Ý thức là một trong hai phạm trù thuộc vấn đề cơ bản của triết học. Nó là hình thức cao của sự phản ánh của thực tại khách quan, hình thức mà riêng con người mới có. Ý thức của con người là cơ năng của cái “khối vật chất đặc biệt phức tạp mà người ta gọi là bộ óc con người” (theo Lê Nin).
Ý thức của con người tồn tại trước hết trong bộ óc của con người và sau đó, thông qua thực tiễn lao động, nó tồn tại trong các vật phẩm do con người sáng tạo ra (vật chất xã hội – vật chất mang/chứa ý thức). Ý thức bao gồm nhiều yếu tố như tri thức, tình cảm, niềm tin, lý trí, ý chí…. Trong đó, tri thức (yếu tố cốt lõi) và tình cảm có vai trò rất quan trọng. Tri thức và tình cảm thống nhất, chuyển hoá lẫn nhau; sự thống nhất của chúng tạo ra động lực tinh thần mạnh mẽ thúc đẩy hoạt động của con người, góp phần làm cho con người trở thành chủ thể sáng tạo ra lịch sử.
Thông qua hoạt động thực tiễn, mà trước hết là thực tiễn lao động, ý thức con người xâm nhập vào hiện thực vật chất, nhờ đó, nó có được sức mạnh của cái tinh thần. Dựa trên sức mạnh này, ý thức tác động đến thế giới, góp phần làm cho thế giới biến đổi. Ý thức con người không chỉ phản ánh thế giới mà còn góp phần sáng tạo nên thế giới theo nhu cầu thực tiễn xã hội.
Tính sáng tạo của ý thức thể hiện ra rất phong phú. Trên cơ sở những cái đã có trước, ý thức có khả năng tạo ra tri thức mới về sự vật, có thể tưởng tượng ra cái không có trong thực tế, có thể tiên đoán, dự báo tương lai, có thể tạo ra những ảo tưởng, những huyền thoại, những giả thuyết khoa học hết sức trừu tượng và khái quát cao. Những khả năng ấy càng nói lên tính chất phức tạp và phong phú của đời sống tâm lý – ý thức ở con người mà khoa học còn phải tiếp tục đi sâu nghiên cứu để làm sáng tỏ bản chất của những hiện tượng ấy.
Ý thức ra đời trong quá trình con người hoạt động cải tạo thế giới, cho nên quá trình phản ánh hiện thực khách quan vào bộ óc người là quá trình năng động sáng tạo, thống nhất 3 mặt sau:
Một là, trao đổi thông tin giữa chủ thể và đối tượng phản ánh. Sự trao đổi này mang tính chất hai chiều, có định hướng, có chọn lọc các thông tin cần thiết.
Hai là, mô hình hoá đối tượng trong tư duy dưới dạng hình ảnh tinh thần. Thực chất, đây là quá trình “ sáng tạo lại” hiện thực của ý thức theo nghĩa: mã hoá các đối tượng vật chất tạo thành các ý tưởng tinh thần phi vật chất.
Ba là, chuyển mô hình từ tư duy ra hiện thực khách quan, tức quá trình hiện thực hoá tư tưởng, thông qua hoạt động thực tiễn biến cái quan niệm thành cái thực tại, biến các ý tưởng phi vật chất trong tư duy thành các dạng vật chất ngoài hiện thực. Trong giai đoạn này, con người lựa chọn những phương pháp, phương tiện, công cụ để tác động vào hiện thực khách quan nhằm thực hiện mục đích của mình.
Tính sáng tạo của ý thức là sáng tạo của sự phản ánh, theo quy luật của sự phản ánh mà kết quả bao giờ cũng là những khách thể tinh thần. Sáng tạo và phản ánh là hai mặt thuộc bản chất ý thức.
Tác động của ý thức xã hội đối với con người là vô cùng to lớn. Nó không những là kim chỉ nam cho hoạt động thực tiễn mà còn là động lực thực tiễn. Sự thành công hay thất bại của thực tiễn, tác động tích cực hay tiêu cực của ý thức đối với sự phát triển của tự nhiên, xã hội hủ yếu phụ thuộc vào vai trò chỉ đạo của ý thức mà biểu hiện ra là vai trò của khoa học, văn hoá và tư tưỏng.
Nền kinh tế của nước ta từ một điểm xuất phát thấp, tiềm lực kinh tế – kỹ thuật yếu, trong điều kiện sự biến đổi khoa học – công nghệ trên thế giới lại diễn ra rất nhanh, liệu nước ta có thể đạt được những thành công mong muốn trong việc tạo ra nền khoa học – công nghệ đạt tiêu chuẩn quốc tế trong một thời gian ngắn hay không? Chúng ta phải làm gì để tránh được nguy cơ tụt hậu so với các nước trong khu vực và trên thế giới? Câu hỏi này đặt ra cho chúng ta một vấn đề đó là sự lựa chọn bước đi và trật tự ưu tiên phát triển khoa học – công nghệ trong quan hệ với phát triển kinh tế trong các giai đoạn tới. Như vậy có nghĩa là ta cần phải có tri thức vì tri thức là khoa học. Chúng ta phải không ngừng nâng cao khả năng nhận thức cho mỗi người. Tuy nhiên nếu tri thức không biến thành niềm tin và ý chí thì tự nó cũng không có vai trò gì đối với đời sống hiện thực cả. Chỉ chú trọng đến tri thức mà bỏ qua công tác văn hoá- tư tưởng thì sẽ không phát huy được thế mạnh truyền thống của dân tộc. Chức năng của các giá trị văn hoá đã đem lại chủ nghĩa nhân đạo, tính đạo đức. Không có tính đạo đức thì tất cả các dạng giá trị (giá trị vật chất và tinh thần) sẽ mất đi mọi ý nghĩa. Còn cách mạng tư tưởng góp phần làm biến đổi đời sống tinh thần – xã hội, xây dựng mối quan hệ tư tưởng, tình cảm của con người với tư cách là chủ thể xây dựng đời sống tinh thần và tạo ra được những điều kiện đảm bảo sự phát triển tự do của con người.Mà có tự do thì con người mới có thể tham gia xây dựng đất nước.
Như vậy, ý thức mà biểu hiện trong đời sống xã hội là các vấn đề khoa học – văn hoá – tư tưởng có vai trò vô cùng quan trọng. Tìm hiểu về ý thức và tri thức để có những biện pháp đúng đắn tạo điều kiện cho sự phát triển toàn diện xã hội.