Hội đồng bảo an là cơ quan được các thành viên Liên hợp quốc trao cho trách nhiệm trong việc duy trì hòa bình và an ninh thế giới (Hòa bình (peace) được hiểu là trong quan hệ quốc tế không có xung đột vũ trang.
An ninh (security) được hiểu là không có xung đột mà có khuynh hướng gây nên những xung đột vũ trang). Các thành viên Liên hợp quốc thừa nhận rằng khi làm những nghĩa vụ do trách nhiệm được giao thì Hội đồng bảo an hành động với tư cách thay mặt cho các thành viên.
Hội đồng bảo an có quyền điều tra bất cứ vụ tranh chấp hoặc tình thế nào mà có thể dẫn đến bất hòa giữa các quốc gia.
Hội đồng bảo an có chức năng yêu cầu các bên tranh chấp giải quyết các tranh chấp quốc tế bằng phương pháp hòa bình.
Phương pháp hòa bình được Hiến chương Liên hợp quốc đề cập đến là đàm phán (negotiation), điều tra (enquiry), trung gian (mediation), hòa giải (conciliation), trọng tài (arbitration), bằng con đường tư pháp (judicial settlement), bằng việc sử dụng những cơ quan hoặc những hiệp định khu vực, hoặc bằng các biện pháp hòa bình khác do các bên lựa chọn.9
Hội đồng bảo an là cơ quan xác định sự đe dọa hòa bình, phá hoại hòa bình hoặc hành vi xâm lược và đưa ra những kiến nghị hoặc quyết định những biện pháp để duy trì hoặc khôi phục hòa bình và an ninh thế giới. Những biện pháp mà Hội đồng bảo an có quyền quyết định bao gồm:
+ Thứ nhất, Hội đồng bảo an yêu cầu các thành viên áp dụng các biện pháp kinh tế và các biện pháp khác (không bao gồm dùng vũ lực) như đình chỉ một phần hay toàn bộ những quan hệ kinh tế, đường sắt, hàng hải, hàng không, bưu chính, điện tín, vô tuyến điện và các phương tiện giao thông khác (cấm vận), cắt đứt quan hệ ngoại giao để ngăn chặn hoặc chấm dứt hành động xâm lược
+ Thứ hai, Hội đồng bảo an thực hiện hành động quân sự đối với quốc gia có hành động xâm lược như dùng các lực lượng hải, lục, không quân nếu xét thấy cần thiết cho việc duy trì hoặc khôi phục hòa bình và an ninh thế giới. Hành động này còn bao gồm cả những cuộc thị uy, những biện pháp phong tỏa và những cuộc hành binh khác, do các lực lượng hải, lục, không quân của những thành viên Liên hợp quốc thực hiện
Các quốc gia thành viên có nghĩa vụ cung cấp cho Hội đồng bảo an những lực lượng vũ trang, sự viện trợ và mọi phương tiện phục vụ khác kể cả việc cho quân đội Liên hợp quốc qua lãnh thổ của mình khi cần thiết cho việc duy trì hòa bình và an ninh thế giới. Các quốc gia thành viên sẽ tổ chức một số phi đội không quân của nước mình sẵn sàng chiến đấu nhằm phối hợp thực hiện một hành động quốc tế có tính chất cưỡng chế
Cơ quan giúp Hội đồng bảo an để chỉ huy lực lượng vũ trang của Liên hợp quốc là Ban tham mưu quân đội gồm tham mưu trưởng các nước ủy viên thường trực Hội đồng bảo an