ĐỌC HIỂU BÀI
HIỀN TÀI LÀ NGUYÊN KHÍ CỦA QUỐC GIA
I. GỢI DẪN
1. Tác phẩm
Bài kí đề danh tiến sĩ khoa Nhâm Tuất niên hiệu Đại Bảo thứ ba là bài kí về khoa thi tiến sĩ đầu tiên được dựng bia tại Văn Miếu – Quốc Tử Giám, Hà Nội. Nội dung cơ bản của bài kí là giải thích ý nghĩa và mục đích của việc dựng bia tiến sĩ. Mục đích cơ bản nhất là tôn vinh những người tài, động viên khích lệ để người tài dồn tâm huyết và sức lực hơn nữa chăm lo cho vận mệnh dân tộc. Bài kí có kết cấu của một bài tựa. Ngôn ngữ cô đúc, sắc sảo, lập luận chặt chẽ, có sức truyền cảm, có khả năng thuyết phục người nghe, người đọc.
2. Cách đọc
Đây là văn bản thuộc thể văn chính luận, nên đọc với giọng dứt khoát, rõ ràng, nhấn mạnh những yếu tố quan trọng, ngắt nghỉ phân chia đúng từng đoạn lí do, mục đích của việc xây dựng văn bia.
Tham khảo: Soạn bài Hiền tài là nguyên khí quốc gia // Nghị luận xã hội về câu nói: Hiền tài là nguyên khí quốc gia
II. KIẾN THỨC CƠ BẢN
Bài kí đề danh tiến sĩ khoa Nhâm Tuất, niên hiệu Đại Bảo thứ 3 có vai trò quan trọng như một bài tựa cho 82 tấm bia tiến sĩ ở Quốc Tử Giám, được viết theo thể văn chính luận. Bài kí viết ra nhằm mục đích giải thích lí do, mục đích lâu dài, cần thiết và quan trọng của việc lập văn bia tiến sĩ. Văn bản chính luận thiên về lập luận, lí lẽ để thuyết phục người nghe (người đọc) vì vậy cần một lối viết sắc sảo, lập luận và kết cấu chặt chẽ. Bài kí đề danh tiến sĩ… đã đạt đến trình độ chuẩn mực cho các yêu cầu của văn chính luận trung đại.
Đoạn trích Hiền tài là nguyên khí quốc gia được mở đầu bằng thái độ khiêm tốn của người viết. Để nói đến ý nghĩa đúng đắn và tầm quan trọng của việc dựng bia ghi công những bậc hiền tài, người viết mở đầu bằng một nhận định đã có tính chất như chân lí được đúc kết từ lâu : “Hiền tài là nguyên khí của quốc gia”. “Nguyên khí” là chất làm nên sự sống còn và phát triển của đất nước, xã hội, hiền tài cũng là kết tụ khí thiêng của dân tộc, của trời đất như người đời vẫn nói “địa linh sinh nhân kiệt”. Là nơi đúc kết khí thiêng sông núi, là nguyên khí của quốc gia nên hiền tài có ý nghĩa quyết định đến vận mệnh thịnh suy của đất nước, “Nguyên khí thịnh thì thế nước mạnh, rồi lên cao, nguyên khí suy thì thế nước yếu, rồi xuống thấp”. Một cách rất ngắn gọn và rõ ràng, tác giả đã nêu bật được vai trò của hiền tài đối với vận mệnh dân tộc, đó là vai trò quyết định.
“Triều đình mừng được người tài, không có việc gì không làm đến mức cao nhất”. Vì vậy, các triều đình đều đã có những hình thức tôn vinh hiền tài, “quý chuộng kẻ sĩ”, “ban ân rất lớn”, “nêu tên ở tháp Nhạn, ban cho danh hiệu Long hổ, bày tiệc Văn hỉ”. Như thế vẫn cho là chưa đủ, chưa xứng với vai trò của hiền tài với vận mệnh quốc gia, “chuyện hay việc tốt tuy có một thời lừng lẫy, những lời khen tiếng thơm chưa đủ lưu vẻ sáng lâu dài, cho nên lại dựng đá đề danh đặt ở cửa Hiền Quan…”.
