CHA TÔI
(Trích Đặng Dịch Trai ngôn hành lục – Đặng Huy Trứ)
I. KIẾN THỨC CƠ BẢN
1. Đặng Huy Trứ (1825-1874) hiệu là Tĩnh Trai và Vọng Tân, tự là Hoàng Trung, người làng Thanh Lương, huyện Hương Điền, tỉnh Thừa Thiên – Huế. Năm 1843, Đặng Huy Trứ đỗ cử nhân, năm 1848 đỗ Tiến sĩ nhưng vì phạm huý ông đã bị đánh trượt và bị tước luôn học vị cử nhân.
2. Đặng Dịch Trai ngôn hành lục là thuộc thể loại kí, thuộc loại văn tự thuật. Tác phẩm là những trang hồi tưởng của tác giả về người cha đáng kính của Đặng Huy Trứ về cha ông là Đặng Văn Trọng (tên hiệu là Dịch Trai). Qua đó thể hiện những quan niệm về cuộc sống.
II. RÈN KĨ NĂNG
1. Đoạn trích Cha tôi lần lượt thuật lại ba sự kiện tiêu biểu, ba khúc ngoặt trên đường thi cử của nhân vật tôi (tức Đặng Huy Trứ).
Sự kiện thứ nhất xảy ra vào mùa thu năm Quý Mão (1843), nhân vật tôi đỗ cử nhân ngay lần đầu đi thi với mục đích làm quen trường thi. Nghe tin con đỗ, một tin vui đối với cả gia tộc, dòng họ nhưng người cha lại có phản ứng thật lạ “cha tôi dựa vào cây xoài, nước mắt ướt áo” như là “gặp việc chẳng lành”. Và ông giải thích “có gì đáng vui đâu. Đỗ đạt cao là để dành cho người có phúc đức. Con tôi tính tình chưa già dặn, chưa có đức nghiệp gì… Cổ nhân đã nói “Thiếu niên đăng khoa nhất bất hạnh dã!”.
Sự kiện thứ hai là “Khoa thi Hội mùa xuân năm Đinh Mùi Nhân tứ tuần đại khánh của đức Hiến tổ Chương Hoàng đế Thiệu Trị, vua cho mở Ân khoa”. Và nhân vật tôi lại đỗ. Phản ứng của người cha là lo lắng. Không phải người cha không tin vào khả năng của con mình. Mà ông lo lắng việc đỗ đạt quá sớm và quá dễ dàng có thể sẽ gây nên thói tự mãn, kiêu ngạo, trở thành có hại đối với người con.
Sự kiện thứ ba là hai sự việc đồng thời xảy ra trong gia đình để ngợi ca tấm lòng và nhân cách của người cha. “bác ngự y Đặng Văn Chức mất… Tôi thì vừa bị đánh hỏng trong kì thi Đình… Cả nhà lại càng buồn cho tôi”. Trước hai tin dữ ấy, Đặng Văn Trọng đau đớn trước cái chết của người anh và coi việc con trai bị đánh hỏng là “không có chuyện gì đáng kể”. Người cha đã có cách ứng xử rất hợp đạo làm người. Tấm lòng của người cha ấy được thể hiện rõ ở lời nói của ông trong phần kết đoạn trích. Khi việc tang người anh trai đã hơi thư, ông mới quay sang khuyên nhủ con trai. Lời khuyên nhủ này là tâm sự giấu kín từ nơi sâu thẳm tấm lòng người cha: “Đã vào thi Đình thì không còn đánh trượt nữa, từ đời Lê đến nay như thế lâu mà nay con lại bị đánh trượt”. Ông chỉ ra sai lầm của và khuyên nhủ con trai những lời thấu tình đạt lí.
2. Câu trả lời của thân phụ Đặng Huy Trứ thể hiện sự khiêm tốn (Đỗ đạt cao là để dành cho người có phúc đức. Con tôi tính tình chưa già dặn, chưa có đức nghiệp gì), đồng thời thể hiện sự chín chắn của một người từng trải. Câu nói ấy đã có ngầm ý rằng: mục đích của việc thi cử không nhất thiết phải đỗ đạt để làm quan ngay. Sự đời cái gì dễ kiếm thì không được trân trọng dù nó rất quý giá. Dù là người có tài năng thực sự nhưng nếu đỗ đạt quá sớm sẽ sinh ra kiêu ngạo và tự mãn. Trong nhiều trường hợp, câu Thiếu niên đăng khoa nhất bất hạnh dã! Là đúng, bởi nhiều khi sựu đỗ đạt quá sớm, thành công quá dễ dàng khiến nhiều người sinh ra tự mãn, kiêu ngạo sinh ra chủ quan coi thường người khác.
3. Lời khuyên nhủ của người cha đối với người con mang tính triết lí sâu sắc. Triết lí đó có thể thu gọn trong câu “Thất bại là mẹ thành công”. Ông vừa răn dạy (việc con bị đánh hỏng và tược bằng cử nhân là một lỗi lớn, khó tha thứ) vừa khuyên nhủ, an ủi con. Người cha đã giup sngười con nhận ra lỗi lầm của mình nhưng không tuyệt vọng mà có thêm nghị lực, ý chí để tiếp tục vươn lên.
Lí lẽ và quan niệm về chuyện thi cử, về thành công và thất bại của người cha đều rất sâu sắc. Đó cũng chính là một bài học nhân sinh quý giá cho người đời sau.
4. Ở đời, điều quan trọng không phải là thành công hay thất bại. Điều quan trọng là ta phải biết vì sao mình thất bại, từ đó rút ra bài học cho bản thân. Thành công không kiêu ngạo tự mãn, thất bại không bi quan tuyệt vọng. Phải biết mình biết ta, biết sống cho đúng mức và phải biết đứng lên sau khi ngã.
5. Đoạn kết “Ông Phạm Văn Huy ở Thiên Lộc… sửa chữa” là một bài học nhân sinh sâu sắc. Bài học đó là: biết đứng lên sau khi ngã, nhận ra sai lầm của mình để sửa chữa là điều đáng quý nhất ở con người, nó còn quan trọng hơn cả thành công. Ông Đặng Văn Trọng đã dẫn ra các tấm gương về tinh thần vươn lên, về ý chí nghị lực để răn dạy và động viên con trai. Điều đó có ý nghĩa rất quan trọng đối với Đặng Huy Trứ trong hoàn cảnh đó.