Sự xuất hiện và sự suy tàn của truyện cổ tích

Sự xuất hiện của truyện cổ tích thường gắn chặt với những đặc điểm về sản xuất, về sinh hoạt, tư tưởng của một thời đại lịch sử, cho nên cũng như thần thoại, nó có thời kỳ phồn vinh và có thời kỳ suy tàn. Thế kỷ của máy móc, của điện tử là thế kỷ suy tàn của truyện cổ tích. Lúc mà tiểu thuyết, truyện ngắn, kịch bản, điện ảnh, v.v…


Truyền thuyết và truyện cổ tích có quan hệ không ít đến tín ngưỡng, phong tục của một dân tộc, ăn sâu vào những tập quán của tư duy, tín ngưỡng và phong tục vốn bao giờ cũng có sức kích thích ảo giác rất mạnh. Cho nên xung quanh phong tục, nhất là tín ngưỡng, thường vẫn có truyền thuyết hoặc cổ tích lưu hành. Nhiều mô-típ hoặc hình tượng trong truyền thuyết và cổ tích còn lại đến nay, mặc dù đã phai nhạt dấu vết nguyên thủy nhưng nếu suy nguyên cặn kẽ và thận trọng, cũng có thể tìm ra các lớp nghĩa tối cổ, phản ánh những phong tục, tín ngưỡng xa xưa mà con người hiện đại rất khó cảm thông (chẳng hạn tục hôn nhân đồng tính ở thời kỳ suy tàn trong truyện Sự tích đá Vọng-phu; tục chị em vợ lấy chung một chồng, anh em chồng lấy chung một vợ trong truyện Tấm Cám, truyện Lấy chồng dê, truyện Sự tích trầu, cau và vôi; tục thờ thần rắn và tín ngưỡng hiến tế thần linh trong truyện Thạch Sanh, truyện Tiêu diệt mãng xà, truyện Ao Phật; tín ngưỡng phồn thực trong truyện Hai anh em và con chó đá, Sự tích chim Bắt-cô-trói-cột (dị bản)…). Có thể nói tín ngưỡng là vú nuôi của truyền thuyết cổ tích, ngược lại truyền thuyết cổ tích là kẻ tuyên truyền đắc lực cho tín ngưỡng.

Đặc biệt ở Việt-nam, gần như mỗi một thắng cảnh, mỗi một đền thờ địa phương đều có gắn liền với một hoặc nhiều truyền thuyết, cổ tích. Những sáng tác dân gian đó, bên cạnh nội dung chủ yếu là những sự tích anh hùng hoặc sự nghiệp lớn lao kỳ vĩ của dân chúng địa phương, còn có giá trị là những “bài thơ” rất đẹp, những “tấm bia” nghệ thuật, trong đó ghi chép, ca ngợi, làm thi vị thêm cảnh trí thiên nhiên đất nước của từng vùng. Lẽ cố nhiên, các tác giả dân gian không giới hạn chủ đề tác phẩm ở tính địa phương chật hẹp. Trái lại, bao giờ họ cũng vươn đến những chủ đề có tầm bao quát rộng hơn. Và tính khái quát này không hề ảnh hưởng gì đến giá trị, sắc thái địa phương của câu chuyện. Chủ đề của các truyện Sự tích đầm Nhất dạ và bãi Tự nhiên, Sự tích đầm Mực, Sự tích bãi Ông Nam, Sự tích đền Cờn, v.v… hầu như là sự biểu dương phẩm chất cao quý của con người. Đó là tinh thần quên cái riêng vì cái chung, quên mình vì nghĩa vụ; đó cũng là tinh thần đấu tranh gian khổ với dục vọng, với bản tính tự nhiên.

Những ý nghĩa giáo dục có tính chất phổ biến như thế, đồng thời lại được biểu hiện trong những hình tượng có nét đặc thù rõ rệt, liên quan khăng khít với lịch sử dài lâu của một con sông, ngọn núi, bãi cát, cánh đồng…; mỗi câu chuyện gây nên lòng tự hào cũng như lòng yêu mến quê hương đất nước của người dân địa phương.

