Đọc hiểu bài Thái phó Tô Hiến Thành

ĐỌC HIỂU BÀI
THÁI PHÓ TÔ HIẾN THÀNH

I. GỢI DẪN

1. Đại Việt sử lược là cuốn sách ghi về lịch sử nước ta từ thời Triệu Đà đến khoảng thế kỉ XIV, do một sử gia chưa rõ tên tuổi sống vào khoảng nửa cuối thế kỉ XIV biên soạn. Tác phẩm ghi lại các sự kiện lịch sử của quá khứ dân tộc và bày tỏ thái độ khen chê của sử gia để đời sau học tập, nghiên cứu và rút kinh nghiệm. Đại Việt sử lược được viết theo lối biên niên (viết về các sự kiện theo trình tự thời gian) song có xu hướng thiên về kỉ sự (viết theo các sự kiện hoặc theo từng sự việc của nhân vật lịch sử.

2. Đoạn Thái phó Tô Hiến Thành được viết theo lối kỉ sự, kể về một nhân vật lịch sử theo hướng ngợi ca. Nhà viết sử lựa chọn một số sự kiện tiêu biểu để làm nổi bật nhân cách đáng kính của Tô Hiến Thành, đồng thời phản ánh phần nào tình hình phức tạp trong việc triều chính thời phong kiến, và qua đó khẳng định xã hội ổn định được là nhờ vào các bậc đại thần thanh liêm chính trực như Tô Hiến Thành.

3. Cách đọc

– Đọc kĩ các chú thích trong SGK.

– Đọc chậm, nhấn giọng ở các lời thoại và các chi tiết về thời gian để làm nổi bật đặc trưng của thể loại.

II. KIẾN THỨC CƠ BẢN

Bài viết chủ yếu nói về Tô Hiến Thành – một đại thần của nhà Lí, có tài năng thao lược và nhân cách hơn người. Người viết đã lựa chọn những tình tiết đặc sắc tiêu biểu trong cuộc đời của Tô Hiến Thành để vừa làm nổi bật được nhân cách của nhân vật vừa thể hiện được sự phức tạp của chuyện triều chính đương thời. Một số sự kiện lịch sử quan trọng cũng được đề cập đến trong đoạn trích này.

Nhân cách của Tô Hiến Thành được thể hiện khi triều chính có nhiều vấn đề phức tạp xảy ra. Năm 1175, vua Lí Anh Tông mất, thế tử Long Cán lên ngôi khi mới hai tuổi, đó là vua Lí Cao Tông. Vì Lí Cao Tông còn nhỏ, muốn giữ chắc quyền lực, Thái hậu Đỗ Thuỵ Châu muốn lập Long Sưởng – anh của Long Cán lên ngôi. Lúc này theo di chúc của Lí Anh Tông, Tô Hiến Thành đang là Tể tướng mới đứng ra phụ chính. Những việc rắc rối bắt đầu từ đó. Nhưng chính sự phức tạp ấy của triều chính đã chứng tỏ nhân cách cứng cỏi của Tô Hiến Thành.

Thái hậu đã dùng nhiều thủ đoạn, từ dụ dỗ, mua chuộc đến thách thức, doạ nạt với nhiều mánh khoé thâm hiểm để ép Tô Hiến Thành vi phạm đạo lí quân thần, trái với di chúc của Tiên đế. Cách ứng xử của Tô Hiến Thành đã thể hiện được bản lĩnh của một đại thần, nhân cách của một nhà Nho.

Thái hậu dùng cách “đem vàng lụa đến hối lộ Lã Thị – vợ của Hiến Thành” để ép Tô Hiến Thành phế Lí Long Cán, nhưng ông đã rất kiên quyết dùng lí lẽ để từ chối. Đó là một lí lẽ vẹn toàn không ai có thể không bị thuyết phục “nhận đồ hối lộ của người mà mưu phế lập, thiên hạ sẽ nói ta như thế nào ? Giá như mọi người đều là kẻ bưng tai bịt mắt không biết, thì ta biết lấy lời nào để trả lời Tiên Vương ở dưới suối vàng ?”.

