Lý Công Uẩn

Thái tổ họ Lý tên Công Uẩn, người làng Cổ Pháp, thuộc tỉnh Bắc Ninh.

Ông sinh năm Giáp Tuất (974), định ngôi năm Canh Tuất (1010) và mất năm Mậu Thìn (1028). Lý Công Uẩn là con nuôi của thiền sư Lý Khánh Văn từ năm 3 tuổi và truyền thuyết vẫn cho rằng ông là con của Vạn Hạnh.

Cũng theo truyền thuyết, ông thân sinh ra Công Uẩn nhà nghèo khó, đi làm ruộng thuê ở chùa Tiêu Sơn, huyện An Phong, phải lòng một tiểu nữ rồi nàng có mang. Nhà sư thấy thế đuổi đi nơi khác. Hai vợ chồng mang nhau đi, đến chỗ rừng Báng, mỏi mệt ngồi nghỉ mát. Chồng khát nước, xuống chỗ giếng giữa rừng uống nước, chẳng may sẩy chân, chết đuối. Vợ chờ lâu không thấy, đến giếng xem thì đất đã đùn lấp giếng, khóc lóc một hồi, rồi vào ngủ nhờ ở chùa ứng Tâm gần đấy.

Ông sư chùa ứng Tâm, đêm hôm trước nằm mê thấy ông Long thần báo mộng rằng: “Ngày mai dọn chùa cho sạch, có Hoàng đế đến”. Nhà sư tỉnh dậy, sai tiểu quét dọn sạch sẽ, chực đợi từ sáng đến chiều chỉ thấy một người đàn bà có mang xin ngủ nhờ. Được vài tháng, có một đêm thơm nức cả chùa, nhà sư trông ra tam quan, thấy sáng rực lên. Nhà sư sai bà hộ chùa ra thăm thì người đàn bà ấy đã sinh một đứa con trai, hai bàn tay có bốn chữ son: “Sơn hà xã tắc”. Sau đó, trời bỗng nhiên nổi cơn mưa to gió lớn, mẹ chú bé chết ngay sau khi sinh con và chú bé ở lại với nhà sư. Khi 8, 9 tuổi chú bé được nhà sư cho theo học sư Vạn Hạnh ở chùa Tiêu Sơn.

READ:  Mai Hắc Đế là ai?

Công Uẩn lớn lên, khảng khái, chí lớn. Do có công, ông được làm quan thời vua Thiếu đế nhà Lê. Khi vua Thiếu đế bị giết, ông ôm thây vua khóc. Vua Ngọa triều khen là trung, cử ông làm Từ tướng quân chế chỉ huy sứ, thống lĩnh hết quân túc vệ.

Theo truyền thuyết, bấy giờ ở làng Cổ Pháp có cây gạo cổ thụ bị sét đánh tước lần vỏ ngoài, trong thân cây gạo có mấy câu sấm:

Thụ căn điểu điểu

Mộc biểu thanh thanh

Hòa đao mộc lạc

Thập bát tử thành (*)

Vạn Hạnh xem câu sấm ấy, biết điềm nhà Lê đổ, nhà Lý sắp lên, bảo Công Uẩn rằng: “Mới rồi tôi thấy lời phù sấm kỳ dị, biết rằng họ Lý cường thịnh, tất dấy lên cơ nghiệp. Nay xem trong thiên hạ người họ Lý rất nhiều nhưng không ai bằng ông là người khoan từ nhân thứ, được lòng dân chúng mà binh quyền nắm trong tay. Người đứng đầu muôn dân chẳng phải ông thì còn ai đương nổi nữa”.

Lý Công Uẩn sợ câu nói ấy tiết lộ, phải nhờ người đem giấu Vạn Hạnh ở chùa Tiêu Sơn.

Khi vua Ngọa triều mất, vua kế tự còn nhỏ, ông cầm quân túc vệ trong chốn cung cấm. Có quan chi hậu là Đào Can Mộc mưu với các quan triều, lập ông lên ngôi Hoàng Đế.

READ:  Triệu Quang Phục là ai?

Ông lên ngôi, thấy kinh đô Hoa Lư hẹp, nên năm 1010 thay đổi đến Đại La thành. Nhân có điềm rồng vàng bay lên, mới đổi tên gọi là thành Thăng Long (tức Hà Nội bây giờ).

Ông ở ngôi vua 18 năm. Là người của một dòng họ lớn, lâu đời, có nhiều nhân vật tiếng tăm, cộng với khiếu thông minh bẩm sinh đã được nhập thân văn hóa ở một vùng đất văn minh, văn hiến, là con đẻ – con nuôi – con tinh thần của những vị cao tăng xuất sắc, Lý Công Uẩn thực sự là người con ưu tú của trung tâm kinh tế – văn hóa Lục Tổ – Cổ Pháp thế kỷ 10. Ông đã cùng triều Lý làm rạng danh vùng đất quê ông và viết nên những trang sử oanh liệt trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam.

Vì ông sinh ra ở chùa ứng Tâm cho nên chùa ấy bây giờ có tên là chùa Dặn. Và ngôi huyệt chỗ giếng trong rừng Báng năm xưa, những gò ở xung quanh trông giống như hoa sen nở tám cánh cho nên nhà Lý truyền ngôi được tám đời. Nơi ông sinh ra nay thuộc làng Đình Bảng, huyện Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh.