Học sinh học ban tự nhiên có thông minh hơn ban xã hội không?

Giáo viên chủ nhiệm lớp tôi nói: “Các em học xã hội, tư duy không bằng các lớp tự nhiên.”. Tôi liền trả lời: “Tư duy mỗi đứa khác nhau không thể so sánh được ạ.”. Cô nói: “Ừ thì khác.” nhưng sau đó vẫn khẳng định rằng chúng tôi không thể tư duy được bằng ban tự nhiên.

Để làm rõ hơn vấn đề, tôi sẽ giải thích ban xã hội gồm gì, ban tự nhiên gồm gì, và tại sao chúng tôi THƯỜNG XUYÊN bị xem thường như vậy.

Đến năm lớp 11 (tùy trường thì phải, ở trường tôi được chọn ban vào năm 11), bạn được chọn một thêm 1 trong 2 ban: xã hội hoặc tự nhiên. Ban xã hội gồm các môn sử – địa – giáo dục công dân. Ban tự nhiên gồm lý – hóa – sinh.

Như bạn cũng đã thấy, ban xã hội thường xuyên bị đánh giá thấp vì họ học những môn được gọi là “học bài là chính”, còn tự nhiên thì học những môn tư duy logic. Điều đó là đúng. Nhưng không có nghĩa những học sinh ban xã hội không có tư duy bằng học sinh ban tự nhiên.

Ví dụ: Cùng một học lực, học sinh ban tự nhiên không tài nào so sánh Luận cương chính trị tháng 10/1930 và Cương lĩnh chính trị tháng 2/1930 được tốt bằng học sinh ban xã hội. bù lại học sinh ban xã hội không thể giải bài tập vật lý tốt bằng học sinh ban tự nhiên được.

Tôi đã kiểm chứng điều này trên bản thân mình bằng cách thường xuyên trao đổi các kiến thức về triết học, lịch sử và chính trị với các học sinh ban tự nhiên và rất ít ai có thể tiếp thu được toàn bộ những gì tôi nói. (Ở đây hiểu là “hiểu được toàn bộ những gì tôi nói” chứ chưa bàn về vấn đề tranh luận với nhau) Đa số đều tỏ ra rất ngán. (Ai học xã hội một cách yêu thích đều sẽ hiểu là 3 lĩnh vực trên rất nhiều thứ để nói và có thể nói liên tục từ cái này suy ra cái khác, nên bên tự nhiên rất ít người hiểu được vì họ rất ít tìm hiểu những lĩnh vực này) Và đương nhiên là tôi luôn tìm đến những người bạn này lúc tôi cần giải bài tập lý hoặc hóa chứ chẳng tìm đến học sinh xã hội nhiều.

Hãy tạm dừng vấn đề này tại đây. Chúng ta hãy nói về một chủ đề khoa học hơn: Thuyết đa thông minh: Có 9 loại trí thông minh khác nhau (được khám phá đến thời điểm hiện tại) và mỗi người chúng ta đều có ÍT NHẤT 2 loại.

9 loại trí thông minh đó là:

  1. – Trí thông minh ngôn ngữ;
  2. – Trí thông minh giao tiếp;
  3. – Trí thông minh âm nhạc;
  4. – Trí thông minh vận động;
  5. – Trí thông minh tự nhiên;
  6. – Trí thông minh thị giác – không gian;
  7. – Trí thông minh logic;
  8. – Trí thông minh nội tâm;
  9. – Trí thông minh triết học.

Tìm hiểu thêm về thuyết đa thông minh (Multiple Intelligences) tại: https://bom.to/OnRn2

READ:  Thập tự quân của Giáo hoàng La Mã là gì ?

Vậy, hãy hình dung một lớp học 42 học sinh với 9 kiểu trí thông minh, mỗi người ít nhất 2 loại khác nhau, có thể 3 loại, có thể 4 loại, trộn lẫn phong phú, phức tạp. Rõ ràng là Stephen Hawking rất thông minh vì không phải tự dưng mà người ta dùng tên ông để đặt cho lý thuyết hố đen phát ra bức xạ (bức xạ Hawking), nhưng Mike Tyson cũng có trí thông minh của ông ấy vì rõ ràng không nhà vật lý nào giành được đai vô địch WBC, WBA và IBF khi mới 20 tuổi. Sự thông minh là rất đa dạng và không một ai có thể chối bỏ rằng mỗi người có một thế mạnh vô cùng đặc biệt.

Điều đó khẳng định rằng những học sinh học ban xã hội cũng thông minh và thông minh rất nhiều trong lĩnh vực của họ. Nhưng khổ nỗi điều mà cô giáo chủ nhiệm của chúng tôi đang làm là bảo Karl Marx làm toán cao cấp và so sánh kết quả đó với kết quả của Albert Einstein, không thể vô lý hơn được, đương nhiên là cô sẽ không dám trách Karl Marx rồi, nhưng với chúng tôi thì khác.

