Soạn bài Tổng kết từ vựng (tiếp theo)

TỔNG KẾT VỀ TỪ VỰNG

(tiếp theo)

I. TỪ MƯỢN

1. Thế nào là từ mượn? Phân biệt từ mượn và từ thuần Việt.

Gợi ý: Ngoài từ thuần Việt là những từ do nhân dân tự sáng tạo ra, để biểu thị những sự vật, hiện tượng, đặc điểm, khái niệm,… mà tiếng Việt chưa có từ tương đương, thật thích hợp để biểu thị, chúng ta còn vay mượn những từ của tiếng nước ngoài. Đây chính là các từ mượn.

2. Mượn từ phải đảm bảo nguyên tắc nào?

Gợi ý: Mượn từ là một cách để làm giàu ngôn ngữ dân tộc. Tuy vậy, để bảo vệ, giữ gìn sự trong sáng của tiếng mẹ đẻ, không nên vay mượn tuỳ tiện từ nước ngoài mà phải biết chắt lọc, lựa chọn và dùng cho đúng mục đích.

3. Trong những nhận định đưới đây, nhận định nào đúng, nhận định nào chưa đúng? Hãy giải thích.

a) Chỉ một số ít các ngôn ngữ trên thế giới có từ ngữ vay mượn.

b) Tiếng Việt vay mượn nhiều từ ngữ của các ngôn ngữ khác là do sự ép buộc của nước ngoài.

c) Tiếng Việt vay mượn nhiều từ ngữ của các ngôn ngữ khác là để đáp ứng nhu cầu giao tiếp của người Việt.

d) Ngày nay, vốn từ tiếng Việt rất dồi dào và phong phú, vì vậy không cần vay mượn từ ngữ tiếng nước ngoài nữa.

Gợi ý: Mượn từ ngữ của ngôn ngữ khác để làm giàu cho ngôn ngữ của mình là hiện tượng phổ biến, mang tính quy luật của tất cả các ngôn ngữ trên thế giới. Vay mượn từ ngữ của nước ngoài là việc làm xuất phát từ nhu cầu giao tiếp ngày càng phát triển của người bản ngữ, đáp ứng nhu cầu giao lưu, mở mang, hiểu biết lẫn nhau giữa các dân tộc. Không khi nào là không cần vay mượn từ ngữ của các ngôn ngữ khác, vì nhu cầu giao tiếp không bao giờ dừng lại, nó liên tục phát triển theo xu hướng giao lưu, hoà nhập ngày càng tăng.

4. Hai nhóm từ dưới đây đều là những từ vay mượn, hãy so sánh và rút ra nhận xét về mức độ Việt hoá của hai nhóm từ này:

(1) – săm, lốp, (bếp) ga, xăng, phanh,…

(2) – a xít, ti vi, ra-đi-ô, vi-ta-min,…

Gợi ý: Thử so sánh hình thức ngữ âm của các từ với những từ thuần Việt như chổi, lá, bàn, ghế, trâu, bò,… để thấy mức độ Việt hoá của hai nhóm từ. Những từ nhóm (1) có mức độ Việt hoá cao, hình thức ngữ âm giống như những từ ngữ thuần Việt. Những từ nhóm (2) có mức độ Việt hóa chưa cao, hình thức ngữ âm còn thể hiện rõ tính ngoại lai, đặc biệt là các từ đa âm tiết.

II. TỪ HÁN VIỆT

1. Từ Hán Việt là gì?

Gợi ý: Từ Hán Việt là một bộ phận từ được tiếng Việt vay mượn từ tiếng Hán và đọc theo cách đọc của người Việt.

2. Từ ghép Hán Việt có mấy loại, là những loại nào?

Gợi ý: Từ Hán Việt được cấu tạo nên bởi yếu tố Hán Việt. Dựa vào tính chất quan hệ giữa các yếu tố Hán Việt, người ta chia từ ghép Hán Việt thành hai loại: từ ghép chính phụ và từ ghép đẳng lập.

READ:  Soạn bài Luyện nói tự sự kết hợp với biểu cảm, nghị luận, chuyển đổi ngôi kể

3. Trong các cách hiểu sau đây, cách hiểu nào đúng, cách hiểu nào chưa đúng? Hãy giải thích.

Gợi ý:

a) Tất cả các từ gốc Hán đều là từ Hán Việt.

b) Cần phê phán việc dùng nhiều từ Hán Việt.

c) Từ Hán Việt là bộ phận quan trọng của lớp từ mượn gốc Hán.

d) Từ Hán Việt không phải là một bộ phận của vốn từ tiếng Việt.

Gợi ý: Không phải tất cả các từ gốc Hán đều là từ Hán Việt. Có những trường hợp sử dụng nhiều từ Hán Việt là thích hợp. Cần phê phán việc lạm dụng từ Hán Việt, sử dụng Từ Hán Việt trong những tình huống giao tiếp không cần thiết. Từ Hán Việt là bộ phận quan trọng của lớp từ mượn gốc Hán. Mặc dù có nguồn gốc vay mượn, nhưng từ Hán Việt đã thực sự trở thành một bộ phận quan trọng của vốn từ tiếng Việt.

III. SỰ PHÁT TRIỂN CỦA TỪ VỰNG TIẾNG VIỆT

1. Sơ đồ về các hình thức phát triển của từ vựng dưới đây đúng hay sai? Nếu sai, hãy sửa lại cho đúng.

2. Sự phát triển về nghĩa của từ có liên quan gì đến hiện tượng từ nhiều nghĩa?

Gợi ý: Hiện tượng một từ có nhiều nghĩa chính là kết quả của sự phát triển nghĩa của từ.

