Vì sao nhà Nguyễn kiêng tên Hoa?

Vì mẹ vua Thiệu Trị tên là Hồ Thị Hoa

Từ đầu triều Nguyễn, tất cả các danh từ có từ “hoa” đều phải đổi. Vì thế mà chợ Đông Hoa thành chợ Đông Ba, tỉnh Thanh Hoa thành tỉnh Thanh Hoá, cầu Hoa bắc qua rạch Thị Nghè đổi thành cầu Bông, điệu hát “hoa tình” thành “huê tình”, “hoa lợi” thành “huê lợi”, “hoa viên” thành “huê viên”,… Vì sao có chuyện kiêng cữ và chuyển đổi ấy?

Chuyện kể rằng: Năm 1806, Hoàng tử Nguyễn Phúc Đảm đến tuổi lập phủ thiếp. Vua Gia Long và Hoàng hậu Thuận Thiên đã chọn bà Hồ Thị Hoa (con gái của công thần Hồ Văn Bôi) cưới cho Hoàng tử Đảm.

Hồ Thị Hoa có đủ các đức tính thục, thận, hiền, trinh; sống hết đạo hiếu kính. Bà được Hoàng đế và Hoàng hậu dành cho nhiều tình cảm yêu thương. Đến tháng 5/1807, bà sinh con trai đầu lòng, đặt tên là Miên Tông. Bà mất sau khi sinh con 13 ngày. Khi ấy, bà mới 17 tuổi.

READ:  Hãy làm rõ sự vận dụng và phát triển tư tưởng văn hoá của Hồ Chí Minh với việc xây dựng nền văn hoá tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc?

Mẹ mất, Miên Tông được gửi cho bà nội là Hoàng hậu Thuận Thiên nuôi cho đến trưởng thành. Thương xót cô con dân bất hạnh, vua Gia Long xuống dụ cấm triều đình và bá tánh từ nay không được nhắc đến từ “hoa” nữa. Những từ có chữ “hoa” thì phải chuyển đổi thành ba, huê, bông, hoá,… để khỏi phạm huý.

Năm 1820, Hoàng tử Đảm lên nối ngôi, lấy niên hiệu Minh Mạng. Năm 1841, người con mất mẹ lúc 13 ngày tuổi Miên Tông lên ngôi, niên hiệu là Thiệu Trị.

Vua Thiệu Trị đã làm nhiều việc để làm tròn đạo hiếu đối với người mẹ bạc mệnh. Đặc biệt nhất là triều đại của ông và con cháu của ông sau này đã triệt để kiêng kỵ tên “Hoa”, tên huý của mẹ ông. Việc kiêng kỵ ấy còn ảnh hưởng cho đến ngày nay. (Theo Nguyễn Đắc Xuân – Chuyện các bà trong cung Nguyễn).