Chất dân gian được thể hiện trong bài Tương Tư của Nguyễn Bính

Trong khi hầu hết các nhà Thơ mới – theo nhận xét của Hoài Thanh “đều đội lên đầu dăm bảy nhà thơ Pháp” thì Nguyễn Bính đã tìm một lối đi riêng,  trở về với văn hóa dân gian,  với những câu hát cửa đình,  rặng mồng tơi,  bến đò ,  cây đa,  bến nước…. Ông đã trở thành “chủ soái” của trường phái “thơ mới dân gian” gồm Anh Thơ,  Đoàn Văn Cừ,  Bàng Bá Lân.  Và cũng như các nhà Thơ mới khác,  thơ Nguyễn Bính có tiếng hát tình yêu song không mãnh liệt,  dữ dội như tình yêu trong thơ Xuân Diệu,  không tang thương như thơ tình Hàn Mặc Tử.  Tình yêu trong thơ Nguyễn Bính chân thật và mộc mạc như tình yêu của người bình dân trong ca dao.  Bài thơ “Tương tư” rất tiêu biểu cho hồn thơ và giọng thơ Nguyễn Bính trong lĩnh vực thơ tình.  Bài thơ là sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa nét truyền thống và hiện đại,  vừa chứa những nét dân gian chân chất vừa mang trong mình cái hồn thơ mới.

Tham khảo: Soạn bài Tương tư – Nguyễn Bính

Trong dòng Thơ Mới 1930-1945 , ”Tương tư” của Nguyễn Bính có phong cách cổ điển dân dã ở cả thi liệu,  thể thơ,  đề tài.  Nếu như thơ Xuân Diệu mới lạ trong màu sắc phương Tây ,  Hàn Mặc Tử siêu thực trong thơ Điên… Nguyễn Bính tinh ròng chất ca dao . Nét truyền thống trước hết thể hiện ở ngay thể thơ- thể lục bát,  đây là thể thơ truyền thống do người Việt Nam sáng tạo nên.  Nguyễn Bính vận dụng cách ngắt nhịp đều đặn,  hài hoà như ca dao truyền thống.  Đó là nhịp chẵn 2/2/2; 2/4( câu lục ) và 2/2/2/2; 4/4 ( câu bát ) thường thấy của ca dao:

“ Thôn Đoài / ngồi nhớ / thôn Đông
Một người / chín nhớ / mười mong / một người”

Về đề tài,  bài thơ là nỗi nhớ,  tương tư trong tình yêucủa chàng trai dành cho người con gái.  Đây là đề tài thường thấy trong ca dao.

Nhớ ai khổ sở thế nầy
Nhớ ai,  ai nhớ,  đêm ngày nhớ ai
Nhớ ai,  ai có nhớ ai
Nhớ sao da diết,  biết có ai nhớ mình

(ca dao)

Khăn thương nhớ ai
Khăn rơi xuống đất
Khăn thương nhớ ai
Khăn vắt lên vai
Khăn thương nhớ ai
Khăn chùi nước mắt

(ca dao)

Thơ lục bát của Nguyễn Bính cũng rất tự nhiên,  mượt mà,  không gò ép nhưng cũng không rơi vào diễn ca,  vần vè,  dễ dãi.  Bởi thể lục bát dường như đã nhuyễn vào hồn thơ Nguyễn Bính.  Theo thi sĩ Mộng Tuyết thì Nguyễn Bính làm thơ lục bát rất dễ dàng: “ Bính viết lục bát nhanh như văn xuôi”.  Đọc thơ Nguyễn Bính,  ta như được thưởng thức những khúc nhạc êm dịu của ca dao:

Gió mưa là bệnh của trời,
Tương tư là bệnh của tôi yêu nàng.
Hai thôn chung lại một làng,
Cớ sao bên ấy chẳng sang bên này?
Ngày qua ngày lại qua ngày,
Lá xanh nhuộm đỏ thành cây lá vàng.
Bảo rằng cách trở đò giang,
Không sang là chẳng đường sang đã đành;
Nhưng đây cách một đầu đình,
Có xa xôi mấy mà tình xa xôi.

