Nội dung Cương lĩnh dân tộc của chủ nghĩa Mác-Lênin?

Nội dung Cương lĩnh dân tộc của chủ nghĩa Mác-Lênin: Cơ sở xây dựng Cương lĩnh là những tư tưởng của C.Mác và Ph.Ăngghen về vấn đề dân tộc; là sự tổng kết kinh nghiệm đấu tranh của phong trào cách mạng thế giới và cách mạng Nga; phân tích sâu sắc hai xu hướng khách quan của phong trào dân tộc. Nội dung Cương lĩnh gồm

a) Các dân tộc hoàn toàn bình đẳng có nghĩa là các dân tộc lớn hay nhỏ (kể cả bộ tộc và chủng tộc) không phân biệt trình độ phát triển cao hay thấp, đều có nghĩa vụ và quyền lợi ngang nhau trong các sinh hoạt kinh tế, chính trị, văn hoá-xã hội; không một dân tộc nào được giữ đặc quyền đặc lợi và có quyền đi áp bức bóc lột dân tộc khác, thể hiện trong luật pháp mỗi nước và luật pháp quốc tế.

V.I.Lênin triển khai nội dung bình đẳng ở hai cấp độ là bình đẳng giữa các quốc gia dân tộc và bình đẳng giữa các dân tộc-tộc người trong một quốc gia đa dân tộc.

+) Trong một quốc gia có nhiều dân tộc, quyền bình đẳng giữa các dân tộc phải được pháp luật bảo vệ và được thể hiện trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, trong đó việc phấn đấu khắc phục sự chênh lệch về trình độ phát triển kinh tế, văn hoá do lịch sử để lại có ý nghĩa cơ bản;

+) Trên phạm vi giữa các quốc gia dân tộc, đấu tranh cho sự bình đẳng giữa các dân tộc trong giai đoạn hiện nay gắn liền với cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa phân biệt chủng tộc, chủ nghĩa dân tộc lớn, chủ nghĩa dân tộc hẹp hòi; gắn liền với cuộc đấu tranh xây dựng trật tự kinh tế thế giới mới; chống sự áp bức bóc lột của các nước tư bản phát triển đối với các nước chậm phát triển về kinh tế.
Thực hiện quyền bình đẳng giữa các dân tộc là cơ sở để thực hiện quyền dân tộc tự quyết và xây dựng mối quan hệ hữu nghị giữa các dân tộc.

READ:  Chủ nghĩa Mác-Lênin và ba bộ phận lý luận cấu thành của nó?

b) Các dân tộc được quyền tự quyết trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội, nhưng thực chất là tự quyết về chính trị. Quyền dân tộc tự quyết là quyền làm chủ của mỗi dân tộc đối với vận mệnh của dân tộc mình, quyền tự lựa chọn chế độ chính trị-xã hội và con đường phát triển của dân tộc mình. Quyền tự quyết bao gồm quyền tự do độc lập về chính trị tách ra thành một quốc gia dân tộc độc lập vì lợi ích của các dân tộc và cũng bao gồm quyền tự nguyện liên hiệp với các dân tộc khác trên cơ sở bình đẳng.

V.I.Lênin khẳng định một trong những nguyên tắc của vấn đề dân tộc tự quyết là phải có quan điểm lịch sử-cụ thể khi nghiên cứu và giải quyết vấn đề dân tộc. Khi xem xét, giải quyết vấn đề dân tộc tự quyết của dân tộc cần đứng trên lập trường của giai cấp công nhân. Chỉ ủng hộ sự phân lập mang lại lợi ích cho giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của dân tộc, ủng hộ cuộc đấu tranh giải phóng trong phạm vi ấy. Kiên quyết đấu tranh chống lại mọi âm mưu, thủ đoạn của các thế lực đế quốc và phản động lợi dụng chiêu bài “dân tộc tự quyết” để can thiệp sâu vào công việc nội bộ của các nước.

READ:  Tài liệu và Đề thi Những nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa Mác

c) Liên hiệp công nhân tất cả các dân tộc phản ánh bản chất quốc tế của phong trào công nhân, phản ánh sự thống nhất giữa sự nghiệp giải phóng dân tộc và giải phóng giai cấp. Nó đảm bảo cho phong trào dân tộc có đủ sức mạnh để giành thắng lợi.

Liên hiệp công nhân tất cả các dân tộc quy định mục tiêu hướng tới, quy định đường lối, phương pháp xem xét, cách giải quyết quyền dân tộc tự quyết, quyền bình đẳng dân tộc. Đồng thời nó là yếu tố sức mạnh đảm bảo cho giai cấp công nhân và các dân tộc chiến thắng kẻ thù của mình. Đoàn kết, liên hiệp công nhân các dân tộc là cơ sở vững chắc để đoàn kết, tập hợp các tầng lớp nhân dân lao động rộng rãi thuộc các dân tộc trong cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa đế quốc, vì độc lập dân tộc và tiến bộ xã hội.