READ:  Soạn bài Phú sông Bạch Đằng

Hối lộ không thành, Thái hậu lại mang bả vinh hoa phú quý xen lẫn doạ nạt để mua chuộc, ép buộc Hiến Thành. Song với lòng trung nghĩa và bản lĩnh cứng cỏi, ông đã không bị khuất phục trước những tính toán đầy mưu lợi và bất trung của Thái hậu. Lí lẽ của Hiến Thành vẫn là nội dung trên, không thể để công luận chê cười và hổ thẹn với người đã mất : “Bất nghĩa mà được phú và quý, đó không phải là điều người trung thần nghĩa sĩ vui làm. Huống chi, lời di chúc của Tiên Vương còn ở bên tai. Đối với công luận sẽ như thế nào ? Thần không dám vâng lời”. Hiến Thành đã dùng lời của Khổng Tử – những lời nói luôn có ý nghĩa như nguyên tắc đạo đức của nhà Nho, của người quân tử. Bên cạnh đó, ông còn dùng lí lẽ để cho Thái hậu thấy việc làm của Thái hậu là không đúng, không thuận lợi cho xã tắc. Công luận là nhân dân, làm trái lẽ đời không chỉ bản thân Hiến Thành chịu tiếng xấu mà lòng dân sẽ không yên, mất lòng tin vào triều đình, đất nước tất sẽ dễ có loạn. Hiến Thành đã giữ đúng đạo của kẻ bầy tôi trung thành, đó chính là “trung quân ái quốc”.

Đỗ Thái Hậu là người nham hiểm và đầy tham vọng. Mua chuộc Hiến Thành không thành, Thái hậu tính thực hiện chính sách cứng rắn, định dùng thế lực vương gia để uy hiếp ông, nên đã gọi Bảo Quốc Vương – Lí Long Sưởng vào (Long Sưởng từng được lập làm Thái tử, sau vì có lỗi bị giáng xuống làm Bảo Quốc Vương). Nhưng Tô Hiến Thành đã chặn đứng được âm mưu làm loạn xã tắc của Thái hậu. Trong lịch sử phong kiến những cuộc tranh giành quyền lực trong triều đình đã gây không ít đau thương cho xã tắc, đã xảy ra bao cuộc chiến tranh “nồi da xáo thịt”, “huynh đệ tương tàn” bởi những âm mưu “tranh quyền đoạt vị” như Đỗ Thái hậu. Hiến Thành đã dùng lí lẽ chính nghĩa để nhắc nhở lòng trung nghĩa của các quan trong triều, để họ cùng ông chặn đứng được âm mưu bất trung, trái đạo của Thái hậu. Ông vừa dùng lí lẽ, vừa dùng lời cứng rắn để nói với các quan : “Tiên vương thấy tôi và các ngài gắng hết sức vì vương thất, không ăn ở hai lòng…. Các ngài phải tận lòng trung, đem hết sức mình, nghe lời ta. Kẻ vâng mệnh ta, được thưởng lâu dài, kẻ trái lời ta sẽ bị giết phơi ngoài chợ”. Lí lẽ đúng đắn và cứng rắn của Tô Hiến Thành đã chặn đứng mọi ý định bất trung, đồng thời đánh thức được ý thức trách nhiệm trong hàng ngũ quan lại. Vì vậy, ý định của Thái hậu đã bị chặn đứng, sơn hà tránh được một phen đảo điên.

Không chỉ trung nghĩa, không tham danh lợi, Hiến Thành còn là một người không tư lợi, không vì tình riêng mà quên lợi ích dân tộc. Cách ứng xử của Hiến Thành đối với âm mưu phế lập của Thái Hậu đã thể hiện lòng trung nghĩa của ông. Người viết sử đã chọn câu chuyện thứ hai để ngợi ca nhân cách của Hiến Thành, một lần nữa khẳng định tấm lòng vì nước quên thân của ông. Câu chuyện được bắt đầu bằng sự kiện Hiến Thành mất năm 1179 và thái độ trân trọng của nhà vua đối với ông : “Thái uý Tô Hiến Thành mất. Vương bãi triều bảy ngày, ăn chay ba ngày”.

