Qua những bài văn hay lớp 5 tả cảnh chúng ta đều thấy quê hương Việt Nam vốn có nhiều cảnh đẹp, đi đâu cũng thấy. Đẹp từ ngôi nhà tới con ngõ nhỏ, đẹp từ cây đa bến nước sân đình….
Chúng ta đọc và cảm nhận bài văn tả cảnh cánh đồng nơi lành quê Việt Nam
Sáng nào em cũng đi trên con đường quen thuộc để đến trường. Hai bên đường có nhiều cảnh đẹp nhưng em thích nhất là được ngắm cánh đồng lúa quê em vào buổi sáng.
Cánh đồng quê em rộng mênh mông. Mãi tít phía xa mới nhìn thấy màu xanh rì của những luỹ tre làng viền quanh cánh đồng. Sáng sớm, trên cánh đồng, không gian thật thoáng đãng, mát mẻ. Mọi cảnh vật im lìm như còn chìm trong giấc ngủ. Thỉnh thoảng mới nghe thấy tiếng kêu thảng thốt của một chú vạc đi ăn đêm, lạc đàn gọi bạn. Tiếng kêu như xé rách khoảng không yên tĩnh. Một làn gió nhẹ thoảng qua , cả cánh đồng xào xạc một âm thanh dịu nhẹ. Hương lúa thoang thoảng lan theo trong gió.
Những tia nắng đầu tiên phớt nhẹ đây đó trên các thửa ruộng còn chìm trong màn sương bàng bạc làm cả biển lúa xao động tạo thành những làn sóng nhẹ xô đuổi nhau chạy mãi ra xa. Lác đác đã có bóng người đi thăm đồng, thỉnh thoảng họ lại cúi xuống xem xét. Thời kì này lúa đang vào mẩy. Từng khóm lúa trĩu xuống vì bông lúa vừa dài lại vừa to. Em bước xuống bờ ruộng, nâng trong tay bông lúa nặng hạt, em thầm nghĩ: năm nay chắc được mùa to.
Nắng đã lên cao, cánh đồng lúa bây giờ ánh lên màu xanh pha vàng tươi sáng. Xa xa, đàn cò trắng bay rập rờn càng làm tăng thêm vẻ đẹp của đồng quê.
Ngắm nhìn đồng lúa quê mình hứa hẹn một vụ mùa bội thu lòng em lâng lâng một niềm vui khó tả.
Hay cảm nhận cảnh đẹp quê hương Việt nam qua bài văn tả cảnh con sông
Quê hương em có rất nhiều cảnh đẹp. Đó là con sông hiền hoà, cánh đồng thẳng cánh cò bay… nhưng thân thuộc với em nhất có lẽ là con đường quen thuộc từ nhà đến trường.
Con đường tới trường là một con đường nhỏ được rải đá răm thẳng tắp. Hai bên đường là hai hàng cây xanh mát. Buổi sáng con đường rộn rã hẳn lên. Hình như tất cả lũ trẻ trong xóm em đều có mặt trên đường. Chúng chia thành những nhóm nhỏ tung tăng đến trường. Tiếng nói chuyện ríu rít xen lẫn tiếng cười vui vẻ làm con đường thêm rộn rã, tươi vui.
Buổi trưa đường lạnh lùng ít được hỏi han. Lúc ấy, con đường yên lặng như chìm trong giấc ngủ. Hai hàng cây đứng quạt cho con đường càng thêm yên giấc.
Trên cành, mấy chú chim sâu đang chuyền cành để bắt những gã sâu phá hoại cây, làm cho hàng cây thêm tốt tươi. Những tia nắng li ti rải xuống mặt đường trông như dát bạc. Những mái nhà nằm thấp thoáng dưới bóng cây thưa. Từ mái nhà nào vọng ra tiếng ru em trầm bổng. Tiếng võng đưa kẽo kẹt giữa buổi trưa hè làm cho con đường làng càng thêm vẻ yên tĩnh lạ lùng. Những đoạn đường bằng phẳng, mấp mô, gập ghềnh em đều thuộc như lòng bàn tay. Chẳng có ngày nào lũ trẻ chúng em không đặt bàn chân nhỏ bé của mình lên con đường thân thuộc ấy. Bởi vậy mà con đường trở thành một người bạn thân thiết với em.
Con đường tới trường đã khắc sâu vào trong tâm trí em. Mỗi buổi đến trường, con đường đã để lại trong em bao kỉ niệm đẹp đẽ của tuổi học trò. Mai ngày lớn lên em cũng không thể quên hình ảnh con đường thân yêu.