Phần mở đầu, tác giả đã nêu rõ lí do dựng bia tiến sĩ, đó là biểu hiện của tinh thần trọng người tài của dân tộc của các đấng minh vương. Phần thứ hai, khẳng định việc dựng bia đá là đúng đắn và cần thiết, bởi ngoài ý nghĩa tôn vinh hiền tài, “khiến cho kẻ sĩ trông vào mà phấn chấn hâm mộ, rèn luyện danh tiết, gắng sức giúp vua”, dựng bia còn để “kẻ ác lấy đó làm răn, người thiện theo đó mà gắng, dẫn việc dĩ vãng, chỉ lối tương lai, vừa để rèn giũa danh tiếng cho sĩ phu, vừa để củng cố mệnh mạch cho nhà nước”. Và người viết đã khẳng định đây là ý sâu xa nhất của việc dựng văn bia. Mục đích lâu dài và sâu sắc của việc dựng văn bia là răn dạy lẽ phải, phòng ngừa sự tha hoá biến chất của người có tài trong thiên hạ. Người tài của đất nước tuy không nhiều song cũng không quá hiếm hoi ; nhưng để là người hiền tài, là nguyên khí của quốc gia thì cần phải có những hình thức sử dụng hiệu quả. Tác giả đã đưa ra một số trường hợp “có tài mà không có đức” và giải thích : “những kẻ vì nhận hối lộ mà hư hỏng, hoặc rơi vào hàng ngũ bọn gian ác, có lẽ vì lúc sống họ chưa được nhìn tấm bia này. Ví thử hồi đó được mắt thấy thì lòng thiện tràn đầy, ý xấu bị ngăn chặn”. Mục đích và ý nghĩa của việc dựng bia đá được nói rất rõ và cụ thể. Tấm bia đá sẽ là lời nhắc nhở các bậc hiền tài ý thức hơn về trách nhiệm của mình với vận mệnh dân tộc.
Dựng bia ghi danh tiến sĩ là việc làm có ý nghĩa trọng đại đối với dân tộc, vì vậy, những lí lẽ, lập luận giải thích phải triệt để. Tiến sĩ Thân Nhân Trung đã thực hiện xuất sắc điều đó. Tiến sĩ giải thích rất rõ, dựng bia không phải là chuyện “chuộng văn suông, ham tiếng hão”, “Thánh thần đặt ra đâu phải là vô dụng” mà là một phương thức để củng cố vận mệnh dân tộc, đó là kế sách thu phục và sử dụng hiền tài của các bậc minh quân.
Tóm lại, mục đích của việc dựng văn bia là tôn vinh hiền tài và răn dạy, nhắc nhở người hiền tài ý thức rõ hơn trách nhiệm của mình đối với vận mệnh quốc gia.
Nhưng dù sao, lí do quan trọng nhất để minh vương quyết định đặt bia đá ở cửa Hiền Quan vẫn là vì vai trò quan trọng của hiền tài đối với vận mệnh dân tộc. Lối kết cấu vòng tròn của bài kí đã khẳng định điều đó. Bài kí mở đầu bằng câu “Hiền tài là nguyên khí của quốc gia” và kết thúc với ý “để củng cố mệnh mạch cho nhà nước”.
Phần lạc khoản của bài kí bắt đầu từ “Bề tôi kính ghi…” đến hết, đã ghi đầy đủ và trân trọng những người tham gia dựng bia. Điều này cũng góp phần thể hiện thái độ trân trọng và ý nghĩa trọng đại của việc dựng bia tiến sĩ.
III. LIÊN HỆ
Thân Nhân Trung (1419 – 1499) là nhà thơ, nhà giáo dục nổi tiếng. Ông tự là Hậu Phủ, quê ở làng Yên Ninh, huyện Yên Dũng, tỉnh Bắc Giang, đậu tiến sĩ năm 1469. Sau đó, ông giữ chức Tế tửu Quốc Tử Giám, thăng Đông các Đại học sĩ, kiêm Thượng thư bộ Lại. Ông tham gia biên soạn bộ Thiên nam dư hạ tập, viết bài tựa bộ sách này, được Lê Thánh Tông cử làm Phó nguyên soái hội Tao Đàn. Khi Lê Thánh Tông mất, ông được đặc cử Soạn bài để khắc ở bia Thánh Tông Chiêu lăng bi minh. Ông còn một số bài thơ Nôm trong Hồng Đức quốc âm thi tập. Sự nghiệp trước tác và thơ văn của Thân Nhân Trung phản ánh tinh thần yêu nước tích cực của tầng lớp trí thức đương thời.
(Đinh Xuân Lâm – Trương Hữu Quýnh (Chủ biên),
Từ điển nhân vật lịch sử Việt Nam, Sđd)