3. Nếu không có hình thức phát triển nghĩa của từ ngữ thì từ vựng sẽ phát triển theo hướng như thế nào?

Gợi ý: Phát triển về số lượng theo cách tạo từ ngữ mới và vay mượn tiếng nước ngoài là hai hình thức phát triển bên cạnh hình thức phát triển nghĩa của từ ngữ.

4. Với mỗi hình thức phát triển từ vựng, hãy lấy ví dụ và phân tích.

Gợi ý: Xem lại phần Gợi ý giải các bài tập ở bài 4 và 5.

IV. THUẬT NGỮ

1. Thuật ngữ là gì?

Gợi ý: Thuật ngữ là từ ngữ biểu thị khái niệm khoa học, công nghệ và thường được dùng trong các văn bản khoa học, công nghệ.

2. Thuật ngữ có đặc điểm gì?

3. Thuật ngữ thường được sử dụng trong những hoàn cảnh giao tiếp nào? Điều này có liên quan gì đến đặc điểm của thuật ngữ?

Gợi ý: Đặc điểm “mỗi thuật ngữ chỉ biểu hiện một khái niệm và ngược lại, mỗi khái niệm chỉ được biểu hiện bằng một thuật ngữ” quy định như thế nào về phạm vi sử dụng của thuật ngữ?

V. TRAU DỒI VỐN TỪ

1. Hãy hoàn chỉnh sơ đồ sau:

2. Cho các từ ngữ sau: bách khoa toàn thư, bảo hộ mậu dịch, dự thảo, đại sứ quán, hậu duệ, khẩu khí, môi sinh. Hãy điền các từ này vào những chỗ trống sau cho thích hợp.

– … : soạn ra để đưa thông qua; văn bản được soạn ra để đưa thông qua.
– … : khí phách của con người toát ra qua lời nói.
– … : con cháu của người đã chết.
– … : loại từ điển ghi đây đủ tri thức của các ngành.
– …: cơ quan đại diện chính thức và toàn diện của một nhà nước ở nước ngoài.
– … : (chính sách) bảo vệ sản xuất trong nước chống lại sự cạnh tranh của hàng hoá nước ngoài trên thị trường nội địa.
– … : môi trường sống của sinh vật.

READ:  Soạn bài Bếp Lửa - Bằng Việt

VI. TỪ ĐỊA PHƯƠNG VÀ BIỆT NGỮ XÃ HỘI

1. Từ địa phương là gì?

Gợi ý: Từ địa phương là từ ngữ chỉ được sử dụng ở một (hoặc một số) địa phương nhất định.

2. Biệt ngữ xã hội là gì?

Gợi ý: Biệt ngữ xã hội là những từ ngữ chỉ được dùng trong một tầng lớp xã hội nhất định.

3. Sử dụng từ địa phương và biệt ngữ xã hội như thế nào?

Gợi ý: Từ địa phương hay biệt ngữ xã hội phải được dùng đúng với tình huống giao tiếp. Muốn tránh việc lạm dụng từ ngữ địa phương và biệt ngữ xã hội, cần tìm những từ ngữ toàn dân tương ứng để thay thế. Trong văn bản nghệ thuật, người ta có thể sử dụng từ ngữ địa phương và biệt ngữ xã hội để tô đậm màu sắc địa phương, màu sắc tầng lớp xã hội của ngôn ngữ, tính cách nhân vật.

4. Đọc đoạn trích sau đây và thực hiện yêu cầu bên dưới:

Gan chi gan rứa, mẹ nờ?
Mẹ rằng: Cứu nước, mình chờ chi ai?
Chẳng bằng con gái, con trai
Sáu mươi còn một chút tài đò đưa
Tàu bay hắn bắn sớm trưa
Thì tui cứ việc nắng mưa đưa đò…
Ghé tai mẹ, hỏi tò mò:
Cớ răng ông cũng ưng cho mẹ chèo?
Mẹ cười: Nói cứng, phải xiêu
Ra khơi ông còn dám, tui chẳng liều bằng ông!
Nghe ra ông cũng vui lòng
Tui đi, còn chạy ra sông dăn dò:
“Coi chừng sóng lớn, gió to
Màn xanh đây mụ, đắp cho kín mình!”

(Tố Hữu, Mẹ Suốt)

– Tác giả đã sử dụng những từ địa phương nào?

– Phân tích tác dụng của việc dùng các từ ngữ địa phương trong đoạn thơ.

Gợi ý: Các từ địa phương: chi, rứa, nờ, hắn, tui, răng, mụ. Trong trường hợp này, từ địa phương được dùng nhằm khắc hoạ ngôn ngữ người miền Trung.

5. Trong chương trình Ngữ văn 9, em đã được học những văn bản nào sử dụng nhiều từ địa phương? Phân tích tác dụng của việc sử dụng từ địa phương trong một văn bản có nhiều từ địa phương nhất.

Gợi ý: Đọc lại các trích đoạn Truyện Lục Vân Tiên, tìm các từ địa phương và cho biết đó là từ của phương ngữ nào, có nghĩa gì? Xem lại nội dung đoạn trích và nhận xét về tác dụng của các từ địa phương trong việc thể hiên nội dung ấy.