sự đồng bộ thị trường trong chủ trương tạo lập thị trường đồng bộ do đảng cộng sản việt nam đề ra? ý nghĩa của sự đồng bộ thị trường đối với sự phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở nước ta?
1/. Sự đồng bộ thị trường trong chủ trương tạo lập thị trường đồng bộ do Đảng cộng sản Việt Nam đề ra:
Văn kiện Đại hội IX của Đảng đã chỉ rõ: “Tiếp tục tạo lập đồng bộ các yếu tố thị trường” với phương hướng: thúc đẩy sự hình thành, phát triển và từng bước hoàn thiện các loại thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa, cụ thể:
1- Phát triển thị trường hàng hóa và dịch vụ với vai trò nồng cốt định hướng và điều tiết của kinh tế Nhà nước. Đáp ứng yêu cầu đa dạng và nâng cao sức mua cả thị trường thành thị và nông thôn, chú ý thích đáng đến thị trường ở các vùng khó khăn, mở rộng thị trường ngoài nước; xác định thời hạn bảo hộ hợp lý và có hiệu quả đối với một số sản phẩm quan trọng, hạn chế và kiểm soát độc quyền kinh doanh.
2- Mở rộng thị trường lao động trong nước, tạo điều kiện cho người lao động; đẩy mạnh xuất khẩu lao động có tổ chức và có hiệu quả.
3- Khẩn trương tổ chức thị trường khoa học và công nghệ, thực hiện tốt bảo hộ sở hữu trí tuệ, đẩy mạnh phát triển các dịch vụ về thông tin, chuyển giao công nghệ.
4- Phát triển nhanh, bền vững thị trường vốn, nhất là thị trường vốn dài hạn và trung hạn. Tổ chức, vận hành an toàn và hiệu quả thị trường chứng khoán, thị trường bảo hiểm. Hình thành đồng bộ thị trường tiền tệ; tăng khả năng chuyển đổi của đồng tiền Việt nam.
5- Hình thành và phát triển thị trường bất động sản, bao gồm cả quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật; từng bước mở rộng thị trường bất động sản cho người Việt Nam ở nước ngoài và người nước ngoài đầu tư.
2/. Ý nghĩa của sự đồng bộ thị trường đối với sự phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở nước ta:
Thị trường không phải là sản phẩm riêng của chủ nghĩa tư bản, mà là thành tựu của văn minh nhân loại. Lịch sử cho đến nay cho thấy, mô hình kinh tế thị trường vẫn là mô hình kinh tế có khả năng kích thích sự phát triển kinh tế nhất, và việc lợi dụng thị trường như một phương tiện để phát triển lực lượng sản xuất, làm cho xã hội giàu có tạo nền tảng cho thực hiện mục tiêu xã hội chủ nghĩa là sự lựa chọn đúng đắn của Đảng ta.
Tuy nhiên, kinh tế thị trường vận hành theo những quy luật khách quan của nó và luôn tiềm ẩn những nguy cơ thất bại, bởi nó thường mâu thuẩn với các giá trị truyền thống, tăng sự bất ổn của xã hội và khoét sâu hố ngăn cách giàu- nghèo. Nhà nước như một chủ thể sáng tạo phải quản lý các quá trình kinh tế vĩ mô, nhằm hạn chế những khuyết tật của thị trường. Do vậy, các thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở nước ta được xây dựng và thực thi chính là làm cho “thị trường” và “Nhà nước” trở thành hai yếu tố bổ sung cho nhau để khai thác thị trường hiệu quả, đáp ứng yêu cầu phát triển.
Phát triển đồng bộ các thị trường là một trong những yêu cầu để hình thành nền thị trường đầy đủ, đáp ứng được quy luật khách quan. Mặt khác, phát triển đồng bộ các thị trường là một trong những điều kiện cơ bản (gồm các quy tắc tạo thành “luật chơi” kinh tế thị trường, các chủ thể tham gia, các cơ chế thực thi “trò chơi” và các thị trường) để tạo dựng thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.
Thị trường (được tạo nên bởi các loại thị trường) có vai trò trực tiếp, hướng dẫn các đơn vị kinh tế lựa chọn lĩnh vực hoạt động và phương án tổ chức sản xuất kinh doanh.
Phát triển đồng bộ các thị trường tạo điều kiện cho cơ chế thị trường thực hiện tốt các chức năng của mình thông qua giá cả, trong đó có hai chức năng quan trọng là phân bố các nguồn lực kinh tế và thúc đẩy tiến bộ kỹ thuật.