ĐỌC HIỂU BÀI
THÁI SƯ TRẦN THỦ ĐỘ
I. GỢI DẪN
1. Ngô Sĩ Liên người làng Chúc Lí, huyện Chương Đức, nay thuộc xã Chúc Sơn, huyện Chương Mĩ, Hà Tây. Ông đỗ Tiến sĩ năm 1442 và giữ vai trò quan trọng trong việc biên soạn bộ Đại Việt sử kí toàn thư – tác phẩm không chỉ có giá trị về mặt lịch sử mà còn có giá trị lớn về văn học nghệ thuật. Ngô Sĩ Liên cùng nhóm tác giả soạn Đại Việt sử kí toàn thư trên cơ sở bộ Đại Việt sử kí của Lê Văn Hưu và Sử kí tục biên của Phan Phu Tiên, hoàn thành năm 1479.
2. Đại Việt sử kí toàn thư gồm hai phần : ngoại kỉ và bản kỉ, phần ngoại kỉ viết về lịch sử nước ta từ thời Hồng Bàng đến thế kỉ X ; phần bản kỉ viết tiếp từ thời Đinh Tiên Hoàng đến thời Hậu Lê. Đại Việt sử kí toàn thư được viết theo lối biên niên, lấy thời gian làm trục chính để ghi lại các sự kiện lịch sử theo trình tự năm, mùa, tháng, ngày…
Đoạn trích Thái sư Trần Thủ Độ thuộc phần bản kỉ. Khi viết về một nhân vật lịch sử, người viết sử thường kể lại công lao của nhân vật, đồng thời thể hiện thái độ của mình. Trần Thủ Độ là một nhân vật có vai trò vô cùng quan trọng đối với triều đại nhà Trần. Trong đoạn trích, người viết đã lựa chọn bốn câu chuyện tiêu biểu để ngợi ca nhân cách chính trực, chí công vô tư của Tướng quốc Trần Thủ Độ. Bốn sự kiện ấy phản ánh bốn khía cạnh trong nhân cách Trần Thủ Độ. Bài viết đã thể hiện tài năng của người viết : vừa kể chuyện lịch sử vừa thể hiện thái độ và tình cảm trân trọng đối với các anh hùng dân tộc.
3. Cách đọc
Lời văn trong bài là lời người chép sử. Cần đọc chậm, rõ, thể hiện tính khách quan, đảm bảo đặc trưng thể loại.
Tham khảo: Soạn bài Thái sư Trần Thủ Độ
II. KIẾN THỨC CƠ BẢN
Vương nghiệp của nhà Lí – một triều đại có thời gian tồn tại khá dài của lịch sử Việt Nam, đã kết thúc ở đời nữ vương Lí Chiêu Hoàng. Vua Lí Huệ Tông không có con trai nối dõi, ngôi báu được nhường ngôi cho con gái Lí Chiêu Hoàng mới lên bảy tuổi. Vai trò lịch sử của nhà Lí đã hết, Trần Thủ Độ đã tận dụng thời cơ, khéo léo chuyển ngôi từ nhà Lí sang nhà Trần một cách êm đẹp bằng cuộc hôn nhân giữa Lí Chiêu Hoàng và Trần Cảnh. Dưới sự sắp đặt khéo léo của Trần Thủ Độ, Lí Chiêu Hoàng nhường ngôi cho chồng. Vai trò lịch sử của nhà Lí chấm dứt, triều đại nhà Trần được bắt đầu một cách thuận lợi. Đây là một sự chuyển giao hiếm có trong lịch sử Việt Nam. Tất cả nhờ tài năng và mưu lược của Thái sư Trần Thủ Độ. Nhà Trần đã ghi vào lịch sử dân tộc những trang vô cùng vẻ vang với một nền kinh tế phát triển ổn định và ba lần chiến thắng quân Mông – Nguyên lẫy lừng.
Dù lịch sử có một số ý kiến khác nhau về những việc làm của Trần Thủ Độ đối với nhà Lí và với cả anh em Trần Cảnh, song điểm nổi bật hơn cả vẫn là công lao của ông đối với vương nghiệp nhà Trần và với lịch sử dân tộc. Vì thế trong Đại Việt sử kí toàn thư, các tác giả đã dành những trang viết rất đẹp cho vị “ân công” của nhà Trần này.
Đoạn trích có kết cấu quen thuộc của loại bản kỉ, được chia làm hai phần. Phần 1, giới thiệu thời gian và sự kiện. Phần 2, miêu tả sự kiện và kể chuyện về nhân vật lịch sử. Kết cấu rõ ràng, diễn đạt gọn, hành văn dứt khoát, chính xác là những đặc điểm nổi bật của đoạn trích.
Trong phần đầu, tác giả thông báo sự kiện Trần Thủ Độ chết. Giới thiệu sự kiện bằng cách nêu mốc thời gian : “Giáp Tí, năm thứ 7. Mùa xuân, tháng giêng”.
