấy và cho biết em đã sử dụng miêu tả, biểu cảm trong tự sự như thế nào?

Gợi ý:

– Kể:

+ Cuộc gặp gỡ mở đầu, diễn ra, kết thúc ra sao? (thời gian, địa điểm,…)

+ Nhân vật: gồm những ai?

+ Lời kể: theo ngôi thứ nhất – “tôi” hoặc “em”.

– Tả: khung cảnh gặp gỡ; hình dáng, cử chỉ của người thân,…

– Biểu cảm: cảm xúc của em, cảm xúc của người thân,…

Phải biết kết hợp khéo léo giữa ba yếu tố trên.

3. Qua hai đoạn văn của Tô Hoài và Phạm Hổ trong phần Đọc thêm, em rút ra cho mình điều gì?