Tái sản xuất sức lao động là gì?

Cùng với quá trình tái sản xuất của cải vật chất, sức lao động xã hội cũng không ngừng được tái tạo. Trong các hình thái kinh tế – xã hội khác nhau, việc tái sản xuất sức lao động có sự khác nhau. Sự khác nhau này do trình độ phát triển lực lượng sản xuất khác nhau, nhưng trước tiên là do bản chất của quan hệ sản xuất thống trị quy định. Nhìn chung quá trình tái sản xuất sức lao động diễn ra trong lịch sử thể hiện ở sự tiến bộ xã hội. Tất nhiên, tiến bộ luôn gắn liền với sự phát triển của những thành tựu khoa học, công nghệ mà thời đại sáng tạo ra. Vì vậy, tái sản xuất sức lao động ngày càng tăng cả về số lượng và chất lượng.

Tái sản xuất sức lao động về mặt số lượng chịu sự chi phối của nhiều điều kiện khác nhau, trước hết là của quy luật nhân khẩu. Quy luật này đòi hỏi phải đảm bảo sự phù hợp giữa nhu cầu và khả năng cung ứng sức lao động của quá trình tái sản xuất xã hội. Tái sản xuất mở rộng sức lao động về mặt số lượng chịu sự chi phối của các nhân tố chủ yếu:

  • Tốc độ tăng dân số và lao động.
  • Xu hướng thay đổi công nghệ, cơ cấu, số lượng và tính chất của lao động (thủ công, cơ khí, tự động hoá).
  • Năng lực tích luỹ vốn để mở rộng sản xuất của mỗi quốc gia ở từng thời kỳ.
READ:  NHU CẦU ÁI TÌNH MANG TỐ CHẤT THẦN KINH LÀ GÌ?

Tái sản xuất mở rộng sức lao động về mặt chất lượng thể hiện ở sự tăng lên về thể lực và trí lực của người lao động qua các chu kỳ sản xuất. Tái sản xuất sức lao động về mặt chất lượng phụ thuộc vào nhiều nhân tố như: mục đích của nền sản xuất của mỗi xã hội; chế độ phân phối sản phẩm và địa vị của người lao động; những đặc trưng mới của lao động do cách mạng khoa học – công nghệ đòi hỏi; chính sách y tế, giáo dục và đào tạo của mỗi quốc gia.