HỌC SINH CHÊ BÀI GIẢNG CỦA GIÁO VIÊN
Là một giáo viên mới ra trường, tình cờ bạn nghe được hai học sinh đi trước đang nói chuyện và có ý chê bai bài giảng của bạn vừa nông cạn, vừa kém hấp dẫn. Trong tình huống đó, bạn sẽ làm gì?
- Lờ đi như không nghe thấy họ nói gì và đi tiếp.
- Đi vượt lên trên và hỏi “Hai em trò chuyện gì mà vui thế?” nhằm chấp dứt câu chuyện “buôn dưa lê” lung tung, phê phán giáo viên không đúng chỗ và cũng là để “nhắc khéo” cho chúng biết bạn đã nghe thấy.
- Không phản ứng gì vội mà chú ý lắng nghe hết câu chuyện xem hai học sinh đó phàn nàn về vấn đề gì. Khi biết được thông tin, bạn có thể xem lại cách dạy của mình cho phù hợp. Buổi lên lớp sau bạn gợi ý lại vấn đề bằng cách hỏi các em về cách dạy của mình và “vô tình” mời một trong hai em hôm qua lên phát biểu. Sau đó bạn hứa sẽ tiếp thu và nhắc nhở các em nên nói chuyện một cách trực tiếp, thẳng thắn với giáo viên, không nên biến nó thành những câu chuyện phiếm sau lưng các thầy cô.
Việc bàn tán về các thầy cô giáo dường như đã là một “căn bệnh mãn tính” của học sinh. Nào là cô này xinh, cô kia xấu, cô này ăn mặc “model”, thầy kia có nụ cười duyên, đôi mắt đẹp, rồi cô kia có dáng đi “hãm tài”… vô vàn những “đặc điểm” của các thầy cô trở thành đề tài cho các cuộc bàn luận sôi nổi ở mọi lúc mọi nơi. Là một giáo viên trẻ bạn nên “làm quen” dần với điều này và đôi khi cũng phải coi nó là “chuyện thường ngày ở huyện” nên không cần để ý.
Nhưng lần này bạn vô tình nghe thấy câu chuyện về cách giảng bài của bạn. Không thể bỏ ngoài tai được rồi. Là một giáo viên trẻ mới về trường, bạn luôn có tâm lý lo lắng, “nghe ngóng” xem có ai bàn tán gì về cách dạy của mình không? Phương pháp truyền đạt của mình đã thực sự phù hợp chưa?… Vì vậy khi nghe lời phàn nàn dù không trực tiếp và chưa chắc đã chính xác này cũng làm bạn giật mình. Bạn sẽ “hành động” ngay lập tức bằng cách đi vượt lên trên và ra tín hiệu cho chúng biết là bạn đã nghe thấy, và “liệu hồn” mà chấm dứt ngay. Điều đó cũng cần thiết để ngăn chặn việc nói năng về giáo viên không đúng chỗ, nhưng cũng chỉ là giải pháp tạm thời mà thôi. Biết đâu khi bạn đi qua rồi chúng còn bàn tán nhiệt tình hơn thì sao!
Hay bạn sẽ bỏ qua vì cho rằng đó chỉ là những câu chuyện thường ngày, chẳng có gì lạ của học sinh, không đáng phải bận tâm. Nếu nghĩ như vậy e rằng bạn đã quá chủ quan. Vì biết đâu những lời nói đó lại phản ánh đúng sự thật, một sự nhận xét rất cần thiết để bạn tiến bộ mà không bao giờ bạn có thể nghe một cách trực tiếp.
Vì thế hãy thận trọng và bình tĩnh hơn, cố gắng lắng nghe hết những điều mà hai học sinh đó đang “trò chuyện” về mình (mặc dù phải nói thẳng rằng “nghe trộm” câu chuyện của người khác là việc làm hơi xấu, bạn không nên vận dụng nó một cách thường xuyên). Sau đó bạn chắt lọc thông tin và xem lại cách dạy của mình xem có gì chưa ổn và tìm cách khắc phục. Nhưng điều này đòi hỏi sự điềm tĩnh, biết lắng nghe và thấu hiểu học sinh mà không phải giáo viên nào cũng có được. Thái độ luôn sẵn sàng tiếp thu để thay đổi rất cần thiết cho những giáo viên trẻ muốn cải thiện khả năng giảng dạy của mình.
Và trong buổi học hôm sau chắc chắn bạn phải dành ra một khoảng thời gian để thẩm định lại thông tin. Bạn có thể bắt đầu vấn đề một cách nhẹ nhàng cởi mở: “Như các em biết cô là một giáo viên trẻ, mới ra trường nên kinh nghiệm nghề nghiệp còn rất non nớt. Chính vì vậy cách giảng bài của cô chắc chắn sẽ còn những chỗ chưa sâu sắc, chưa phù hợp. Trước hết cô mong các em hiểu và thông cảm cho cô. Nhưng điều cô mong muốn hơn đó là các em sẽ góp ý, giúp đỡ cô để cô có thể thay đổi. Nếu các em không cho cô biết thì trước hết người thiệt thòi sẽ là các em. Các em hoàn toàn có quyền phát biểu thẳng thắn những suy nghĩ của mình vì mục đích xây dựng, cô rất cảm ơn và trân trọng những ý kiến đó”. Dừng một lát để học sinh có thời gian để suy nghĩ nghiêm túc về vấn đề này, bạn có thể tiếp tục bằng cách mời các em phát biểu. Nhân cơ hội này bạn cũng nên “đánh tiếng” cho hai em học sinh hôm qua đã bàn tán sau lưng bạn là bạn đã biết các em “nói xấu” về bạn bằng cách “vô tình” gọi một trong hai lên trình bày ý kiến của mình. Kết thúc buổi thảo luận đó, bạn cần phải chốt lại vấn đề và không quên nhắc nhở các em: “Cô rất vui vì hôm nay các em đã nói lên những suy nghĩ của mình. Cô hứa sẽ có sự điều chỉnh để phù hợp với các em hơn. Cô trò chúng ta cùng phấn đấu vì một kết quả tốt đẹp nhất. Nhưng cô mong rằng lần sau có vấn đề gì các em hãy cứ trao đổi thẳng thắn với các thầy cô giáo, đừng e ngại điều gì cả. Đó là quyền lợi chính đáng của các em. Tuyệt đối không nên đem những vấn đề đó ra bàn tán, nếu “chẳng may” các thầy cô biết được sẽ nghĩ không hay về các em”.
Sau cuộc trò chuyện vừa chân tình vừa nghiêm khắc ấy, chắc chắn học sinh sẽ cảm phục bạn hơn không chỉ vì bản lĩnh của một cô giáo trẻ mà còn vì sự cởi mở, tinh thần cầu tiến, không tự ái cá nhân, luôn phấn đấu vì tương lai của học trò.