Nón bảo hiểm hay nón bảo hiểm thường được dùng để bảo vệ phần đầu, mặt và đôi khi cả phần cổ, mũ bảo hiểm đã ra đời từ rất lâu. Lịch sử ghi nhận mũ bảo hiểm xuất hiện cùng thời với chiến tranh. Trong khi giao chiến, phần cơ thể quan trọng nhất là đầu. Trước những loại vũ khí như dao, kiếm, mác… quân đội của người Assyrat, Ba Tư, đã biết dùng chiếc mũ bảo vệ binh lính một cách hữu hiệu.
Ban đầu, mũ được làm bằng da rồi dần dần được rèn bằng sắt. Mũ bảo vệ được coi là một loại binh khí không thể thiếu của mỗi người lính trước khi ra trận.
Đến thời người Hy Lạp tham chiến, họ đã sáng chế ra chiếc mũ bảo hiểm bằng đồng, chóp nhọn rất đặc trưng. Mũ được gia cố chắc chắn thêm như có phần che chắn cho mặt (chỉ để hở một khoảng nhỏ để nhìn và thở), chiều dài mũ cũng được tăng thêm – mũ trùm kín cả đầu.
Người La Mã lại phát triển hình dạng của mũ bảo hiểm thêm một bậc nữa đó là chế tạo mũ cho binh lính riêng và mũ cho các võ sĩ giác đấu riêng. Phần vành mũ được nới rộng hơn và có phần lưỡi trai phía trước để cải thiện tầm nhìn, tránh trường hợp quân sĩ bị lóa mắt. Mỗi một lần thay đổi, chiếc mũ bảo hiểm lại tích hợp thêm những ưu điểm khiến người đội càng ngày càng an toàn hơn.
Khi chiếc mũ bảo hiểm “chu du” đến vùng bắc và tây của châu Âu, lúc đầu mũ làm từ da. Nhưng dần dần, chiếc mũ da cũng được gia cố thêm những vành đai xung quanh bằng sắt hoặc bằng đồng nhưng vẫn giữ nguyên dạng hình nón hoặc hình bán cầu.
Số lượng mũ bảo vệ cũng tăng nhanh chóng và mũ đã được làm hoàn toàn bằng sắt. Vào những năm 1200, người ta lại sáng chế ra một kiểu mũ hình trụ, chóp phẳng. Tuy nhiên, khi đưa vào sử dụng trong thực tế, binh lính tham chiến nhận ra rằng loại mũ này hoàn toàn kém cơ động.
Sự cồng kềnh của nó dễ trở thành mục tiêu của đạn pháo từ kẻ thù. Kiểu dáng mũ này về sau được phổ biến rộng rãi trong đời sống nhưng được làm bằng chất liệu bình thường như vải hồ cứng hoặc da.
Thời trung cổ, mũ bảo hiểm chứng kiến một sự cách tân đầy ý nghĩa: vật liệu làm mũ là thép nhẹ và có thêm phần mạng đằng trước để che chắn cho phần cổ đồng thời phần lưỡi trai không còn gắn cố định vào mũ.
Binh sĩ có thể hất lên hay kéo phần lưỡi trai xuống phủ gương mặt khi bắt đầu vào cuộc giao đấu. Chiếc mũ được thiết kế tinh vi hơn, quan trọng là không còn quá nặng và vừa ôm gọn lấy đầu, tránh được hiện tượng mũ bị văng ra trong khi giáp mặt với quân địch.
Vào thế kỷ XVI-XVII, chiếc mũ được làm với cùng chất liệu nhưng vành rộng hơn. Thế kỷ XVIII-XIX, tiến bộ trong công nghiệp vũ khí đánh dấu sự thoái trào của kiếm và giáo mác và các loại súng trường, súng lục lên ngôi. Mũ bảo hiểm không còn được trọng dụng như trước. Giới trung thành với mũ bảo hiểm lúc bấy giờ chỉ còn lại những đội kị binh.
Tuy vậy, Chiến tranh thế giới lần thứ nhất nổ ra, mũ làm từ thép được coi là một thiết bị bảo vệ chuẩn mực cho lính bộ binh. Có mũ bảo hiểm, quân lính được bảo vệ an toàn khỏi những mảnh kim loại văng ra với tốc độ cao mỗi khi pháo nổ.
Người Pháp đã chính thức coi mũ bảo hiểm là một trang bị tiêu chuẩn của mỗi người lính vào năm 1914. Lần lượt, người Anh, người Đức và các nước châu Âu còn lại cũng theo gương. Chiếc mũ bảo hiểm đúng quy cách phải được làm từ loại thép đặc biệt, lớp lót có thể tháo rời ra được và trọng lượng cho phép là từ 0,5-1,8kg.
Mũ bảo hiểm làm từ sắt hay thép được làm ở Persia, Thổ Nhĩ Kỳ và Ấn Độ thời Trung cổ còn lưu giữ được cho tới ngày nay đã trở thành những cổ vật quí giá. Mũ ở vùng Tây Tạng và Trung Quốc, mũ làm từ đồng, da hay sừng cũng có tuổi trải qua nhiều thế kỷ.
Ngày nay, chiếc mũ bảo hiểm dần dần thâm nhập sâu vào đời sống chứ không đơn thuần là trang bị của quân đội. Mũ bảo hiểm được phổ biến rộng rãi trong nhiều lĩnh vực như hàng không vũ trụ, quân đội, thể thao… Công nhân, kỹ sư vào phân xưởng lúc nào cũng đội mũ bảo vệ.
Ngoài quân đội, những môn thể thao đối kháng như đấu kiếm, võ thuật, bóng bầu dục… rất cần mũ bảo hiểm để giữ an toàn cho vận động viên. Ngay cả những người bình thường đi xe đạp trên phố cũng được khuyến cáo là nên đội mũ bảo hiểm để giữ an toàn cho bộ phận đầu não của cơ thể.
Tại Việt Nam, mũ bảo hiểm đạt tiêu chuẩn sử dụng cho người đi xe gắn máy thường làm bằng nhựa ABS siêu bền có thể chịu được lực cường độ cao, đảm bảo độ cứng và đàn hồi. Trọng lượng của mũ bảo hiểm cho phép dao động trong khoảng 1,0-1,5 kg. Phần nhựa trong che trước mặt có thể gập lên trên đỉnh mũ hoặc tháo rời.
Thông thường các nhà sản xuất chào hàng 3 loại mũ: che nửa đầu (mũ vỏ cứng chủ yếu bảo vệ phần phía trên), che cả đầu và tai (mũ có vỏ cứng bảo vệ phần phía trên của đầu, vùng chẩm và quai hàm) và loại che cả hàm (mũ vỏ cứng bảo vệ phần phía trên của đầu, vùng chẩm và cằm).
Tóm lại, bằng một động tác rất đơn giản nhưng đội mũ bảo hiểm là cách bảo vệ bản thân một cách hữu hiệu nhất