Người xưa chưa theo lịch Tây nên ghi thời gian theo can chi và niên hiệu đời vua đang trị vì. Trần Thủ Độ chết vào năm Giáp Tí niên hiệu Thiệu Long thứ 7, đó là năm 1264. Đây là đoạn sử về nhân vật lịch sử, nên kèm theo lời giới thiệu sự kiện là giới thiệu con người : “truy tặng Thượng phụ Thái sư Trung Vũ Đại Vương“.
Đến phần hai, người viết chọn những câu chuyện tiêu biểu trong cuộc đời chính trị của nhân vật để kể. Những câu chuyện đó bao giờ cũng thống nhất thể hiện một nội dung tư tưởng. Trong câu chuyện về Trần Thủ Độ, cảm hứng chủ đạo là ngợi ca nhân cách chính trực, chí công vô tư của Trần Thủ Độ. Là người có vai trò quyết định đối với sự thành bại của nhà Trần trong những ngày đầu mới khởi nghiệp nên phẩm chất ấy vô cùng quan trọng. Đặt quyền lợi dân tộc, đất nước, quyền lợi chung lên trên quyền lợi gia đình, quyền lợi cá nhân là điều vô cùng quan trọng với hoàn cảnh lịch sử lúc đó.
Đầu tiên, người viết giới thiệu sơ lược về Trần Thủ Độ : “Thủ Độ tuy không có học vấn, nhưng tài lược hơn người, làm quan triều Lí được mọi người suy tôn. Thái Tông lấy được thiên hạ đều là nhờ mưu sức của Thủ Độ cả, cho nên nhà nước phải nhờ cậy, quyền hơn cả vua”. Với ưu thế như vậy, nếu không chí công vô tư, vì những chuyện nhỏ nhặt mà bỏ qua lợi ích cộng đồng, chắc hẳn đất nước sẽ rơi vào cảnh nhiễu nhương.
Người viết sử không được phép hư cấu, phải đảm bảo được sự thật lịch sử lại phải tạo được sự hấp dẫn của câu chuyện. Vì thế người viết sử cần có lòng trung thực và dũng khí hơn người. Ca ngợi Trần Thủ Độ nhưng vẫn đảm bảo được tính khách quan lịch sử, tác giả đã tỏ ra rất thông minh và sắc sảo khi lựa chọn các sự kiện để kể. Bốn sự kiện thể hiện được bốn phương diện nhân cách của Trần Thủ Độ.
Đối với người hặc tội mình, bằng thái độ chân thành, dũng cảm, thực sự lo lắng cho đức vua, Trần Thủ Độ đã không giận, không trách mắng mà còn ban thưởng. Thông thường thói đời ghét kẻ vạch tội mình. Nhưng Trần Thủ Độ không chỉ là người có tài năng mà còn là một nhân cách lớn. Sự thực, vua Trần còn ít tuổi nên ông phải đứng ra lo việc nước. Đứng ở phương diện công bằng, người hặc tội đã nói đúng. Lối ứng xử của Thủ Độ đầy bất ngờ. Tưởng như khi nhà vua dẫn người ấy đến, người ấy sẽ bị rơi đầu. Nhưng không, Thủ Độ đã xác nhận “đúng như lời người ấy nói”, và “lấy tiền lụa thưởng cho anh ta”. Vẻ đẹp nhân cách của ông đã toát lên từ hành động ấy. Cách ứng xử ấy còn thể hiện thái độ tự tin của ông.
Câu chuyện thứ hai còn thú vị hơn với nghệ thuật kể chuyện đầy kịch tính, ngắn gọn và thật bất ngờ. Linh Từ Quốc Mẫu, vốn là hoàng hậu của nhà Lí, nhà Lí đổ, trở thành vợ của Thủ Độ, mẹ vợ của vua. Người lính dám không vâng mệnh bà, lẽ thường chắc chắn bị rơi đầu. Nhưng khi Quốc Mẫu về kể lại và khóc lóc thở than, Thủ Độ gọi người lính đó tới, tưởng để phạt, nhưng không ngờ lại ban thưởng cho anh ta. Hành động ấy của ông đã khích lệ người cấp dưới thực hiện nghiêm phép nước, đó là cái gốc để vận nước được bền lâu. Vì lợi ích cộng đồng, Thủ Độ đã chấp nhận ảnh hưởng đến gia đình riêng chứ không chấp nhận để phép nước bị nhờn. Dù rằng, nếu ông có trách cứ tên lính để vừa lòng vợ cũng chẳng có gì đáng trách. Đặt phép nước lên trên hết, Thủ Độ đã có lối hành xử xứng danh là người đứng ở vị thế cao trong xã hội.
