Phân tích nghệ thuật miêu tả tâm lý nhân vật tài tình trong Truyện Kiều của Nguyễn Du

Truyện Kiều của đại thi hào Nguyễn Du là kiệt tác có một không hai trong lịch sử văn chương Việt Nam.  Tài năng xuất sắc của tác giả tạo nên giá trị muôn đời cho Truyện Kiều – kết tinh của tinh hoa Tiếng Việt giàu và đẹp.  Nguyễn Du xứng đáng là bậc thầy về sử dụng ngôn ngữ,  về tả cảnh,  tả người,  đặc biệt là miêu tả tâm lí nhẫn vật đã đạt tới trình độ điêu luyện và tinh tế.

Trong đoạn trích Trao duyên,  nhà thơ tập trung thể hiện diễn biến tâm trạng phức tạp của Thúy Kiều.  Sau cơn vạ gió tai bay bất kì,  tổ ấm của gia đình nàng tan tác.  Cha và em trai bị đánh đập,  giam cầm; của cải bị lũ đầu trâu mặt ngựa vơ vét sạch sành sanh.  Để đáp ứng yêu cầu của lũ tham quan ô lại,  Thúy Kiều chỉ còn một cách là bán mình để lấy ba trăm lạng vàng chuộc cha.

Suốt đêm : Một mình nàng ngọn đèn khuya,  Áo đầm giọt lệ,  tóc se mái sầu,  Kiều sống với tâm trạng đầy sóng gió và mặc cảm.  Trước sự thực phũ phàng là ngày mai nàng sẽ thuộc về tay Mã Giám Sinh,  Thúy Kiều cảm thấy như chính mình là người có lỗi trong chuyện tình duyên dang dở,  là thủ phạm gây ra nỗi bất hạnh cho Kim Trọng.  Nàng thương mình một,  thương người yêu mười nên cắn răng chấp nhận số phận đen bạc,  cố quên bản thân để nghĩ đến Kim Trọng:

Phận dầu,  dầu vậy cũng dầu,
Xót lòng đeo đẳng bấy lâu một lời!
Công trình kể biết mấy mươi,
Vì ta khăng khít cho người dở dang.
Thề hoa chưa ráo chén vàng,
Lỗi thề thôi đã phụ phàng với hoa!
Trời Liêu non nước bao xa,
Nghĩ đâu rẽ cửa chia nhà tự tôi!
Biết bao duyên nợ thề bồi,
Kiếp này thôi thế thì thôi,  còn gì?

Thúy Kiều mang nặng mặc cảm là người có lỗi.  Nàng tự hờn trách,  dằn vặt vì mình khăng khít khiến người dở dang.  Đúng ra là Thúy Kiều,  Kim Trọng cùng chủ động đến với nhau,  tự nguyện yêu và gắn bó với nhau và cả hai phải được sống hạnh phúc.  Kiều có mặc cảm đó là vì nàng luôn nghĩ đến người khác,  ngay cả trong lúc đau thương nhất.

Đối diện với với gia cảnh tan tác và tâm trạng rối bời,  nàng chỉ biết âm thầm khóc than cho duyên phận,  cho số kiếp không may.  Đắn đo,  suy tính trước sau,  nàng thấy chỉ có một cách có thể cứu vãn được phần nào mối lương duyên của mình.  Đó là nhờ em gái nối duyên với chàng Kim.  Nghĩ là làm,  Thúy Kiều đã trao duyên cho Thúy Vân khi cô em gái vừa chợt tỉnh giấc xuân.

Dường như Nguyễn Du đã hóa thân vào Thúy Kiều để thấu hiểu,  thông cảm và xót thương cho nàng,  thay nàng nói lên những lời làm rung động tâm can người nghe:

Rằng: Lòng đương thổn thức đầy,
Tơ duyên còn vướng mối này chưa xong.
Hở môi ra cũng thẹn thùng,
Để lòng thì phụ tấm lòng với ai.

Kiều thẹn thùng khó nói vì còn vướng mối tơ duyên với chàng Kim – mối tình đầu trong sáng,  nồng nàn mà chỉ mới hai người biết với nhau.  Ngỏ chuyện riêng tư với người khác,  dù là em gái đi nữa thì cũng không phải dễ dàng.  Hơn nữa,  mối tình này đã gắn bó đến mức keo sơn,  thề nguyền vàng đá dưới Vầng trăng vằng vặc giữa trời.  Vì thế mà nó thiêng liêng,  sâu nặng,  khó có thể đổi thay.

Kiều rơi vào tình thế khó xử,  không nói ra không được,  mà nói ra thì e ngại.  Nàng băn khoăn,  ngập ngừng mãi rồi mới thốt được một câu khiến người ngoài cuộc nghe cũng phải mủi lòng:

Cậy em,  em có chịu lời,
Ngồi lên cho chị lạy rồi sẽ thưa.

