Hai mặt của nền sản xuất là gì?

Để tiến hành lao động sản xuất, con người phải giải quyết hai mối quan hệ có tác động lẫn nhau, đó là quan hệ giữa người với tự nhiên và quan hệ giữa người với người trong quá trình sản xuất. Nói cách khác, quá trình sản xuất bao gồm hai mặt là: mặt tự nhiên biểu hiện ở lực lượng sản xuất và mặt xã hội biểu hiện ở quan hệ sản xuất.

– Lực lượng sản xuất là toàn bộ những năng lực sản xuất của một quốc gia ở một thời kỳ nhất định. Nó biểu hiện mối quan hệ tác động của con người với tự nhiên, trình độ hiểu biết tự nhiên và năng lực hoạt động thực tiễn của con người trong quá trình sản xuất của cải vật chất.

Lực lượng sản xuất gồm có người lao động với những năng lực, kinh nghiệm nhất định và tư liệu sản xuất, trong đó con người giữ vai trò quyết định, luôn sáng tạo, là yếu tố chủ thể của sản xuất; còn tư liệu sản xuất dù ở trình độ nào cũng luôn luôn là yếu tố khách thể, tự nó không thể phát huy tác dụng; các công cụ sản xuất dù hiện đại như máy tự động, người máy thông minh có thể thay thế con người thực hiện một số chức năng sản xuất cũng đều do con người tạo ra và sử dụng trong quá trình tạo ra của cải vật chất.

Tư liệu sản xuất không ngừng phát triển từ thấp đến cao, từ thô sơ đến hiện đại và đòi hỏi sự phát triển tương ứng về trình độ của người lao động. Với công cụ sản xuất thủ công thô sơ thì sức lao động chưa đòi hỏi cao về yếu tố trí tuệ và vai trò quan trọng thường là sức cơ bắp. Còn với công cụ sản xuất càng tiên tiến hiện đại thì yếu tố trí tuệ trong sức lao động càng có vai trò quan trọng.

READ:  Tái sản xuất môi trường sinh thái là gì?

Ngày nay, cuộc cách mạng khoa học và công nghệ hiện đại đang diễn ra mạnh mẽ, khoa học trở thành lực lượng sản xuất trực tiếp. Loài người đang bước vào nền kinh tế tri thức, trí tuệ chiếm một tỷ trọng ngày càng tăng trong giá trị sản phẩm và trở thành tài nguyên ngày càng quan trọng đối với mỗi quốc gia.

Có những tiêu chí khác nhau để đánh giá trình độ phát triển của lực lượng sản xuất, trong đó tiêu chí quan trọng nhất và chung nhất là năng suất lao động xã hội.

– Quan hệ sản xuất là quan hệ giữa người với người trong quá trình sản xuất của cải vật chất xã hội. Quan hệ sản xuất biểu hiện quan hệ giữa người với người trong tất cả 4 khâu: sản xuất, phân phối, trao đổi, tiêu dùng. Xét một cách giản đơn, quan hệ sản xuất thể hiện trên 3 mặt chủ yếu.

+ Quan hệ về sở hữu các tư liệu sản xuất chủ yếu của xã hội (gọi tắt là quan hệ sở hữu).

+ Quan hệ về tổ chức, quản lý sản xuất (gọi tắt là quan hệ quản lý).

+ Quan hệ về phân phối sản phẩm xã hội (gọi tắt là quan hệ phân phối).

Ba mặt trên của quan hệ sản xuất có quan hệ tác động lẫn nhau, trong đó quan hệ sở hữu giữ vai trò quyết định, chi phối quan hệ quản lý và phân phối, song quan hệ quản lý và phân phối cũng tác động trở lại quan hệ sở hữu. Quan hệ sản xuất trong tính hiện thực của nó biểu hiện thành các phạm trù và quy luật kinh tế. Quan hệ sản xuất tồn tại khách quan, con người không thể tự chọn quan hệ sản xuất một cách chủ quan, duy ý chí, quan hệ sản xuất do tính chất và trình độ của lực lượng sản xuất xã hội quy định.

READ:  Sử dụng mô hình hành vi người tiêu dùng để giải thích hành vi?

– Sự thống nhất và tác động qua lại giữa lực lượng sản xuất và quan hệ sản xuất tạo thành phương thức sản xuất. Trong sự thống nhất biện chứng này, quan hệ sản xuất phải phù hợp với tính chất và trình độ phát triển của lực lượng sản xuất, tức là lực lượng sản xuất quyết định quan hệ sản xuất. Ngược lại, quan hệ sản xuất có tác động trở lại lực lượng sản xuất. Đó là quy luật kinh tế chung của mọi phương thức sản xuất.

Sự tác động trở lại của quan hệ sản xuất đến lực lượng sản xuất có thể diễn ra theo hai hướng: một là, nếu quan hệ sản xuất phù hợp với tính chất và trình độ của lực lượng sản xuất nó sẽ thúc đẩy lực lượng sản xuất phát triển; hai là, trong trường hợp ngược lại, nó sẽ kìm hãm sự phát triển của lực lượng sản xuất. Sở dĩ quan hệ sản xuất có thể tác động đến lực lượng sản xuất là vì quan hệ sản xuất quy định mục đích của sản xuất, ảnh hưởng quyết định đến thái độ người lao động, kích thích hoặc hạn chế cải tiến kỹ thuật – áp dụng các thành tựu khoa học kỹ thuật vào sản xuất cũng như tổ chức hợp tác, phân công lao động, v.v..