Cơ sở khách quan và những tác dụng của quy luật giá trị trong nền sản xuất hàng hóa

1. Cơ sở khách quan và yêu cầu của quy luật giá trị.

Quy luật giá trị là quy luật kinh tế của nền sản xuất hàng hóa. Ở đâu có sản xuất hàng hóa thì ở đó có quy luật giá trị hoạt động một cách khách quan.

Quy luật giá trị đòi hỏi việc sản xuất và trao đổi hàng hóa, phải dựa trên cơ sở hao phí lao động xã hội cần thiết, có nghĩa là:

– Trong sản xuất, nó đòi hỏi người sản xuất luôn luôn có ý thức tìm cách hạ thấp hao phí lao động cá biệt xuống nhỏ hơn, hoặc bằng hao phí lao động xã hội cần thiết.

– Trong lưu thông, nó đòi hỏi việc trao đổi hàng hóa phải dựa trên nguyên tắc ngang giá.

Quy luật giá trị hoạt động thông qua sự lên xuống của giá cả trên thị trường. Nó có mối quan hệ hữu cơ với quy luật cung – cầu. Khi cung lớn hơn cầu thì giá cả nhỏ hơn giá trị. Khi cung nhỏ hơn cầu thì giá cả lớn hơn giá trị.

2. Tác dụng của quy luật giá trị.

Quy luật giá trị hoạt động ở trong mọi phương thức sản xuất có sản xuất hàng hóa, nhưng đặc điểm hoạt động, vai trò và tác dụng của nó khác nhau, vì nó bị các quy luật kinh tế đặc thù của phương thức sản xuất đó chi phối.

READ:  Cơ sở và ý nghĩa của việc phân chia tư bản thành tư bản bất biến và tư bản khả biến?

Trong điều kiện nền sản xuất hàng hóa dựa trên cơ sở chế độ tư hữu giữ vai trò thống trị, quy luật giá trị hoạt động một cách tự phát và có bốn tác dụng chủ yếu sau:

– Tự phát điều tiết các yếu tố sản xuất (tư liệu sản xuất và sức lao động) vào các ngành, các khu vực khác nhau của nền sản xuất

xã hội, thông qua sự biến động của cung – cầu thể hiện qua giá cả trên thị trường.

– Tự phát điều tiết lưu thông hàng hóa. Thông qua sự biến động (chênh lệch) của giá cả, hàng hóa từ nơi có giá cả thấp sẽ được di chuyển về nơi có giá cả cao.

– Tự phát kích thích cải tiến kỹ thuật, hợp lý hóa sản xuất, tăng năng suất lao động, làm cho lực lượng sản xuất phát triển.

– Tự phát làm phân hóa người sản xuất thành giàu và nghèo.

Trong điều kiện chủ nghĩa xã hội có nền kinh tế nhiều thành phần trong đó thành phần kinh tế nhà nước và kinh tế tập thể làm nền tảng, còn thành phần kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo thì vai trò của quy luật giá trị về cơ bản không còn như trước. Tuy nhiên nó vẫn thực hiện chức năng điều tiết, kích thích và đào thải vốn có của nó.

READ:  Nguyên nhân dẫn đến khủng hoảng và sụp đổ của mô hình chủ nghĩa xã hội Xô viết?

Trong điều kiện quá độ lên chủ nghĩa xã hội, nền kinh tế còn nhiều thành phần, còn nhiều loại quy luật đặc thù hoạt động đan xen vào nhau, làm cho sự hoạt động của quy luật giá trị vừa có tính tự phát vừa có tính tự giác, tuy vẫn có đầy đủ các tác dụng trên.

Vấn đề quan trọng là phải nhận thức và vận dụng quy luật giá trị bằng các chính sách kinh tế phù hợp trên cơ sở khoa học, nhằm thực hiện có hiệu quả những mục tiêu kinh tế – xã hội.