READ:  Soạn bài Tóm tắt văn bản thuyết minh

Là một viên quan trụ cột của triều đình, Hiến Thành biết đặt lợi ích của dân tộc lên trên lợi ích cá nhân. Ông làm việc bằng lí lẽ chứ không vì tình cảm riêng tư. Dù khi ông ốm, Vũ Tán Đường luôn ở bên chăm sóc, nhưng ông lại đề xuất Trần Trung Tá – người vì bận nhiều việc không thể đến thăm ông- là người thay thế khi ông mất. Bởi ông chọn người làm được việc cho đất nước, đó là tinh thần trách nhiệm của một vị đại thần. Song rất tiếc, Đỗ Thái Hậu lại là người có quan niệm đối lập với Hiến Thành, bà đã đặt quyền lợi quốc gia xuống dưới quyền lợi gia đình, quyền lợi bản thân nên đã chọn Đỗ An Thuận, em trai của bà, lên làm người phụ chính khi Hiến Thành qua đời. Hai cách ứng xử của hai con người ấy đã làm nổi bật lên nhân cách cao đẹp của Tô Hiến Thành, đồng thời người viết sử đã phản ánh được hiện thực phức tạp của đất nước dưới triều đại cuối cùng của nhà Lí. Những người như Tô Hiến Thành mang hết tâm sức để giữ gìn sự yên bình cho xã tắc, thì những người như Đỗ Thái hậu lại luôn tìm cách tranh thủ mọi cơ hội, dùng mọi âm mưu đen tối để thực hiện tham vọng của mình, dù tham vọng ấy có thể gây những hậu quả nghiêm trọng cho non sông xã tắc.

Với lối kể chuyện cô đọng, hấp dẫn, tác giả Đại Việt sử lược đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của người viết sử, vừa ghi lại được những sự kiện lịch sử quan trọng, vừa ca ngợi những tấm gương anh hùng dân tộc, để khi đọc các tác phẩm sử học, thế hệ sau không chỉ tìm được ở đó những tri thức về lịch sử mà cả những bài học quý báu về lẽ sống, cách sống và kinh nghiệm sống.

III. LIÊN HỆ

Tô Hiến Thành (? – 1179) là vị đại thần nổi tiếng nhà Lí. Ông quê ở làng Hạ Mỗ, huyện Đan Phượng (Hà Tây), làm quan đời Lí Anh Tông đến chức Thái phó, trông coi việc binh. Năm 1141, Thân Lợi khởi nghĩa ở vùng Thái Nguyên, rồi tiến đánh các nơi. Ông được cử cầm quân đi đánh, bắt được Thân Lợi ở Lạng Châu. Năm 1159, các tộc người ở miền Tây Nam nổi dậy, ông đã đem quân dẹp yên. Năm 1160, ông được giao việc tuyển chọn tướng sĩ. Năm sau đó, ông được giao cầm quân đi tuần vùng biên giới, ven biển nhằm giữ vững an ninh đất nước và chỉ đạo việc đắp đê biển Cổ Am (Vĩnh Bảo). Năm 1167, quân Chămpa xâm lấn biên giới phía nam, ông được cử cầm quân đi đánh. Vua Chămpa xin rút quân và tiếp tục giữ lệ phiên thần như cũ. Sau đó, ông được giao trách nhiệm đảm đương việc nước, rèn luyện quân sĩ, mọi việc nhất nhất đều được chấn chỉnh.

.Năm 1177, vua mới 3 tuổi lên ngôi, một mình ông phải lo việc nghiêm chỉnh, công bằng, mọi người đều quy phục.

(Theo Đinh Xuân Lâm – Trương Hữu Quýnh (Chủ biên),

Từ điển nhân vật lịch sử Việt Nam, Sđd)