Phát huy nhịp điệu trầm buồn,  êm ái,  mượt mà của thể lục bát,  Nguyễn Bính đã tạo nên những dòng thơ lục bát rất hay,  mang đậm phong cách thơ “ chân quê”:

Về ngôn ngữ,  cũng như ngôn ngữ của thơ ca dân gian,  ngôn ngữ trong thơ Nguyễn Bính không cầu kì khuôn sáo mà gần gũi,  chân thành.  Ta nghe như có tiếng trách móc nhẹ nhàng đáng yêu của một chàng trai với người mình thương:

Hai thôn chung lại một làng,
Cớ sao bên ấy chẳng sang bên này?
Hay những lời kể chân chất:
Nhà em có một giàn giầu,
Nhà anh có một hàng cau liên phòng.

READ:  Phân tích bài thơ Vội vàng để thấy được niềm khát khao mãnh liệt trào dâng và tình yêu cuộc sống tha thiết cháy bỏng

Ngôn ngữ thơ của Nguyễn Bính gần gũi với ngôn ngữ thơ ca dân gian còn bởi nó giàu hình ảnh,  màu sắc,  nhạc điệu.  Nhà thơ đã chọn cho mình cách biểu hiện thế giới tình cảm trừu tượng thông qua những sự vật hiện tượng cụ thể xung quanh,  những cảnh quan bình dị nơi thôn dã gần gũi thân quen,  đó là thế giới của giàn giầu,  hàng cau,  mái đình,  của làng quê Việt Nam thân quen,  gần gũi.

Một điều đáng chú ý nữa là những từ có vùng mờ nghĩa hết sức đặc sắc của thơ ca dân gian đã hòa hợp vào “Tương tư” của Nguyễn Bính một cách rất tự nhiên.  Những cụm từ phíếm chỉ tôi- nàng,  Thôn Đoài – thông Đông,  bên ấy – bên này,  bến – đò,  hoa – bướm cùng đại từ phiếm chỉ “ai” rất tế nhị,  khó xác định chính xác đối tượng nhưng cũng rất dễ vận vào bất cứ người nào,  làm tăng khả năng khái quát tâm trạng điển hình của nhiều người,  tăng khả năng đồng cảm giữa những con người khác nhau. Nguyễn Bính đã làm người đọc phải suy nghĩ vấn vương bởi những câu có từ mờ nghĩa:

“ Tương tư thức mấy đêm rồi
Biết cho ai biết,  ai người biết cho
Hai thôn chung lại một làng
Cớ sao bên ấy chẳng sang bên này”

– Nguyễn Bính còn làm tăng sắc thái biểu hiện của ngôn ngữ thơ bằng việc sử dụng thành thạo các biện pháp tu từ mà ca dao hay dùng.  Những hình ảnh ẩn dụ,  so sánh thường xuyên đi về trong thơ Nguyễn Bính.  Nói tình yêu đôi lứa,  tác giả dùng hình ảnh “ hoa- bướm” (hoa khuê các,  bướm giang hồ),  “trầu- cau” (giàn giầu/ hàng cau liên phòng),  “bến- đò” (Bao giờ bến mới gặp đò).

Nguyễn Bính sử dụng rất thuần thục lối đan chữ thường thấy trong thơ ca dân gian,  “chín nhớ mười mong” được hoán cải từ thành ngữ ” chín nhớ 10 thương” từ thành ngữ để chàng trai bộc lộ nỗi niềm riêng tư của mình,  diễn tả sự xa cách trong tình yêu,  yêu người nhưng không được gặp người,  tình yêu không được đền đáp,  thậm chí người ta còn chưa biết nên sinh ra nỗi tương tư.  Do đó,  từ ngữ không còn ý nghĩa thường có của chúng bởi vì chính khi tư duy theo kiểu đan lồng những từ tương hợp thì ý nghĩa của từ đã được nhân lên gấp bội:

“Thôn Đoài ngồi nhớ thôn Đông
Một người chín nhớ mười mong một người”

Lối đan chữ “ chín nhớ mười mong” đã làm tăng nỗi nhớ mong thấp thỏm của chàng trai đang trong trạng thái “ tương tư”.

Nét hiện đại

Trong bài thơ,  chất dân gian vẫn không lấn át được những tình điệu lãng mạn vốn là sản phẩm đặc thù của thời đại Thơ mới.  Nét hiện đại thể hiện rõ nét qua nhịp điệu,  hình ảnh và đặc biệt là cảm xúc – tình cảm cá nhân được bộc lộ trực tiếp.

