Trần Thái Tông là ai?

Trần Thủ Độ là ai?Trần Thái Tông tức Trần Cảnh, vua thứ nhất của nhà Trần, sinh ngày 17-7-1218, mất ngày 4-5-1277, làm vua 33 năm, nhường ngôi 19 năm, thọ 59 tuổi.

Trần Cảnh là con thứ Trần Thừa, một người nhiều mưu lược, dưới triều Lý từng giữ chức Nội thị khán thủ (đứng đầu các quan hầu cận vua Lý trong cung). Nhờ có Trần Thủ Độ là chú họ khi ấy làm Điện tiền chỉ huy sứ, Trần Cảnh thường xuyên được ra vào cung, sau lấy Lý Chiêu Hoàng. Năm 1226, Lý Chiêu Hoàng nhường ngôi cho Trần Cảnh và vương triều Trần được thành lập từ đấy.

Lên làm vua, Trần Cảnh đổi niên hiệu là Kiến Trung; năm 1232, đổi là Thiên ứng Chính bình; năm 1251, lại đổi là Nguyên Phong và niên hiệu Nguyên Phong đã đi vào lịch sử như cái mốc lớn ghi chiến công đầu tiên trong cuộc kháng chiến chống Nguyên Mông hồi thế kỷ 13 mà thơ Trần Nhân Tông ca ngợi:

Bạch đầu quân sĩ tại,
Vãng vãng thuyết Nguyên Phong.
(Lính bạc đầu còn đó,
Kể mãi chuyện Nguyên Phong).

Ngày 17-1-1258, (niên hiệu Nguyên Phong thứ 7) quân Nguyên tràn tới cánh đồng Bình Lệ (phía nam Bạch Hạc, Việt Trì, Phú Thọ), Trần Thái Tông chỉ huy cuộc chiến đấu chống giặc. Theo Đại Việt sử ký toàn thư tả: “Vua tự làm tướng đốc chiến đi trước, xông pha tên đạn”…

Ngày 29-1-1258, Trần Thái Tông cùng thái tử Hoàng (sau là vua Trần Thánh Tông) đã phá tan quân Nguyên ở Đông Bộ Đầu, giải phóng Thăng Long, kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống Nguyên Mông lần thứ nhất. Trần Thái Tông đã trở thành ông vua anh hùng cứu nước.

Nhưng tên tuổi Trần Thái Tông được sử sách lưu truyền còn vì ông là một nhà Thiền học, một triết gia có những tư tưởng sâu sắc, độc đáo và một tính cách khá lạ lùng, tác giả sách Khóa hư lục, một tác phẩm cổ nhất, quan trọng nhất về phương diện triết học Thiền của thời Trần.

READ:  Mai Hắc Đế là ai?

Khóa hư lục nghĩa là ghi chép về phép tu dưỡng đạo hư tịch. Trần Thái Tông viết sách này vào quãng từ năm 1258 đến trước lúc mất (1277), tức là sau khi ông đã nhường ngôi cho Lê Thánh Tông rồi vào núi tu hành. Xét về niên đại, Khóa hư lục là cuốn sách xưa nhất hiện còn giữ được trong kho thư tịch cổ Việt Nam. Xét về nội dung, Khóa hư lục vừa có giá trị triết học, vừa có giá trị văn học, bởi Trần Thái Tông mượn để biểu đạt tư tưởng, cảm xúc của mình là hình thức văn, luận, thể biền ngẫu và kệ, thể thơ thất ngôn, ngũ ngôn… Tất cả đều giàu hình tượng, giàu chất trữ tình.

Trong một văn bản Khóa hư lục có bài Tựa Thiền tông chỉ nam của Trần Thái Tông viết, ông đã kể lại sự việc năm 1236 đang đêm ông bỏ cung điện vào núi, định ở đó tu hành, nhưng Trần Thủ Độ đến nơi, cương quyết mời ông trở lại ngôi vua, và câu chuyện này gắn liền với tiểu sử đời ông, với đặc điểm của Phật giáo Việt Nam thời Trần: “Năm thứ 5, niên hiệu Thiên ứng Chính bình, đúng đêm mồng ba tháng tư năm Bính Thân (1236), nhân vi hành ra cửa cung, bảo người tả hữu rằng: Trẫm muốn ra chơi để ngầm nghe lời dân, xem ý dân tình như thế nào… Giờ hợi đêm ấy, một ngựa lẻn ra, qua sông mà đi về phía Đông… Giờ mão ngày hôm sau thì đến bến đò Phả Lại sông Đại Than, sợ người ta biết, lấy vạt áo che mặt qua sông… Gập ghềnh, núi thẳm khe sâu, ngựa mỏi không tiến được, trẫm bỏ ngựa leo dốc mà đi, giờ mùi tới đầu núi Yên Tử. Sớm mai lên thẳng đỉnh núi, thăm quốc sư Trúc Lâm đạo sa môn… Bấy giờ Thúc phụ Trần Công (tức Thủ Độ)… nghe tin trẫm bỏ đi, sai tả, hữu tìm kiếm khắp nơi, bèn cùng với các vị quốc lão tìm đến núi này. Gặp trẫm, Thái sư nói thống thiết rằng: “Bệ hạ vì mục đích tu cho riêng mình mà làm thế thì được, nhưng còn quốc gia xã tắc thì sao? Ví để lời nói suông mà báo đời sau thì sao bằng lấy chính thân mình làm người dẫn đạo cho thiên hạ?”… Do đấy, trẫm cùng các vị quốc lão về kinh, gắng lại lên ngôi…”.

READ:  Đinh Tiên Hoàng

Có lẽ ít thấy trong lịch sử Phật giáo nước nào lại nêu vấn đề “quốc gia xã tắc” ra và giải quyết theo hướng đặt “quốc gia xã tắc” lên trên hết, trước hết như thế. ở Việt Nam, “quốc gia xã tắc” bao giờ cũng là vấn đề trọng đại nhất. Thái độ đối với “quốc gia xã tắc” chính là thước đo giá trị của mỗi người, bất kể họ ở cương vị nào. Nghe theo tiếng gọi của “quốc gia xã tắc”, Trần Thái Tông trở về triều và 22 năm sau, Trần Thái Tông đã phá tan quân xâm lược Nguyên Mông, giữ vững “quốc gia xã tắc”.

Trần Thái Tông quả là người có một tính cách đặc biệt. Lúc làm tướng, đánh giặc thì anh dũng “xông vào mũi tên hòn đạn”, khi làm vua, thì “phú quý không đủ làm trọng”, có thể sẵn sàng từ bỏ ngai vàng không chút luyến tiếc.

Ngô Thì Sĩ, sử gia thế kỷ 18 đã nhận xét về Trần Thái Tông: “Trần Thái Tông tuy ý từ gần với đạo không tịch mà chí thì rộng xa, cao siêu cho nên bỏ ngôi báu như trút đôi dép rách vậy”.

Lời nhận xét này tưởng như một nét khắc thần thái Trần Thái Tông, bó đuốc của Thiền học Việt Nam, gương mặt văn hóa đẹp và lạ đến khác thường trong lịch sử Việt Nam.

Hà Ân – Trần Quốc Vượng