Sản xuất của cải vật chất là gì? và vai trò của nó

Sản xuất của cải vật chất là quá trình tác động giữa con người với tự nhiên nhằm biến đổi vật thể của tự nhiên để tạo ra các sản phẩm phù hợp nhu cầu của mình.

Sản xuất của cải vật chất là hoạt động cơ bản nhất trong các hoạt động của con người, là cơ sở của đời sống xã hội loài người. Đời sống xã hội bao gồm nhiều mặt hoạt động khác nhau như: kinh tế, chính trị, văn hóa, khoa học – công nghệ, thể thao, tôn giáo, v.v.. Các hoạt động này thường xuyên có quan hệ và tác động lẫn nhau. Xã hội càng phát triển thì các hoạt động nói trên càng phong phú, đa dạng và có trình độ cao hơn. Dù hoạt động trong lĩnh vực nào và ở giai đoạn lịch sử nào thì con người cũng cần có thức ăn, quần áo, nhà ở, v.v., để duy trì sự tồn tại của con người và các phương tiện vật chất cho hoạt động của họ. Muốn có các của cải vật chất đó, con người phải không ngừng sản xuất ra chúng. Sản xuất càng được mở rộng, số lượng của cải vật chất ngày càng nhiều, chất lượng càng tốt, hình thức, chủng loại… càng đẹp và đa dạng, không những làm cho đời sống vật chất được nâng cao mà đời sống tinh thần như các hoạt động văn hóa, nghệ thuật, thể thao… cũng được mở rộng và phát triển. Quá trình sản xuất của cải vật chất cũng là quá trình làm cho bản thân con người ngày càng hoàn thiện, kinh nghiệm và kiến thức của con người được tích luỹ và mở rộng, các phương tiện sản xuất được cải tiến, các lĩnh vực khoa học, công nghệ ra đời và phát triển giúp con người khai thác và cải biến các vật thể tự nhiên ngày càng có hiệu quả hơn.

READ:  Cấu trúc của văn hóa bao gồm những yếu tố nào?

Thực trạng hoạt động sản xuất của cải vật chất, quy mô, trình độ và tính hiệu quả của nó quy định và tác động đến các hoạt động khác của đời sống xã hội. Chính vì vậy C. Mác và Ph. Ăngghen đã chỉ ra rằng, sản xuất của cải vật chất là cơ sở, là điều kiện tiên quyết, tất yếu và vĩnh viễn của sự tồn tại và phát triển của con người và xã hội loài người.

Nguyên lý này có ý nghĩa quan trọng trong khoa học xã hội, giúp ta hiểu được nguyên nhân cơ bản trong sự phát triển của nền văn minh nhân loại qua các giai đoạn lịch sử khác nhau đều bắt nguồn từ sự thay đổi của các phương thức sản xuất của cải vật chất. Đồng thời để hiểu được các nguyên nhân sâu xa của các hiện tượng trong đời sống xã hội ta phải xuất phát từ lĩnh vực sản xuất của cải vật chất, từ các nguyên nhân kinh tế.

READ:  Trình bày mối quan hệ giữa văn hóa làng với sự hình thành ý thức quốc gia dân tộc của người

Ngày nay, dưới tác động của cuộc cách mạng khoa học và công nghệ hiện đại, cơ cấu kinh tế có sự biến đổi, lĩnh vực sản xuất phi vật thể (dịch vụ) phát triển mạnh mẽ và ở một số quốc gia nó đã và sẽ đóng góp một tỷ trọng lớn trong thu nhập quốc dân. Nhưng nguyên lý trên vẫn còn nguyên ý nghĩa.