Trước hết ở nhịp điệu Nhịp điệu:

Vì mang hơi thở của cái tôi Thơ Mới,  lục bát của Nguyễn Bính nhiều khi phá vỡ tính cân xứng hài hoà của lục bát cổ,  đặc biệt là về nhịp điệu.  Lục bát trong thơ tình Nguyễn Bính vừa ngắt nhịp theo kiểu truyền thống vừa có những kiểu ngắt nhịp phá cách linh động diễn tả tâm hồn của nhân vật trữ tình và cái tôi trữ tình.  Tác giả sử dụng kiểu ngắt nhịp 3/3/2 ở câu bát làm cho lời thơ sinh động hẳn lên.  Nhịp thơ ngắt bất ngờ tạo sự xuất hiện đột ngột của tình huống:

READ:  Chứng minh rằng: Chí Phèo tỉnh Chí Phèo không say

Bao giờ bến mới gặp đò,
Hoa khuê các,  / bướm giang hồ /gặp nhau.

Hay sự ngắt nhịp 3/3 trong câu lục biểu thị nỗi chờ đợi mòn mỏi của chàng trai:

Ngày qua ngày/ lại qua ngày,
Lá xanh nhuộm đỏ thành cây lá vàng.

Với lối ngắt nhịp linh hoạt phá cách không tuân theo những quy tắc truyền thống mà tuân theo tần số dao động của tình cảm,  Nguyễn Bính đã tạo cho thơ lục bát của ông những dấu ấn riêng độc đáo khác với ca dao,  đem lại những xúc cảm mới mẻ cho người đọc.

-Về việc sử dụng hình ảnh,  Nguyễn Bính không phải là nhà thơ gây ấn tượng đối với người đọc bằng những hình ảnh mới lạ như những nhà Thơ Mới khác như Xuân Diệu,  Hàn Mặc Tử,  Chế Lan Viên.  Thơ ông là sự trở về với những hình ảnh gần gũi quen thuộc trong ca dao với những giàn giầu,  hàng cau,  làng xóm…nhưng điều đáng chú ý là Nguyễn Bính sử dụng hình ảnh chất liệu dân dã của ca dao nhưng ông đã thổi vào đó cái hồn của Thơ Mới.  Trong ca dao hay thơ trung đại,  các tác giả lấy thiên nhiên làm cái cớ,  ẩn chứa trong đó lí do,  gửi gắm nỗi niềm,  ẩn dụ cho chàng trai – cô gái

“Bóng trăng anh tưởng bóng đèn
Bóng cây anh ngỡ bóng thuyền em sang”
“Huệ nhớ thương Lan,  héo vàng xác Huệ
Anh quá thương nàng,  trối kệ thị phi”

Còn trong thơ Nguyễn  Bính,  tác giả thể hiện trực tiếp tình cảm của mình và thiên nhiên,  các hình ảnh thơ để tạo không gian nhân vật sống,  không gian quen thuộc nuôi dưỡng tình cảm của nhân vật trữ tình:

Nắng mưa là bệnh của giời
Tương tư là bệnh của tôi yêu nàng

Sự thực trong câu thơ đã len vào thứ giọng đậm chất thành thị của con người thời Âu hóa với đặc điểm dám gọi đích danh sự vật hiện tượng,  sự vật,  dám chường cái tôi của mình ra mà giãi bày – một lời giãi bày trần trụi,  táo bạo và mãnh liệt.  Ngay ở tên nhan đề bài thơ cũng đã thể hiện rõ ràng : “tương tư” – nó như phô bày,  như khoe lòng mình trước thiên hạ rằng tôi đang yêu,  tôi đang nhớ.  Điều này là một sự hiếm thấy trong ca dao.

“Tương tư” của Nguyễn Bính tuy vẫn đi trên khung truyền thống của dân tộc nhưng nét mới nhất là nằm ở nội dung.  Nguyễn Bính đã làm mới thể thơ lục bát bằng cách sử dụng từ ngữ,  hình ảnh,  nhịp điệu mới mẻ,  linh động,  thấm đẫm cái tình tứ Thơ Mới.  Bên cạnh đó đó ông đã thổi “ hồn quê” vào bài thơ. Điều này đã làm cho tác phẩm có diện mạo riêng so với ca dao và các tác phẩm khác trong phong trào Thơ Mới.  Nét nổi bật của hồn quê trong lục bát Nguyễn Bính là thứ hồn quê mang màu sắc cá nhân.  Cũng mang “ hồn quê” nhưng lục bát ca dao nó mang tính phổ quát còn trong thơ lục bát của Nguyễn Bính,  không gian đồng quê được phủ lên cái tâm tư của con người hiện đại.  Bài thơ vừa là sự kết hợp ,  kế thừa của những yếu tố truyền thống vừa có những nét mới,  tiêu biểu cho phong cách thơ Nguyễn Bính.