Nhà nước xã hội chủ nghĩa là tổ chức mà thông qua đó, Đảng Cộng sản thực hiện vai trò lãnh đạo của mình đối với xã hội; là tổ chức chính trị thuộc kiến trúc thượng tầng được xây dựng lên từ cơ sở vật chất, kinh tế xã hội chủ nghĩa; là nhà nước kiểu mới thay thế nhà nước tư sản; là hình thức chuyên chính vô sản trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội.
1) Đặc trưng của nhà nước xã hội chủ nghĩa.
Theo quan điểm của chủ nghĩa Mác-Lênin, bất kỳ nhà nước nào cũng có các đặc trưng cơ bản là quản lý dân cư trên một vùng lãnh thổ nhất định; có hệ thống các cơ quan quyền lực chuyên nghiệp mang tính cưỡng chế đối với mọi thành viên trong xã hội; có hệ thống thuế để nuôi bộ máy nhà nước. Tuy nhiên, do bản chất của Nhà nước xã hội chủ nghĩa vừa mang bản chất của giai cấp công nhân, vừa có tính nhân dân rộng rãi và tính dân tộc sâu sắc, nên Nhà nước xã hội chủ nghĩa còn có những đặc trưng riêng của nó
a) Nhà nước xã hội chủ nghĩa không phải là công cụ để đàn áp một giai cấp nào đó, mà là công cụ thực hiện lợi ích cho những người lao động; nhưng vai trò lãnh đạo của giai cấp công nhân thông qua chính đảng của nó đối với nhà nước vẫn được duy trì.
b) Nhà nước xã hội chủ nghĩa có đặc trưng về nguyên tắc khác hẳn với Nhà nước tư sản. Cũng là công cụ của chuyên chính giai cấp, nhưng vì lợi ích của những người lao động, tức tuyệt đại đa số nhân dân; và chuyên chính, trấn áp đối với thiểu số những kẻ bóc lột, đi ngược lại với lợi ích của giai cấp công nhân và nhân dân lao động.
c) Trong khi nhấn mạnh sự cần thiết của bạo lực trấn áp, các nhà kinh điển của chủ nghĩa Mác-Lênin vẫn coi mặt tổ chức xây dựng là đặc trưng cơ bản của Nhà nước xã hội chủ nghĩa.
d) Nhà nước xã hội chủ nghĩa nằm trong nền dân chủ xã hội chủ nghĩa; là phương thức thể hiện và thực hiện dân chủ. Theo V.I.Lênin, con đường vận động và phát triển của nó là ngày càng hoàn thiện các hình thức đại diện nhân dân, mở rộng dân chủ, nhằm lôi cuốn ngày càng đông đảo nhân dân tham gia quản lý nhà nước, quản lý xã hội.
đ) Nhà nước xã hội chủ nghĩa là một kiểu nhà nước đặc biệt, “nhà nước không còn nguyên nghĩa”, nhà nước “nửa nhà nước”. Sau khi cơ sở kinh tế-xã hội cho sự tồn tại của nhà nước mất đi, thì nhà nước cũng không còn, nhà nước “tự tiêu vong”. Đây cũng là đặc trưng nổi bật của Nhà nước xã hội chủ nghĩa.
2) Chức năng, nhiệm vụ của nhà nước xã hội chủ nghĩa
a) Chức năng tổ chức, xây dựng được C.Mác, Ph.Ăngghen và V.I.Lênin coi là có tính sáng tạo của Nhà nước xã hội chủ nghĩa nhằm cải biến trật tự chủ nghĩa tư bản và hình thành trật tự chủ nghĩa xã hội và đây là chức năng căn bản nhất trong hai chức năng của Nhà nước xã hội chủ nghĩa.
b) Chức năng trấn áp nhằm chống lại sự phản kháng của kẻ thù giai cấp đang chống phá công cuộc tổ chức, xây dựng xã hội mới của giai cấp công nhân và nhân dân lao động.
Nhà nước xã hội chủ nghĩa có những nhiệm vụ chính là quản lý đất nước trên tất cả các lĩnh vực. V.I.Lênin đặc biệt chú ý đến nhiệm vụ quản lý, mà cơ bản nhất là quản lý kinh tế, coi đó là vũ khí duy nhất để giai cấp vô sản có thể chiến thắng giai cấp tư sản.