Khái niệm, dấu hiệu cơ bản của vi phạm pháp luật, trách nhiệm pháp lý – PLĐC

1. Khái niệm và những dấu hiệu cơ bản của vi phạm pháp luật

Vi phạm pháp luật là hành vi (hành động hoặc không hành động) trái pháp luật và có lỗi, do chủ thể có năng lực trách nhiệm pháp lý thực hiện, xâm hại các quan hệ xã hội được pháp luật bảo vệ.

Vi phạm pháp luật là một loại sự kiện pháp lý và là cơ sở để truy cứu trách nhiệm pháp lý. Nó có những dấu hiệu cơ bản sau:

– Thứ nhất: Vi phạm pháp luật luôn là hành vi xác định của các chủ thể pháp luật. Bởi vì các quy định của pháp luật được Nhà nước đặt ra là để nhằm điều chỉnh hành vi của các chủ thể pháp luật. Hành vi đó có thể là xử sự của con người được thể hiện dưới dạng hành động hoặc không hành động.

– Thứ hai: Vi phạm pháp luật không những là hành vi xác định của con người mà hành vi đó phải trái với các quy định của pháp luật, xâm hại tới các quan hệ xã hội được pháp luật bảo vệ. Hành vi trái pháp luật là hành vi không phù hợp với quy định của pháp luật như không thực hiện những gì mà pháp luật yêu cầu hoặc sử dụng quyền hạn vượt quá giới hạn mà pháp luật cho phép.

– Thứ ba: Vi phạm pháp luật là hành vi trái pháp luật nhưng hành vi trái pháp luật đó phải chứa đựng lỗi của chủ thể của hành vi. Để xác định hành vi vi phạm pháp luật phải xem xét cả mặt chủ quan của hành vi, tức là xác định lỗi của học, biểu hiện trạng thái tâm lý của người thực hiện hành vi đó. Trạng thái tâm lý có thể là cố ý hay vô ý. Lỗi là yếu tố không thể thiếu được để xác định hành vi vi phạm pháp luật và lỗi cũng là cơ sở để xác định trách nhiệm pháp lý đối với chủ thể của hành vi vi phạm pháp luật.

– Thứ tư: Hành vi trái pháp luật đó do chủ thể có năng lcự hành vi thực hiện. Người có năng lực hành vi là người có khả năng nhận thức, điều khiển được hành vi, việc làm của mình và chịu trách nhiệm về hành vi của mình đã thực hiện.

READ:  Vi phạm pháp luật là gì? Phân tích cấu thành của vi phạm pháp luật

2. Trách nhiệm pháp lý

Trong đời sống xã hội ở những lĩnh vực khác nhau, thuật ngữ “trách nhiệm” được dùng theo nhiều nghĩa khác nhau. Trong lĩnh vực hoạt động xã hội, chính trị, đạo đức, thuật ngữ “trách nhiệm” được hiểu theo nghĩa tích cực – là bổn phận, vai trò. Theo nghĩa này thuật ngữ trên thường được sử dụng trong quan hệ gia đình, bạn bè, quan hệ với tập thể, nhân dân tổ quốc nói chung hoặc rộng ra là cộng đồng nhân loại. Trong lĩnh vực pháp lý “trách nhiệm” được sử dụng theo hai nghĩa: nghĩa vụ và trừng phạt:

– Theo nghĩa nghĩa vụ là muốn nói đến những điều mà pháp luật yêu cầu phải làm trong hiện tại và tương lai.

– Theo nghĩa trừng phạt được hiểu là hậu quả bất lợi (sự phản ứng mang tính chất trừng phạt của Nhà nước) mà cá nhân hoặc tổ chức phải gánh chịu khi không thực hiện hay thực hiện không đúng quyền và nghĩa vụ được giao. Theo nghĩa này thì trách nhiệm chỉ áp dụng đối với những hành vi đã được thực hiện mà vi phạm vào những quy định của Nhà nước.

Theo nghĩa trừng phạt, trách nhiệm có một số đặc điểm sau:

– Cơ sở thực tế của trách nhiệm pháp lý là vi phạm pháp luật, điều đó có nghĩa là trách nhiệm pháp lý chỉ áp dụng đối với các chủ thể có lý trí và tự do ý chí, là các chủ thể nhận thức được hành động của mình và đủ điều kiện lựa chọn cho mình cách xử sự phù hợp với những các xử sự mà pháp luật quy định nhưng vẫn làm trái điều đó.

– Trách nhiệm pháp lý chứa đựng yếu tố sự lên án của Nhà nước đối với chủ thể vi phạm pháp luật. Thông qua việc thực hiện các chế tài trong quy phạm pháp luật.

– Trách nhiệm pháp lý trên liên quan trực tiếp với cưỡng chế Nhà nước. Bởi vì khi có vi phạm pháp luật xảy ra thì lúc đó giữa chủ thể vi phạm pháp luật và cơ quan Nhà nước có thẩm quyền sẽ xuất hiện một loạt các quan hệ, trong đó có việc cơ quan Nhà nước xác định biện pháp cưỡng chế và áp dụng biện pháp đó đối với chủ thể vi phạm pháp luật.

READ:  Khái niệm và dấu hiệu tội phạm - PLĐC

– Cơ sở pháp lý của việc truy cứu trách nhiệm pháp lý là quyết định có hiệu lực pháp luật của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền. Nghĩa là Nhà nước (thông qua cơ quan, Nhà nước có thẩm quyền) mới có thẩm quyền xác định một cách chính thức hành vi nào là hành vi vi phạm pháp luật và dụng biện pháp trách nhiệm pháp lý đối với chủ thể gây ra vi phạm đó.

Như vậy trách nhiệm pháp lý là một loại quan hệ pháp luật đặc biệt giữa Nhà nước (thông qua cơ quan có thẩm quyền) có quyền áp dụng các biện pháp cưỡng chế có tính chất trừng phạt đối với chủ thể vi phạm và chủ thể đó có nghĩa vụ gánh chịu hậu quả bất lợi do hành vi vi phạm của mình gây ra.

Tương ứng với các loại vi phạm pháp luật thì có các loại trách nhiệm pháp lý sau:

– Trách nhiệm pháp lý hình sự: Là laọi trách nhiệm pháp lý nghiêm khắc do toà án nhân danh Nhà nước áp dụng đối với những người có hành vi phạm tội.

– Trách nhiệm pháp lý dân sự: Là laọi trách nhiệm pháp lý do toà án áp dụng đối với mọi chủ thể khi họ vi phạm pháp luật dân sự.

– Trách nhiệm pháp lý hành chính: Là loại trách nhiệm pháp lý do cơ quan quản lý Nhà nước áp dụng đối với mọi chủ thể khi họ vi phạm hành chính.

– Trách nhiệm kỷ luật: Là loại trách nhiệm pháp lý do thủ trưởng cơ quan áp dụng đối với cán bộ, công nhân viên… của cơ quan, xí nghiệp mình khi họ vi phạm vàp nội quy, quy chế của cơ quan và pháp luật của Nhà nước.