Mỗi một con người sinh ra với một sứ mệnh khác nhau, nếu không thì chắc có lẽ những người như Thiên hoàng Minh Trị đã bỏ rơi Nhật Bản trở thành một thuộc địa chỉ vì ông bận học vật lý cho bảng điểm của mình được hoàn hảo, hoặc cũng có thể Marie Curie không thèm tuyên bố sự hiện hữu của uraninit làm quái gì nếu như cô chủ nhiệm của tôi lỡ mồm chê điểm địa lý của người phụ nữ được vinh danh bằng tên nguyên tố số 96 – Curium. Đúng vậy, chúng ta có sứ mệnh của mình, và mục tiêu của giáo dục là tìm ra được sứ mệnh đó cho mỗi một học sinh.

Bản thân tôi đã cam chịu quá nhiều sự đánh giá thấp, từ gia đình, nhà trường, thầy cô, bạn bè chưa bao giờ đánh giá thấp tôi vì họ cũng biết những nỗi khổ này. Đến năm lớp 12, tôi đã học cách nhìn nhận bản thân mình, chấp nhận những khuyết điểm nhưng cũng tự hào những ưu điểm. Tôi không tài nào chấp nhận được việc mình và những người đồng môn bị phân biệt đối xử, thậm chí là bị hạ thấp bởi người khác như vậy.

Hãy cùng nói về một hiệu ứng rất đặc biệt: hiệu ứng bươm bướm – một khái niệm trong thuyết hỗn loạn. Hãy cùng đặt một câu hỏi: Liệu một cái đập cánh của một con bướm ở Brasil có thể tạo nên một cơn lốc ở Texas?

Edward Norton Lorenz – người đã đưa ra khái niệm này – trong khi mô phỏng một dự đoán về thời tiết trên máy tính, Lorenz đã lỡ nhập số liệu là 0,506 thay vì 0,506127 như dự định, và do đó đã thu được kết quả dự đoán thời tiết hoàn toàn khác so với tính toán ban đầu. Theo đó một cái đập cánh của con bướm nhỏ bé có thể gây ra sự thay đổi (dù rất nhỏ) trong điều kiện gốc của hệ vật lý, dẫn đến kết quả là những thay đổi lớn về thời tiết như cơn lốc tại một địa điểm cách nơi con bướm đập cách hàng vạn km.

READ:  Người Ixraen có phải là người Do Thái không?

Một ví dụ đơn giản mà cụ thể hơn: Giả sử trong thời niên thiếu của mình, Adolf Hitler không vấp phải 2 lần liền bị từ chối vào Học viện Mỹ thuật Vienna, ông hoàn thành ước mơ trở thành họa sĩ, hoặc một kiến trúc sư, thì Chiến tranh thế giới thứ 2 đã không xảy ra, đúng không?

Điều này thì liên quan gì đến sự phân biệt đối xử giữa hai loại học sinh?

Tư duy là một khái niệm trừu tượng, đơn giản mà nói, nó là khả năng nhìn nhận sự vật/sự việc của con người. Tư duy hay sự nhìn nhận, sẽ tạo ra cảm xúc, cảm xúc sinh ra hành động. Việc gieo vào đầu của những học sinh mình một tư duy thù hận là một “cái đập cánh bướm” rất nguy hiểm mà có thể tạo ra những “cơn lốc Texas” không thể lường trước được.

Tôi có một người bạn thân dự định sẽ theo đuổi tâm lý học trong lớp. Giả sử người bạn bác sĩ tâm lý này của tôi bị “cái đập cánh bướm” đó tác động quá mạnh, anh ta sẽ hành động ra sao trong tương lai với những kiến thức về tâm lý của mình?

Hãy nhớ rằng Adolf không học về quân sự trước, mà ông học cách hùng biện trước, để thuyết phục được cả một dân tộc đi theo đường lối của mình, hẳn là khả năng nắm bắt tâm lý phải cực kì cao. Hay đơn giản hơn là ngộ nhỡ con cháu của người giáo viên này đến tìm cậu ta vào một ngày nào đó vì căn bệnh tâm lý nguy hiểm cỡ trầm cảm chẳng hạn? Mạng sống đó có giữ được hay không là quyết định ở “cái đập cánh bướm” ấy.

Tuy không học sư phạm, nhưng tôi cũng nhận thức được rằng giáo dục có một vai trò vô cùng quan trọng. Đừng để việc giáo dục sai trở thành “cái đập cánh bướm” tai hại, mà trong đó “cơn lốc Texas” chính là những tên tội phạm vốn bị dạy dỗ trong sự bất mãn, hận thù.

Chúng tôi học ban xã hội, không có nghĩa chúng tôi không có tư chất, không có nghĩa chúng tôi không thông minh, không có nghĩa chúng tôi không có tư duy. Adolf Hitler có lẽ đã không mang tư tưởng sai lệch nếu không tiếp nhận những ý tưởng nông cạn và xoàng xĩnh, thường là phi lý và lố bịch, lại bị đầu độc bởi những thiên kiến kỳ dị từ những ngày ông chỉ mới là một thanh niên đọc sách ở Viên.

Xin hãy ngừng lại việc phân biệt đối xử những học sinh học ban xã hội.

Viết bởi Thiết Tâm cùng một số thông tin từ Wikipedia.

nguồn:Vy Thuy Anh