Để thúc đẩy tăng trưởng xuất khẩu trong thời gian tới Việt Nam cần tập trung vào một số giải pháp nào?

Ở tầm vĩ mô:

1. Trước hết, xây dựng môi trường pháp lý rõ ràng, nhất quán, ổn định nhằm tạo dựng một môi trường kinh doanh lành mạnh, bình đẳng, loại bỏ độc quyền và chống các hành vi gian lận thương mại. Trước hết là tạo dựng và củng cố thể chế kinh tế thị trường – nền tảng của kinh doanh quốc tế.

2. Rà soát lại các chính sách hỗ trợ và khuyến khích xuất khẩu theo hướng hạn chế độc quyền, ưu đãi, khắc phục các hành vi gian lận thương mại. Trước hết là chính sách thuế, chính sách tín dụng, hạn chế ưu đãi cho các doanh nghiệp Nhà nước.

3. Hạn chế độc quyền, giảm bảo hộ để khuyến khích các doanh nghiệp tăng cường xuất khẩu và cạnh tranh với các đối tác nước ngoài khi nước ta mở cửa thương mại và đầu tư, đồng thời tạo điều kiện bình đẳng cho các doanh nghiệp trong kinh doanh xuất nhập khẩu. Tất cả các nhà xuất khẩu đều nhận được sự khuyến khích giống nhau trên cơ sở bình đẳng. Đây chính là sự vận dụng nguyên tắc thị trường để bảo đảm cho các nhà xuất khẩu có hiệu quả sẽ mở rộng xuất khẩu với sự trả giá của các nhà xuất khẩu không hiệu quả.

4. Xây dựng chiến lược xuất khẩu hướng vào những ngành công nghệ cao, chuyển đổi cơ cấu kinh tế theo hướng nâng cao hiệu quả xuất khẩu của các ngành hàng.

5. Đẩy mạnh xúc tiến thương mại ở tầm chính phủ, nâng cao hiệu quả hoạt động của các tổ chức xúc tiến ở thị trường ngoài nước để có định hướng chiến lược lâu dài cho các doanh nghiệp.

READ:  Làm rõ mối quan hệ của chính sách xã hội với công tác xã hội? Lấy ví dụ minh họa?

6. Xây dựng chiến lược đào tạo dài hạn để có một lực lượng lao động và cán bộ quản lý có trình độ cao thích ứng với đòi hỏi của hội nhập. Năng lực cạnh tranh của Việt Nam trong tương lai sẽ phụ thuộc vào sáng tạo của con người Việt Nam và trình độ công nghệ tiên tiến của thế giới.

7. Đẩy nhanh quá trình hội nhập kinh tế quốc tế của nước ta, đây là cơ hội để Việt Nam có thêm thị trường và đẩy nhanh cải cách kinh tế thị trường.

Đối với doanh nghiệp:

Trước hết, doanh nghiệp phải nhận thức được những cơ hội mà kinh doanh quốc tế mang lại, thông qua quá trình hội nhập của nước ta, từ đó điều chỉnh sản xuất theo hướng xuất khẩu và cạnh tranh trên thị trường quốc tế. Những cơ hội kinh doanh to lớn mà doanh nghiệp cần phải tận dụng khi nước ta mở cửa thị trường, trước hết là đối với AFTA, thực hiện Hiệp định Thương mại Việt Nam – Hoa Kỳ và gia nhập WTO.

Hai là, doanh nghiệp cần có chiến lược về sản phẩm, khai thác có hiệu quả các lợi thế so sánh quốc gia trong lựa chọn sản phẩm kinh doanh, chú trọng đến khâu nghiên cứu và phát triển sản phẩm mới, hiện đại hoá khâu thiết kế sản phẩm, chọn lựa hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến phù hợp với doanh nghiệp để nâng cao chất lượng sản phẩm.

Ba là, làm tốt công tác nghiên cứu thị trường, phát triển mạng lưới tiêu thụ, nâng cao chất lượng hoạt động của hệ thống phân phối, nắm bắt và phản ứng kịp thời trước các thay đổi của đối thủ cạnh tranh trên thị trường, phát hiện những thị trường mới.

READ:  Tài liệu Câu hỏi và Đề thi Chính sách kinh tế đối ngoại

Bốn là, nâng cao trình độ, năng lực kinh doanh, điều hành, quản lý doanh nghiệp, trình độ tay nghề của người lao động, trình độ kiến thức về tiếp thị, tiếp thu khoa học kỹ thuật, trình độ công nghệ thông tin, chú trọng đến những sáng kiến cải tiến của người lao động ở các khâu khác nhau trong hoạt động của doanh nghiệp.

Năm là, xây dựng chiến lược phát triển ổn định lâu dài thích ứng với điều kiện thị trường nhiều biến động, giảm ưu tiên mục tiêu tối đa hoá lợi nhuận trong ngắn hạn mà dành thời gian để đầu tư củng cố vị thế ( xây dựng thương hiệu, quảng bá sản phẩm…) nhằm từng bước tạo uy tín của mình trên thị trường quốc tế.

Sáu là, tăng cường vai trò của các Hiệp hội ngành hàng, củng cố tổ chức này ngang tầm với những đòi hỏi của doanh nghiệp trong bối cảnh hội nhập. Các Hiệp hội sẽ là người liên kết các doanh nghiệp tạo nên sức mạnh tổng hợp trong cạnh tranh với các đối thủ nước ngoài.