Hay vào một buổi chiều, chợt nhận thấy cảnh thật đẹp qua bài văn “Hoàng hôn trên đường phố” qua bài văn dưới:
Khi mặt trời vừa rút sau những đỉnh núi phía tây, hoàng hôn bắt đầu buông xuống. Nắng ngày hè chỉ còn nhạt nhòa. Thành phố Hạ Long đượm một màu vàng óng.
Lúc này đã quá giờ tan tầm, dòng người và xe cộ vẫn ngược xuôi nhưng đã thưa dần. Đường phố bớt ồn ào, nhộn nhịp. Con đường trở nên rộng lớn, thênh thang. Giữa đường, ngăn cách dòng xe xuôi ngược là một bờ tường rào khoảng năm mười phân. Phía trên là hàng rào lan can sắt màu xanh biếc chạy dọc theo con đường. Hai bên vỉa hè, hàng cây si già rễ, cành sum suê đang trầm tư ngắm chiều tà.
Những chiếc xe buýt vẫn từ tốn, chậm chạp đưa đón các cô chú công nhân than. Trên xe, qua cửa sổ, nhìn các cô chú công nhân, ai cũng như ai, mặt lấm bụi than nhưng vẫn tươi cười rạng rỡ. Vài chiếc xe máy vội vàng lách đi giữa dòng xe cộ. Các chị nữ sinh thướt tha trong tà áo dài trên những chiếc xe mi ni thong thả, đủng đỉnh như đi dạo. Bóng các bà các mẹ từ các ngõ chợ khệ nệ xách những làn đựng thức ăn vội vã về chuẩn bị bữa ăn cơm chiều. Một vài cậu học trò mải chơi la cà vẫn chụm đầu bên những hàng truyện, hàng đồ chơi. Từ mấy quán bia bên những cây phượng cổ thụ, gió lồng lộng tỏa đi khắp nơi mùi mực nướng thơm phức. Khách hàng, khách du lịch đi ngang qua không thể không dừng chân thưởng thức mực và bia Hạ Long đặc biệt – đặc sản của Quảng Ninh. Những quán giải khát, nước mía thơm mát, bổ dưỡng sau ngày lao động mệt mỏi cũng không kém phần.
Hai chiếc xe tưới nước khổng lồ chạy dọc hai bên đường quốc lộ xả nước để rửa đường và tưới cây bên vỉa hè. Con đường được giội rửa như khoác tấm áo mới bóng loáng. Trên vỉa hè, những cây si già không còn trầm tư với màu xanh mờ của bụi nữa mà trở nên xanh rì, tươi tắn và khỏe khoắn. Mọi người đi dạo phố dường như đông hẳn lên.
Nắng đã tắt hẳn. Màn đêm nhàn nhạt bao trùm khắp nơi. Lúc này, đường phố đã bắt đầu lên đèn. Thành phố chuyến mình sang những hoạt động mới của một buổi tối.
Một ngày lao động sôi nổi của thành phố Hạ Long quê hương em kết thúc như vậy đấy. Trật tự, văn minh là lối sống của con người quê em.
Có lẽ, trong cuộc đời chung ta có tả cũng không hết được cảnh đẹp non sông Việt Nam. Qua những bài văn hay lớp 5 tả cảnh trên chỉ là phần gợi ý. Các bạn có thể xem thêm nhiều nhiều hơn nữa những bài văn tả cảnh trong chuyên mục: nhưng bài văn hay dành cho học sinh lớp 5. Qua mỗi bài văn các bạn lại thấy một góc đẹp của quê hương, thấy yêu quê hương mình hơn.
Chú ý khi làm bài văn tả cảnh các bạn nên làm theo bố cục bài văn như sau:
Tả cảnh là gợi tả những bức tranh về thiên nhiên hay cảnh sinh hoạt gợi ra trước mắt người đọc về đặc điểm từng nét riêng của cảnh.
Các bạn cần:
– Xác định đối tượng miêu tả: Cảnh nào? Ở đâu? Vào thời điểm nào?
– Quan sát lựa chọn được những hình ảnh tiêu biểu.
– Trình bày những điều quan sát được theo một thứ tự.
Bố cục bài văn tả cảnh:
– Mở bài: Giới thiệu cảnh được tả.
– Thân bài: Tập trung tả cảnh vật chi tiết theo một thứ tự nhất định, có thể ở một số trường hợp sau:
+ Từ khái quát đến cụ thể (hoặc ngược lại).
+ Không gian từ trong tới ngoài (hoặc ngược lại).
+ Không gian từ trên xuống dưới (hoặc ngược lại).
– Kết bài: phát biểu cảm tưởng về cảnh vật đó.
Cảm ơn các em đã đọc bài viết “Những bài văn hay lớp 5 tả cảnh quê hương Việt Nam”. Chúc các em luôn có những bài văn tả cảnh hay nhất, và dành thật nhiều thành tích trong học tập.