Cũng cần nhớ rằng truyền thuyết cổ tích là lịch sử truyền miệng của những dân tộc chưa có chữ viết; đấy cũng là lịch sử truyền miệng của đại đa số quần chúng không biết chữ. Khi con người có ý thức về sự tồn tại và sự trưởng thành của mình thì việc tìm hiểu quá khứ, bảo tồn ký ức về quá khứ là một nhu cầu tự nhiên và cần thiết. Nhưng cổ tích chép sử theo cách của nó. Nó biết chọn hình ảnh để cô đọng sự kiện; nó biết dùng thủ pháp cách điệu để nhấn mạnh cái mà nó lưu ý. Cây gươm thần trong Sự tích Hồ Gươm đến với Lê Lợi và trả lại cho rùa vàng là hiện thân của sức mạnh đoàn kết dân tộc chống ngoại xâm cũng như lòng yêu chuộng cuộc sống thanh bình. Con rắn trong truyện Rắn báo oán làm cho chúng ta thấm thía biết bao cái bạo tàn khủng khiếp của chế độ quân chủ chuyên chế đè nặng lên không phải một mà nhiều thế hệ. Cũng thế, những chòm lông xoăn của Ba Vành là một cách hình dung bằng nghệ thuật, cái nhược điểm chủ quan khinh địch của vị đầu lĩnh nông dân trong truyện Ba Vành.

READ:  Sự tích con cào cào

Ngoài các sự kiện lịch sử và nhân vật lịch sử ra, một số đặc điểm của hình thái sinh hoạt xã hội đã qua cũng được giữ gìn trong cổ tích. Qua truyện Chàng rể thong manh, ta hiểu được tình cảnh gian khổ của người con trai lấy vợ ngày xưa; truyện Sự tích đình làng Đa-hòa cho thấy vai trò của cái đình đối với đời sống làng xã, và việc có được một cái đình đĩnh đạc đối với những làng nghèo là một ước mơ, nhiều khi quá sức. Truyện Hoằng Tín hầu cho thấy chế độ cung đốn phục dịch trong một thái ấp là cực kỳ vất vả nhọc nhằn đối với người nông dân, v.v…

Cũng như ở thần thoại, trong truyện cổ tích con người vẫn tiếp tục cắt nghĩa những hiện tượng thiên nhiên và xã hội, những hiện tượng lạ lùng bí ẩn mà những hiểu biết về khoa học bấy giờ chưa thể cho phép giải thích rành mạch được. Nhưng khác với cách cắt nghĩa ở thần thoại, lúc này ngươi ta lý luận một cách hóm hỉnh hơn, gần với “tính người” hơn. Nghĩa là đằng sau lời cắt nghĩa có vẻ hoang đường, ngẫu nhiên, vẫn có ngụ một ý nghĩa sâu sắc về cuộc sống, hoặc có ẩn một mục đích giáo dục.

Dĩ nhiên, không phải những truyện cổ tích nói về thế sự, về sinh hoạt mãi sau này mới có. Nó xuất hiện cũng đã khá xưa, từ lúc con người biết lấy thực tiễn đời sống lao động của mình để trao đổi ý kiến với nhau, giãi bày tâm sự với nhau. Mà cuộc sống lao động của nhân dân thì muôn màu nghìn vẻ, rất phong phú, phức tạp. Chính từ trong bao nhiêu truyện đời phức tạp ấy, người ta rút ra những nét có ý nghĩa điển hình nhất (tức là những nét phổ biến, dễ nhớ, dễ hiểu), những cốt truyện ly kỳ nhất (tức là những truyện dễ gợi tính tò mò say mê của mọi người) để xây dựng nên tác phẩm.

Nhờ những cuộc giao lưu văn hóa, những cuộc gặp gỡ giữa các dân tộc, truyện cổ tích cũng như thần thoại, truyền thuyết được lưu truyền rất rộng. Bằng chứng là có nhiều truyện của những dân tộc sống rất cách xa nhau vẫn mang những nét giống nhau, hoặc phảng phất giống nhau. Truyện Tấm Cám không những quen thuộc với nhân dân Việt nam, mà còn là một cổ tích chung của đồng bào Cham-pa, đồng bào Tây-nguyên, Khơ-me (Khmer), Ấn-độ, Ai-cập, Pháp, Trung-hoa… và vô số dân tộc khác nữa. Nếu đem so sánh tất cả những truyện đó thì sẽ thấy, tuy có khác nhau về chi tiết, nhưng trên đại thể chúng đều giống nhau, chủ yếu là ở đề tài và chủ đề. Điều đó giúp ta phỏng đoán rằng ban đầu chúng đầu có chung một cái cốt duy nhất rồi về sau mỗi dân tộc phát triển, hoàn chỉnh câu chuyện theo cách riêng của mình, bằng cách cải tạo và thêm thắt một số tình tiết, hình ảnh phù hợp với đặc điểm dân tộc.