Tội nghiệp thay cho Kiều! Nguyễn Du hiểu tường tận tâm thế,  vị thế của nàng lúc này nên mới dùng những từ hàm chứa nỗi đau đớn,  chua xót như Cậy (tin cậy mà nhờ vả),  chịu lời,  lạy,  thưa.  Kiều nói với em gái (bề dưới) mà như nói với bề trên,  hơn thế – như một vị ân nhân.  Nàng dẫn dắt Thúy Vân đi từ bất ngờ này đến bất ngờ khác.  Sau phút ban đầu khó nói,  giờ đây,  nàng bộc bạch hết sức chân thành với Thúy Vân về mối tình dang dở của mình:

READ:  Phân tích tâm trạng nhân vật Thúy Kiều trong đoạn Trao duyên

Kể từ khi gặp chàng Kim,
Khi ngày quạt ước,  khi đêm chén thề.
Sự đâu sóng gió bất kì,
Hiếu tình khôn dễ hai bề vẹn hai.
Nợ tình chưa trả cho ai
Khối tình mang xuống tuyền đài chưa tan.

Nguyễn Du đã đặc tả tâm trạng đau khổ của Thúy Kiểu khi nghĩ tới người yêu giờ đây đang thăm thẳm tận đất Liêu Dương,  chưa hề biết đến sự tan vỡ bất ngờ của tình yêu đôi lứa.  Kiều có ý coi đây là món nợ tình,  kiếp này chưa trả được thì đành mang khối tình theo xuống tuyền đài chưa tan.  Thúy Kiều tội nghiệp biết chừng nào và cũng cao cả biết chừng nào!

Trong quá trình diễn biến tâm lí của Thúy Kiều có rất nhiều mâu thuẫn.  Nàng chủ động nhờ cậy em gái: Xót tình máu mủ thay lời nước non,  thay mình đền đáp nghĩa tình với Kim Trọng.  Tin em nên nàng trao lại cả những kỉ vật quý giá:

Chiếc thoa với bức tờ mây,
Duyên này thì giữ vật này của chung.

Thế nhưng chỉ sau giây phút tưởng tượng ra cái chết thê thảm thịt nát xương mòn của mình,  mình chỉ còn là mảnh hồn oan vật vờ nơi ngọn cỏ,  lá cây mỗi lúc hiu hiu gió thì Kiều lại tiếc nuối và đớn đau gấp bội.  Đúng là có mâu thuẫn nhưng đó là mâu thuẫn tất yếu của tấm lòng vị tha đáng quý của Kiều.  Nàng lo cho người yêu trước rồi mới nghĩ đến mình và nàng thực sự hoang mang,  sợ hãi trước tương lai mù mịt.  Nỗi đau tinh thần đã quá mức chịu đựng của thể xác người con gái liễu yếu đào tơ:

Cạn lời hồn ngất máu say,
Một hơi lặng ngắt,  đôi tay giá đồng.

Nguyễn Du với ngòi bút kì tài đã miêu tả thành công một cơn khủng hoảng,  một trận sóng gió tơi bời trong lòng người con gái tài hoa bạc mệnh.  Nàng đau đớn đâu phải vì mình,  cho mình mà vì người yêu,  cho người yêu.  Đức vị tha,  nhân ái cao cả ấy của Thúy Kiều khiến cho người đời càng cảm phục và yêu mến nàng hơn.

Đoạn trích Nỗi thương mình kể về chuyện sau khi Mã Giám Sinh đưa Kiều đến lầu xanh của Tú Bà,  nàng đã quyết liệt chống lại âm mưu tàn ác của chúng là biến nàng thành kĩ nữ.  Nàng định quyên sinh để thoát khỏi thân phận nhuốc nhơ,  nhưng vì ngây thơ và cả tin,  nàng đã bị tên ma cô Sở Khanh lừa dối,  rơi vào cạm bẫy của Tú Bà và buộc phải ra tiếp khách.  Tình cảnh trớ trêu khiến nàng chìm đắm triền miên trong nỗi tủi hổ và cay đắng :

Biết bao bướm lả ong lơi,
Cuộc say đầy tháng trận cười suốt đêm.
Dập dìu lá gió cành chim,
Sớm đưa Tống Ngọc tối tìm Trường Khanh.

Chỉ qua bốn câu thơ,  Nguyễn Du đã miêu tả thật sống động bức tranh sinh hoạt đặc trưng ở chốn lầu xanh.  Những ẩn dụ như bướm lả ong lơi,  lá gió cành chim,  hình ảnh Cuộc say đầy tháng trận cười suốt đêm và cả điển tích văn chương về Tống Ngọc,  Trường Khanh (hai khách phong lưu nổi tiếng) đã phản ánh thú vui trụy lạc chốn lầu xanh.  Giữa cái không khí ồn ào,  náo nhiệt,  lả lơi,  dập dìu,  sớm đưa,  tối tìm ấy,  nổi bật lên một nàng Kiều cô đơn,  buồn bã:

Khi tỉnh rượu,  lúc tàn canh,
Giật mình,  mình lại thương mình xót xa.

