Chứng minh Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời và nắm quyền lãnh đạo cách mạng Việt Nam từ năm 1930 là một xu thế khách quan của lịch sử?

1. Tác động của chính sách thống trị, khai thác thuộc địa của thực dân Pháp

Dưới tác động của chính sách thống trị, khai thác thuộc địa của thực dân Pháp, xã hội Việt Nam đã chuyển từ xã hội phong kiến sang xã hội thuộc địa, với hai mâu thuẫn cơ bản : mâu thuẫn giữa dân tộc ta với thực dân Pháp và mâu thuẫn giữa nhân dân ta (chủ yếu là nông dân) với giai cấp địa chủ phong kiến. Giải quyết mâu thuẫn đó để đưa xã hội tiến lên theo đúng xu thế của thời đại là yêu cầu tất yếu khách quan của lịch sử.

Từ đầu thế kỷ XX, do ảnh hưởng của phong trào dân chủ tư sản thế giới và những chuyển biến kinh tế – xã hội Việt Nam, phong trào dân tộc ở nước ta tiếp tục phát triển, nhiều tổ chức chính trị theo hướng dân chủ tư sản đã xuất hiện:

  • Phong trào Đông Du (1906 – 1908) do nhà yêu nước Phan Bội Châu lãnh đạo.
  • Phong trào Đông Kinh Nghĩa Thục (1907) diễn ra khá sôi nổi dưới các hình thức tuyên truyền cải cách, cổ vũ lòng yêu nước.
  • Phong trào Duy Tân (1906 – 1908) nhằm vận động cải cách văn hoá, xã hội, đả kích bọn vua quan phong kiến thối nát.
  • Tổ chức Việt Nam Quang phục hội (1912) nhằm mục đích “đánh đuổi quân Pháp, khôi phục nước Việt Nam”.
  • Phong trào yêu nước của các tầng lớp tiểu tư sản thành thị phát triển mạnh như phong trào đấu tranh đòi trả tự do cho cụ Phan Bội Châu (1925), tổ chức đám tang cụ Phan Chu Trinh.
  • Việt Nam quốc dân đảng do Nguyễn Thái Học sáng lập (25-12-1927) là một đảng chính trị theo xu hướng cách mạng dân chủ tư sản. Mục đích của đảng này là đánh đuổi giặc Pháp, lật đổ chế độ phong kiến, thiết lập dân quyền. Cuộc khởi nghĩa Yên Bái (9-2-1930) biểu thị tinh thần phản kháng quyết liệt của giai cấp tư sản Việt Nam chống lại sự áp bức của thực dân Pháp. Sự thất bại của cuộc khởi nghĩa đã bộc lộ tính chất non yếu, bất lực của giai cấp tư sản và các tầng lớp tiểu tư sản trong vai trò cách mạng dân tộc.
READ:  Lê Hữu Trác

Các phong trào đó không đáp ứng được yêu cầu khách quan của sự nghiệp giải phóng dân tộc và đều bị thực dân Pháp đàn áp.

2. Khuynh hướng cứu nước theo con đường cách mạng vô sản

Năm 1911, Nguyễn Ái Quốc ra đi tìm đường cứu nước và đã lựa chọn đúng đắn con đường giải phóng dân tộc, đó là con đường cách mạng vô sản.

Nguyễn Ái Quốc tích cực truyền bá chủ nghĩa Mác – Lênin vào Việt Nam, chuẩn bị về chính trị, tư tưởng và tổ chức cho việc thành lập Đảng tiên phong cách mạng ở Việt Nam. Việt Nam thanh niên cách mạng đồng chí hội ra đời, trực tiếp truyền bá lý luận Mác – Lênin, lý luận về cách mạng giải phóng dân tộc của Nguyễn Ái Quốc vào Việt Nam, làm dấy lên trong cả nước một phong trào dân tộc dân chủ sôi nổi. Đảng Tân Việt cũng ra đời.

READ:  Động cơ nào thôi thúc Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước? Con đường đi tìm đường cứu nước của Bác khác với con đường của lớp người đi trước như thế nào?

Khuynh hướng cách mạng vô sản phát triển mạnh làm xuất hiện ba tổ chức cộng sản ở Việt Nam.

Ngày 3 tháng 2 năm 1930, Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời. Cương lĩnh đầu tiên của Đảng vạch rõ đường lối chiến lược thực hiện cách mạng tư sản dân quyền và thổ địa cách mạng để tiến lên xã hội cộng sản…

Như vậy, sau một thời kỳ dài, kể từ đầu thế kỷ XX, lịch sử dân tộc ta đã lần lượt khảo nghiệm đủ các cương lĩnh cứu nước khác nhau và cuối cùng chỉ còn Đảng Cộng sản Việt Nam là có khả năng nắm ngọn cờ dân tộc, đấu tranh giải phóng dân tộc, lãnh đạo cách mạng Việt Nam tiến lên.

Mới ra đời, Đảng đã giương cao ngọn cờ cách mạng, đoàn kết và lãnh đạo toàn dân ta tiến lên đấu tranh giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp, từng bước giành thắng lợi trong cuộc cách mạng phản đế và phản phong kiến.