Mặt khác, ngay trong văn học giữa các dân tộc này và dân tộc kia đôi khi cũng có những gặp gỡ đặc biệt lý thú, những sự phù hợp tình cờ ở tư tưởng, nội dung và nghệ thuật. Sự tương đồng giữa một số truyện như Gốc tích cái nốt dưới cổ con trâu, Sự tích đá Vọng phu… của ta với những truyện cổ tích dân gian ở các dân tộc châu Á, châu Âu, châu Phi có thể không phải do chúng cùng chung một cốt truyện hoặc do các dân tộc gần gũi nhau nên ảnh hưởng lẫn nhau. Xét cho cùng, đây cũng là một hiện tượng có tính quy luật. Trong cuộc sống phải phấn đấu với thiên nhiên, phải chống chọi với những thế lực áp bức trong xã hội, nhân loại có những bước đường như nhau, những mục đích, khát vọng như nhau, cho nên trong sinh hoạt và trong tưởng tượng của từng dân tộc cũng tất yếu có những nét trùng nhau hoặc gần giống nhau.

READ:  Con tằm

Căn cứ vào đó mà người ta cho rằng trong truyện cổ tích, ngoài đặc tính riêng của từng dân tộc lại còn mang ít nhiều tính chất chung của cộng đồng nhân loại. Có người đã từng nghiên cứu truyện cổ để tìm hiểu bước đường phát triển chung giữa các dân tộc khác nhau. Do mang “tính nhân loại” mà nhiều truyện cổ tích có một giá trị phổ biến, được coi là vốn tinh thần chung cho cả loài người. Mọi dân tộc có thể tìm thấy trong đó một nguồn thông cảm chung. Luôn luôn nó là một cái gì trong trẻo, xinh tươi và lành mạnh.

Hiển nhiên, nói thế không có nghĩa là trong bất kỳ truyện cổ nào cũng đều chứa đựng những nhân tố tích cực, kết tinh sức sống của nhân dân, và phù hợp với xu thế tiến bộ của nhân loại. Không quên rằng giai đoạn thịnh hành của việc sáng tác truyền thuyết cổ tích là thời kỳ công xã thị tộc tan rã, thời kỳ chiếm hữu nô lệ và phong kiến tiếp nối thịnh hành. Trong điều kiện một nền sản xuất lạc hậu, kéo dài triền miên từ cổ đại cho đến hết trung cổ, xã hội loài người đã phải trải qua nhiều nỗi nhọc nhằn vất vả, chịu đựng bao nhiêu thành kiến ngu muội, quằn quại trong bao nhiêu tranh đoạt đầy máu và nước mắt, và bị đe dọa bởi bao nhiêu nỗi lo sợ hữu hình và vô hình. Có thể nói cả một không khí huyền bí tối tăm luôn luôn vây bọc và đè nặng lên đời sống tinh thần của con người. Tất cả những phương diện này đều để dấu vết lại trong các loại sản phẩm tinh thần mà con người còn lưu giữ lại được, trong đó có truyện cổ tích. Và nếu coi đó là hạn chế thì phần tư tưởng hạn chế rải rác trong kho truyện của ta không phải là hiếm.

Sự xuất hiện của truyện cổ tích thường gắn chặt với những đặc điểm về sản xuất, về sinh hoạt, tư tưởng của một thời đại lịch sử, cho nên cũng như thần thoại, nó có thời kỳ phồn vinh và có thời kỳ suy tàn. Thế kỷ của máy móc, của điện tử là thế kỷ suy tàn của truyện cổ tích. Lúc mà tiểu thuyết, truyện ngắn, kịch bản, điện ảnh, v.v… xuất hiện và trở nên món ăn tinh thần hợp “khẩu vị” của quần chúng thì cũng là lúc cổ tích bắt đầu lùi xuống địa vị thứ yếu, nếu chưa phải là bước xuống khỏi văn đàn. Huyễn tượng ngày càng được khoa học “giải mã” và tín ngưỡng tuy vẫn còn đầy sức hấp dẫn, cũng thường xuyên bị khoa học tranh chấp và “khoanh vùng” giới hạn. Việc sáng tác những câu chuyện hoang đường vì thế bị hạn chế dần, kết quả là nghệ thuật cổ tích cũng thu hẹp lại.

Tuy có một số ít tác giả bắt chước người xưa đặt nên những truyện tương tự cổ tích, nhưng dù cố gắng đến đâu, nội dung của chúng cũng không tài nào còn mang được cái không khí, cái phong vị của truyện cổ tích nữa. Đó là nghệ thuật của truyện ngắn giả cổ tích, hơn nữa đó lại không phải là những truyện truyền miệng.