Nghệ thuật kể chuyện khéo léo, thông minh còn được thể hiện rõ hơn ở hai câu chuyện tiếp theo. Câu chuyện Quốc Mẫu xin cho người nhà chức câu đương có lẽ là câu chuyện thú vị nhất. Nó không chỉ thể hiện tấm lòng chí công vô tư của Trần Thủ Độ mà còn thể hiện sự ứng xử thông minh và khéo léo của ông. Không từ chối lời xin của vợ nên không làm mất lòng vợ mà vẫn giữ nguyên phép nước, chống lại hiện tượng nhờ cậy xin chức tước. Linh Từ Quốc Mẫu xin cho người nhà một chức câu đương, chức rất nhỏ trong hàng chức sắc địa phương. Nếu Thủ Độ có cho anh ta chức ấy thì cũng chẳng có gì đáng trách. Thế nhưng không vì một chút lợi nhỏ mà làm hỏng phép nước. Thật bất ngờ khi Thủ Độ biên lấy tên tuổi, gọi người đó đến. Tưởng như câu chuyện chẳng có gì. Nhưng thật bất ngờ và thú vị khi ông nói “Ngươi vì Công chúa xin cho được làm câu đương… phải chặt một ngón chân để phân biệt”. Nhiều người cho rằng, Thủ Độ làm thế là nhẫn tâm với vợ. Nhưng thực ra câu chuyện muốn nhấn mạnh rằng dù việc lớn hay nhỏ, ông đều tuân thủ đúng phép nước. Những câu chuyện nhỏ ấy là tấm gương để răn dạy những chuyện lớn hơn.
Việc lớn nhất, Thủ Độ cũng xử sự rất đúng mực, ông chỉ tuân theo một nguyên tắc duy nhất : đặt quyền lợi cộng đồng lên trên quyền lợi cá nhân. Ông đã kiên quyết chống lại thói gia đình trị. Những việc Trần Thủ Độ làm là những việc cần thiết để ổn định xã hội, nhất là vào những ngày đầu dựng nghiệp của nhà Trần với bao nhiêu khó khăn phức tạp. Sự thịnh vượng của nhà Trần và sự ổn định xã hội khá lâu thời Trần có sự góp công rất lớn của Trần Thủ Độ.
Nhà sử học Ngô Sĩ Liên đã khắc hoạ thành công chân dung của Trần Thủ Độ qua bốn câu chuyện tiêu biểu. Qua bức chân dung vô cùng sinh động và đầy hấp dẫn này, sử gia đã khẳng định tài năng của người viết sử. Ngợi ca nhân cách Trần Thủ Độ, tác giả đã thể hiện nhân cách cao cả của mình. Phải có nhân cách lớn mới hiểu được những con người vĩ đại. Phải chí công vô tư, có tinh thần trách nhiệm với dân tộc, nhà viết sử mới có được tầm nhìn rộng và chính xác để có được những trang viết sử vừa chính xác, vừa sinh động như vậy.
III. LIÊN HỆ
Trần Thủ Độ (1194 – 1264) là nhà chính trị lỗi lạc có công thành lập nhà Trần. Ông sinh ra trong một gia đình khá giả họ Trần, sớm tham gia vào quân đội Trần Tự Khánh, giúp vua Lí dẹp loạn trở lại kinh đô. Năm 1224, ông được Lí Huệ Tông phong chức Điện tiền chỉ huy sứ, Tri thành thị nội ngoại chủ quản sự. Năm 1225, Lí Huệ Tông bị bệnh nặng, ông quyết định tổ chức cuộc thay đổi triều đại bằng việc đưa công chúa Chiêu Thánh mới 6 tuổi lên làm vua. Đầu năm 1226, ông lại tổ chức Đại hội ở điện Thiên An, trước bá quan văn võ Lí Chiêu Hoàng nhường ngôi cho chồng là Trần Cảnh. Nhà Trần thành lập (1226), ông được giữ chức Thái sư, trông coi mọi việc triều chính giúp vua. Ông đã làm việc hết sức mình, như sử cũ nhận định : “Tuy không có học vấn nhưng tài lược hơn người”, trong thì hoà giải mọi xích mích trong dòng họ mình, ngoài thì dẹp yên các lực lượng chống đối, chấn chỉnh bộ máy nhà nước, củng cố quan hệ với các thủ lĩnh dân tộc miền núi.
… Đầu năm 1258, quân Mông Cổ kéo sang xâm lược. Mặc dù đã hơn 60 tuổi, ông vẫn tích cực tham gia cùng vua lãnh đạo cuộc kháng chiến. Tình thế hết sức căng thẳng, vua Trần đi thuyền nhỏ đến hỏi ý kiến ông. Ông khảng khái đáp : “Đầu tôi chưa rơi xuống đất, xin Bệ hạ đừng lo”. Không lâu sau, theo đúng kế hoạch, quân ta phản công quyết liệt diệt được giặc Mông – Nguyên. Năm 1263, ông vẫn theo lệnh vua đi tuần nguồn sông ở Lạng Sơn. Tuổi già, sức yếu, năm 1264, ông mất. Vua truy tặng ông chức Thượng phụ Thái sư Trung Vũ Đại Vương và tự tay viết bài văn ở sinh từ của ông để tỏ lòng thương tiếc.
Trong cuộc đời hoạt động hết sức mình vì sự nghiệp xây dựng và củng cố triều đại Trần, Trần Thủ Độ đã thể hiện sâu sắc lòng trung thành tuyệt đối của mình, nhưng cũng vì vậy mà không tránh khỏi một số việc khiến người đời lên án.
(Theo Đinh Xuân Lâm – Trương Hữu Quýnh (Chủ biên),Từ điển nhân vật lịch sử Việt Nam, Sđd)