Hoàn cảnh lịch sử và nội dung cơ bản của Chỉ thị “Kháng chiến kiến quốc” tháng 11-1945 của Ban thường vụ Trung ương Đảng?

1. Hoàn cảnh lịch sử

– Sau thắng lợi vĩ đại của Liên Xô trong Chiến tranh thế giới thứ hai, chủ nghĩa xã hội đã trở thành một hệ thống thế giới, phong trào giải phóng dân tộc phát triển mạnh mẽ ở châu Á, châu Phi, châu Mỹ Latinh. Phong trào đấu tranh của giai cấp công nhân trong các nước tư bản chủ nghĩa phát triển cao.
– Thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám đã đem lại cho cách mạng Việt Nam thế và lực mới. Đảng ta từ một đảng hoạt động bất hợp pháp trở thành đảng cầm quyền, nhân dân ta được giải phóng khỏi cuộc đời nô lệ, trở thành người làm chủ đất nước.
Cách mạng nước ta thời kỳ này đứng trước những khó khăn, thử thách nghiêm trọng:
+ Nước ta còn nằm trong vòng vây của chủ nghĩa đế quốc và các chính quyền phản động trong khu vực. Nước ta còn chưa nhận được sự giúp đỡ trực tiếp của các nước xã hội chủ nghĩa và lực lượng tiến bộ trên thế giới.
+ Nền kinh tế vốn nghèo nàn, lạc hậu lại bị chiến tranh tàn phá nặng nề. Nạn đói năm 1945 làm 2 triệu người chết, tiếp đó là nạn lũ lụt, hạn hán kéo dài làm 50% ruộng đất bị bỏ hoang. Sản xuất nông nghiệp đình đốn. Tài chính khô kiệt, kho bạc trống rống, ngân hàng Đông Dương còn nằm trong tay tư bản Pháp.
Trình độ văn hoá của nhân dân ta thấp kém, 90% số dân mù chữ. + Ở miền Bắc: 20 vạn quân Tưởng ồ ạt tràn qua biên giới, theo gót chúng là bọn Việt Quốc, Việt Cách, chúng lập chính quyền phản động ở một số nơi, cướp của giết người và chống phá chính quyền cách mạng. Ở miền Nam: quân Anh với danh nghĩa Đồng Minh kéo vào nước ta tiếp tay cho thực dân Pháp trở lại xâm lược nước ta lần thứ hai. “Tổ quốc lâm nguy! Vận mệnh dân tộc như ngàn cân treo sợi tóc!”.

READ:  Hãy phân tích quy luật ra đời của Đảng cộng sản Việt Nam theo quan điểm của Hồ Chí Minh.

2. Nội dung cơ bản của Chỉ thị “Kháng chiến kiến quốc”

Ngày 25-11-1945, Ban thường vụ Trung ương Đảng ra bản Chỉ thị “Kháng chiến kiến quốc” vạch rõ nhiệm vụ chiến lược và nhiệm vụ cần kíp của cách mạng nước ta. Chỉ thị xác định:
– “Cách mạng Đông Dương lúc này vẫn là cuộc cách mạng dân tộc giải phóng. Khẩu hiệu đấu tranh vẫn là “Dân tộc trên hết, Tổ quốc trên hết”.
– Kẻ thù chính của cách mạng lúc này là thực dân Pháp xâm lược.
– Nhiệm vụ cơ bản, trước mắt của toàn dân tộc ta là: củng cố chính quyền cách mạng, chống thực dân Pháp xâm lược, bài trừ nội phản, cải thiện đời sống của nhân dân. Nhiệm vụ bao trùm là bảo vệ, củng cố chính quyền cách mạng.
– Chỉ thị vạch ra những biện pháp cụ thể để thực hiện các nhiệm vụ trên.
+ Về nội chính: xúc tiến bầu cử Quốc hội, thành lập Chính phủ chính thức, lập hiến pháp, xử lý bọn phản động đối lập, củng cố chính quyền nhân dân.
+ Về quân sự: động viên lực lượng toàn dân trường kỳ kháng chiến.
+ Về ngoại giao: kiên trì nguyên tắc “bình đẳng, tương trợ”, thêm bạn bớt thù. Đối với quân đội Tưởng, thực hiện khẩu hiệu “Hoa – Việt thân thiện”.
Chỉ thị “Kháng chiến kiến quốc” của Ban thường vụ Trung ương Đảng đã giải quyết kịp thời những vấn đề quan trọng về chuyển hướng chỉ đạo chiến lược và sách lược cách mạng trong thời kỳ mới giành được chính quyền, đưa đất nước vượt qua tình thế “ngàn cân treo sợi tóc”.