Tờ báo chữ quốc ngữ đầu tiên ở nước ta là tờ Gia Định báo Gia Định báo là tờ báo đầu tiên bằng chữ Quốc ngữ, được ra mắt vào ngày 15 tháng 4 năm 1865 tại Sài Gòn.
Đây là phương tiện truyền thông đầu tiên hoàn toàn mới mẻ, làm cho tiếng Việt mới có cơ hội phổ biến trong dân chúng. Gia Định báo phát hành trong phạm vi vùng chiếm đóng của thực dân Pháp lúc đó là 3 tỉnh miền Đông Nam Bộ. Gia Định báo có khổ 25x32cm và giá 0,97 đồng/tờ. Thời gian đầu, báo ra mỗi tháng 1 kỳ vào ngày 15 hàng tháng. Báo ra mỗi tháng 2 kỳ, rồi mỗi tuần 1 kỳ, tuy nhiên ngày ra báo của Gia Định báo không cố định, khi thì thứ ba, thứ tư, lúc lại thứ bảy. Số trang của Gia Định báo cũng không cố định, khi thì 4 trang, lúc 12 trang. Nội dung chính của Gia Định báo ban đầu gồm 2 phần: công vụ và tạp vụ. Phần công vụ chuyên về các vấn đề chính trị, pháp lý, công quyền, đăng các công văn, nghị định, thông tư, đạo dụ của chính quyền thực dân; còn phần tạp vụ gồm các tin tức địa phương trên các lĩnh vực: kinh tế, tôn giáo, văn hóa – xã hội… Bước đầu, Gia Định báo có mục đích chủ yếu là công cụ thông tin của thực dân Pháp ở Đông Dương với tư cách là một tờ công báo chuyên đăng các công văn, nghị định, thông tư, đạo dụ của chính quyền thực dân. Sau này, khi Trương Vĩnh Ký chính thức làm giám đốc, tờ báo mới được phát triển mục biên khảo, thơ văn, lịch sử… Từ đó, báo không chỉ làm một tờ công báo đơn thuần nữa. Gia Định báo cũng có góp phần cổ động việc học chữ Quốc ngữ và lối học mới, mở đường cho các thể loại văn xuôi Việt Nam in bằng chữ Quốc ngữ, đặt nền móng cho sự hình thành báo chí Việt Nam