READ:  Suy nghĩ về nhân vật Lục Vân Tiên Trong đoạn trích “Lục Vân Tiên cứu Kiều Nguyệt Nga” của Nguyễn Đình Chiểu

Hai câu thơ tả tâm lí này cũng có thể coi là tuyệt bút.  Nhịp điệu,  âm hưởng và phép điệp từ kết hợp hài hoà,  tự nhiên đã diễn tả thật chính xác tâm trạng trĩu nặng sầu thương của Thúy Kiều.  Đêm khuya thanh vắng,  nỗi sầu thương ấy như hiện rõ thành hình,  thành khối là Thúy Kiều bằng xương bằng thịt.  Đọc hai câu thơ trên,  ai cũng phải ngậm ngùi rơi lệ.

Nỗi thương mình là cảm xúc chủ đạo trong đoạn trích này.  Thúy Kiều buộc phải xa cha mẹ,  xa tổ ấm để bước lên cỗ xe định mệnh: Vó câu khấp khểnh,  bánh xe gập ghềnh,  lao đi trên con đường mịt mù,  vô định.  Nàng chấp nhận: Thôi đành nhắm mắt đưa chân,  Để xem con Tạo xoay vần đến đâu nhưng không thể ngờ rằng mình lại rơi và chốn hang hùm đầy những kẻ bán thịt buôn người trâng tráo và đê tiện.  Nàng đang phải sống trong cảnh Chân trời góc biển bơ vơ,  không nơi nương tựa,  không người an ủi,  vỗ về,  chia sẻ cho vơi bớt nỗi đau.  Mình lại thương mình xót xa là vậy!

Nguyễn Du không chỉ dừng lại ở mức “đọc” được tâm trạng Thúy Kiều mà sâu hơn thế,  thi sĩ thực sự thông cảm và rung động trước nỗi khổ tâm của nàng,  đồng thời truyền sự rung động mãnh liệt ấy đến trái tim,  khối óc người đọc,  tạo nên mối dây đồng tình,  đồng điệu.

Thúy Kiều cay đắng nghĩ tới sự tương phản giữa quá khứ tươi đẹp,  hạnh phúc và hiện thực đen tối,  phũ phàng:

Khi sao phong gấm rủ là,
Giờ sao tan tác như hoa giữa đường.
Mặt sao dày gió dạn sương,
Thân sao bướm chán ong chường bấy thân!

Đằng sau những ngôn từ,  hình ảnh ước lệ hoa mĩ ấy là cơn uất hận không nguôi,  là những câu hỏi day dứt,  dằn vặt muốn thấu tới trời xanh.  Bất công thay,  trớ trêu thay là Trời già tai ác! Thực ra,  Tạo hóa chẳng nỡ đày đọa Thúy Kiều – người con gái tài sắc vẹn toàn,  mà chính là cái thế lực vạn ác trong xã hội đã dìm nàng xuống bùn đen nhơ nhớp.

Đau khổ đã biến Kiều thành vô tri vô giác trước những kẻ ăn chơi trụy lạc xung quanh nàng:

Mặc người mưa Sở mây Tần,
Những mình nào biết có xuân là gì.
Đòi phen gió tựa hoa kề,
Nửa rèm tuyết ngậm bốn bề trăng thâu.
Cảnh nào cảnh chẳng đeo sầu,
Người buồn cảnh có vui đâu bao giờ ?
Đòi phen nét vẽ câu thơ,
Cung cầm trong nguyệt nước cờ dưới hoa.
Vui là vui gượng kẻo là,
Ai tri âm đó mặn mà với ai?

Hai câu thơ cuối đúc kết tâm trạng cô đơn,  đau khổ của Thúy Kiều.  Nàng chỉ thực sự sống với nỗi đau thấm thía của mình.  Viết được những câu thơ như thế,  chứng tỏ ngòi bút miêu tả tâm lí nhân vật của đại thi hào Nguyễn Du xứng đáng là bậc thầy trong lịch sử văn chương nước ta.

Trong đời mình,  Nguyễn Du đã từng gặp,  từng biết nhiều loại người.  Có người tốt đáng thương,  đáng mến,  song cũng có những kẻ xấu xa,  đáng ghét.  Ông thấu hiểu tính cách và tâm lí của họ đến mức khi cầm bút vẽ lên hạng người nào là đúng chân dung,  tính cách và tâm lí của hạng người ấy.  Nghệ thuật xây dựng hình tượng nhân vật,  nhất là miêu tả tâm lí nhân vật của Nguyễn Du trong Truyện Kiều đã tạo nên cho tác phẩm giá trị muôn đời.